|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Năm 2017, Masayoshi Son, người đồng sáng lập và CEO SoftBank, khẳng định vị thế của ông trong làng công nghệ với quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất trong lịch sử mang tên gọi Vision Fund cùng qui mô 100 tỉ USD.

Trong 2 năm tiếp theo, Vision Fund giải ngân 75 tỉ USD với 88 khoản đầu tư khác nhau. Son cũng là người có tiếng nói quan trọng nhất trong hội đồng đầu tư gồm 3 người.

d - Ảnh 1.

Son nổi tiếng trong giới đầu tư mạo hiểm. Nhiều người nhìn nhận ông là người "ép" các startup nhận nhiều hơn số tiền họ cần để vượt các nhà đầu tư khác và bóp méo thị trường với chiến lược tăng trưởng bằng mọi giá.

Vision Fund đã chứng kiến một số thành công, ví dụ như bán cổ phần của công ty thương mại điện tử Flipkart (Ấn Độ) cho Walmart và "bỏ túi" lợi nhuận ấn tượng với khoản đầu tư vào Nvidia. Thế nhưng, sự xấu xí của những khoản đầu tư mà Son thực hiện cùng Vision Fund chỉ mới bộc lộ từ năm ngoái. Cộng đồng công nghệ ở Mỹ nhanh chóng quay lưng với ông.

Từ thời điểm đó, tin tức tiêu cực bủa vây SoftBank. Sự sụp đổ trong kế hoạch IPO của WeWork, bán lỗ khoản đầu tư vào startup dắt chó Wag hay những khoản tài sản thua lỗ khổng lồ do virus corona gây ra cùng nhiều thất bại khác đã nhấn chìm Masayoshi Son vào vũng lầy sa sút.

SoftBank đã yêu cầu các công ty trong danh mục hạ thấp tăng trưởng và ưu tiên có lợi nhuận bằng cách giảm nhân sự mà họ đã bổ sung khi tăng trưởng là mục tiêu hàng đầu.

Trong một số trường hợp, SoftBank thậm chí còn yêu cầu thay thế các nhân sự cao cấp, không thực hiện đầu tư như đã hứa và cố gắng đàm phán lại các điều khoản. Chiến lược của SoftBank khiến các nhà sáng lập cảm thấy rối và thu hút sự chú ý không mong muốn từ giới truyền thông. Các nhà đầu tư cũng muốn SoftBank cẩn thận hơn với đồng vốn của họ.

d - Ảnh 2.

Với Son, 2020 là một năm tồi tệ. Hồi tháng 2, quỹ phòng hộ Elliott Management nói họ đang đàm phán với SoftBank để cải thiện giá cổ phiếu của tập đoàn, trong khi WSJ đưa tin rằng Elliot đã rút lại 3 tỉ USD giá trị cổ phần.

Sau đó SoftBank công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu và trả nợ vay khiến giá cổ phiếu tăng trở lại. Tháng trước, SoftBank nói nhiều khả năng tập đoàn sẽ có khoản lỗ năm đầu tiên sau 15 năm khi Vision Fund đã thổi bay 17 tỉ USD vào năm 2019.

Adeo Ressi, người đứng đầu Founder Institute, có mối quan hệ thân cận với nhiều nhà sáng lập startup nhận tiền của SoftBank. Ông cho rằng Masayoshi Son đang phung phí niềm tin mà tỉ phú "liều ăn nhiều" đã xây dựng trong suốt 25 năm đầu tư.

"Quá nhiều thiệt hại đã xảy ra khiến việc lấy lại niềm tin là thực sự khó", Ressi nói. Ressi thậm chí tiết lộ rằng ông biết một số doanh nhân đã từ chối nhận vốn của SoftBank gần đây.

Business Insider đã trao đổi với khoảng 10 người từng có quan hệ với Masayoshi Son. Nhiều người yêu cầu sự nặc danh để duy trì mối quan hệ với vị tỉ phú. Son cũng từ chối bình luận hoặc tham gia phỏng vấn cho bài viết.

Một người phát ngôn của SoftBank mô tả những cáo buộc trong bài viết là "thiếu thông tin và một chiều", đồng thời khẳng định SoftBank "tạo ra những giá trị to lớn cho các nhà đầu tư và danh mục công ty đầu tư bằng cách xây dựng, vận hành và tài trợ cho những công ty công nghệ có tác động lớn nhất trên thế giới".

Quỹ Vision Fund chiếm khoảng 13% tổng tài sản tại SoftBank. "Màn trình diễn" của SoftBank vượt trội hơn S&P 500 của chứng khoán Mỹ tới 144% trong 10 năm qua.

Khi tìm hiểu về chuỗi sự kiện dẫn tới hậu quả lớn như với SoftBank, mọi thứ nên đi theo chiều hướng "xác định triệu chứng" và "tìm cách chữa trị". Ở trường hợp của Son, triệu chứng bao gồm những khoảnh khắc mà nhiều người nói ông hành xử như một kẻ đánh bạc, một người cố tạo ra các huyền thoại và thậm chí như một kẻ lừa đảo.

"Chúng ta sẽ nhìn nhận sự thành công hoặc thất bại của SoftBank qua thời gian, thay vì bằng những câu chuyện đầy kịch tính và những thông tin sai sự thật trá hình dưới dạng tin tức", người phát ngôn của SoftBank nói.

[eMagazine] 'Bán hàng giỏi, nói về AI và Son sẽ rót vốn': Đằng sau sự lạc lối của tỉ phú Masayoshi Son và quỹ đầu tư quyền lực nhất thế giới Vision Fund - Ảnh 3.

Masayoshi Son lớn lên tại một thành phố nông nghiệp ở phía nam Nhật Bản trong một căn hộ không có địa chỉ, theo cuốn tiểu sử "Aiming High" của Son do Atsuo Inoue chấp bút.

Gia đình ông chật vật sống qua ngày khi cha ông phải làm các công việc lặt vặt. Taizo, một người em của Son, là nhân viên của một trong những dự án thành công nhất của ông và sau đó cũng trở thành một tỉ phú.

Trong cuốn sách, Inoue mô tả Son từng đi khắp phố cùng một chiếc xe đẩy gỗ để thu lượm thức ăn mà người ta bỏ cho lợn. Tuổi thơ cơ cực đóng một vai trò quan trọng và là động lực thúc đẩy Son thành công.

Cha của Son đã nhập cư vào Nhật Bản từ Hàn Quốc. Gia đình ông vẫn sử dụng tên đệm theo kiểu Nhật Bản và việc ấy khiến Son khó chịu. Hồi trung học, khi Son rời Nhật để tham gia một khóa học ngoại ngữ bốn tuần ở Đại học California, Berkeley, Son cảm thấy xấu hổ khi nhân viên hàng không xếp ông vào nhóm du khách không có quốc tịch Nhật và tách ông khỏi bạn bè, theo cuốn sách của Inoue.

Năm 1974, Son chuyển tới California để học nốt trung học ở Daly City. Và khi vào trường Berkeley, Son đã chọn dùng một cái tên Hàn Quốc.

Vào năm 1978, Son bước chân vào Phòng thí nghiệm Khoa học Vũ trụ nằm trong khuôn viên trường Berkeley. Đây là một trong số những trung tâm nghiên cứu vũ trụ nổi tiếng nhất nước Mỹ. Son muốn trình bày một ý tưởng nung nấu: một máy dịch ngoại ngữ. Để biến nó thành sự thật, Son cần hỗ trợ từ Forrest Mozer, một trong những nhà vật lí học nổi tiếng nhất trong phòng thí nghiệm đó.

Mozer là người đã sáng tạo máy tổng hợp hội thoại có thể nén các sóng âm vào chip nhớ máy tính để phát lại sau đó. Ông từng đăng kí sáng chế công nghệ này và áp dụng nó trong rất nhiều đồ chơi và máy chơi game như Commodore 64.

Son muốn tận dụng nghiên cứu của Mozer vào những chiếc máy dịch thuật cầm tay mà ông muốn cho các du khách thuê ở sân bay song thiếu các kĩ năng về kĩ thuật.

Vì thế, ông nhờ Mozer phát triển một mẫu máy và cam kết ông sẽ đảm nhận các vấn đề liên quan đến marketing hay nhượng quyền sản phẩm sau khi nó hoàn thành, theo chia sẻ của chính Mozer. Mozer, khi nghĩ rằng ông có thể nhận tiền bản quyền hoặc phần trăm doanh số bán hàng, đã quyết định hợp tác.

[eMagazine] 'Bán hàng giỏi, nói về AI và Son sẽ rót vốn': Đằng sau sự lạc lối của tỉ phú Masayoshi Son và quỹ đầu tư quyền lực nhất thế giới Vision Fund - Ảnh 4.

Sau đó, Son mang mẫu sản phẩm tới Nhật và bán thiết kế cho Sharp Electronics, một trong những công ty Nhật Bản hàng đầu thời đó, với giá 40 triệu yên, tương đương khoảng 600.000 USD ở thời điểm hiện tại. Sharp sau đó yêu cầu Son phát triển thêm các phiên bản tiếng Đức và tiếng Pháp của máy và trả giá 60 triệu yên.

Mozer nói rằng, vì lí do nào đó chưa rõ, Son đã không chia sẻ bất kì khoản tiền nào với ông. Son chưa từng nói với ông chi tiết của thương vụ với Sharp, Mozer cho biết thêm.

Chỉ sau đó, khi nhìn thấy Son xuất hiện trên truyền thông, Mozer mới nhận ra điểm yếu trong thỏa thuận: Nó không được thực hiện bằng văn bản.

Mozer kể Son đã hứa trả tiền cho ông trong một vài chuyến thăm hoặc thông qua email vài thập niên sau đó. Trong cuốn sách của Inoue, Son hứa sẽ trả tiền cho Mozer theo dạng trả góp.

Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết Son đã đặt tên công ty theo tên Mozer, M Speech System, Inc, song vẫn không chuyển tiền cho Mozer. Về phần mình, Mozer hài lòng với những lời hứa trả tiền của Son và thiện chí của ông. Sau tất cả, Mozer thích thú với nghiên cứu hơn là tiền bạc. Trong một bài phỏng vấn, ông nói "rất hài lòng" với thành công của Son.

Cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018, khi Son cử một nhóm sinh viên Nhật tới California để tham quan nơi ông đã bắt đầu sự nghiệp, sự kiên nhẫn của Mozer đã cạn kiệt. Ông dẫn các học viên đi thăm trường và đồng ý quay video chào hỏi để gửi cho Son. Trong đoạn cuối video, ông nói: "Đừng quên những thứ anh nợ tôi."

Mozer tin rằng mình đã bị Son lừa và không bao giờ nhận lại tiền. "Có thể anh ta không phải một người tuyệt vời như tôi từng nghĩ", Mozer nói với Business Insider. "Tôi nhận ra anh ta là một kẻ lừa gạt".

Một người phát ngôn của SoftBank xác nhận Son đã trả tiền cho Mozer song từ chối chia sẻ chi tiết.

Son nhanh chóng nổi tiếng với những ý tưởng táo bạo và khả năng bán chúng cho các đối tác kinh doanh.

Sau khi học xong đại học, Son quay lại Nhật Bản nơi ông phát triển 40 ý tưởng kinh doanh dựa trên 25 tiêu chí đánh giá do chính ông phát triển, theo Inoue. Trong số đó có tiêu chí: "Liệu tôi có cống hiến hết trái tim và tâm hồn của mình cho nó trong 50 năm tiếp theo?" Cuối cùng, Son thực hiện một dự án công ty phân phối phần mềm và đặt tên là SoftBank. Một cái tên mang ý nghĩa nơi chứa và đảm bảo sự an toàn cho các phần mềm.

SoftBank cho phép Son theo dõi xu hướng tiêu dùng mới nổi trên toàn thế giới và có mối quan hệ với các tập đoàn công nghệ.

Vào những năm 1990, Son trở thành một đối tác quen thuộc của các công ty công nghệ Mỹ muốn vào Nhật Bản. Trong một bài viết xuất bản năm 2001, WSJ nói Son là "người gác cổng" cho thị trường Châu Á. Song bài viết cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu Son còn có thể nắm giữ được thị trường Nhật Bản không khi nhiều cơ hội nở rộ và ông không còn có thể tham gia vào tất cả trong số chúng.

Khi công ty của ông phát triển, Son nghĩ đến một chiến lược có thể có lợi cho bản thân: Mua cổ phần của một công ty mẹ, thường ở Mỹ, và dùng nó để thương lượng một lượng cổ phần chi phối khi công ty mẹ thành một liên doanh ở Nhật Bản.

Son sử dụng chiến lược thành công vào cuối năm 1995 khi ông đồng ý đầu tư 2 triệu USD vào Yahoo, một trong những công ty ấn tượng nhất Silicon Valley vào thời điểm đó.

Ông đã thuyết phục người đồng sáng lập Jerry Yang và David Filo để nắm 60% liên doanh Nhật Bản của Yahoo bằng việc vẽ ra tương lai tương sáng hơn những gì họ có thể nghĩ tới, theo Gary Rieschel, một cựu nhân sự cao cấp của SoftBank vào thời điểm đó.

[eMagazine] 'Bán hàng giỏi, nói về AI và Son sẽ rót vốn': Đằng sau sự lạc lối của tỉ phú Masayoshi Son và quỹ đầu tư quyền lực nhất thế giới Vision Fund - Ảnh 5.

Yahoo Japan thể hiện chiến lược đầy tính thông minh của Masayoshi Son đã tạo ra sức mạnh về sau cho SoftBank. Ảnh: Nikkei

Yahoo! Japan đã ra đời và về sau trở thành cổng thông tin Internet lớn nhất đất nước mặt trời mọc. Nó cũng mở ra cho Son cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ liên quan đến Internet khác như cung cấp kết nối băng thông rộng, hợp tác cùng Cisco, E-Trade hay News Corp.

Sau đó, SoftBank kí một thỏa thuận hợp tác với Alibaba để cung cấp dịch vụ điện toán đám mây ở Nhật Bản. Cổ phần của SoftBank trong thương vụ là 60%.

Son dần trở thành một trong những nhà đầu tư công nghệ năng nổ nhất thế giới. Theo tính toán của WSJ, tới thời điểm năm 2001, ông đã đầu tư vào trên dưới 600 startup. Vào cuối những năm 1999, có thời điểm Masayoshi Son là người giàu nhất thế giới.

Một người thân cận với Son với với Business Insider rằng công thức tìm kiếm đầu tư của Son là bay tới California và tổ chức một loạt các cuộc gặp tại các khách sạn hào nhoáng.

Dù vậy, vài năm trở lại đây, các cuộc gặp mặt của Son thường diễn ra ở một tòa nhà 37 tầng tại Tokyo hoặc khu tư gia của ông ở California mà Son từng mua với giá 117,5 triệu USD. Điểm chung của những không gian gặp mặt là việc chúng đi theo phong cách Nhật Bản truyền thống với những bức tường ngăn cách bằng giấy, thảm tre và gươm Samurai treo trên tường.

Khi quỹ Vision Fund gây dựng danh tiếng, những chuyến đi tới Tokyo trở thành mục tiêu của Thung lũng Silicon. Các nhà đầu tư mạo hiểm đùa rằng để nhận đầu tư từ SoftBank, nhà sáng lập cần trả lời ba câu hỏi: Chiến lược kinh doanh của anh có dựa trên khai thác dữ liệu lớn không? Anh có thể tăng trưởng nhanh không? Và anh có thể tới Tokyo trong 24 giờ tới không?

"Hãy là một người bán hàng giỏi, nói về một bức tranh vĩ mô, nhắc tới trí tuệ nhân tạo và có thể ông ấy sẽ rót tiền", một nhà đầu tư nhận định.

Đó cũng là trải nghiệm tương tự của Jack Ma trong cuốn sách "Alibaba: The House that Jack Ma Built".

[eMagazine] 'Bán hàng giỏi, nói về AI và Son sẽ rót vốn': Đằng sau sự lạc lối của tỉ phú Masayoshi Son và quỹ đầu tư quyền lực nhất thế giới Vision Fund - Ảnh 6.

Alibaba là khoản đầu tư cực kì thành công của SoftBank. Nguồn: Softbank Group, Pitchbook, Zero One, giá tị tài sản trên thị trường đại chúng ở thời điểm 13/4/2020, giá trị tài sản tư nhân định giá ở thời điểm 12/2/2020

Vào năm 2000, Jack Ma biết tới Son thông qua Mark Schwartz, lúc đó là giám đốc thị trường Nhật Bản của Goldman Sachs và về sau là thành viên hội đồng quản trị WeWork.

Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình, Jack Ma và Son đã nói về tầm nhìn công ty. Jack Ma nhận ra Son là người có nhiều điểm chung trong tinh thần. Son là người ra quyết định nhanh và không sợ mắc sai lầm.

Khi Ma tới Tokyo để chuẩn bị chốt thỏa thuận, Son nhanh chóng chuyển chủ đề thảo thuận về việc ông có thể đầu tư như thế nào vào startup. Ông cũng khuyên Ma nên chấp nhận khoản đầu tư để có thể tiêu tiền nhanh hơn.

Dù thế, màn trình bày thiếu ấn tượng của Ma kèm theo kinh nghiệm trước đó của ông là một giáo viên khiến một số thành viên trong hội đồng đầu tư của Son lo lắng.

Dẫu sao đi nữa, chỉ sau cuộc gặp mặt "5 phút" với Jack Ma và thích cái nhìn trong ánh mắt ông, Son đã quyết định đầu tư 20 triệu USD. (Theo Business Insider, Son cũng từng đầu tư vào WeWork chỉ sau 15 phút gặp mặt với người sáng lập Adam Neumann. Đây có lẽ là khoản đầu tư tệ nhất của Son tới thời điểm hiện tại).

Ban đầu, Son bày tỏ mong muốn đầu tư 40 triệu USD vào Alibaba và khuyên Jack Ma dùng tiền để tăng trưởng nhanh nhất có thể. Dù vậy, Jack Ma đã từ chối vì không biết làm gì với số tiền lớn như vậy. Đến nay, khoản đầu tư vào Alibaba có giá trị gần 150 tỉ USD.

Son tiếp tục rót vốn tới tấp. Mike Cagnet, người sáng lập startup tín dụng tiêu dùng SoFi, nói anh đã nhận vốn nhiều gấp 5 lần những gì mình cần. Trong khi đó, Dara Khosrowshahi, CEO Uber, chia sẻ: "Thay vì có một khẩu đại bác đầu tư phía trước, tôi có một khẩu đại bác đầu tư sau lưng."

Tất cả đã khiến nhiều người nhìn nhận Son như một tay chơi bạc, một lầm tưởng phổ biến, theo nhiều đồng nghiệp hiện tại và đồng nghiệp cũ của Son.

"Mọi người đã sai khi nhần nhận đây là một canh bạc", Rieschel nói. "Mọi thứ đều nằm trong tính toán. Son đặt cược mọi thứ mình có vào những gì ông nghĩ sẽ là cơ hội tuyệt vời tiếp theo."

[eMagazine] 'Bán hàng giỏi, nói về AI và Son sẽ rót vốn': Đằng sau sự lạc lối của tỉ phú Masayoshi Son và quỹ đầu tư quyền lực nhất thế giới Vision Fund - Ảnh 7.

Một trong những lí do Son không thích bài bạc là chơi bài không làm thay đổi thế giới (từng tới Las Vegas, thử chơi bài và thua sạch, Son hứa sẽ không bao giờ động đến trò này). Đó là thứ thôi thúc người đứng đầu SoftBank.

Người sáng lập SoftBank, một phần nào đó tin rằng, những khoản đầu tư của ông có thể định hình tương lai của con người. Ông hi vọng có thể hiện thực hóa những khái niệm như giao diện máy tính trí não, máy siêu thông minh hay thần giao cách cảm.

Năm 2010, khi đó 52 tuổi, Son đã dành một phần thời lượng trong buổi báo cáo thường niên của SoftBank để nói về tầm nhìn 300 năm.

Tới năm 2017, quỹ Vision Fund trở thành phương tiện để Son hiện thực hóa giấc mơ công nghệ của mình. Ông tin rằng có các startup có thể thay đổi thế giới nhưng lại không có đủ tiền. Vision Fund làm nhiều người người nhớ đến quỹ SoftBank Capital Partners (1,5 tỉ USD), một trong những quỹ đầu tư lớn nhất tại Silicon Valley trong đợt bùng nổ công nghệ đầu tiên.

Lần này, Son gọi nhiều vốn hơn với sự trợ giúp của Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman thông qua một người quen cũ có tên Rajeev Misra. Misra biết Mohammed bin Salman khi còn làm việc tại Deutsche Bank và đã sắp xếp cuộc gặp cho 2 người.

Misra gợi ý Son nên đàm phán một khoản đầu tư khiêm tốn hơn những gì ông đưa ra sau đó. Cuối cùng thì Son nhận 45 tỉ USD từ quỹ đầu tư quốc gia Ả Rập Xê Út, một phần trong đó được cấu trúc dưới dạng khoản vay 7%. Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi cũng tham gia sau đó. SoftBank đóng góp 29 tỉ USD. Sự tham gia của Qualcomm và Apple "chốt" quỹ Vision Fund ở mốc 100 tỉ USD.

Điều đáng nói là người Ả Rập Xê Út đã không thực hiện thẩm định cho những khoản đầu tư lớn của mình vì đã không thể liên hệ với nhiều cựu nhân viên, bao gồm cả những người thân cận với quỹ SoftBank Capital Partners.

Son trao quyền kiểm soát quỹ Vision Find cho Misra. Misra sau đó tuyển thêm hàng trăm nhân sự, trong đó có nhiều đồng nghiệp ở Deutsche Bank. Rất nhiều người không có kinh nghiệm đầu tư mạo hiểm và không phải chuyên gia công nghệ. Họ dần học cách tìm ra các thương vụ nhanh chóng và bán nó cho Son.

"Nếu nhìn vào cách SoftBank tổ chức, đây là một nhóm người kết nối lỏng lẻo", một nhà đầu tư mạo hiểm nói với Business Insider.

Một cựu nhân viên SoftBank nói một nửa số người ở đây luôn cố gắng áp đặc quan điểm đầu tư của mình trong đánh giá công ty, nửa còn lại cố tìm cách để nói đồng ý với Masayoshi Son.

Khi công ty phát triển, Son dường như không quá chú tâm đến vấn đề con người và trong nhiều trường hợp, ông để vấn đề này cho các cộng sự quyết định, theo một cựu nhân viên.

Tại văn phòng SoftBank ở California, Navneet Govil, Giám đốc Tài chính Vision Fund, thường xuyên dùng ngôn ngữ ra lệnh cho nhân viên, theo hai cựu nhân sự. Govil thường dọa nạt nhân sự rằng họ không đủ tốt và có thể dễ dàng thay thế. Một cựu nhân sự chia sẻ nạt nộ là điều thường gặp ở văn phòng.

"Những cáo buộc nặc danh về cách quản trị của tôi trái ngược hoàn toàn với phản hồi tích cực nội bộ tôi nhận qua đánh giá nhân sự 360 độ", Govil chia sẻ.

Saba Ahmed, một nhân viên Vision Fund từng làm việc cho Govil trong ba năm, thì lại nói ông luôn tạo ra một văn hóa tích cực nơi nhân viên được khuyến khích thử những điều mới.

Chiến lược thúc đẩy tăng trưởng của Son khi đầu tư đã khiến nhiều nhà đầu tư chỉ mặt điểm tên ít nhất một nhà sáng lập ưu tiên tiêu tiền hơn xây dựng công ty.

Ở WeWork, Neumann đã dùng gần 11 tỉ USD đầu tư để mở rộng các văn phòng, đầu tư vào startup khác đồng thời mở rộng kinh doanh các lĩnh vực dường như không liên quan như giáo dục tiểu học. Anh cũng mua chuyên cơ 60 triệu USD bằng tiền của SoftBank.

Vision Fund cũng có chiến lược đầu tư khiến nhiều người bối rối, ví dụ như đầu tư vào loạt các startup cùng ngành, bao gồm Uber Eats – DoorDash hay Grab – Didi Chuxing.

Mặc dù một số người nói rằng đây là một chiến lược thông minh, nhất là trong các ngành có tốc độ tăng trưởng cao và bạn không muốn chỉ chọn ra một người thắng cuộc duy nhất, giới đầu tư cho rằng chiến lược của SoftBank không khác gì đặt cược vào chính mình.

[eMagazine] 'Bán hàng giỏi, nói về AI và Son sẽ rót vốn': Đằng sau sự lạc lối của tỉ phú Masayoshi Son và quỹ đầu tư quyền lực nhất thế giới Vision Fund - Ảnh 8.

Vài năm trở lại đây, nhiều người hoài nghi rằng Son đã đánh mất bản thân.

Một nhà đầu tư cho rằng, thế giới vốn đầu tư đã không còn vận hành như cách nó diễn ra một vài năm trước khi nhiều ông lớn công nghệ cũng có thể viết những tờ séc khổng lồ.

Với một người khác, lá phiếu đầu tư từ SoftBank đã không còn có giá trị như khi Alibaba hưởng lợi từ hỗ trợ của công ty. Và kinh nghiệm từ WeWork cho thấy không phải startup nào cũng sử dụng tiền hợp lí.

Son cũng có thể là một người dễ tin tưởng người khác. Ông thích "chốt deal" thông qua những cú bắt tay và tìm hiểu các vấn đề tài chính sau đó. Nó khiến ông có thể bị lợi dụng. Một số người nói Neumann là một dẫn chứng.

Đối tác hoàn hảo với Son, theo lời một người bạn của ông, là một người đủ năng lực để giúp Son tìm và đánh giá các khoản đầu tư nhưng đủ khiêm tốn để giữ ông dưới mặt đất.

"Về mặt con người hay nhân sự, Son không quá xuất sắc", một nhà đầu tư bình luận.

Dù vậy, vẫn còn quá sớm để loại Masayoshi Son ra khỏi cuộc chơi.

Mọi người có thể đang hiểu lầm chiến lược của ông. Có thể ông đang dùng tiền của người khác để đi tìm Alibaba tiếp theo. Hoặc tìm các công ty mà ông có thể đàm phán một thương vụ lập liên doanh tại Nhật Bản hấp dẫn. Hoặc đơn giản là Son chấp nhận thua một số ván bài để thắng lớn ở một trận đánh nào đó.

Và Son tiếp tục khiến những người hoài nghi về năng lực của ông thất vọng khi tiếp tục đầu tư với quĩ Vision Fund thứ hai, dù nó nhỏ hơn quỹ đầu tiên khá nhiều.

Son vẫn tin rằng nếu ông đặt cược vào các startup nhỏ và hỗ trợ người sáng lập mà ông tin tưởng, ông sẽ thành công trong dài hạn.

Một cựu đồng nghiệp của Son nói: "Son tin tưởng sâu sắc vào trực giác của ông ấy".

Thái Sơn (theo Business Insider)
Thái Sơn
Kinh tế & Tiêu dùng