|
 Thuật ngữ VietnamBiz

“Mọi thứ đều rất chán, tôi nghĩ tình hình khó khăn của thị trường vốn sẽ chưa thể chấm dứt, ít nhất là đến hết năm sau”, đây là nhận định của ông Trần Việt Hùng, CEO Founder của nền tảng Got it - một startup trong lĩnh vực công nghệ, đến từ Thung lũng Silicon.

Nhận định của ông Hùng dựa trên thực tế rằng, nhiều startup kinh doanh yếu kém đã phải rơi vào tình trạng phá sản, khi thị trường vốn đầu tư đang trong giai đoạn mùa đông. 

Năm 2023 là một năm khốc liệt đối với không chỉ lĩnh vực khởi nghiệp mà còn cả toàn bộ nền kinh tế. Những bất ổn từ địa chính trị, lãi suất tăng khiến dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp không còn dễ dàng như trước.

Nếu tác động của thị trường là nguyên nhân khách quan thì sự yếu kém của doanh nghiệp là yếu tố chủ quan dẫn tới sự sụp đổ. 

Dữ liệu của PitchBook cho thấy rằng khoảng 3.200 công ty khởi nghiệp ở Mỹ - đại diện cho tổng số vốn đầu tư mạo hiểm là 27,2 tỷ USD, đã phá sản. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp công ty khởi nghiệp đang ở trong chế độ “zombie", tức là không thể phát triển, không thể huy động vốn, chỉ vật vờ đủ để tồn tại.

Năm 2023, WeWork có lẽ là cái tên đình đám nhất rời cuộc chơi. Đầu tháng 11, kỳ lân công nghệ một thời đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 để tiến hành tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp, sau quãng thời gian kinh doanh bết bát hậu COVID. WeWork từng được định giá lên tới 47 tỷ USD và sở hữu hàng trăm mặt sàn tại nhiều quốc gia.

Tại Ấn Độ, kỳ lân edtech lớn nhất thế giới là Byju's đang đối mặt với các cáo buộc gian lận, cũng như giảm định giá do hai năm liên tiếp không tuân thủ các quy chuẩn báo cáo tài chính. 

Startup này từng được định giá lên tới 23 tỷ USD trong năm ngoái nhờ liên tục chi hàng tỷ USD cho việc mua lại các doanh nghiệp khác. Điều này đã không giúp cho Byju's tăng doanh thu, mà còn khiến công ty ngày càng thua lỗ.

WeWork hay Byju’s chỉ là một vài cái tên nổi bật nhất trong rất nhiều công ty khởi nghiệp đuối sức trong năm qua. 

Trong năm qua, thị trường startup Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng xoáy này.

Hồi tháng 10, Kilo - một startup hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử B2B (Business to Business) đã đóng cửa. Kilo là dự án khởi nghiệp do ông Kartick Narayan, cựu lãnh đạo Tiki thành lập với mục tiêu tạo ra một nền tảng giúp kết nối nhà bán buôn với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. 

Không phải là tên tuổi lớn như WeWork, Kilo chỉ dừng lại ở mức huy động 5 triệu USD cho vòng gọi vốn Series A hồi năm 2021, trước khi lặng lẽ rời thị trường.

Dự án sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D với vật liệu carbon của vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang vướng lùm xùm chất lượng kém trước khi dừng hoạt động.

Trước đó, làng khởi nghiệp Việt xôn xao trước thông tin Arevo Việt Nam - công ty khởi nghiệp liên quan đến sản phẩm sợi carbon của vợ chồng bà Lê Diệp Kiều Trang ngừng hoạt động.

Năm vừa qua, ngoài việc chứng kiến startup sụp đổ thì thị trường Việt Nam cũng chứng kiến sự thiếu vắng của các thương vụ gọi vốn. 

Theo báo cáo của nền tảng theo dõi dữ liệu Tracxn, tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đã giảm 82% so với cùng kỳ năm trước, từ 372 triệu USD xuống còn 66 triệu USD. 

So với thời điểm cuối năm ngoái, tổng vốn đầu tư cho các startup công nghệ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng giảm 41%, từ 113 triệu USD xuống còn 66 triệu USD. 

Hết năm 2023, thị trường Việt Nam không ghi nhận thêm bất cứ kỳ lân nào và lần cuối cùng một kỳ lân xuất hiện tại Việt Nam là vào nửa đầu năm ngoái. 

Thống kê từ Tech in Asia cho thấy, khu vực Đông Nam Á thu hút khoảng 10 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm với hơn 660 thương vụ diễn ra trong năm 2023. 

Dẫn đầu khu vực vẫn là hai thị trường Indonesia và Singapore, trong khi đó kể từ mức đỉnh 1,9 tỷ USD vào năm 2021, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đã giảm dần theo từng năm và ghi nhận ở mức 400 triệu USD vào năm 2023. 

Đi cùng với đó, số thương vụ gọi vốn cũng giảm một nửa so với con số 108 deal của năm 2021, xuống còn 55 deal trong năm nay.

Việc giá cổ phiếu của Grab hay GoTo giảm từ sau khi IPO khiến các nhà đầu tư có cái nhìn không mấy tích cực đối với các startup non trẻ hơn trong khu vực Đông Nam Á. Khi thời kỳ tiền rẻ kết thúc, các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong việc huy động vốn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Giới chuyên gia đã nói nhiều về việc lãi suất toàn cầu tăng cao cùng với hoạt động kinh doanh không mấy khả quan của những công ty công nghệ hàng đầu đang đè nặng lên việc định giá các công ty khởi nghiệp trong khu vực cũng như tâm lý nhà đầu tư. 

Nói với tờ Nikkei Asia, ông Martin Tang, đối tác tại Genesis Alternative Ventures cho biết: "Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đã chuyển trọng tâm từ cấp vốn cho các thương vụ mới sang cơ cấu lại danh mục đầu tư cũ". 

Có câu: “Biển lặng không làm nên một người thuỷ thủ giỏi”. Không phải hành trình nào cũng trải đầy hoa hồng, nhất là con đường kinh doanh. Ở thời điểm khó khăn, doanh nghiệp rõ ràng cần phải tự chịu trách nhiệm cho số phận của họ.

 

Hai cái tên được nhắc tới nhiều ở Đông Nam Á là Grab lẫn GoTo đều đã có nhiều nỗ lực để cải thiện hoạt động kinh doanh, tuy cách làm khác nhau nhưng cả đôi bên đều chung một mục tiêu là tối đa doanh thu và hướng tới con đường lợi nhuận. Cả hai đều cắt giảm tỷ lệ đốt tiền - vốn được xem là cách thức giành thị phần của nhiều ứng dụng gọi xe, sa thải nhân sự hàng loạt, đồng thời loại bỏ các mảng kinh doanh kém hiệu quả. 

Hồi tháng 9, Grab đã ngừng dịch vụ tài chính GrabInvest, trong khi GoTo - công ty mẹ của Gojek, lại thực hiện nước đi táo bạo hơn khi bán gần như toàn bộ mảng thương mại điện tử Tokopedia cho TikTok, để giảm áp lực đốt tiền trong cuộc chiến thương mại điện tử vẫn đang duy trì sức nóng tại thị trường Đông Nam Á.

Trong quý III, doanh thu Grab tăng 61% lên 615 triệu USD, đạt EBITDA điều chỉnh dương và công ty kỳ ​​vọng doanh thu năm 2023 sẽ nằm trong khoảng từ 2,31 tỷ USD đến 2,33 tỷ USD. Trong báo cáo quý III, số lượng người dùng giao dịch hàng tháng trên nền tảng của Grab đạt mức cao nhất mọi thời đại là 36 triệu. 

Ở phía đối diện, GoTo cũng đang cải thiện các khoản lỗ của mình. Trong quý III, GoTo thu hẹp khoản lỗ mức 2.400 tỷ rupiah (205,8 triệu USD) so với 6.700 tỷ rupiah cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu trong quý tăng 1% lên 5.900 tỷ rupiah. Theo lãnh đạo công ty, kết quả này có được nhờ ưu đãi và chi phí tiếp thị sản phẩm đã giảm mạnh 36% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 2.100 tỷ rupiah. Chi phí hoạt động cũng bị cắt giảm nhằm hướng tới mục tiêu có lãi. 

Theo đó, chi phí hoạt động cố định giảm 19% và chi phí cơ sở hạ tầng và đám mây giảm 25%, tiết kiệm chi phí hàng năm lên tới 2.500 tỷ rupiah cho GoTo. Ngoài ra, các khoản cắt giảm khác cũng giúp công ty "đỡ" khoảng 450 tỷ rupiah chi phí.

“Ở trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình. Chúng tôi cũng vậy, phải nỗ lực xoay sở, cắt giảm chi phí, giám sát hoạt động, tạo ra nguồn thu nhiều hơn để có runway (thời gian mà một công ty có thể tồn tại mà không cần huy động thêm vốn - PV) đủ dài vượt qua thời kỳ này", ông Hùng Trần nói.