|
 Thuật ngữ VietnamBiz

 

Ngày 30/1/1933, Adolf Hitler chính thức trở thành Thủ tướng Đức. Đã nắm trong tay quyền lực chính trị, Hitler muốn tạo ra một thứ gì đó thậm chí còn lớn hơn để cho thế giới thấy chủ nghĩa phát xít tân tiến như thế nào.

Ở châu Âu thời đó, ô tô là món đồ chơi xa xỉ của giới nhà giàu, trong 50 người Đức chỉ có một người sở hữu xe hơi. Mặt khác, Đức Quốc xã tin rằng kỹ thuật là một hướng đi phù hợp để thể hiện sự vượt trội của họ.

Do vậy, Hitler đã quyết định thành lập một hãng xe để sản xuất được một chiếc xe hơi dành cho toàn thể người dân Đức.

Để hiện thực hoá tham vọng trên, Hitler tuyên bố bất kỳ công ty Đức nào có thể chế tạo xe đua cho mùa giải grand prix sắp tới sẽ giành được 250.000 reichsmark (tương đương 100.000 USD vào thời điểm đó).

Bước ngoặt xuất hiện vào năm 1933, khi một nhân vật trong ngành ô tô Đức giới thiệu cho Hitler một người đàn ông tên Ferdinand Porsche.

Ferdinand Porsche, người góp công xây dựng đế chế Volkswagen. (Ảnh: Porsche).

Porsche sinh năm 1875 tại Maffersdorf, Bohemia, Áo-Hungary (hay Cộng hoà Séc ngày nay). Năm 1900, khi còn rất trẻ, Porsche đã thiết kế thành công chiếc xe dẫn động cầu trước đầu tiên trên thế giới - chiếc Lohner-Porsche.

Ý tưởng này đã giúp ông giành được nhiều giải thưởng thiết kế và bước vào tầng lớp cao hơn trong xã hội lúc bấy giờ.

Trong thập kỷ tiếp theo, Ferdinand Porsche đã để lại dấu ấn trong lĩnh vực xe đua, ô tô dân dụng và thậm chí cả động cơ máy bay mà ông thiết kế cho Áo trong Thế chiến thứ nhất.

Về sau, ông còn tạo ra được chiếc xe hybrid đầu tiên. Có thể đó là thành tựu cả đời đối với hầu hết mọi người, nhưng niềm đam mê thực sự của Porsche lại nằm ở việc sản xuất một chiếc xe hơi dành cho dân thường.

Porsche đã nghe thấy những gì Henry Ford làm được tại Mỹ với mẫu xe Ford T và ông cho rằng bản thân có thể tạo ra kỳ tích tương tự tại châu Âu.

Mang trong mình ý tưởng đó, Porsche đã cố gắng thuyết phục một số công ty châu Âu cùng hợp tác để cho ra một chiếc xe hơi động cơ đặt sau nhỏ, giá cả phải chăng nhưng lần nào ông cũng thất vọng.

Ferdinand Porsche đi đến quyết định thành lập công ty riêng mang tên “Dr. Ing. h. c. F. Porsche GmbH, Konstruktionen und Beratung für Motoren und Fahrzeuge” vào năm 1931 để thoả sức nghiên cứu.

Sau cuộc gặp định mệnh với Hitler vào năm 1933, đồng thời nhờ việc các thiết kế của Porsche gần như đã thống trị giải đua năm 1934, ông đã được chính phủ Đức ký hợp đồng sản xuất ba chiếc xe nguyên mẫu. 

Kết quả của hợp đồng này là sự ra đời của một công ty xe hơi thuộc sở hữu của nhà nước vào năm 1937, với tên gọi “Gesellschaft zur Vorbereitung des Deutschen Volkswagens mbH”. Cái tên này về sau được rút gọn thành Volkswagen, hay “công ty xe hơi của toàn dân”.

Adolf Hitler khánh thành nhà máy xe hơi Volkswagen năm 1938. Ferdinand Porsche là người đứng thứ hai bên phải Hitler. (Ảnh: AP).

 

Sau cú sốc kinh tế của những năm 1920, Đức Quốc xã muốn phát triển những hoạt động giải trí vốn chỉ dành cho tầng lớp trung lưu trở thành thứ mà đông đảo người dân đều có thể tiếp cận với chi phí phải chăng. Chiếc xe hơi của toàn dân là một phần trong tầm nhìn này.

Chính phủ của Hitler cần một chiếc xe có thể chở hai người lớn và ba trẻ em, đồng thời đáp ứng các thông số kỹ thuật cơ bản như tốc độ không quá 100 km/h và có giá 990 reichsmark hay tương đương giá một chiếc xe máy thời đó.

Những nỗ lực ban đầu đều bất thành, rõ ràng là khu vực tư nhân không thể tạo ra một chiếc ô tô với giá chỉ 990 reichsmark. Vì vậy, Hitler đã quyết định cấp ngân sách cho Volkswagen sản xuất xe, sử dụng thiết kế của Ferdinand Porsche.

Chiếc xe huyền thoại Beetle - với tên gọi ban đầu là Kraft durch Freude (Strength through Joy, tạm dịch là sức mạnh đến từ niềm vui) - ra đời như vậy. Nó được phát triển với một mục đích duy nhất là giúp người dân Đức di chuyển một cách thoải mái và tiết kiệm.

Năm 1938, Beetle đã cán mốc 300.000 đơn đặt hàng. Song, vào lúc này, thế giới đang sắp sửa bị chấn động bởi cuộc xung đột quân sự tàn khốc nhất lịch sử cho đến ngày nay.

Một chiếc Volkswagen Beetle (tên chính thức là Volkswagen Type 1) đời 1939, với Ferdinand Porsche ngồi ở ghế sau. (Ảnh: Getty Images).

 

Năm 1939, Hitler tấn công Ba Lan và Thế chiến thứ hai bùng nổ. Giai đoạn này, Volkswagen chỉ hoàn thiện được một vài chiếc Beetle và chưa bàn giao sản phẩm nào cho khách hàng.

Nước Đức rơi vào khủng hoảng và dồn toàn lực cho cuộc chiến. Nhà máy Volkswagen gác lại việc sản xuất xe hơi cho toàn dân, thay vào đó bắt đầu chế tạo các xe quân sự, bao gồm dòng xe tiêu chuẩn Kübelwagen và xe lội nước Schwimmwagen.

Do tham gia sản xuất thiết bị quân sự cho Đức Quốc xã, nhà máy đã trở thành mục tiêu dội bom của phe Đồng minh.

Năm 1945, chiến tranh kết thúc và hoà bình lặp lại. Tương tự khung cảnh trên khắp châu Âu, nhà máy Volkswagen cũng chìm trong đống đổ nát.

Trong một khúc ngoặt kỳ lạ, người ta tìm thấy một quả bom chưa kích nổ nằm giữa các máy phát điện chính của nhà máy. Nếu nó phát nổ, đó sẽ là hồi kết của Volkswagen.

Giữa lúc này, Ferdinand Porsche đang bị cầm tù ở Pháp vì làm việc cho Hitler. Ở tuổi 72, tưởng chừng giấc mơ sản xuất ô tô cho đại chúng của ông (và cả Hitler) đã tan biến.

Tuy nhiên, Porsche không bỏ cuộc. Sau khi ra tù, ông dành nhiều thời gian trong nhà máy, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của công nhân. Thời điểm này, tình hình ở Đức rất trầm trọng, người dân suy sụp và rất cần việc làm.

Thiếu tá Ivan Hirst của quân đội Anh là người tạo ra điểm bước ngoặt khác cho Volkswagen và giấc mơ của Porsche.

Nhà máy Volkswagen trở thành đống đổ nát sau các cuộc không kích năm 1944. (Ảnh: Volkswagen).

 

Cùng năm 1945, Ivan Hirst nắm quyền kiểm soát nhà máy Volkswagen đổ nát và khởi động lại dây chuyền sản xuất. Bây giờ, cuối cùng, những chiếc Beetle đầu tiên mới bắt đầu đến tay những người dân bình thường, lăn bánh trên đường phố.

một điều thú vị là vào khoảng thời gian này, Ford đã có cơ hội sở hữu Volkswagen với giá rất hời, nhưng họ từ chối vì cho rằng Volkswagen không đáng một xu.

Thành công ban đầu của dòng xe Beetle chỉ giới hạn ở châu Âu. Ở Mỹ, chiếc xe này rất khó bán. Người Mỹ những năm 1950 chỉ thích những chiếc xe lớn và mạnh mẽ.

Quảng cáo "Think small" của Volkswagen tại Mỹ được đánh giá là chiến dịch thành công nhất thế kỷ 20. (Ảnh: Volkswagen).

Để bán được những chiếc xe con bọ nhỏ nhắn và chậm chạp tại một đất nước “ham cái lớn”, Volkswagen đã khởi động chiến dịch quảng cáo “Think small”, khiến người Mỹ đổ dồn sự chú ý vào Beetle. Đây được đánh giá là chiến dịch quảng cáo số một của thế kỷ 20.

Cùng lúc, Volkswagen còn áp dụng một chiêu bài bán lẻ khác. Thời đó, người Mỹ mê mệt những chiếc Jaguar của châu Âu. Các đại lý xe hơi buộc phải mua ba chiếc Beetle để có một chiếc Jaguar.

Dần dần, Beetle chiếm được lòng tin của không chỉ khách hàng Mỹ mà còn cả thế giới nhờ tiêu chuẩn kỹ thuật cao và chất lượng tốt.

Nó được coi là một trong những dòng sản phẩm giúp hồi sinh nền kinh tế Đức sau Thế chiến thứ hai.

Đến năm 1955, Volkswagen sản xuất được 1 triệu xe con bọ và Beetle trở thành chiếc xe bán chạy nhất thế giới.

Cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 chứng kiến thời kỳ đỉnh cao của Beetle. Khách hàng phải đợi 12 - 18 tháng mới lấy được xe.

 

Sự thành công của dòng xe Beetle đã cho phép Volkswagen mua lại Audi vào năm 1965. Dù vậy, những chiếc xe con bọ không thể mãi vượt trội và doanh số bán hàng đã bắt đầu đi xuống từ năm 1973.

Để giữ vững vị thế, Volkswagen sau đó đã cho ra đời một thế hệ ô tô mới, từ Passat, Golf cho đến Polo. Đồng thời, hãng còn liên tiếp thâu tóm các công ty trong ngành, thể hiện tham vọng mở rộng mạnh mẽ.

Vào thập niên 1980, Volkswagen đã mua lại 75% cổ phần của nhà sản xuất ô tô Tây Ban Nha Seat. Năm 1998, ông lớn ngành ô tô Đức bổ sung Bently, Lamborghini và Bugatti vào danh mục. Hai năm sau, họ mua lại Skoda.

 

Năm 2010, Volkswagen mua thêm hãng thiết kế ô tô Italdesign của Italy. Thương vụ này được đánh giá là rất quan trọng bởi Italdesign vốn đã nổi tiếng với những sáng tạo đẹp mắt cho BMW, Chevrolet, Fiat, Ford, Ferrari, Lexus, Hyundai,...

Thiết kế nổi tiếng nhất của Italdesign phải kể đến chiếc DeLorean DMC-12 năm 1981. Đây là chiếc xe được sử dụng trong loạt phim Back to the Future sản xuất từ năm 1985.

Năm 2012, công ty con của Volkswagen là Audi đã mua lại nhà sản xuất xe máy Ducatti của Italy, tiếp tục dấu ấn của hãng xe Đức trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Hiện tại, Volkswagen đã trở thành một trong những công ty lớn và có giá trị nhất thế giới. Năm 2022, hãng xếp hạng 8 trong danh sách Global 500 của Fortune. Tại thời điểm ngày 2/2/2023, vốn hoá thị trường của Volkswagen đạt 83,3 tỷ USD.

Đồng thời, trong năm thứ 14 liên tiếp, Volkswagen và Toyota lại chia nhau vị trí dẫn đầu trong danh sách các nhà sản xuất ô tô lớn nhất theo doanh thu của Fortune. Doanh thu năm 2021 của hai công ty lần lượt đạt 295,8 tỷ USD và 279,3 tỷ USD.

 

Tại châu Âu, Volkswagen đang nắm giữ thị phần lớn nhất. Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu, hãng chiếm hơn 13% sản lượng xe hơi. Trung bình mỗi phút Volkswagen sẽ sản xuất 19 chiếc xe, đây là con số cao thứ hai của bất kỳ công ty xe hơi nào trên hành tinh, chỉ sau Toyota.

Ngoài ra, Volkswagen còn chiếm ba vị trí trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất mọi thời đại, với Beetle đạt hơn 21 triệu chiếc, Passat hơn 23 triệu và Golf hơn 35 triệu chiếc.

Công ty có 121 cơ sở sản xuất tại 20 quốc gia châu Âu và 11 cơ sở khác ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi. Tổng lực lượng lao động của Volkswagen đến hết năm 2022 là hơn 662.000 người.

Để so sánh, cả Ford và General Motors cộng lại chỉ có khoảng 448.000 nhân viên và đối thủ lớn nhất là Toyota có khoảng 360.000 lao động. Số lượng nhân viên của Volkswagen còn lớn hơn cả lực lượng vũ trang của Australia, Italy, Croatia và Na Uy cộng lại. 

Yên Khê
Alex Chu
Doanh Nghiệp & Kinh Doanh