|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 1.

Không thay đổi thương hiệu trong 10 năm trở lại đây nhưng có một điều dễ nhận ra rằng VIB đang có sự lột xác trong gần một thập kỉ qua. 10 năm cũng là chặng đường VIB bắt đầu hợp tác chiến lược với cổ đông ngoại Commonwealth Bank of Australia (CBA).

Năm 2010, VIB tiến hành tăng vốn điều lệ từ 2.400 tỉ đồng lên 4.000 tỉ đồng và chính thức đón CBA trở thành cổ đông chiến lược sở hữu 15% cổ phần sau một khoảng thời gian đàm phán từ năm 2009. Một năm sau đó, tổ chức này đã nâng mức sở hữu tại VIB từ 15% lên 20%.

Đây cũng là thời điểm VIB bắt đầu đẩy mạnh tiến trình thực hiện trở thành một ngân hàng chuyên về bán lẻ. Khối ngân hàng bán lẻ được thành lập từ năm 2009 được tăng mạnh về qui mô, VIB đã tuyển dụng thêm 1.000 người trong năm 2010 với lượng nhân sự trẻ chiếm phần lớn (70% nhân viên của VIB có độ tuổi dưới 30).

Sau 3 năm thành lập, khối ngân hàng bán lẻ đã nâng tổng nhân sự lên 2.000 nhân viên. Cùng với sự mạnh tay trong đầu tư vào công nghệ cho thấy sự quyết tâm của ban lãnh đạo ngân hàng trong việc xây dựng VIB trở thành một ngân hàng chuyên về bán lẻ. 

Tuy nhiên, những con số tăng trưởng ban đầu của mảng bán lẻ của VIB cũng chỉ ở mức bình thường, không thật quá ấn tượng. Năm 2014, Khối Ngân hàng bán lẻ đã tăng trưởng 3.044 tỉ đồng (22%) dư nợ tín dụng và 2.245 tỉ đồng (9%) huy động.

Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 2.

Mãi tới năm 2017 - 2018, khi có sự chuyển đổi sâu rộng mảng kinh doanh này mới cho thấy sự đột phá mạnh mẽ. Dư nợ bán lẻ tăng tới 83% trong năm 2017 và tăng 48% trong năm 2018. Trong đó các mảng như vay mua nhà và vay mua xe ghi nhận những con số tăng trưởng đột biến. 

Cụ thể, dư nợ cho vay mua nhà tăng 96% trong năm 2017 và tăng 45% trong năm 2018, dư nợ cho vay mua xe tăng 161% trong năm 2017 và 59% vào năm 2018. VIB cũng chiếm thị phần lớn nhất (trên 24%) về cho vay mua ô tô tại Việt Nam từ năm 2017


Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 3.

Con số dư nợ cho vay của mảng bán lẻ vẫn tiếp tục tăng cao trong năm 2019 (46%) đưa mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 60% trong giai đoạn từ 2017 - 2019.

Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ cuối năm 2019 đạt hơn 108.000 tỉ đồng, tăng 46% so với đầu năm, chiếm 82% tổng dư nợ toàn ngân hàng. 

VIB từ một ngân hàng có cấu trúc thiên về khách hàng doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công thành ngân hàng chuyên về bán lẻ.

Cũng nhờ việc tập trung vào bán lẻ, VIB đã dẫn đầu thị trường về doanh số bancassurance tại các ngân hàng, đưa đóng góp của VIB chiếm 76% doanh thu phí bảo hiểm mới của Prudential qua kênh ngân hàng tại Việt Nam.

Những yếu tố trên là nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận sau thuế của VIB đạt mức tăng trưởng gần gấp đôi vào năm 2017 vượt ngưỡng 1.000 tỉ đồng và liên tiếp tăng khoảng 1.000 tỉ đồng trong hai năm sau đó. 

Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 4.

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp từ BCTC của VIB qua các năm.

Tập trung vào cho vay bán lẻ khiến biên lợi nhuận của ngân hàng ở mức cao so với các ngân hàng có tỉ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn cao. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng đã liên tục tăng trưởng từ năm 2013, bứt phá mạnh từ năm 2017 tới nay.

Giai đoạn này cũng là thời điểm mà VIB ghi nhận sự tăng trưởng cao của lãi thuần từ hoạt động dịch vụ. Từ mức khá thấp 127 - 256 tỉ đồng trong giai đoạn 2010 - 2016, lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng đã tăng lên 407 tỉ đồng trong năm 2017 (tăng gần 60%) và lên 735 tỉ đồng trong năm 2018 (tăng 80,5 %). 

Năm 2019, con số này tăng đột biến 144% so với năm trước lên gần 1.800 tỉ đồng, gấp 7,8 lần so với con số của năm 2010. 

Và trong nửa đầu năm 2020, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tiếp tục duy trì ở mức cao bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19 với 1.022 tỉ đồng.

Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 5.

Sau chặng đường 10 năm từ năm 2010 - 2019, vốn điều lệ của VIB tăng 131%, tổng tài sản của ngân hàng đã tăng trưởng 97%, cho vay khách hàng tăng lên gấp 3 lần, tiền gửi khách hàng gấp 2,7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 4 lần. Số dư cho vay khách hàng đã vượt qua tổng tiền gửi khách hàng từ năm 2016.

Trong năm 2020, VIB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm tối đa 20% từ 9.245 tỉ đồng lên tối đa 11.093 tỉ đồng. 


Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 6.

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp từ BCTC của VIB qua các năm.

Ngân hàng đã nâng số lượng chi nhánh từ 136 lên 163 và tuyển dụng thêm hơn 3.800 nhân viên trong 10 năm. Thu nhập bình quân của nhân viên cũng tăng trưởng đều đặn qua các năm (trừ thời điểm năm 2015 giảm so với năm trước đó) từ mức 14,35 triệu đồng/tháng (2012) lên 26,21 triệu đồng/tháng (2019), tương đương tăng 83% trong 8 năm.

Cập nhật theo báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2020, thu nhập bình quân hàng tháng ở mức 24,75 triệu đồng, tăng nhẹ so với cùng kì năm trước là 23,55 triệu đồng.

Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 8.

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp từ BCTC của VIB qua các năm.

Cùng với tăng trưởng cho vay, số dư nợ xấu của VIB cũng tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, tỉ lệ tăng nợ xấu của ngân hàng chỉ bằng một nửa của tăng trưởng cho vay. Số dư cho vay khách hàng năm 2019 của VIB tăng 210% so với năm 2010 nhưng nợ xấu của ngân hàng chỉ tăng 116%, góp phần đưa tỉ lệ nợ xấu cuối năm 2019 về dưới 2%. 

Ngân hàng đã xử lí hết nợ xấu tồn đọng tại VAMC vào năm 2018. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến nợ xấu của ngân hàng đã tăng trở lại, tỉ lệ nợ xấu ở mức 2,37% vào cuối tháng 6/2020.

Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho biết: "Trong ba năm trở lại đây VIB không phát sinh các khoản nợ xấu lớn. Ngân hàng có khẩu vị rủi ro linh hoạt, điều chỉnh 3 tháng một lần nên không có doanh nghiệp có dư nợ lớn".

Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 11.

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp từ BCTC của VIB qua các năm.

Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 9.

VIB là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng chuẩn mực Basel II và cũng là ngân hàng đầu tiên chính thức công bố hoàn thành sớm cả ba trụ cột của tiêu chuẩn này vào cuối năm 2019. Hệ số CAR của VIB theo Basel II tại thời điểm cuối năm 2019 là 9,7% cao hơn ngưỡng qui định của Ngân hàng Nhà nước (9%).

Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 12.

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp từ BCTC của VIB qua các năm.

Trong năm 2020, mặc dù ban đầu đã đặt mục tiêu khá cao nhưng sau khi diễn ra yếu tố COVID-19, ban lãnh đạo ngân hàng đã chốt kế hoạch đạt lợi nhuận tối thiểu là 4.500 tỉ đồng (tăng 10% so với năm trước) do nhìn thấy nhiều khó khăn hơn

Cùng với đó, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 20% đạt 222.000 tỉ đồng, trong đó, tăng trưởng tín dụng (gồm cho vay khách hàng, trái phiếu doanh nghiệp và mua nợ) dự kiến đạt 24%, mức tăng trưởng cho vay cao so với toàn ngành.

VIB cũng nằm trong danh sách những ngân hàng được NHNN phê duyệt nới room tăng trưởng tín dụng lên 18% - 22% trong năm nay.

Vào giữa tháng 9, ngân hàng từng lên kế hoạch họp đại hội đồng cổ đông bất thường để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với điều kiện mới, thời điểm sau khi đợt hai của dịch COVID-19 vào giai đoạn cao điểm (tháng 7 - tháng 8). Tuy nhiên, sự kiện này đã bị huỷ, VIB cho biết việc tiến hành họp ĐHĐCĐ bất thường là không còn cần thiết do yêu cầu của hoạt động kinh doanh nên ngân hàng cần giữ nguyên kế hoạch vốn thông qua trước đó.

Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 13.

Sau hơn 3 năm chính thức giao dịch trên UPCoM, VIB dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua và Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho biết thời gian lên sàn theo dự kiến vào tháng 11/2020 sau khi được các cơ quan quản lí thông qua.

Cổ phiếu VIB bắt đầu giao dịch trên UPCoM vào ngày 9/1/2017 vào đúng thời điểm những thông số tài chính của ngân hàng có bước chuyển mình khá tích cực. Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 17.000 đồng/cp, vốn hoá của VIB đạt trên 9.595 tỉ đồng. 

Tính đến cuối phiên giao dịch ngày 1/10/2020, giá cổ phiếu VIB được giao dịch ở mức 29.000 đồng/cp, ở vùng giá cao nhất , tương đương mức vốn hoá thị trường 26.810 tỉ đồng với gần 924,5 triệu cp niêm yết, gấp 2,6 lần so với ngày đầu giao dịch.

Chiến lược bán lẻ và bước chuyển mình của VIB sau 10 năm hợp tác với cổ đông ngoại - Ảnh 12.

Diễn biến giá cổ phiếu VIB trong các tháng trở lại đây. (Nguồn: VnDirect).

Diệp Bình
Justin Bui
Kinh tế & Tiêu dùng