Thành lập vào năm 2012 và nằm trong hệ sinh thái của FPT, Sendo là một trong những trang thương mại điện tử (TMĐT) nội địa vẫn đang duy trì được sức cạnh tranh của mình trong bối cảnh thị trường có nhiều sự tham gia của các ông lớn nước ngoài.
Đang vận hành theo cả mô hình B2C và C2C, theo số liệu tự công bố, Sendo đã phục vụ hơn 300.000 nhà bán lẻ và 10 triệu khách hàng.
Điểm khác biệt nằm ở việc Sendo tập trung vào thị trường chung thay vì chỉ tập trung vào người dùng có khả năng chi trả lớn ở các thành phố lớn. Hai phần ba số lượng đơn hàng mà Sendo phục vụ nằm bên ngoài các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội hay TP HCM.
Những chiếc lược khác biệt hoá của Sendo rõ ràng đang mang đến những trái ngọt đầu tiên cho nền tảng này.
Trong vài năm trở lại đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng từ 20 – 25% mỗi năm. Song mức độ cạnh tranh cũng cực kì khốc liệt, không chỉ đến từ những nền tảng quốc tế mà còn cả những sự cạnh tranh nội tại. Theo dữ liệu từ iPrice, Sendo đứng ở vị trí số 4 xét về lưu lượng truy cập tại Việt Nam.
Khi được hỏi về thực tế này, ông Trần Hải Linh, CEO và người đồng sáng lập Sendo, thẳng thắn nhận định lưu lượng truy cập là một chỉ số quan trọng nhưng không phải chỉ số duy nhất để đánh giá quy mô và sự phát triển của một trang TMĐT. "Với Sendo, số lượng người truy cập chưa bao giờ là mục tiêu", ông nói với KrASIA.
"Một nền tảng TMĐT chỉ có thể trở thành tay chơi lớn khi tạo giá trị thực cho khách hàng," ông Linh nhận định thêm. Theo ông, việc chạy đua theo những con số về lưu lượng truy cập hay tổng giá trị giao dịch (GMV) đòi hỏi rất nhiều chi phí.
Ông Linh nhấn mạnh trong vài năm trở lại đây Sendo luôn nằm trong top các trang TMĐT ở Việt Nam nhưng chưa bao giờ lọt vào danh sách top 2 hay top 3 các nền tảng "đốt tiền" nhiều nhất.
"Chúng tôi thực sự hiểu nhu cầu của khách hàng và điều này thúc đẩy sự phát triển của Sendo", người đứng đầu Sendo nói, đồng thời chia sẻ Sendo đang xử lý hàng trăm nghìn giao dịch mỗi ngày và phục vụ hơn 10 triệu người dùng Việt Nam.
Để tạo khác biệt với đối thủ, Sendo hiện tại tập trung vào người dùng ở tất cả mọi khu vực ở Việt Nam, thay vì chỉ nhấn mạnh vào các thành phố lớn.
Hiện tại, 75 triệu dân số Việt Nam không sống ở Hà Nội hoặc TP.HCM. Đây là nhóm khách hàng thường gặp nhiều hạn chế khi tiếp cận với các sản phẩm chất lượng và giá thành tốt.
"Năm 2012, khi chúng tôi bắt đầu, Sendo là một trong những nền tảng đầu tiên triển khai COD (trả tiền khi nhận hàng) thông qua công ty giao hàng bên thứ ba", ông Linh nhớ lại.
"Chúng tôi hiểu không thể đợi thanh toán điện tử phát triển đầy đủ. COD là cách tốt nhất để thuyết phục người dùng sử dụng TMĐT và tin tưởng chúng tôi", ông nói thêm.
Hiểu người dùng TMĐT lần đầu khó có thể tin tưởng để mua những thiết bị giá trị cao, Sendo chọn cách tập trung vào các sản phẩm như thời trang, đồ gia dụng và phụ kiện công nghệ ở tầm giá thấp đến tầm trung.
"Quan trọng hơn, Sendo không thu phí hoa hồng từ thương nhân", ông Linh nói. Thay vào đó, nó có doanh thu từ quảng cáo trên nền tảng của họ hoặc qua các kênh có thể dẫn người dùng vào nền tảng.
Theo Google và Temasek, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Song trong khi TMĐT chiếm 20% tỉ trọng bán lẻ tại Trung Quốc và 10% tại Indonesia, con số này ở Việt Nam mới chỉ đạt 3%. Nó cho thấy những tiềm năng rất lớn chưa khai thác.
Ông Linh nhận định sẽ có những đột phá trong thời gian tới khi người dùng Việt hiểu thêm về TMĐT cùng với đó là các dịch vụ phụ trợ như kho vận tiếp tục cải thiện.
"Các công ty TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư của nước ngoài, tăng sức cạnh tranh với các trang nước ngoài", ông Linh chia sẻ.
Từng lên mục tiêu đạt 1 tỉ USD giá trị giao dịch trong năm 2020 nhưng ông Linh nói nó không còn là mục tiêu của Sendo.
"Chúng tôi muốn trở thành một trang TMĐT có thể phục vụ cả ba phân khúc sản phẩm vật lí, dịch vụ số và dịch vụ tài chính cho cả người mua và người bán", ông Linh nói. Mục tiêu của Sendo vì thế được định vị lại thành số lượng giao dịch mỗi ngày và mức độ trung thành của khách hàng.