|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Sinh năm 1971 trong một gia đình có bố là bác sĩ người Nam Phi, mẹ là người mẫu gốc Canada, Elon Musk từ nhỏ đã tỏ ra khác thường. Năm 9 tuổi, sau khi đọc hết các sách truyện cho lứa tuổi của mình, Musk chuyển sang cuốn Bách khoa toàn thư (Encyclopedia) Britannica.

Đến năm 10 tuổi, Musk tự học lập trình. Năm 12 tuổi, cậu viết ra một trò chơi điện tử mang tên Blastar và bán được với giá 500 USD – số tiền không nhỏ với một cậu bé thời điểm đó. Khi tập trung cao độ vào một việc gì đó, Elon Musk có thể bỏ ngoài tai mọi chuyện diễn ra xung quanh khiến cha mẹ nghi ngờ cậu bị điếc và đưa cậu đến bác sĩ khám.

Tỉ phú tham vọng bán WiFi cho tất cả 7 tỉ dân trái đất để thực hiện ước mơ lên sao Hỏa - Ảnh 1.

Về sau, Elon Musk và em trai cùng quản lí một hãng phần mềm rồi bán công ty này vào năm 1999. Mới 28 tuổi, Elon Musk đã có 22 triệu USD trong tay. Anh lại dùng toàn bộ số tiền này để đầu tư vào X.com – một công ty với mục tiêu thay đổi hoàn toàn phương thức chuyển tiền.

Sau này X.com sáp nhập với Confinity để tạo thành Paypal nổi tiếng ngày nay. Đến năm 2002, Paypal được bán cho cho eBay với giá 1,5 tỉ USD, trong đó riêng chàng trai 31 tuổi Elon Musk bỏ túi 165 triệu USD.

Cùng năm 2002, Musk thành lập công ty SpaceX, viết tắt của Space Exploration ("khám phá không gian").

Liệu có một ngày nào đó Elon Musk cũng sẽ bán SpaceX để thành lập một công ty khác nữa hay không? Câu trả lời gần như chắc chắn là không vì SpaceX là hiện thân của niềm đam mê tột cùng, mục đích tối cao trong cuộc đời Elon Musk: Khám phá không gian và đặt chân lên một hành tinh khác.

Tỉ phú tham vọng bán WiFi cho tất cả 7 tỉ dân trái đất để thực hiện ước mơ lên sao Hỏa - Ảnh 2.

Con người chưa một lần đặt chân lên hành tinh khác, kể cả người hàng xóm gần gũi nhất là Sao Hỏa. Con người đã lên đến Mặt Trăng nhưng lần gần đây nhất cũng đã từ năm 1972, tức là gần 50 năm trước.

Vào thời kì Chiến tranh Lạnh căng thẳng, nước Mỹ không tiếc tiền đầu tư cho công nghệ vũ trụ nhằm đánh bại Liên bang Xô viết trong cuộc đua lên không gian. Đến khi đã giành chiến thắng năm 1969 và sự hứng thú của người dân với du hành vũ trụ nguội lạnh dần, Mỹ cũng cắt giảm ngân sách cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA).

Năm 1966, NASA được cấp 47 tỉ USD (tính theo thị giá hiện nay), tương đương 4,41% ngân sách. Đến năm 2019, chính phủ Mỹ phân bổ cho NASA 20,7 tỉ USD, chỉ bằng 1,4% tổng chi ngân sách.

Tỉ phú tham vọng bán WiFi cho tất cả 7 tỉ dân trái đất để thực hiện ước mơ lên sao Hỏa - Ảnh 3.

Ngân sách không còn hào phóng như trước. Nhiều công nghệ bị ngừng nghiên cứu, nhiều nhóm kĩ sư, chuyên gia bị giải tán, … Ngày nay, nước Mỹ không còn động cơ tên lửa nào đủ mạnh để lên đến Mặt Trăng và muốn xây dựng lại sẽ tiêu tốn vô vàn tiền bạc cũng như thời gian. Ngay cả việc tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), Mỹ cũng phải phụ thuộc vào động cơ tên lửa của Nga.

Lên Mặt Trăng và ISS đã khó như vậy, thử hỏi ước mơ lên Sao Hỏa còn xa vời tới mức nào?

Tỉ phú tham vọng bán WiFi cho tất cả 7 tỉ dân trái đất để thực hiện ước mơ lên sao Hỏa - Ảnh 3.

Ban đầu, chính Elon Musk cũng đánh giá quá thấp những khó khăn của vấn đề khi anh đặt mục tiêu lên Mặt Trăng vào tháng 11/2003 - chỉ 18 tháng sau khi SpaceX được thành lập, tổng chi phí đầu tư dự tính khoảng 20 triệu USD.

Đầu tiên, Elon Musk lặn lội tới nước Nga xa xôi để đàm phán mua ba tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đã cũ với tổng số tiền 21 triệu USD, tuy nhiên người Nga lại đòi 21 triệu USD cho một tên lửa.

123

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) R36 của Nga.

Trên đường trở về tay trắng, Elon Musk nhẩm tính rằng nguyên vật liệu thô chỉ chiếm khoảng 3% giá một lần phóng tên lửa. Phần còn lại chủ yếu là chi phí trung gian do quá trình sản xuất trải qua quá nhiều nhà cung cấp, mỗi công ty lại cộng thêm một phần lợi nhuận cho mình vào khiến cho giá thành cuối cùng bị đội lên cao.

Musk hiểu rằng muốn ra ngoài vũ trụ với nguồn lực tư nhân eo hẹp thì SpaceX chỉ có lựa chọn duy nhất là tự mình sản xuất tên lửa đẩy từ đầu đến cuối, thuê ngoài càng ít càng tốt.

Với ý tưởng đó, Elon Musk bắt đầu tuyển dụng những nhân sự phù hợp cho SpaceX. Ứng viên lí tưởng của Elon Musk là những người trẻ, chưa lập gia đình, giỏi chuyên môn và sẵn sàng từ bỏ cuộc sống xã hội để làm việc vì mục tiêu chung. Nhiều kĩ sư tài năng đã rời bỏ các vị trí hấp dẫn ở hãng sản xuất máy bay Boeing và Lockheed Martin để đầu quân cho SpaceX.

Chính những kĩ sư này sẽ thiết kế nên hầu như mọi thứ cho SpaceX từ động cơ và thân tên lửa tới những linh kiện tí hon như mạch điện. Trong nhiều trường hợp, sản phẩm do SpaceX thiết kế nhỏ hơn, nhẹ hơn và có giá thành thấp hơn nhiều so với mua ngoài.

Chẳng hạn, theo Joseph Pisenti – tác giả cuốn sách "Câu trả lời cho những câu hỏi mà bạn chưa bao giờ hỏi", một chiếc radio cho tàu vũ trụ có giá 50.000-100.000 USD nếu mua ngoài nhưng khi SpaceX tự sản xuất thì giá thành chỉ còn 5.000 USD. Cũng theo tác giả Joseph Pisenti, SpaceX tự sản xuất khoảng 85% cấu kiện của một tên lửa vũ trụ.

Tỉ phú tham vọng bán WiFi cho tất cả 7 tỉ dân trái đất để thực hiện ước mơ lên sao Hỏa - Ảnh 4.

Tháng 3/2006, SpaceX thử nghiệm phóng tên lửa Falcon 1 do chính mình thiết kế và chế tạo. Quả tên lửa bay lên không trung trong vòng 41 giây ngắn ngủi rồi phát nổ tan tành, thiêu rụi thành quả làm việc của cả công ty trong gần 4 năm ròng rã.

Không nản chí, Elon Musk và các cộng sự xây dựng lại từ đầu. Sang năm 2007, SpaceX phóng tên lửa Falcon 1 lần thứ hai và tiếp tục hứng chịu thất bại. Năm 2008, SpaceX và một công ty khác do Elon Musk làm chủ tịch là hãng xe điện Tesla cùng lâm vào cảnh túng quẫn do cạn kiệt nguồn tiền.

Lần phóng tên lửa thứ ba của SpaceX vào tháng 8/2008 vẫn là một thất bại. Nhiều tiềm năng nhưng chưa có sản phẩm thành công để thu hút tiền của nhà đầu tư, SpaceX đứng bên bờ vực phá sản. Lương nhân viên bị chậm, tài khoản công ty gần như trống rỗng.

Elon Musk dồn toàn bộ số tài sản ít ỏi còn lại của cá nhân mình vào lần phóng tên lửa thứ tư. Nhờ may mắn hoặc kinh nghiệm hoặc cả hai yếu tố, lần phóng này thành công trong sự reo hò vang dội của Elon Musk và hàng nghìn nhân viên, kĩ sư SpaceX.

Falcon 1 trở thành tên lửa nhiên liệu lỏng đầu tiên được nghiên cứu và chế tạo hoàn toàn bằng vốn của tư nhân (không phải ngân sách chính phủ) mà có thể bay lên quĩ đạo trái đất.

Tỉ phú tham vọng bán WiFi cho tất cả 7 tỉ dân trái đất để thực hiện ước mơ lên sao Hỏa - Ảnh 6.

Nhưng một sản phẩm hoạt động là chưa đủ để vượt qua khó khăn vì công ty cần ngay tiền mặt.

Trớ trêu là vào nửa cuối năm 2008, hệ thống tài chính Mỹ đang chao đảo rồi chìm nghỉm trong khủng hoảng vì vụ phá sản ngân hàng đầu tư Lehman Brothers. Không ai còn bụng dạ đâu mà cấp vốn cho một công ty vũ trụ với thành tích ba lần thất bại và chỉ một lần thành công.

Elon Musk phải huy động toàn bộ tài sản tiết kiệm của cá nhân cũng như của bạn bè, cô, dì, chú, bác … để cứu SpaceX. Đến tháng 12/2008, Elon Musk đã tự bỏ ra 20 triệu USD, một số nhà đầu tư góp 20 triệu USD và hãng xe hơi Đức Daimler chi 50 triệu USD.

Số tiền này chỉ đủ để cứu người chị em của SpaceX là công ty xe điện Tesla. Nhưng vào ngày 23/12/2008, phép màu Giáng sinh đã xuất hiện sớm: NASA quyết định trao cho SpaceX hợp đồng trị giá 1,6 tỉ USD để tiếp vận Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Cả hai công ty của Elon Musk thoát chết trong gang tấc.

Tỉ phú tham vọng bán WiFi cho tất cả 7 tỉ dân trái đất để thực hiện ước mơ lên sao Hỏa - Ảnh 5.

spacex family

Khi cả hai công ty con cưng của mình tập tễnh bước ra khỏi "phòng cấp cứu", Elon Musk lại tiếp tục với ước mơ lên Sao Hỏa của mình.

Nhờ tự thiết kế và sản xuất phần lớn bộ phận của tên lửa, chi phí cho mỗi lần phóng tàu vũ trụ của SpaceX đã thấp hơn đáng kể so với các đối thủ. Thế nhưng Elon Musk còn muốn hạ chi phí xuống thấp hơn nữa bằng cách tái sử dụng các tên lửa đẩy.

Mỗi tàu vũ trụ muốn bay lên quĩ đạo đều cần một số tên lửa đẩy, các tên lửa này sau khi đốt cháy hết nhiên liệu và đưa tàu vũ trụ đến độ cao nhất định sẽ tự động tách ra và rơi xuống biển. Nói cách khác, mỗi tên lửa chỉ có thể được sử dụng một lần.

Elon Musk gọi đây là một sự lãng phí "điên rồ". Chi phí nhiên liệu cho mỗi lần phóng không lớn. Nếu như cả quả tên lửa có thể được tái sử dụng, giá mỗi lần phóng sẽ giảm chỉ còn 2-5% trước đây.

Tỉ phú tham vọng bán WiFi cho tất cả 7 tỉ dân trái đất để thực hiện ước mơ lên sao Hỏa - Ảnh 9.

Ngày 6/2/2018, SpaceX phóng thành công Falcon Heavy - tên lửa có tải trọng lớn nhất trong các tên lửa đẩy đang được thế giới sử dụng và đứng thứ tư trong toàn lịch sử hàng không vũ trụ. Falcon Heavy sử dụng lực đẩy từ ba tên lửa Falcon 9 ghép lại với nhau và đưa một chiếc xe điện Tesla Roadster ra ngoài vũ trụ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, hai tên lửa Falcon 9 đã tự động tách ra khỏi Falcon Heavy và hạ cánh an toàn theo phương thẳng đứng xuống mặt đất cùng lúc – một thành tựu chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Source spacex rocket return

Sau khi giúp Elon Musk trở thành người đầu tiên đậu xe ô tô ở ngoài vũ trụ, hai tên lửa Falcon 9 dắt tay nhau trở về Trái Đất an toàn.

Tuy nhiên thị trường công nghiệp vũ trụ khác biệt căn bản so với các ngành hàng tiêu dùng  ở chỗ nhu cầu hầu như không biến đổi theo giá. Hiện tượng này được gọi trong kinh tế học là "đường cầu không co dãn".

elasticity-inelastic

Đường cầu thông thường có dạng dốc xuống (màu xanh) cho thấy khi giá tăng thì nhu cầu giảm và ngược lại, giá giảm thì nhu cầu tăng. Đường cầu không co giãn có dạng thẳng đứng (màu tím), cho thấy dù giá tăng hay giảm thì nhu cầu cũng không đổi.

Mỗi năm, Mỹ cần phóng một số tàu vũ trụ lên quĩ đạo vì các lí do quân sự, quốc phòng, … và chính phủ không thực sự quan tâm đến giá. Dù đắt hay rẻ, NASA và Bộ Quốc phòng cũng sẽ phóng một số lượng cố định tên lửa lên không trung.

Vì vậy, những tiến bộ trong công nghệ chế tạo tên lửa của SpaceX có thể giúp công ty giành được hợp đồng của chính phủ nhưng không thể giúp công ty liên tục mở rộng thị trường và thổi bùng doanh số như các doanh nghiệp sản xuất smartphone, xe hơi hay giày dép, …

Để tận dụng được ưu thế và tạo ra dòng tiền cho ước mơ lên sao Hỏa, Elon Musk cần ứng dụng công nghệ của SpaceX vào một sáng kiến kinh doanh mới chứ không chỉ là bán dịch vụ phóng tên lửa cho chính phủ.

Tỉ phú tham vọng bán WiFi cho tất cả 7 tỉ dân trái đất để thực hiện ước mơ lên sao Hỏa - Ảnh 6.

Chính vì cần cả núi tiền để lên sao Hỏa, Elon Musk đã quyết định đưa SpaceX bước chân vào ngành công nghệ internet với dự án Starlink.

Tham vọng của tỉ phú này là đưa hàng nghìn vệ tinh lên quĩ đạo trái đất tầm thấp (LEO – Low Earth Orbit) để cung cấp internet không dây (WiFi) tốc độ cao cho toàn bộ hơn 7 tỉ người dân trên khắp trái đất.

Chạy trời không khỏi nắng, không ở đâu là ngoài vùng phủ sóng của Starlink.

Vì SpaceX tự sản xuất và phóng tên lửa đưa các vệ tinh lên quĩ đạo, chi phí cho dự án này sẽ thấp hơn đáng kể so với khi thuê ngoài.

Tỉ phú tham vọng bán WiFi cho tất cả 7 tỉ dân trái đất để thực hiện ước mơ lên sao Hỏa - Ảnh 13.

Giả sử khi hoàn thành, Starlink "chỉ có" 50 triệu khách hàng, mỗi khách trả trung bình 600 USD mỗi năm thì doanh thu hàng năm của SpaceX từ việc bán WiFi đã lên tới 30 tỉ USD.

Một trong những nhóm khách hàng bạo chi tiềm năng nhất của SpaceX là các ngân hàng và định chế tài chính – những tổ chức giao dịch suốt ngày đêm trên các thị trường trị giá hàng nghìn tỉ USD như cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh, …

Ngày nay hoạt động giao dịch này được thực hiện bởi các phần mềm tự động chạy trên những siêu máy tính có khả năng tìm kiếm chênh lệch giá giữa các thị trường và đặt hàng nghìn lệnh mua bán mỗi giây. Trong môi trường này, tốc độ đường truyền tạo nên sự khác biệt giữa lãi và lỗ, thành và bại.

Trong cuốn sách Flash Boys, tác giả Michael Lewis kể về chuyện một công ty có thật tại Mỹ tên Spread Networks từng bí mật lắp đặt một tuyến cáp internet ngầm xuyên núi, băng rừng, vượt sông, qua nhà dân … dài 1.327 km nối hai trung tâm tài chính Chicago và New Jersey.

Điểm đặc biệt của tuyến cáp này là không gấp khúc, không vòng vèo mà chạy theo một đường thẳng để giảm thiểu độ dài của cáp, qua đó rút ngắn thời gian truyền tín hiệu giữa hai thành phố còn 0,013 giây (13 phần nghìn của một giây), trong khi thời gian truyền tín hiệu trước đây là 0,016 giây. Các ngân hàng phố Wall đều chi hàng chục triệu USD để mua đường truyền mới này của Spread Networks, tất cả chỉ để tiết kiệm 0,003 giây.

Dự án Starlink của SpaceX hướng đến không chỉ cung cấp internet tốc độ cao giữa hai thành phố của nước Mỹ mà là giữa hai điểm bất kì trên trái đất như New York – London, New York – Singapore, London – Hong Kong.

Đêm 23, rạng sáng 24/5 năm nay, SpaceX phóng thành công tên lửa Falcon 9 chở theo 60 vệ tinh internet nặng tổng cộng 18,5 tấn lên quĩ đạo trái đất. Đáng chú ý, đây là lần phóng thứ ba của chính quả tên lửa này. Trong hai lần phóng trước đó diễn ra vào tháng 9/2018 và tháng 1/2019, quả tên lửa này đều hạ cánh trở lại trái đất an toàn.

Sau lần phóng hồi tháng 5/2019, quả tên lửa tiếp tục hạ cánh an toàn lần thứ ba, và do vậy có thể sẽ được tái sử dụng tới lần thứ tư, giúp SpaceX cắt gọt đáng kể chi phí.

SpaceX dự tính sẽ tiếp tục phóng mỗi lần 60 vệ tinh lên quĩ đạo với mục tiêu từ 1.000 đến 2.000 vệ tinh mỗi năm. Sau khoảng 24 lần phóng, SpaceX có thể phủ sóng toàn bộ trái đất nhưng vẫn sẽ tiếp tục đưa thêm vệ tinh lên quĩ đạo khi nhiều khách hàng có nhu cầu. Theo CEO Elon Musk, "Starlink có thể đạt hiệu quả cao với số vệ tinh thấp hơn 10.000 rất nhiều".

Tỉ phú tham vọng bán WiFi cho tất cả 7 tỉ dân trái đất để thực hiện ước mơ lên sao Hỏa - Ảnh 14.

Tháng 11/2018, Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ (FCC) đã cấp phép cho SpaceX chế tạo và phóng lên quĩ đạo 7.500 vệ tinh liên lạc.

Khi Starlink đi vào hoạt động, SpaceX sẽ có thể đạt doanh thu 30-50 tỉ USD mỗi năm, giúp cho doanh nghiệp này có nguồn lực dồi dào hơn nhiều so với NASA.

Mục tiêu cuối cùng của Elon Musk đối với SpaceX không phải cung cấp WiFi hay kiếm tiền tỉ đô, mà là hiện thực hóa đam mê cháy bỏng lên sao Hỏa. Chính vì vậy mà SpaceX không phải là công ty đại chúng niêm yết cổ phiếu như người chị em Tesla.

Elon Musk không muốn phải bận tâm chuyện trả lời chất vấn của cổ đông về chiến lược kinh doanh hay tình hình lợi nhuận của SpaceX, ông chỉ muốn SpaceX giúp ông lên sao Hỏa mà thôi. Nhờ vào quyết tâm và kiến thức của Elon Musk, ước mơ này có lẽ không đến nỗi quá xa vời.

Kiên Dương, Đức Quyền
Alex Chu
Kinh tế & Tiêu dùng