|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Ngày 31/12/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng cho giai đoạn 2020 – 2024.

Theo đó, giá đất cao nhất ở Hà Nội thuộc về quận Hoàn Kiếm, áp dụng cho đất chức năng ở tại các tuyến đường Hàng Ngang và Hàng Đào.

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 1.

Phố Hàng Ngang có chiều dài 152 m, chiều rộng 8 m, kéo dài từ phố Hàng Đường đến phố Hàng Đào.

Phố Hàng Đào dài 260 m, rộng 8 m, kéo dài từ Hàng Ngang đến đầu phố Hàng Gai - Cầu Gỗ (Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), cách bờ hồ Gươm chưa đến 100 m. Cả hai tuyến phố này đều thuộc địa phận phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 2.

Vào thế kỉ 18, đoạn đầu phố Hàng Ngang giáp Hàng Đào chuyên bán đồ tơ lụa. Trước năm 1945, Hàng Ngang tập trung nhiều thương nhân người Hoa kinh doanh. Ngày nay, trục đường Hàng Ngang - Hàng Đào là khu buôn bán sầm uất đặc trưng bậc nhất của Hà Nội.

Phố Hàng Ngang cũng chứa đựng nhiều giá trị lịch sử. Ngôi nhà số 48 của tuyến phố này chính là nơi ra đời của Bản tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1945. Đến nay, ngôi nhà này đã trở thành một di tích lịch sử.

Bản thân những ngôi nhà nằm trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào cũng mang những nét kiến trúc đặc trưng của phố cổ Hà Nội. 

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 3.

Theo Qui chế quản lí Qui hoạch - Kiến trúc khu phố cổ của TP Hà Nội, những ngôi nhà trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào có mật độ xây dựng 50 - 70%, chiều cao 2 - 4 tầng (không quá 16 m). Việc bảo tồn, cải tạo phải trên cơ sở phục dựng kiến trúc gốc và khuyến khích các chức năng thương mại, dịch vụ.

Nằm trên hai tuyến phố này hiện là những dãy nhà ống san sát nhau, rộng 5 - 7 m, cao 2 - 4 tầng. Phần lớn những ngôi nhà ở đây vẫn giữ được tông màu vàng cổ kính, cửa sổ mở ra ban công; lan can, cửa sổ,... xuất hiện những dấu hiệu xuống cấp theo thời gian.

Nhà trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào gần như đều sử dụng tầng 1 để cho thuê, kinh doanh, buôn bán,... Những tầng cao hơn được dùng để sinh hoạt.

Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án trùng tu, cải tạo những công trình ở phố cổ để vừa đảm bảo sự chắc chắn, an toàn cũng như giữ lại được nét truyền thống đặc trưng. 

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 4.

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 4.

Không chỉ nằm trong hệ thống phố cổ Hà Nội, Hàng Ngang và Hàng Đào đồng thời là các tuyến phố đi bộ cấm phương tiện di chuyển vào các ngày cuối tuần.

Theo thống kê của UBND quận Hoàn Kiếm, trong ba năm thí điểm, phố đi bộ hồ Gươm thu hút khoảng 3.000 - 5.000 khách du lịch vào ban ngày và 15.000 – 20.000 khách du lịch tới tham quan và vui chơi vào buổi tối. Những con số trên phần nào cho thấy, Hàng Ngang và Hàng Đào chính là những tuyến phố được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình phố đi bộ.

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 5.

Là khu vực trung tâm của Hà Nội, xung quanh phố Hàng Ngang, Hàng Đào có đầy đủ các tiện ích như bệnh viện, trường học, chợ dân sinh,...

Chẳng hạn, bán kính 1,5 km xung quanh Hàng Ngang và Hàng Đào tập trung nhiều bệnh viện (BV) lớn của Hà Nội như BV Trung ương Quân đội 108, BV Phụ sản Trung ương, BV Hữu nghị Việt Đức hay BV Việt Nam - Cuba,...

Bên cạnh đó, bán kính 0,5 - 1 km quanh vị trí này còn có nhiều cơ sở giáp dục các cấp mầm non đến THPT. Một số cơ sở như Trường THCS Nguyễn Du hay Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chỉ cách khoảng 200 - 300 m.

Ngoài ra, do khu phố cổ từ lâu được biết đến là nơi giao thương, buôn bán, nên hai tuyến phố này nằm gần nhiều chợ lớn như Đồng Xuân (cách 300 m), Hàng Bè (300 m), Hàng Mã (200 m), Hàng Da (400 m), Cầu Đông (400 m),... Đi kèm với đó là sự đáp ứng về nhu cầu hàng hóa hàng ngày.

Cùng với sự phát triển về du lịch, quanh Hàng Ngang, Hàng Đào cũng có nhiều điểm vui chơi giải trí, hệ thống khách sạn,...

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 6.

Sự phát triển về hạ tầng giao thông cũng là yếu tố khiến giá đất ở các tuyến phố này luôn đắt đỏ. Nằm ở trung tâm của Thủ đô, hệ thống đường sá xung quanh Hàng Ngang, Hàng Đào khá đẹp.

Từ thời Pháp thuộc, tổng thể khu phố cổ được qui hoạch theo mô hình ô bàn cờ, xu hướng của phương Tây lúc bấy giờ. Ngày nay, trục Hàng Ngang - Hàng Đào là tuyến phố một chiều nên hiếm khi xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Cách tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào khoảng 500 m là đường Trần Nhật Duật, đồng thời là đường Vành đai 1 của TP Hà Nội.

Vị trí này cũng cách các cầu lớn như Long Biên, Chương Dương khoảng 5 -7 phút di chuyển bằng xe. Nhìn chung, việc lưu thông đến các quận lân cận như Hai Bà Trưng, Ba Đình, Long Biên hay Tây Hồ là khá thuận lợi.

Đáng chú ý, trong hệ thống đường sắt đô thị của TP Hà Nội, khu vực phố cổ là nơi có tuyến metro số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) chạy qua. Cụ thể, tuyến này sẽ chạy ngầm dưới đường Phan Đình Phùng, tiến vào phố cổ, đi dọc theo trục Đồng Xuân - Hàng Ngang, chạy men bờ hồ Gươm theo đường Đinh Tiên Hoàng.

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 6.

Theo khung giá đất TP Hà Nội giai đoạn 2020 – 2024, đất có chức năng ở tại Hàng Ngang - Hàng Đào đều có mức giá cao nhất đạt 187.920.000 đồng/m2. 

Tuy nhiên, trên thực tế những căn nhà trên mặt đường phố Hàng Ngang - Hàng Đào được ra bán với mức giá cao hơn rất nhiều so với khung giá đất hiện hành.

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 7.

Khảo sát trên trang batdongsan.com, nằm trên mặt đường Hàng Ngang - Hàng Đào vẫn có những ngôi nhà có giá 160 - 320 triệu đồng/m2. Tuy nhiên phần lớn những ngôi nhà được rao bán ở đây dao động ở mức 500 - 800 triệu đồng/m2. Cá biệt có trường hợp lên đến 1 tỉ đồng/m2.

Một số người dân sinh sống ở đây cho biết, cách đây vài năm, đã có thời điểm giá đất tại hai tuyến phố này này chạm ngưỡng 1,2 tỉ đồng/m2.

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 8.

Theo khảo sát từ Công ty TNHH MTV Gachvang.com (một đơn vị tư vấn, định giá), giá thị trường trung bình của những ngôi nhà trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào tại thời điểm tháng 10/2020 là khoảng 800 - 900 triệu đồng (khoảng 34.600 - 39.000 USD).

Bên cạnh đó, đây cũng là mức giá phổ biến đối với một số tuyến phố ở phố cổ hiện nay như Lương Văn Can (900 triệu đồng/m2), Hàng Cân (835 triệu đồng/m2) hay Hàng Gai (750 triệu đồng/m2)...

Khảo sát của Statista về 10 nước có giá nhà ở trung bình cao nhất châu Âu trong tháng 9/2020 cho thấy, Monaco là quốc gia dẫn đầu với khoảng 52.500 USD/m2 (hơn 1,2 tỉ đồng), đồng thời là nơi đắt nhất thế giới.

Các vị trí tiếp theo thuộc về Anh (27.300 USD/m2), Thụy Sỹ (17.100 USD/m2) và Pháp (16.500 USD/m2).

Theo South China Morning Post, một ngôi nhà tại Hong Kong có giá trung bình khoảng 50.000 USD/m2. Con số này ở New York là khoảng 28.000 USD/m2.

Như vậy, có thể thấy giá đất tại Hàng Ngang, Hàng Đào nói riêng và phố cổ Hà Nội nói chung hiện nằm trong top những khu vực đắt đỏ nhất trên thế giới.

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 7.

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 10.

Đắt đỏ là vậy, tuy nhiên nằm trên hai tuyến phố này lại không có nhiều ngôi nhà được rao bán.

Trao đổi với người viết, một tiểu thương bán quần áo trên phố Hàng Đào cho biết, ít ai lựa chọn mua nhà ở phố cổ để ở, bởi khu vực này vừa chật chội, đông đúc lại đắt đỏ. Trong khi đó, ở một số khu vực khác của Hà Nội hoàn toàn có thể mua được những ngôi nhà rộng rãi, thoải mái, giá cả lại mềm hơn rất nhiều.

Cũng bởi lí do trên, chủ nhân của những ngôi nhà cũng không mặn mà với việc bán nhà. Thay vào đó, họ lại ưu tiên cho thuê nhà để kinh doanh, buôn bán. Không ít trường hợp đã chuyển đi sống ở nơi khác mà vẫn có thu nhập ổn định từ việc cho thuê.

"Hầu hết những ngôi nhà trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào hiện đều đã có người thuê mặt bằng kinh doanh. Tùy vào từng vị trí mà mức giá thuê sẽ khác nhau, trung bình dao động trên dưới 30 triệu đồng/tháng", tiểu thương này cho hay.

Có gì đặc biệt tại những con phố đắt đỏ bậc nhất Hà Nội? - Ảnh 11.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã có những tiểu thương phải trả lại mặt bằng. Theo quan sát, nhiều ngôi nhà ở hai tuyến phố này hiện đang treo biển cho thuê.

Theo thống kê của Savills, giá mặt bằng bán lẻ tại các khu vực phố cổ đã giảm sâu so với trước COVID-19, giá của các vị trí vàng có thể giảm 30 - 40% để thu hút khách hàng tiếp tục thuê mặt bằng.


Hoàng Huy
Justin Bui
Kinh tế & Tiêu dùng