Từ hàng chục năm trước, người dân Việt Nam đã biết đến khái niệm "Hệ thống Định vị Toàn cầu" hay viết tắt là GPS, nhưng chỉ là thông qua các bộ phim hành động Hollywood. Hình ảnh những chiếc máy bay chiến đấu thả bom từ cách xa hàng chục cây số mà quả bom vẫn rơi trúng mục tiêu bé như túp lều đã khiến không ít khán giả phải tròn mắt trầm trồ.
Ngày nay, GPS đã trở nên "bình thường như cân đường hộp sữa", tới mức nhiều người dùng hàng ngày mà không biết.
Ngoài ứng dụng trong quân sự, GPS còn được dùng để dẫn đường cho các tàu bay trên trời, tàu vận tải trên biển, các máy nông nghiệp không người lái trên những cánh đồng bạt ngàn, thậm chí là dẫn đường cho những chiếc xe hơi tự lái trong tương lai, …
Ngoài dẫn đường, GPS còn được dùng để xác định vị trí của các thiết bị điện tử. Nhờ GPS mà các ứng dụng gọi xe công nghệ, giao suất ăn, trà sữa, … biết vị trí của khách hàng ở đâu để phục vụ.
GPS còn là chiếc đồng hồ chuẩn mực của thế giới. Mỗi vệ tinh trong hệ thống GPS có một chiếc đồng hồ nguyên tử - thiết bị đo thời gian chính xác nhất thế giới với sai lệch không quá 1/1.000.000.000 (một phần tỉ) của một giây.
Thời gian do các vệ tinh GPS cung cấp là đầu vào thiết yếu cho hoạt động của các sàn giao dịch chứng khoán, máy ATM, thẻ tín dụng, …
Không quá khi nói rằng GPS là một trong những trụ cột không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu hiện đại.
Theo một ước tính của tạp chí Time năm 2012, chi phí để duy trì hệ thống GPS là khoảng 2 triệu USD một ngày, chưa kể đầu tư phát triển và phóng vệ tinh ban đầu. Tuy nhiên, những chi phí này không được chia cho tất cả người dùng trên thế giới mà hoàn toàn do tiền thuế của người dân Mỹ chi trả.
Giống như mạng internet, GPS ban đầu cũng được phát triển bởi quân đội Mỹ và chỉ phục vụ cho quân đội Mỹ. Vệ tinh GPS đầu tiên mang tên Navstar 1 được phóng lên quĩ đạo vào ngày 22/2/1978 bằng một tên lửa Atlas. Trong 7 năm sau đó, Mỹ đưa thêm 10 vệ tinh GPS lên quĩ đạo và hoàn tất giai đoạn I.
Sau khi kết thúc giai đoạn II, hiện nay Mỹ có tổng cộng 24 vệ tinh GPS. Bất kì điểm nào trên mặt đất quang đãng đều có tầm nhìn thẳng với ít nhất 4 vệ tinh.
GPS giúp cho quân đội Mỹ biết chính xác vị trí chính xác của từng chiếc máy bay, tàu chiến, xe tăng hay thậm chí là từng binh sĩ của mình trên chiến trường. Ngoài ra, GPS còn dẫn đường cho tên lửa, bom hay đạn pháo thông minh tới mục tiêu.
Ban đầu, GPS chỉ phục vụ cho quân đội Mỹ. Tuy nhiên một thảm họa hàng không đã thay đổi tất cả.
Chỉ hai tuần sau thảm họa Korean Air Lines, vào ngày 16/9/1983, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã tuyên bố Hệ thống Định vị Toàn cầu – GPS của Mỹ sẽ được cung cấp miễn phí rộng rãi cho các mục đích dân sự. Tuy nhiên, để ngăn công cụ thần kì này bị dùng để gây tổn hại cho an ninh và quốc phòng của Mỹ, tín hiệu GPS sẽ bị làm nhiễu để tăng độ sai lệch lên khoảng 100 mét.
Tới năm 2000, Tổng thống Bill Clinton kí thông qua dự luật chấm dứt sự làm nhiễu này, cho phép tất cả các bên được tiếp cận hệ thống GPS với độ chính xác giống như quân đội Mỹ.
Việc Mỹ cung cấp miễn phí GPS cho toàn thế giới không làm thay đổi thực tế rằng hệ thống định vị tối quan trọng này vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ.
Nói cách khác, Mỹ có thể dừng cung cấp dịch vụ này cho bất cứ ai, bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào mà Mỹ muốn. Chẳng hạn khi Pakistan và Ấn Độ giao tranh biên giới ác liệt năm 1999, Mỹ đã cắt đường truyền dữ liệu GPS cho Ấn Độ. Tại Iraq, quân đội Mỹ cũng phá sóng GPS để cản trở đối phương.
Chính vì "quyền sinh quyền sát" đều nằm trong tay Mỹ, các quốc gia khác đều đứng ngồi không yên. Nếu một mai xảy ra chiến tranh giữa Mỹ với Nga hoặc Trung Quốc, Ấn Độ,… mà Mỹ vẫn nắm thế độc quyền về công nghệ GPS thì các nước kia làm sao đánh lại?
Vì lo ngại này, các cường quốc trên thế giới đều dốc sức phát triển một hệ thống định vị của riêng mình.
Nước Nga có hệ thống 24 vệ tinh định vị toàn cầu với tên Glonass. EU có hệ thống 22 vệ tinh với tên Galileo. Ấn Độ có hệ thống 7 vệ tinh để xác định vị trí trong phạm vi biên giới đất liền của nước này.
Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 3B đưa vệ tinh thứ 55 của Hệ thống định vị Bắc Đẩu lên quĩ đạo. Nguồn: Reuteus, Tân Hoa Xã.
Mới đây nhất vào ngày 23/6/2020 vừa qua, Trung Quốc đã dùng tên lửa đẩy Trường Chinh 3B đưa vệ tinh thứ 55 – cũng là vệ tinh cuối cùng của Hệ thống định vị Bắc Đẩu (BDS) từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên lên quĩ đạo.
Như vậy hiện nay, Trung Quốc cũng đã hoàn tất việc triển khai hệ thống định vị toàn cầu cho riêng mình.
Để đạt được thành tựu như hoàn tất hệ thống định vị Bắc Đẩu, Trung Quốc đã phải tiêu tốn không ít tiền của. Theo ước tính của Euroconsult, năm 2018, chi tiêu chính phủ cho chương trình vũ trụ của Trung Quốc là 5,83 tỉ USD, vượt qua Nga, Pháp, Nhật Bản và chỉ đứng sau Mỹ.
Các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc cũng đang tích cực tham gia vào đường đua vũ trụ. Được chính phủ bật đèn xanh năm 2014, đến năm 2018 Trung Quốc mới có 30 công ty hoạt động trong ngành vũ trụ. Đến giữa năm 2019, con số này tăng lên hơn 100.
Tháng 8/2019, LinkSpace – công ty có trụ sở tại Bắc Kinh – đã lần thứ 3 phóng thử tên lửa lên độ cao 300 mét rồi quay trở lại mặt đất, hạ cánh an toàn. Thử nghiệm này cho thấy Trung Quốc cũng có thể tái sử dụng tên lửa đẩy tương tự như SpaceX của Mỹ từng làm.
Startup vũ trụ Spacety – thành lập năm 2016 – thì tập trung vào nhánh phát triển vệ tinh siêu nhỏ, mỗi vệ tinh có thể chỉ nặng chưa tới 2 kg. Đây là một thị trường ngách còn hoang sơ nhưng đầy triển vọng.
OneSpace – thành lập năm 2015 – cũng chú trọng vào mảng vệ tinh siêu nhỏ và đã phóng thành công tên lửa tư nhân đầu tiên của Trung Quốc vào tháng 5/2018.
LandSpace – thành lập năm 2015 – thì được mệnh danh là "SpaceX của Trung Quốc".
Trước khi hoàn tất hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu, Trung Quốc đã đạt được những thành tích đáng nể khác. Chẳng hạn vào tháng 1/2019, tên lửa Trường Chinh 3B chở theo tàu đổ bộ Hằng Nga 4 (Chang'e 4) đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống nửa tối của Mặt Trăng.
(Một nửa Mặt Trăng luôn hướng về phía Trái Đất và được gọi là "nửa sáng" hay "nửa gần" của Mặt Trăng. Nửa kia được gọi là "nửa tối" hoặc "nửa xa" của Mặt Trăng. Các tàu thám hiểm vũ trụ trước đây từng bay qua và chụp ảnh nửa tối của Mặt Trăng nhưng Trung Quốc là nước đầu tiên và đến nay vẫn là nước duy nhất hạ cánh).
Từ đầu cuộc đua vũ trụ giữa Mỹ và Liên bang Xô Viết những năm giữa thế kỉ 20, nhiều người đã đặt câu hỏi: Tiêu tốn cả đống tiền xây tên lửa phi qua tầng khí quyển rồi lên Mặt Trăng để làm gì? Thám hiểm vũ trụ giúp gì cho cuộc sống của triệu triệu người Trái Đất?
Những dấu mốc quan trọng hay được nhắc đến như phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên, người đầu tiên ra ngoài vũ trụ, người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, … nghe có vẻ xa vời và không có nhiều ý nghĩa thực tiễn.
Nhưng cả quá trình nghiên cứu và thực hiện những thành tựu đó đã mang lại vô số phát hiện đột phá về khoa học và công nghệ, phục vụ cho cuộc sống con người như mạng Internet, 5G, định vị GPS … Thậm chí, các camera dùng trong smartphone hiện nay cũng ứng dụng các công nghệ ban đầu dùng cho camera trên tàu vũ trụ.
Trong 10 ngày thần tốc xây dựng hai bệnh viện Lôi Thần Sơn và Hỏa Thần Sơn tại Vũ Hán để dập dịch COVID-19, chức năng định vị của Bắc Đẩu đã giúp cho thời gian khảo sát và đo đạc mặt bằng được rút ngắn đi đáng kể.
Việc Trung Quốc hoàn thành hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu cho thấy quốc gia tỉ dân này đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong cuộc đua không gian. Những thành tựu trong hàng không vũ trụ của Trung Quốc sẽ không chỉ hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế mà còn cả trong ứng phó với đối thủ khi xảy ra tranh chấp về quân sự, lãnh thổ.