|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Khoảng 9h30 sáng, chúng tôi có mặt tại văn phòng của startup velasboost – bên trong con ngõ nhỏ, nằm cạnh một trung tâm thương mại sầm uất. Đón tiếp chúng tôi là anh Lê Hải Vũ, CEO Founder của velasboost, chân đi dép lê, mặc quần jeans, áo polo… mang lại cảm giác gần gũi cho người đối diện, như cách anh vẫn thường làm trên các buổi livestream bán hàng của mình.

 

 

CEO Lê Hải Vũ: Từ thời sinh viên, tôi đã là một người yêu các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là smartphone. Tôi bắt đầu kinh doanh smartphone bằng việc gom góp tiết kiệm 1-2 triệu đồng để mua đi bán lại smartphone cũ trên các diễn đàn công nghệ. Và có lẽ người chọn nghề, tôi đi theo ngành này tới tận bây giờ. Do có sự am hiểu về sản phẩm, về khách hàng và các mối quan hệ sẵn có, tôi lựa chọn ngành phụ kiện smartphone để tạo nên một thương hiệu mới, một bước tiến mới.

Tôi kinh doanh smartphone với một ông anh nữa, thời điểm giữa năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, hai anh em nhận ra lĩnh vực này ngày càng kém đi, biên lợi nhuận ngày càng giảm. Tháng 4/2020, bắt đầu giãn cách xã hội, ở nhà có nhiều thời gian nên tôi bắt đầu suy nghĩ về những hướng đi mới, lúc đó tôi bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu về các tiêu chuẩn phụ kiện Mfi của Apple. Sau đó, chúng tôi tiến hành thử nghiệm và cuối năm 2020 cho ra sản phẩm đầu tiên.

 

CEO Lê Hải Vũ: Trước đây, tôi chỉ là người kinh doanh thương mại thuần túy, chỉ đơn giản là nhập sản phẩm, tìm cách bán hàng, còn bây giờ là tìm cách đặt hàng sản xuất sản phẩm với thương hiệu riêng thì sẽ có nhiều bỡ ngỡ hơn. Đặc biệt, khi làm với Apple hay Qualcomm, họ sẽ thẩm định khá lâu, ban đầu có một sai lầm đã khiến tôi mất thời gian lâu hơn 6 tháng thông thường để được Apple cấp MFi.

Đó là khi họ yêu cầu cung cấp website doanh nghiệp và tôi đã gửi cho họ website bán lẻ của bên mình. Trên đó có một số sản phẩm do Apple quản lý và xuất hiện một sản phẩm vi phạm bản quyền của họ, vì vậy họ đã ngưng hợp tác và yêu cầu giải trình. Thời điểm ấy, tôi tưởng đã có cánh cửa mở ra nhưng nó đóng lại quá nhanh, bị từ chối một cách bất ngờ, cảm giác mọi thứ như sụp đổ và tôi cũng không hiểu được tại sao lại như vậy.

 

Tuy nhiên, tôi đã tìm đọc lại các tài liệu Apple cung cấp, ở đó có các bộ Q&A và quy trình cụ thể để mình tham khảo. Sau đó, tôi quyết định đăng ký làm lại từ đầu. Nhờ rút kinh nghiệm từ lần đầu tiên, lần thứ hai diễn ra suôn sẻ và nhanh. Tháng 12/2020, velasboost chính thức được Apple cấp chứng nhận MFi.

 

 

CEO Lê Hải Vũ: Thật ra, chỉ có mỗi từ Boost là có ý nghĩa theo tiếng Anh, hiểu như một sự nâng đỡ để tăng tốc. Tương tự sạc nhanh vậy, giúp thiết bị của bạn hoạt động tối đa giá trị hơn. Velas là từ vô nghĩa, khi đi đăng ký sở hữu trí tuệ, những cái tên gắn vào chữ boost mà tôi chọn đều đã bị đăng ký, trong lúc không nghĩ ra thì anh tư vấn viên bảo tôi thử chọn cái tên này cho dễ đăng ký, vì vậy velasboost ra đời.

Những biệt danh như Lỗ Vũ, hay Vua Bán Lỗ là một cách marketing vui vẻ với khách hàng của tôi. Ngoài velasboost, tôi còn sở hữu một công ty thương mại, chuyên bán lẻ phụ kiện công nghệ, hay được khách hàng nói vui là bán ‘’lỗ’’ quá, nên từ đó đặt luôn hai cái tên kia làm biệt danh, cũng là một cách mà khách hàng họ nhớ đến mình.

 

CEO Lê Hải Vũ: Tôi nhớ năm 2017, Bphone gây chấn động khi nhảy vào sản xuất smartphone. Bản thân tôi thì không dám nghĩ tới việc làm smartphone vì nó cần nguồn lực lớn mà mình thì không thể. Nhiều khi ngồi cà phê với bạn, tôi cũng có suy nghĩ xem có thể làm một brand (thương hiệu – PV) về đồ công nghệ của Việt Nam hay không, nhưng chưa biết làm sản phẩm gì.

Bỏ nghề kinh doanh smartphone để nhảy sang một mảng mới thì tôi không dám liều, vì khi đó tôi sẽ là tân binh, phải xây lại khách hàng từ đầu, trong khi kinh nghiệm cũng là con số 0, chưa kể có thể sẽ phải trả giá, mà tôi thì đã mất quá nhiều trên hành trình kinh doanh trước đó nên đây là điều tôi không muốn xảy ra thêm một lần nào nữa.

Tôi suy nghĩ tới việc làm mảng gì có liên quan tới smartphone và ý tưởng về phụ kiện nảy ra. Ở Việt Nam đã có một số đơn vị làm phụ kiện nhưng người ta không gây ra ấn tượng gì cả. Tôi hiểu tâm lý của người dùng Việt, họ không phải là sính ngoại, chỉ là người dùng không có niềm tin vào chất lượng sản phẩm trong nước và không có thứ gì để minh chứng cho điều đó.

Nắm bắt được điều đó, tôi mới tính tới việc phải đứng trên vai người khổng lồ để làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế, với sạc cáp là tiêu chuẩn MFi của Apple.

 

Chúng tôi hiểu rằng người Việt tin dùng những thương hiệu công nghệ ngoại. Với cá nhân tôi, đó cũng là điều rất hiển nhiên, bởi nước ngoài họ nắm công nghệ lõi và rất tiến bộ ở ngành này. Vì vậy, ngay từ đầu chúng tôi đã cố gắng làm sản phẩm đạt chuẩn Apple hay Qualcomm, những tiêu chuẩn này là những tiêu chuẩn cao nhất, khách hàng Việt biết điều đó, nên việc tiếp nhận ban đầu là rất dễ dàng, bởi mình cũng có sản phẩm đạt chuẩn ngoại mà.

Hồi đầu, khi mới tìm đọc sơ qua các tài liệu để có thể làm sản phẩm đạt tiêu chuẩn MFi, tôi đã từng nghĩ tới bỏ cuộc vì Apple yêu cầu mình phải có nhà máy mà cái đó thì mình chịu.

Tuy nhiên, trong lúc nghiên cứu thêm, tôi phát hiện ra một phương án khả thi hơn, đó là trở thành nhà phát triển sản phẩm, có nghĩa là đăng ký với họ để trở thành nhà phát triển sản phẩm đấy.

Khi thực hiện vai trò này, chúng tôi được phép tạo ra một sản phẩm hình mẫu và thuê lại các nhà máy thuộc danh sách cấp phép của Apple để gia công lại, sau đó đưa về Việt Nam để làm thương mại.

Tại thời điểm đó, tôi lục tìm các nhà máy có mặt tại Việt Nam với mong muốn sản phẩm “Make in Vietnam”. Chúng tôi liên hệ với với một số nhà máy ở Bắc Giang nhưng phát hiện họ đều là đơn vị sản xuất của Trung Quốc, đặt nhà máy tại Việt Nam.

 

Chưa kể, tôi cũng gặp khó khi nhà máy không nhận gia công những đơn hàng nhỏ, chưa đủ giá trị hợp đồng. Ngoài ra, một số nhà máy chỉ được phép gia công cho sản phẩm bán cho thị trường nước ngoài, không được bán ở Việt Nam. Đó là lý do khiến tôi phải chọn các nhà máy ở Trung Quốc, chứ thật lòng tôi cũng rất muốn sản phẩm được làm tại Việt Nam.

Với các nhà máy Trung Quốc, mọi chuyện dễ dàng với velasboost. Họ không yêu cầu đơn hàng có giá trị quá lớn và chi phí sản xuất thấp. Chúng tôi đã đặt thử họ làm mẫu thử, sau đó tiến hành gia công số lượng lớn.

 

CEO Lê Hải Vũ: Thời điểm ra mắt, chúng tôi chỉ có 2 SKU, tới giờ đã hơn 30 SKU sau hơn một năm. Ban đầu chúng tôi tập trung vào những sản phẩm cao cấp, nhưng hiện tại định hướng cũng có chút thay đổi khi chúng tôi đang triển khai thêm những dòng sản phẩm bình dân hơn, và cũng may mắn khi khách hàng rất ủng hộ phân khúc bình dân này.

Tôi nghĩ trong năm nay, velasboost chỉ có thể thêm 5-7 SKU nữa thôi, không cần nhiều. Còn lại, chúng tôi sẽ cố gắng tập trung vào việc tối ưu hóa các sản phẩm, cả về giá lẫn chất lượng, thay vì chạy theo đa dạng hóa sản phẩm như năm đầu tiên.

 

 

CEO Lê Hải Vũ: Thú thật, điều đầu tiên tôi muốn là marketing, được lên sóng Shark Tank có thể giúp mình quảng bá thương hiệu “con đẻ” tới nhiều người hơn. Tôi nghĩ ai cũng muốn điều đó, khi lên sóng chương trình là được cả nước biết tới, song tôi không chỉ muốn thương hiệu của mình chỉ dừng lại ở mức bán nhỏ lẻ và online vì công ty của tôi hoàn toàn làm được điều đó mà không cần gọi vốn.

Với ngành sản xuất đồ công nghệ, nó có một cái khó là tiêu chuẩn. Ví dụ, bạn làm cái quần cái áo, bạn không phải lo lắng quá nhiều đến các tiêu chuẩn hay kỹ thuật,… Bạn có thể thấy Coolmate làm sản phẩm lên rất nhanh, ít có rào cản về sản xuất.

Việt Nam là một trong những quốc gia gia công may mặc hàng đầu trên thế giới nên làm thời trang ở Việt Nam dễ hơn so với sản phẩm công nghệ. Nước ta có rất ít đơn vị gia công đồ điện tử, các nhà máy ở đây đều do nhà sản xuất nước ngoài đặt và họ cũng chỉ sản xuất cho họ chứ không làm cho Việt Nam.

Nếu muốn sản phẩm Make in Vietnam thì bắt buộc phải có nhà máy ở Việt Nam giúp đỡ mà điều đó cần nguồn lực rất lớn, điều tôi không thể làm được.

Bên cạnh đó, khi có nhà máy và đội ngũ kỹ thuật ở Việt Nam hỗ trợ, sản phẩm sẽ có thể đạt được chất lượng và tiêu chuẩn trong nước. Tôi không nói sản phẩm của mình kém chất lượng nhưng hiện tại tôi vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn quá trình sản xuất và vẫn phải đặt niềm tin vào đối tác nước ngoài.

Nếu như làm được ở Việt Nam, velasboost hoàn toàn có thể đảm bảo chất lượng trong tất cả các khâu, từ đầu ra cho tới đầu vào. Đấy là sự bảo chứng cho sản phẩm. Khi bạn muốn đi xa, bạn phải làm mọi thứ chuẩn chỉnh từ đầu đến cuối.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất. Công ty của tôi có thể tự bán được sản phẩm nhưng nó ở quy mô nhỏ và không thể đạt tới volume thị trường lớn. Nếu tôi muốn đưa sản phẩm đi khắp cả nước thì phải nhờ đến các chuỗi siêu thị, chuỗi cửa hàng điện thoại lớn như TGDĐ chẳng hạn, nhưng vào đến đấy lại là một câu chuyện khác.

Ví dụ, khi đưa sản phẩm vào chuỗi của Thế Giới Di Động, họ có thể sẽ yêu cầu bạn phải có sẵn hàng chục tỷ đồng để làm công nợ, nhưng nếu sản phẩm không bán được thì bạn sẽ phải thu hồi về. Đấy là một rào cản rất lớn, họ là người nắm đằng chuôi, tôi chỉ nằm ở đầu lưỡi, khi tôi dám chơi một quả lớn như vậy thì rủi ro sẽ rất cao.

Nếu sản phẩm bán chậm bán kém, tôi sẽ phải ôm hết sản phẩm đó về và phải chịu toàn bộ chi phí để thu hồi, từ vận chuyển đến kho bãi… và với nguồn lực hiện tại, tôi không thể chịu chơi một ván lớn như vậy nên cần phải có người để dựa hơi, đỡ cho mình thì mới có thể đi xa được.

Tôi cho rằng thị trường phụ kiện điện thoại không phải là thị trường ngách vì nhu cầu rất là lớn. Và khi bạn muốn đánh ở một thị trường quá lớn như vậy thì nguồn lực phải rất lớn.

Nếu volume (quy mô) thị trường chỉ khoảng 100 tỷ đồng thì chúng tôi cố gắng cũng có thể làm được nhưng lên tới hàng nghìn tỷ thì nó là câu chuyện khác. Với tiềm lực hiện tại, sản phẩm của velasboost có thể đi vào một số chuỗi nhỏ, khoảng vài trăm cửa hàng nhưng với hàng nghìn cửa hàng thì chúng tôi không thể chơi được.

 

CEO Lê Hải Vũ: Đúng rồi! Ngay từ vòng đầu cho tới khi ghi hình, velasboost đều muốn được đồng hành cùng Shark Phú. Mặc dù liên quan tới công nghệ nhưng sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm vật lý, chứ không phải phầm mềm hay ứng dụng, vì thế tôi rất quan trọng tiềm lực phân phối, sản xuất và điều này phù hợp với hệ sinh thái của Shark Phú.

Điều đáng mừng là velasboost được ưu tiên thẩm định khá sớm, trước khi được lên sóng và hiện tại quá trình Due Diligence vẫn đang diễn ra.

 

CEO Lê Hải Vũ: Tôi kỳ vọng sản phẩm có thể được đưa vào các chuỗi lớn để có mức độ phủ thị trường nhanh hơn. Tiếp theo là tôi muốn có nguồn lực để tạo ra hệ sinh thái lớn hơn, từ đó tạo ra nhiều dự án thú vị hơn.

velasboost đang làm việc với một số thương hiệu nổi tiếng toàn cầu để đặt vấn đề hợp tác và khi kết hợp với một số brand lớn như vậy, tôi cũng cần thêm nguồn lực vì mình đang gồng gánh hơi nhiều.

Hiện tại, tôi đang lo làm sản phẩm, lo bán hàng, dịch vụ hậu mãi... vốn liếng cũng chưa đủ nhiều nên chưa có khả năng gánh được những chiến dịch lớn, nếu có nguồn lực và vốn lớn thì mọi chuyện sẽ khác.

Nếu theo thỏa thuận ban đầu với bên Shark Phú, họ sẽ lo khâu phân phối, sản xuất và mình chỉ cần tập trung vào phát triển sản phẩm, thương hiệu.

 

CEO Lê Hải Vũ: Quan điểm của tôi rất thực tế. Tôi làm kinh doanh từ lâu rồi chứ không phải mới làm. Đôi khi một số bạn mới làm có tư tưởng là họ sẽ tạo ra công ty có giá trị trăm triệu đô nhưng điều đấy rất là khó.

 

Có nhiều nguồn lực mà bạn phải trả giá bằng tiền, kinh nghiệm và mối quan hệ, những cái đó thì startup không bao giờ có. Nếu startup muốn phát triển thì lấy tiền đâu ra? Mối quan hệ ở đâu? Kinh nghiệm ở đâu để phát triển?... Nhiều startup cứ nghĩ họ có sản phẩm tốt, tư duy thế này thế kia nhưng theo cá nhân tôi thì điều đó rất là nhỏ.

Giả dụ, bây giờ bạn có sản phẩm tốt, bạn chắc chắn sẽ có doanh thu trăm tỷ đồng nếu đẩy được vào TGDĐ nhưng để làm được điều đó thì ai sẽ giúp bạn? Ai cho bạn tiền để làm điều đấy?

Tôi luôn suy nghĩ thực tế và muốn có doanh thu như vậy thì mình chắc chắn không thể làm được với nguồn lực hiện tại, cần có người khác giúp đỡ. Vì thế, tôi nghĩ tỷ lệ 50/50 là hợp lý.

 

CEO Lê Hải Vũ: Trong ngành này thì mình không nghĩ velasboost có điều gì đột phá sáng tạo so với các thương hiệu khác. Tuy nhiên, tôi có thể dựa theo doanh thu, doanh số và cách làm của đối thủ như Anker, Xiaomi, Baseus… để đưa ra mục tiêu phù hợp với mình.

Họ đều là những thương hiệu lớn lâu năm trên thị trường, tôi nghĩ không có lý gì mà cách họ làm không đúng cả. Tôi sẽ căn theo các bước đi của họ để tìm ra điểm đột phá trong chiến lược của velasboost, từ đó làm khác đi so với những tên tuổi này.

 

 

CEO Lê Hải Vũ: Đấy là một sự may mắn! Tôi xác định nguồn lực nhỏ thì phải tận dụng con sóng lớn thì mới đi lên được. BKAV công bố họ sẽ ra mắt tai nghe vào năm 2020, nhưng không hiểu sao họ không làm. Khi đó, tôi đã nắm bắt cơ hội và nghiên cứu một sản phẩm có cấu hình cao hơn nhưng giá thành lại rẻ hơn họ.

Thời điểm AirB ra mắt, tôi nắm bắt được nhu cầu của cộng đồng công nghệ rằng họ cần một cái gì đó để so sánh. Vì thế, tôi đã đẩy mạnh truyền thông sản phẩm tai nghe của velasboost, nương theo con sóng mang tên AirB để đi lên cùng. Tôi chắc chắn phải cảm ơn họ [BKAV] vì điều đó.

 

CEO Lê Hải Vũ: Thời của HK Phone và Mobiistar thì họ thành công ở giai đoạn đầu – thời điểm mà đột phá công nghệ vẫn chưa nhiều. Tôi nghĩ công nghệ phát triển nhanh quá, giá càng ngày càng rẻ nên những thương hiệu này không thể bắt kịp, cũng có thể họ thấy biên lợi nhuận không đủ nên chọn cách chia tay.

Với Bphone, tôi không rõ định hướng của họ, còn VinSmart thì tôi nghĩ không phải là họ không đủ khả năng, tôi cảm thấy sản phẩm của VinSmart rất ok, có thể họ cảm thấy không đủ hấp dẫn trong ngành này nên rút sớm.

Về phần mình, chắc chắn tôi không bao giờ có ý định làm smartphone. Bạn thấy đấy, VinSmart nhảy vào và họ cũng không chịu được sức cạnh tranh quá lớn trong ngành này. Do đó, velasboost phải biết mình là ai.

Với mảng phụ kiện, tôi hoàn toàn có thể làm được sản phẩm chất lượng. Với smartphone, khách hàng có thể không mua điện thoại giá rẻ nhưng với phụ kiện thì khác, nhu cầu phụ kiện giá rẻ rất lớn, thậm chí người dùng sẵn sàng mua những sản phẩm không tên tuổi, không thương hiệu.

Trong lĩnh vực phụ kiện điện thoại, tôi cũng không cần phải chạy đua công nghệ quá nhiều với các ông lớn, chỉ cần đủ chất lượng thì với ngành này, tôi nghĩ velasboost hoàn toàn có thể làm nên chuyện.

 

 

 

CEO Lê Hải Vũ: Tôi gặp rất nhiều ý kiến tiêu cực như vậy và đến hiện tại vẫn còn tình trạng này, nhưng tôi thấy luồng ý kiến này thường chỉ ở những người lớn tuổi, thế hệ trước, chứ thế hệ trẻ bây giờ họ suy nghĩ thoáng hơn nhiều.

Thêm nữa, tôi cũng thành thật ngay từ đầu là sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc, không hề giấu giếm. Tôi luôn giải thích với khách hàng rằng “chúng tôi là thương hiệu Việt và lợi nhuận, doanh thu đều do người Việt nắm giữ, còn sản phẩm thì được sản xuất ở Trung Quốc”.

Ngoài ra, tôi cũng cố gắng giải thích rằng các thương hiệu phụ kiện lớn trên thế giới như Anker, Baseus,… đều sản xuất ở Trung Quốc hết. Đây là xu thế chung của tất cả các ngành.

Họ [các thương hiệu quốc tế] chẳng dại gì mà cố gắng đặt nhà máy ở một nơi nào đó để rồi quá tải về chi phí, không đủ nguồn cung mà làm. Câu chuyện của Trung Quốc là gì? Họ có cả một hệ thống có thể bổ trợ lẫn nhau và chúng tôi không thể đứng ngoài xu thế đó được.

Nếu tôi làm sản phẩm đúng nghĩa “Make in Vietnam” thì cái giá đó quá cao và khách hàng không thể mua được. Bạn làm kinh doanh nhưng ngay từ đầu bạn đưa ra sản phẩm mà khách hàng không thể mua được thì bạn thua rồi! velasboost không thể đi theo lựa chọn đó, tôi chấp nhận sống với luồng ý kiến hai chiều.

 

Cái quan trọng với velasboost là làm được ra sản phẩm. Còn việc khách hàng có chọn velasboost hay không thì tôi nghĩ khách hàng chỉ quan tâm tới giá thành như thế nào? Chất lượng có tốt không? Dịch vụ chăm sóc khách hàng có ok hay không?... Rồi một ngày khách hàng cũng không còn quan tâm nhiều tới nguồn gốc của sản phẩm nữa đâu.

Ngày xưa, chúng ta có thể kỳ thị điện thoại, xe máy đến từ Trung Quốc vì nó quá dởm nhưng hiện tại, hầu hết smartphone đều sản xuất tại Trung Quốc. Vì thế, ngay từ đầu tôi đã chọn thành thật rằng sản phẩm được làm ở Trung Quốc, như vậy cho đỡ mệt!

 

CEO Lê Hải Vũ: Với vấn đề sản xuất, tôi cũng gặp nhiều vấn đề khó kiểm soát. Thứ nhất về mặt tiền bạc, bạn phải trả trước một khoản tiền lớn và thời gian chờ đợi khá lâu. Nếu sản xuất trong nước thì sẽ dễ hơn, quen nhau nên dễ dàng công nợ nhưng với nước ngoài, chuyện đó sẽ không xảy ra.

Thứ hai, khi sản phẩm ra mắt, velasboost đã tiến hành thử nghiệm sản phẩm nhiều lần để tìm ra lỗi trước khi tiến hành sản xuất, chứ không test lỗi tiềm ẩn trước mà cứ thế đưa ra thị trường rồi bị lỗi cả lô thì chết.

Thực ra, chúng tôi cũng đã có một số sản phẩm có tỉ lệ lỗi cao dẫn tới việc doanh số kém hiệu quả. Đó là rủi ro và chúng tôi khó có thể kiểm soát được, nhất là trong đồ công nghệ. Vì thế, velasboost đang cố gắng tập trung vào những mẫu cơ bản, công nghệ không quá cao siêu.

 

CEO Lê Hải Vũ: Tôi kỳ vọng velasboost có thể lọt top 3-5 thương hiệu có mặt trên thị trường. Ban đầu, tôi nghĩ đối thủ của tôi là Anker nhưng hiện tại, đối thủ của velasboost là những thương hiệu tầm trung của Trung Quốc như Baseus chẳng hạn.

Trước mắt, tôi phải tìm cách đẩy chất lượng sản phẩm cao hơn nhưng mức giá chỉ ở mức ngang bằng họ mà thôi. Hiện tại, velasboost đã có một số sản phẩm có thể làm được điều đó và chúng tôi đang phát triển.

Là một công ty nhỏ, tôi nghĩ velasboost có độ linh hoạt cao hơn so với các thương hiệu lớn, nếu làm mà cảm thấy không phù hợp có thể dễ dàng bỏ ngay, ví dụ một sản phẩm được ra mắt nhưng nếu cảm thấy nó đuối quá thì chúng tôi dễ dàng khai tử. Điều này không giống với các đơn vị lớn, một khi họ đã làm thì chiến dịch sẽ có quy mô lớn và khó lòng quay đầu.

Ngoài ra, ở Việt Nam, các thương hiệu nước ngoài chủ yếu chỉ đặt đại lý và thiếu tính chủ động cao, trái ngược với velasboost. Chúng tôi là công ty trong nước, làm trực tiếp nên có khả năng xoay sở tốt hơn, dễ dàng đảo chiều, đảo gió nhanh.

Tôi cũng đã thủ sẵn nhiều cách để sẵn sàng solo với thương hiệu ngoại. Thêm nữa, velasboost là thương hiệu Việt, khách hàng trong nước chắn chắn sẽ dành sự ưu ái hơn cho chúng tôi. Nếu đặt trên bàn cần hai sản phẩm của thương hiệu khác, người dùng họ còn so sánh nhiều, nâng lên đặt xuống. Tuy nhiên, nếu có một thương hiệu Việt xuất hiện với giá cả và chất lượng tương đương, chắc chắn khách hàng Việt sẽ chọn thương hiệu Việt. Đấy là điều mà chúng tôi tự tin nhất khi đấu đầu với đối thủ ngoại.

 

 

CEO Lê Hải Vũ: Tôi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh từ khi còn học đại học. Đến một ngày, tôi thấy bản thân có duyên bán hàng cũng như tìm kiếm được nguồn hàng, vì thế tôi bắt đầu làm lớn lên, tích lũy dần và mở vài cái cửa hàng rồi kinh doanh sang các mảng mới như thời trang.

Năm 2017, tôi trải qua thất bại đau đớn nhất, các mô hình kinh doanh để lộ sự non kém, dẫn tới thất bại và tôi phải đánh đổi bằng khoản tiền tích cóp sau bao nhiêu năm. Nguyên một năm sau đó, vợ chồng tôi đã phải cật lực cày để lấy lại những gì đã mất.

Tôi cảm thấy đó là thời điểm hội tụ đủ mọi yếu tố để thất bại. Thứ nhất, ngày đó tôi còn quá trẻ, chỉ mới 25 tuổi và còn ngông, cứ nghĩ làm được một cái [mô hình kinh doanh] thì mở thêm 10 cái cũng chẳng có vấn đề gì.

Tuy nhiên, trong kinh doanh, không phải cứ làm được một mảng này là có thể dễ dàng làm cái thứ hai, vì hai lĩnh vực sẽ có quy mô cũng như cách tư duy khác nhau, chưa kể bước sang một ngành mới thì bạn lại phải học thêm kiến thức mới.

 

Điều an ủi nhất là khi tôi thất bại với cửa hàng thời trang, vốn nó không bị âm, chỉ là những khoản tích cóp sau bao năm bay sạch. Cuối năm 2017, hai vợ chồng tôi chỉ còn đúng 100 triệu đồng, trong đó 80% là tiền hàng đang nợ ở mảng thời trang và thực tế, tôi còn 20 triệu đồng.

Thời điểm đó, tôi có hai bạn nhân viên thì phải cho một bạn nghỉ vì không có tiền trả lương. Sau đó, tôi cùng ông anh gây dựng lại mảng điện thoại với 20 triệu đồng. Rất may là tôi kinh doanh điện thoại cũng lâu rồi nên có thể nợ tiền hàng để bắt đầu cày lại.

Một chút ngông cuồng của tuổi trẻ trong khi kinh nghiệm chưa đủ, thế là đứt! Sau thất bại đấy, tôi rút ra được rằng muốn làm gì cũng cần có nguồn lực, không chỉ là tiền mà còn là kiến thức. Bạn phải có trình độ lẫn tiền bạc, tức là khi làm kinh doanh thì bạn phải có nguồn lực về tiền, không thể tay không bắt giặc được, chẳng thà bạn làm một mình chứ nếu đã mở cửa hàng, thuê nhân viên thì bạn phải có tiền.

Bên cạnh đó là kiến thức cũng như hiểu biết về tài chính, ví dụ bạn mở chuỗi thì phải hiểu quy trình vận hành rồi cách quản lý ra sao, dòng tiền diễn ra như thế nào… Ngày đó, tôi còn non nớt, cứ nghĩ bán có lãi thì cầm tiền chỗ này đập vào chỗ kia thôi.

 

CEO Lê Hải Vũ: Với một số người, kinh doanh đơn giản là công cụ kiếm tiền, họ có thể sẵn sàng từ bỏ những mô hình kinh doanh cũ để theo đuổi mô hình kinh doanh lợi nhuận cao hơn. Nhưng công nghệ với tôi là một niềm vui, một niềm đam mê, nó hình thành từ khi mình còn là một cậu học sinh cấp 2-3, tôi nhiều ngày dùng chiếc điện thoại nokia cũ bật GPRS lên mạng đọc về các thông tin công nghệ, và rồi khi lên tới đại học thì niềm đam mê ấy chuyển từ ý tưởng thành hiện thực.

Tôi hiểu về sản phẩm, biết về công nghệ, mình muốn đem lại cho khách hàng những thứ hợp lý so với chi phí khách hàng bỏ ra, nói đúng sự thật về những sản phẩm mình bán. Khách vui, mình cũng cảm thấy bản thân có giá trị. Tôi sẵn sàng theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, và bản thân cũng đã bán xe, bán đi nhiều tài sản để đầu tư vào velasboost.

Hiện tại, chúng tôi vẫn không ngừng nghiên cứu, cải tiến sản phẩm liên tục, và hầu hết thời gian trong tôi đều dành cho công việc kinh doanh. Nếu thiếu kinh doanh, có lẽ cuộc đời hơi vô nghĩa đối với tôi, thành ra nó như một cái gì đó ăn vào máu rồi, nên một khi đã làm là tôi làm rất lâu và đi tới cùng.

 

CEO Lê Hải Vũ: Một ngày của mình bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào khoảng 12h đêm, trong đó 80% thời gian này là làm việc, từ làm nội dung, làm kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu sản phẩm, quảng cáo, làm việc với đối tác…và siêu nhiều công việc không tên. Startup mà! Sự ổn định là thứ không bao giờ có trong công ty, phải liên tục sửa sai, học tập và thực sự cố gắng hơn người bình thường, họ làm 8 tiếng, mình làm 13-14 tiếng là chuyện thường.

 

 

CEO Lê Hải Vũ: Sinh viên khởi nghiệp có điều hay là không phải quá lo lắng về thành hay bại, vì thiệt hại là không nhiều, chủ yếu mất công sức, nhưng cho dù được hay mất thì vẫn có được thứ lớn nhất là kinh nghiệm và sự dạn dày trong cuộc sống.

Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ nếu có thể thì hãy đi làm thuê trước, bởi đi làm thuê cho chúng ta những kiến thức, những quy trình của các công ty có sẵn để sau này khởi nghiệp mình có thể đưa vào công ty mà không phải ‘’trả giá’’ bằng tiền và thời gian.

Tôi khởi nghiệp sớm, và đó cũng là điều tôi cảm thấy mình cũng mất mát nhiều. Vì thực tế có nhưng thiếu lý thuyết, và con đường đi hoàn toàn là đi một cách dò dẫm chứ không có đường lối rõ ràng. Giá như trước đây được đi làm nhiều hơn, trải nghiệm ở các công ty lớn nhiều hơn thì mình đã rút ngắn thời gian mò mẫm.

Vì vậy, khi sinh viên các bạn có thể khởi nghiệp, nhưng hãy nên cố gắng đi làm để lấy thêm kinh nghiệm, song hành giữa học và làm để có kết quả tốt trong thời gian ngắn nhất.

 

Thành Vũ
Alex Chu
Doanh nghiệp & Kinh doanh