|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Thương trường từng được ví như chiến trường, bởi ở đó ranh giới giữa thành công và thất bại luôn luôn rạch ròi, không hề có một chút ưu tiên nào dành cho phái nữ.

Thậm chí, những nữ doanh nhân còn có phần bất lợi hơn, bởi theo quan niệm Á Đông, phụ nữ phải vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, tức vừa phải làm tròn thiên chức làm mẹ, làm vợ vừa phải gánh vác công việc kinh doanh.

Nhưng dường như những rào cản đó lại trở thành nguồn động lực bất tận để những nữ doanh nhân bứt phá vươn lên, khẳng định bản thân và trở thành người dẫn dắt.

Không những thành công tại thị trường quốc nội vốn đã quá quen thuộc, những "nữ tướng" Việt thời hiện đại còn không ngại "đem chuông đi đánh xứ người", góp phần định danh thương hiệu hàng Việt Nam trên thế giới.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, cùng chúng tôi nhìn lại những dấu chân "mở đường" của những nữ doanh nhân Việt trên thương trường quốc tế.

Những người phụ nữ can trường khắc thương hiệu Việt lên bản đồ thế giới - Ảnh 1.

Ngay từ những thập niên 90 của thế kỉ trước, trên những quầy kệ tạp hoá tại Iraq - một quốc gia Trung Đông xa xôi đã xuất hiện những hộp sữa bột mang thương hiệu Vinamilk của Việt Nam.

Đây là kết quả sau chuyến đi đầy quyết đoán của bà Mai Kiều Liên, khi đó là Chủ tịch HĐQT và hiện là Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM).

300 tấn sản phẩm sữa bột và 2.000 tấn sữa béo nguyên kem vận chuyển thành công sang Iraq vào năm 1998 là phát pháo mở đường cho các sản phẩm Vinamilk hiện diện tại 50 quốc gia suốt hơn 20 năm qua.

Nhớ lại thời khắc lịch sử khi ấy, bà Mai Kiều Liên không giấu được niềm tự hào: "Vinamilk đã vượt qua khoảng 15 hãng sữa lớn nhất, danh tiếng nhất thế giới để thắng thầu nhờ các yếu tố chất lượng sản phẩm, giá cả và thời gian giao hàng mọi lúc, mọi nơi".

Đến nay, không chỉ Iraq mà khu vực Trung Đông được Vinamilk đánh giá là thị trường trọng điểm, chiếm tỉ lệ lớn trong doanh thu xuất khẩu nói riêng cũng như doanh thu chung của tập đoàn.

Đại diện Vinamilk cho biết, trong nhiều năm liền, doanh số bán hàng của doanh nghiệp tại Trung Đông luôn tăng trưởng ở mức hai con số, khoảng 38%.

Không dừng lại với thành công tại thị trường Trung Đông, vị nữ doanh nhân sinh năm sinh năm 1953 còn ấp ủ tham vọng đưa Vinamilk trở thành một tập đoàn toàn cầu như trong cuộc trả lời phỏng vấn Forbes năm 2013.

"Chúng tôi sẽ đầu tư ra nước ngoài để tăng doanh số", bà Liên nói.

Liền sau đó, tháng 6/2013, công ty của bà Liên quyết định tiến vào thị trường Mỹ bằng việc tăng vốn đầu tư vào Công ty Miraka, đồng thời lên kế hoạch đầu tư vào Công ty Sữa Driftwood tại California – Nhà máy thành lập năm 1920 và đến nay đã có lịch sử lâu đời 100 năm tại bang Califonia và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học Nam California hơn 50 năm qua.

3 năm sau, Vinamilk chính thức sở hữu 100%. Sau khi Vinamilk tham gia, tình hình sản xuất kinh doanh đã có sự chuyển biến, ghi nhận doanh thu hơn 100 triệu đô. Năm 2019, Vinamilk tăng gấp đôi vốn đầu tư lên 20 triệu đô cho công ty này. Bất chấp các biến động lớn tại thị trường Mỹ, Driftwood ghi nhận doanh thu 2019 là 114 triệu đô.

Trước đó, vào năm 2010 Vinamilk cũng chính thức đánh chiếm thị trường New Zealand với việc mua 23,8% cổ phần của Công ty Miraka Limited. Dự án được đánh giá là quyết định táo bạo nhất của bà Liên cùng các cộng sự tại Vinamilk khi dám cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn ngành sữa ngay chính tại "thủ phủ" của vùng chăn bò sữa nổi tiếng trên thế giới là châu Âu, trong đó có New Zealand.

Để chinh phục thị trường sữa châu Âu, Vinamilk cũng không tiếc tiền rót đến 3 triệu USD để đầu tư dự án tại Ba Lan nhằm phân phối sữa lẻ và các chế phẩm từ sữa cũng như các nguyên liệu nông nghiệp khác.

Đầu năm nay, bất chấp những rào cản do đại dịch COVID-19 gây ra, những lô hàng sữa đặc Ông Thọ đầu tiên của Vinamilk đã xuất sang Trung Quốc - nơi có tổng giá trị thị trường sữa ước tính đạt khoảng 30 tỉ USD mỗi năm, sau hơn 3 năm thương thảo.

Sau 21 năm kể từ khi bắt đầu khai thác thị trường xuất khẩu tại Trung Đông, tính đến cuối năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đạt 2,2 tỉ USD. Sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bao gồm khu vực châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Trung Đông,…

Những người phụ nữ can trường khắc thương hiệu Việt lên bản đồ thế giới - Ảnh 2.

Dù đã chiếm tới 80% thị phần sữa trong nước và mang về hơn chục nghìn tỉ lợi nhuận mỗi năm cho các cổ đông, Vinamilk vẫn chọn con đường bước ra khỏi vùng an toàn, không ngại đối đầu với những thử thách mới tại những thị trường khó tính bậc nhất để đem sản phẩm thương hiệu Việt ra với thế giới.

Khi được hỏi liệu rằng khi tiến ra nước ngoài, Vinamilk có ngại cạnh tranh, bà Mai Kiều Liên  không ngần ngại bày tỏ hoài bão các cổ đông rằng: "Cạnh tranh ngày càng lớn vì còn nhiều cơ hội thì mọi người cùng tham gia vào. Cái đó là tốt. Không có cạnh tranh thì không có phát triển. Nó buộc các doanh nghiệp phát triển năng động hơn".

Bà Mai Kiều Liên, còn có cái tên thân thuộc là "Cô Liên" là một người phụ nữ có nếp sống giản dị. Bà Liên từng cho biết không thuê giúp việc, mà coi công việc nội trợ như một sở thích giúp bà giữ sự cân bằng.

Mỗi cuối tuần, bà đi chợ, chuẩn bị đồ ăn cho cả tuần vào thứ bảy, chủ nhật. Thường ngày bà Liên hoặc ông Nguyễn Hiệp, chồng bà, một cử nhân vật lí công tác tại viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tự đứng bếp, chuẩn bị bữa ăn.

Khác biệt với hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp nào hiện nay, bà Mai Kiều Liên cùng người nhà hiện chỉ sở hữu 0,3% cổ phần tại Vinamilk. Bà Liên chính là "Lãnh đạo 0%" nhưng trong mắt của một cổ đông lớn tại Vinamilk, bà là một nhân vật đặc biệt quan trọng đối với quyết định đầu tư vào doanh nghiệp này.

Những người phụ nữ can trường khắc thương hiệu Việt lên bản đồ thế giới - Ảnh 3.

Năm 2017, khi các ông lớn trong ngành thủy sản Việt Nam đang quay cuồng đối phó với thẻ vàng IUU của Uỷ ban châu Âu liên quan các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, thì CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) của bà Trương Thị Lệ Khanh vẫn phăng phăng tiến về phía trước.

Bằng việc mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Vĩnh Hoàn đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng và duy trì mức doanh thu, lợi nhuận tăng đều qua các năm.

Những người phụ nữ can trường khắc thương hiệu Việt lên bản đồ thế giới - Ảnh 4.

Tuy nhiên, trước những thành công ngày nay, Vĩnh Hoàn cũng từng trải qua nhiều sóng gió trên con tàu tiến ra thị trường quốc tế. Năm 2003, Vĩnh Hoàn với tư cách bị đơn bắt buộc do chiếm thị phần lớn nhất tại Mỹ, cùng hơn 50 doanh nghiệp thủy sản khác của Việt Nam đã phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá từ Hiệp hội các nhà sản xuất cá da trơn Mỹ.

Bà Khanh và các cộng sự khi ấy đã không chấp nhận cáo buộc và đấu tranh đến cùng, kết quả là Vĩnh Hoàn đã chiến thắng vụ kiện chống bán phá giá trên đất Mỹ và đạt được mức thuế 0%. Nhớ lại chiến thắng đó, bà Lệ Khanh ví von: "Đó như là một câu chuyện thần thoại vậy".

Thuỷ sản Vĩnh Hoàn được bà Trương Thị Lệ Khanh sáng lập vào cuối năm 1997, chỉ hai năm sau khi các lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam được gỡ bỏ. Đây cũng là thời điểm ngành cá Việt Nam được khơi thông, kéo theo sự bùng nổ của ngành chế biến xuất khẩu cá tra.

Ngành nghề kinh doanh chính của Vĩnh Hoàn theo đăng kí doanh nghiệp là xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa. Tuy nhiên, trong hai năm đầu thành lập, hoạt động chính của Vĩnh Hoàn vẫn chỉ là đi gia công xuất khẩu.

Đến năm thứ 3, với số vốn trong tay chỉ vỏn vẹn 70 triệu đồng với 70 công nhân, vị nữ lãnh đạo của tập đoàn thuỷ sản hàng đầu Việt Nam khi ấy đã mạnh dạn thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh, bắt đầu bắt mối làm ăn để đưa con cá tra xuất đi nước ngoài.

Rất nhanh chóng, những lô hàng xuất khẩu cá tra đầu tiên của Vĩnh Hoàn sang các thị trường như Mỹ, châu Âu,… đã được chấp nhận. Công việc làm ăn tại Vĩnh Hoàn dưới sự lèo lái của "thuyền trưởng" Lệ Khanh lên nhanh như diều gặp gió.

"Công việc kinh doanh lúc đó luôn trong tình trạng sản xuất không đủ cho nhu cầu", bà Khanh nhớ lại.

Từ chỗ phải đi gia công, đến năm 2006 Vĩnh Hoàn đã vươn lên đứng vị trí thứ 3 về xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam. Năm 2009, doanh nghiệp đã vươn lên vị trí thứ hai và dẫn đầu kể từ năm 2010 đến nay.

Dù vậy, tham vọng của bà chủ Vĩnh Hoàn không dừng lại ở đó. Rất nhiều lần bà Lệ Khanh đã trao đổi với báo giới rằng trong tương lai, bà muốn Vĩnh Hoàn trở thành một tập đoàn đa quốc gia.

"Vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi", bà Khanh chia sẻ với báo giới vào tháng 10 năm nay, sau khi được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Giới doanh nghiệp nhận định, với sự dẫn dắt của vị "nữ tướng" Trương Thị Lệ Khanh, Vĩnh Hoàn hoàn toàn có đủ cơ sở để mơ về tham vọng đó. Theo thống kê của Forbes, trong 10 năm từ 2008 đến 2018, Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh đã đưa doanh thu của Vĩnh Hoàn gần 4 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 18,1 lần và tổng tài sản tăng 5,1 lần.

"Không chỉ mở rộng vùng nuôi và tăng cường chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn phải làm sao đó để Vĩnh Hoàn có thể bán hàng trực tiếp cho siêu thị với thương hiệu của mình tại nhiều quốc gia", người sáng lập Vĩnh Hoàn chia sẻ khát vọng về đứa con tinh thần của mình.

Trước những thành công lớn, nhưng bà chủ Vĩnh Hoàn vẫn luôn giữ đôi chân trên mặt đất. Ở bà Trương Thị Lệ Khanh, người ta có thể dễ dàng bắt gặp bà bỏ cả giày dép ra và đi chân đất trên nền nhà trong những lần tiếp xúc với các quĩ đầu tư tại văn phòng công ty.

Bản thân Vĩnh Hoàn cũng phản ánh những đường nét về tính chất phác, giản dị của vị doanh nhân gốc miền Tây này.

Suốt nhiều năm qua, Vĩnh Hoàn luôn cho thấy sự thận trọng, chắt chiu trong hoạt động kinh doanh, Vĩnh Hoàn hầu như không sử dụng nợ vay để đầu tư mà chỉ vay một lượng vốn lưu động nhỏ so sới doanh số.

Chính điều đó đã đưa Vĩnh Hoàn từ doanh nghiệp tầm trung trở thành nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Mỹ.

Bà Khanh từng chia sẻ trước báo giới: "Những năm đầu phát triển chúng tôi không phải là doanh nghiệp lớn nhất, vị trí đó là của Agifish. Nhiều doanh nghiệp ra đời sau nhưng đã phát triển rất nhanh, ví dụ như thủy sản Nam Việt. Còn tôi là phụ nữ nên có phần cẩn trọng, trong một số tình huống không dám 'liều'".

Đến nay, khi mà VHC đang thăng hoa thì Agifish vẫn đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn bởi những khoản lãi vay phải trả quá nhiều.

Những người phụ nữ can trường khắc thương hiệu Việt lên bản đồ thế giới - Ảnh 5.

Thành công tại thị trường sơn ở Singapore - một thị trường khó tính bậc nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng mấy ai biết được rằng đứng sau Tập đoàn sơn Kova lại là một người phụ nữ có dáng người nhỏ bé, giữ học vị PGS.TS và hoàn toàn không biết gì về kinh doanh: nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hoè.

Sinh năm 1946, bà Hoè từng là giảng viên tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ và cuối cùng là ĐH Bách Khoa TP HCM. Năm 1993, nhờ nhờ đề tài nghiên cứu về sơn chống thấm và nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, Nguyễn Thị Hòe được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia tại Mỹ.

Sau chuyến đi đó, bà dấn thân vào con đường kinh doanh.

Nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh sơn, về nước, bà Hoè cùng chồng nhanh chóng thành lập công ty kinh doanh sơn lấy tên là Kova, tiếp tục nghiên cứu, phát triển đa dạng các dòng sơn phục vụ mọi công trình.

Tuy nhiên, trên thị trường lúc ấy thương hiệu sơn Kova vẫn là cái tên quá lạ lẫm với người tiêu dùng, và rất khó để một hãng sơn non trẻ, ít kinh nghiệm, ít vốn liếng như Kova đủ sức cạnh tranh với những hãng sơn ngoại nhập.

Khi ấy, bà Hoè nghĩ rằng chỉ có một cách để cho người dùng trên toàn thế giới biết tới sơn Kova và chứng minh được chất lượng sản phẩm, đó là tiến đánh thị trường Singapore - được mệnh danh là thị trường khó nhằn nhất, khiến rất nhiều tập đoàn sơn của Mỹ, Nhật, Đức phải đầu hàng.

Ngay trong năm đầu tiên đặt chân vào thị trường mới, Kova đã trúng gói thầu sơn phủ Trung tâm thương mại Vivo City, là một trong những trung tâm thương mại lớn bậc nhất Singapore. Không ngoài kì vọng, Kova đã thành công rực rỡ với công trình này và gây được tiếng vang lớn tại quốc đảo sư tử.

Từ đó, tập đoàn sơn Kova được đánh giá cao và tin tưởng bởi rất nhiều chủ dự án tại đây. Tính đến nay, tập đoàn sơn Kova đã thực hiện gần 20 dự án lớn tại Singapore từ những bệnh viện, trường học cho đến chung cư, khách sạn,…

Thừa thắng, sau Singapore, Tập đoàn sơn Kova tiếp tục chinh phục thị trường Đông Nam Á thứ 2 là Malaysia, và thị trường thứ 3 là Indonesia. Hiện Kova có trên 12  công ty thành viên, 9 nhà máy sản xuất, 8 văn phòng đại diện và hơn 1.000 đại lí trong và ngoài nước.

Từ 2013 đến nay, sơn Kova của nữ doanh nhân - nhà khoa học Nguyễn Thị Hoè đã tự tin tiến vào thị trường sơn châu Âu với những sản phẩm đặc thù như: sơn Nano từ vỏ trấu, dòng sơn chống thấm, sơn đá nghệ thuật, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy,…và gặt hái được những thành công nhất định.

Ở tuổi 72, trải lòng với tờ Thời Đại khi nhớ lại quãng thời gian hơn 20 năm phát triển Kova, bà Hoè không khỏi giật mình bởi những lần "làm liều", dũng cảm tiến đánh thị trường nước ngoài trong quá khứ của bản thân.

"Tôi đưa sơn sang Singapore là một sự liều lĩnh. Bởi khi sang Singapore, họ bảo Việt Nam chỉ có hạt điều, cafe, tre, nứa… chứ không thể đưa khoa học sang đấy. Năm đầu tiên, họ không coi tôi ra gì". Vậy nhưng chính từ sự liều lĩnh đó của người nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hoè đã góp phần giúp tên tuổi một hãng sơn Việt được nhiều người trên thế giới biết tới và nể phục.

"Khát vọng của Kova là đưa thương hiệu sơn Việt Nam trở thành thương hiệu được công nhận trên thế giới", bà Hoè tâm sự.

Dù khác nhau về thế hệ, khác biệt trong lĩnh vực, triết lí kinh doanh,… thì những nữ lãnh đạo doanh nghiệp này vẫn luôn có chung một điểm chung đó là sự can trường, đó là khát vọng đưa những sản phẩm mang thương hiệu Việt ra thế giới, được thị trường bên ngoài chấp nhận và đạt được thành công.

Thiên Trường
Alex Chu
Kinh tế & Tiêu dùng