Vẫn tự ví mình là một vết dầu loang, cùng một niềm tin nông nghiệp hữu cơ đem lại giá trị sức khỏe cho người tiêu dùng. Hơn hết với triết lí kinh doanh làm thật – CEO Vinamit tin rằng nông sản Việt sẽ bước đi vững vàng khi bước ra thế giới bằng con đường hữu cơ.
Ông Nguyễn Lâm Viên: Hầu hết các sản phẩm của chúng tôi đều có chứng nhận Canh tác hữu cơ, Chế biến hữu cơ và Nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (EU). Mới đây chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Xin nói thêm, tiêu chuẩn hữu cơ vào thị trường Trung Quốc còn khó hơn các tiêu chuẩn của thị trường Mỹ và châu Âu.
Một số ít sản phẩm vốn rất khó để đạt chuẩn organic như canh tác cây xoài cũng đang được tôi đang hướng đến. Tuy nhiên, với tôi các giấy chứng nhận chỉ như trang sức đắt tiền làm đẹp thêm sản phẩm và thương hiệu Vinamit. Điều tôi thật sự quan tâm là người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm của Vinamit đều thốt lên rằng "Wow, ngon quá" và hơn hết nó phải tốt cho sức khỏe của họ.
Đảm bảo chất lượng - đó là cách tôi định vị thương hiệu và tạo thị trường cho mình. Khách hàng của Vinamit sẽ tự cảm nhận rồi tự phân loại với các sản phẩm khác trên thị trường sau khi trải nghiệm.
Tôi lấy ví dụ, bó rau muống của chúng tôi khi luộc, nước rau sẽ không có màu đen mà là màu xanh nhạt với vị rất thanh. Trái mít của chúng tôi sẽ không có vị ngọt gắt mà ngọt thanh, dưa leo có thể ăn cả vỏ vẫn không bị chát, đắng như một số sản phẩm thông thường, hay như trái thơm của chúng tôi khi ăn đến phần cùi vẫn ngon ngọt…
Ông Nguyễn Lâm Viên: Hiện ngành nông nghiệp đang đi theo 2 hướng, nông pháp vô cơ và nông pháp hữu cơ (nông nghiệp xanh hay Organic). Với nông pháp vô cơ có thể đảm bảo được an ninh lương thực và có thể áp dụng ở những vùng đất có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt như Bình Thuận và Ninh Thuận.
Chúng tôi chọn theo nông pháp hữu cơ, nghĩa là chúng tôi xây dựng hệ sinh thái tự nhiên trong các trang trại của mình và tạo ra nhiều vi sinh vật có lợi trong đất để nông sản được hấp thụ một cách tốt nhất. Quá trình chế biến cũng tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn để đảm bảo được độ tươi ngon của nông sản.
Ngay cả những sản phẩm sấy khô, đóng gói cũng phải giữ được hương vị tự nhiên nhất và mang lại giá trị sức khỏe. Nhiều người lầm tưởng tưởng chúng tôi chiên các sản phẩm sấy khô nhưng chúng tôi hoàn toàn không làm vậy vì điều đó vô cùng độc hại.
Ông Nguyễn Lâm Viên: Hơn 30 năm trước, năm 1988, khi bắt đầu với nông nghiệp, cụ thể là cây mít chúng tôi đã chọn cho mình một hướng đi riêng đó là tạo ra những sản phẩm sạch từ qui trình canh tác, thu hoạch đến chế biến.
Mỗi ngày chúng tôi chỉ mở rộng qui mô sản xuất và làm tốt thêm những giá trị đã được định hướng từ đầu. Cuối năm 2016, Vinamit đã nhận được những chứng nhận thực phẩm hữu cơ cao nhất hiện nay về thực phẩm sạch, chế biến sạch và môi trường trồng sạch của các nước tiên tiến nhất trên thế giới.
Chúng tôi đã đạt được 73 hạng mục của Organic EU, 81 hạng mục của Organic USDA và được cấp Mã số Organic quốc tế ở cấp độ toàn phần sau khi hoàn tất 545 chỉ tiêu đánh giá dưới sự giám sát trực tiếp từ các chuyên gia của tổ chức Control Union với hơn 100 mẫu phẩm được gửi đi kiểm định và đánh giá độc lập tại Hà Lan.
Với các tiêu chuẩn khắt khe về đánh giá và chứng nhận thực phẩm hữu cơ, các nguồn nguyên liệu đầu vào của chúng tôi không được chứa dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng trong quá trình nuôi trồng.
Sản phẩm trong quá trình chế biến và xử lý không được sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, các chất phụ gia thực phẩm, không thêm các chế phẩm thực phẩm bổ sung, chất tạo vị hay chất tạo màu. Ngoài ra, sản phẩm được sản xuất hoàn toàn hữu cơ, không trộn lẫn với các sản phẩm không hữu cơ khác nhằm đảm bảo tính hữu cơ từ nuôi trồng, xử lý, chế biến, đóng gói, lưu trữ và đến tay người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Lâm Viên: Đó thực sự là một việc rất khó, khó ngay cả chính trong công ty chúng tôi. Thời gian đầu, tôi phải chia tay nhiều kĩ sư của mình vì họ không hiểu điều tôi nói.
Tôi nói với mọi người, phải cải tạo đất, thêm vào đất lượng vi sinh làm tốt cho đất và nếu cần thiết thì giăng mùng cách li tránh sâu bệnh, tuyệt đối không dùng thuốc, hóa học.
Tuy nhiên, sau một thời gian trở lại trang trại, tôi cảm nhận sự khác biệt, có mùi thuốc hóa học. Tôi âm thầm tìm hiểu thì phát hiện cả kho thuốc bảo vệ thực vật được giấu giữa rừng trong trang trại.
Khi tôi đề nghị các kĩ sư kể thật, họ nói họ không tin tôi có thể để cả trang trại không bị sâu bệnh mà không dùng thuốc vì tôi là tay ngang, còn họ là những kĩ sư nông nghiệp. Ngay cả thuốc họ cũng không lấy tiền tôi mua mà được các công ty thuốc bảo vệ thực vật tặng dùng thử.
Lúc đó, tôi buộc phải chia tay vì họ không hiểu tôi nói gì. Đó là chuyện trong công ty, còn khi bước ra ngoài, chúng tôi phải thuê thêm đất của nông dân hoặc bao tiêu cả khu vườn của họ để có thêm nguyên liệu sản xuất.
Mỗi năm tôi chỉ đề nghị nông dân trồng cho tôi một vụ và tôi trả họ giá cao để họ làm đúng các qui chuẩn của mình, phải như vậy mới có thể bắt nông dân làm đúng. Hoặc khi tôi thuê đất cạnh tác vườn cây của nông dân, tôi chỉ âm thầm làm theo cách của mình nhưng vẫn mở cửa để bà con đến xem.
Rồi người dân tò mò, họ thấy sao chúng tôi làm gì mà đất thơm thế, vườn thì nhiều cỏ mà không thấy xịt thuốc nhưng cây vẫn xanh tươi. Công nhân chúng tôi cũng khỏe mạnh, còn bà con những vườn bên cạnh thì hít thuốc bảo vệ thực vật nhiều nên sức khóe không tốt.
Cuối vụ, chất lượng và sản lượng của chúng tôi cao hơn họ, vậy là họ xin học và chúng tôi hướng dẫn. Vậy rồi mọi thứ cứ như vết dầu loang, từ một đốm nhỏ rồi lan dần, lan dần.
Tuy nhiên, có thời điểm chúng tôi rất áp lực, thậm chí còn bị dọa kiện vì đang đi ngược mọi thứ và phá vỡ môi trường kinh doanh của một số đơn vị. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì theo đuổi điều đúng đắn và đến nay đã được đón nhận. Mọi người đang làm theo cách của Vinamit để có những sản phẩm tốt cho sức khỏe và môi trường xung quanh.
Ông Nguyễn Lâm Viên: Ngay từ ngày đầu, tôi đã chọn cho mình con đường xuất khẩu chính ngạch. Để xuất khẩu chính ngạch chúng tôi phải làm thật tốt. Chúng tôi chọn xuất khẩu vì chúng tôi đang tạo ra những sản phẩm sạch nên giá thành cao gấp nhiều lần giá thị trường Việt Nam.
Tôi còn nhớ những năm 1990, 500 đồng ra chợ đã mua được một kí mít tươi trong khi một kí mít sấy của chúng tôi bán với giá 6 đô la khoảng 70.000 đồng lúc bấy giờ. Với giá đó, người tiêu dùng Việt sẽ không có sự đồng cảm nên chúng tôi phải đưa hàng ra nước ngoài. Với tôi, làm kinh doanh đừng chờ đợi vào sự đồng cảm của người tiêu dùng mà hãy chứng minh cho họ thấy giá trị của sản phẩm.
Ông Nguyễn Lâm Viên: Thị trường chính của Vinamit vẫn là xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường trong nước bắt đầu chuyển biến, hành vi người tiêu dùng cũng thay đổi. Người dân quan tâm nhiều hơn đến ăn khỏe và thu nhập người dân cũng cải thiện nên những sản phẩm của Vinamit phù hợp với một số phân khúc tại thị trường Việt.
Đối với một số sản phẩm tươi và khô do Vinamit cung cấp thị trường Việt chỉ chiếm 20-30%, số còn lại chủ yếu được xuất khẩu. Nhưng tôi tin rằng con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới vì đời sống người Việt đang tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Lâm Viên: Cây mít vẫn là cây chủ lực của chúng tôi và tôi nghĩ đây là thời của trái mít khi thức ăn vặt được đánh giá là một xu hướng tiêu dùng nhanh trên thế giới, đặc biệt tại Trung Quốc. Các loại ngũ cốc (rang, chiên dầu, chiên phồng), hạt rang, chế phẩm từ đậu, trái cây khô, mứt, thủy hải sản khô... đang được tiêu thụ mạnh tại Trung Quốc.
Theo khảo sát của Vinamit, tỉ lệ tăng trưởng toàn ngành thức ăn vặt tại Trung Quốc trung bình đạt 3,58%/năm. Lượng thức ăn vặt tại nước này tiêu thụ năm 2017 là 16,93 triệu tấn, đến năm 2018 đạt 17,49 triệu tấn. Dự báo sản lượng thức ăn vặt tại Trung Quốc tiêu thụ năm 2019 sẽ tăng lên 18,26 triệu tấn.
Xu hướng ăn vặt ở giới trẻ Trung Quốc bùng nổ, ăn vặt thậm chí được nhiều người chọn thay thế ăn cơm. Chỉ số sản lượng, doanh số tăng từ 4-10%/năm và ngày càng tăng trưởng mạnh. Xu hướng đồ ăn vặt trở thành thức ăn chính và thức ăn chính trở thành đồ ăn vặt.
Gạo được dùng làm bánh, ăn thay cơm; các loại rau, trái cây được chế biến khô, làm bánh. Đặc biệt, bánh làm từ rau, trái cây giữ được vitamin, khoáng chất và cả vi khuẩn thông qua công nghệ sấy lạnh được ưa chuộng.
Trong khi đó, các sản phẩm của Vinamit đặc biệt là các sản phẩm từ mít đều hướng đến nhóm người tiêu dùng này vì nó tiện lợi, đảm bảo protein hay năng lượng và cực kì có lợi cho sức khỏe.
Ông Nguyễn Lâm Viên: Doanh nghiệp Việt cần bắt kịp xu hướng, đánh mạnh vào phân khúc này bởi nếu tính về giá trị, qui mô thị trường thức ăn vặt ở Trung Quốc tăng theo cấp độ nhân, năm 2017 tăng lên 484,9 tỉ nhân dân tệ, năm 2018 đạt 500 tỉ nhân dân tệ và mục tiêu năm 2019 đạt hơn 543,9 tỉ nhân dân tệ (76 tỉ USD). Đó là chưa kể những thị trường khác có thể khai thác và cả thị trường trong nước vẫn đang rất màu mỡ.
Tuy nhiên, để đưa được nông sản Việt Nam ra thế giới dù với hình thức nào đều phải đi bằng con đường hữu cơ, organic và chúng ta có lợi thế về vùng sản xuất nên đừng lãng phí.
Ông Nguyễn Lâm Viên: Tôi đã nghĩ đến chuyện làm trang trại hàng nghìn hecta nhưng tôi muốn bước đi những bước chắc chắn để tạo ra những giá trị đích thực cho các sản phẩm của mình.
Trang trại Lâm Viên của công ty Vinamit.
Hiện chúng tôi có 8 trang trại với trên 2.000 hecta (trong đó có 3 trang trại thuê lại đất của dân) và 5 nhà máy chế biến. Một năm chúng tôi sản xuất và chế biến nguyên liệu đầu vào trên 200.000 nghìn tấn được khoảng 10.000 tấn thành phẩm.
Vinamit và một tập đoàn lớn đã đạt được một số thỏa thuận về canh tác sản xuất trên những trang trại hàng nghìn hecta. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ công bố, đây có thể là bước tiến lớn của nông nghiệp Việt.
Ông Nguyễn Lâm Viên: Nguy hiểm nhất hiện nay là người ta nói "sản phẩm sạch" không tương đồng với cách hiểu về sản phẩm sạch của người dân. Người dân mong muốn sản phẩm sạch đó là của nông pháp hữu cơ, organic vì sự sống, còn cái sạch của người sản xuất làm ra chỉ ở ngưỡng an toàn.
Thay vì nói an toàn, họ nói sạch, đau đớn là cái an toàn đó lại đang được bán với giá của hữu cơ.
Chúng ta đang nhầm lẫn điều đó, cần phải nói rõ nhưng do truyền thông của họ quá mạnh, đầu tư công nghệ rất đồ sộ, hoành tráng, khiến người dân của mình hiểu lầm.
Một hệ sinh thái không thể sạch sẽ như phòng thí nghiệm được mà là nơi để giàu có cho vi khuẩn, sinh khối, nhưng họ đang đưa hình ảnh nông nghiệp công nghệ cao ra, khiến người dân hiểu lầm đó là sản phẩm sạch, có hàm lượng sinh học, đó là truyền thông sai. Sản phẩm của họ sản xuất tự động hóa với sản lượng lớn, nhìn rất đẹp, nhưng đó là nông pháp hóa học.
Ứng dụng công nghệ cao thì phải dùng ngôn từ cho đúng là "sản phẩm an toàn".
Ông Nguyễn Lâm Viên: Hiện có một nghịch lý, cứ ai làm công nghệ cao theo nông pháp hóa học, công nghệ chính xác là miễn thuế, miễn lợi tức. Trong khi những người làm theo nông pháp hữu cơ vẫn phải cõng thuế VAT, như vậy có công bằng không?
Như thế thì làm sao hiện thực hóa được chủ trương của nhà nước là phát triển 1.500 doanh nghiệp nông nghiệp? Làm sao phát triển thị trường? Trong khi tôi xin đăng kí nông trường công nghệ cao thì không được! Chính phủ đang định nghĩa sai về công nghệ cao.
Vinamit đang làm là mang công thức của thế giới về phổ biến cho anh em doanh nhân về nông nghiệp sạch là thế nào. Nên tôi nghĩ, muốn phát triển đừng giữ đó là bí quyết, nên bán bí quyết đó cho "địa chủ" vì nhiều "địa chủ" có tiền lắm nhưng không biết phải làm sao.
Vinamit luôn giữ đúng tiêu chuẩn và phải truyền thông cho mọi người hiểu đúng về sản phẩm hữu cơ. Tôi cũng đã bán công nghệ canh tác hữu cơ và chế biến mít cho cả trong và ngoài nước. Mỗi doanh nghiệp phải đi một ngách, làm đúng, toàn tâm, có bài bản sẽ thành công.
Ông Nguyễn Lâm Viên: Các con tôi đều đã có hướng đi riêng và tôi tôn trọng quyền lựa chọn các con mình. Tôi nghĩ, nếu đặt để các con vào vị trí của mình, các con tôi vẫn có thể làm tốt vì một phần chúng kế thừa gen gia đình và được giáo dục tốt cũng như đã đạt được nhiều học vị.
Tuy nhiên làm nông nghiệp, đặc biệt là chế biến nông sản sau thu hoạch là một nghề đòi hỏi niềm đam mê và chịu khó. Do đó, tôi không ép các con theo nghề của tôi mà để mọi chuyện tự nhiên.
Tôi vẫn đang xây dựng cho mình lớp kế thừa từ những cộng sự và học trò đã theo và hiểu tôi.
Nhiều lần chia sẻ với anh trong việc hướng về xã hội của mỗi doanh nghiệp khi đã định vị được thương hiệu của mình. Tôi vẫn vậy, vẫn là một vết dầu loang nhưng có vẻ đa loang rộng hơn trong công việc và cuộc sống. Tôi cố gắng làm những điều tốt nhất cho các nhân viên trong công ty và chung tay góp phần thăng tiến xã hội qua những chương trình và quỹ phát triển hướng về cộng đồng.
Nguồn quỹ và các chương trình tôi đồng hành hoặc gầy dựng từ ngày đầu hiện đã phát huy một phần giá trị và tôi sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Và khi trao lại Vinamit cho lớp kế thừa, một phần lợi nhuận của công ty phải được đưa về các quỹ do tôi sáng lập để hỗ trợ cộng đồng. Đây không phải là một cách làm mới nhưng cũng không nhiều người trên thế giới thực hiện khi chuyển giao quyền điều hành.
Ông Nguyễn Lâm Viên: Rất nhiều là đằng khác! Từ khi làm hữu cơ, ăn sản phẩm hữu cơ, tôi thấy mình khỏe mạnh, trẻ ra. Đặc biệt, tôi bỏ thuốc về trị bệnh về gan, mỡ trong máu, đường ruột… đã nhiều năm nay.
Những người thân thiết với tôi sẽ biết tôi từng sống với thuốc nhưng giờ thì tôi khỏe mạnh và không uống thuốc. Cơ thể tôi tự chữa lành các bệnh mãn tính khi tôi đưa vào cơ thể sự sống từ những sản phẩm sạch.
Khi đã dùng hữu cơ rồi, đụng đến sản phẩm hóa học, cơ thể chúng ta sẽ lập tức phản ứng ngay lập tức vì nó rất nhạy, sau này sẽ không cần tiêu chuẩn hay không tiêu chuẩn, chỉ cần ăn là mọi người cảm nhận ngay.
Nhiều người nói tôi làm sao cực vậy, lời chẳng bao nhiêu, trong khi người ta phải chạy theo chứng nhận này nọ. Với tôi, chỉ cần làm tốt, làm đúng, tới nông trại tôi và công nhân, những người tham quan đều cảm thấy hạnh phúc, đồng thời khi các sản phẩm của mình ra thị trường được người tiêu dùng cảm thấy ngon và sức khỏe cải thiện thế là thành công rồi.