|
 Thuật ngữ VietnamBiz

 

 

PV: Tôi vừa thực hiện một thao tác nhỏ là gõ chữ “Trần Ngọc Báu” trên Google, hiển thị mà tôi thấy nhiều nhất là các nhận định của ông về kinh tế vĩ mô. Đây cũng là lĩnh vực giúp ông đến gần hơn với mọi người, vậy ông có thể chia sẻ thêm về hành trình đến với vĩ mô?

Ông Trần Ngọc Báu: Tôi bắt đầu đam mê lĩnh vực vĩ mô, tiền tệ từ năm 2009, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Khi đó, các nghiên cứu về kinh tế tài chính, vĩ mô, tiền tệ khá sôi động trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Song, vấn đến lớn nhất mà những người nghiên cứu như tôi gặp phải là không có cơ hội tiếp cận với dữ liệu. Vì dữ liệu khi đó vừa ít, vừa đắt và gần như không có một nền tảng nào ở Việt Nam có dữ liệu đầy đủ.

Mãi đến giai đoạn 2017 - 2018, khi tôi có đội ngũ, chúng tôi mới ngồi lại với nhau, cùng nhau xâu chuỗi, tổng hợp và nhận ra dữ liệu vĩ mô Việt Nam cũng khá đầy đủ và không phải không có gì như mình nghĩ.

Lúc đó, tôi mơ ước rằng giá như những kiến thức và dữ liệu này mà người Việt Nam ai cũng biết thì chúng ta đã không quá quay cuồng trong câu chuyện suy thoái hay lừa đảo tài chính. Vì vào những giai đoạn như vậy, nếu chúng ta nhìn vào số liệu vĩ mô thì đều có cảnh báo trước nhưng chẳng qua mọi người quá tập trung vào câu chuyện vi mô, nghĩa là câu chuyện liên quan đến doanh nghiệp của mình, câu chuyện liên quan đến đời sống của mình mà không hiểu rằng đôi khi những câu chuyện tổng thể sẽ thể hiện trước.

Và chính trong khoảng thời gian đó, tôi cứ vừa học vừa nghiên cứu và chia sẻ những đam mê của bản thân, sở thích của bản thân rồi định hướng đi theo con đường đó “là chia sẻ những gì mình thích và mình đam mê”, vậy thôi (cười).

PV: Ngoài đam mê và sở thích của bản thân, ông có hình mẫu hay người truyền cảm hứng cho mình để theo đuổi lĩnh vực này không?

 

Ông Trần Ngọc Báu: Đó là Ray Dalio!

Ông là một nhà đầu tư, nhà quản lý quỹ và nhà từ thiện người Mỹ. Công ty đầu tư Bridwater Associates do ông sáng lập là một trong số các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Ray Dalio cũng là người có niềm đam mê tìm hiểu và luôn nhiệt huyết chia sẻ những hiểu biết của mình về hoạt động kinh tế vĩ mô gắn liền với đầu tư và kinh doanh. Từ đó, tôi nhận thức được rằng ở trên thế giới đã có một người thành công, một người tư duy giống mình nên càng yên tâm hơn về con đường mình chọn.

Hành trình vĩ đại của Ray Dalio đã khiến tôi thay đổi nhận thức rất nhiều. Việc ông ấy phổ biến kiến thức kinh tế vĩ mô trên toàn cầu nói chung và nước Mỹ nói riêng đã truyền cảm hứng lớn cho tôi. Nên tôi hy vọng ở Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều người đứng ra chia sẻ, giúp mọi người hiểu được những kiến thức liên quan đến vĩ mô, tiền tệ tác động như nào đến việc đầu tư, kinh doanh.

PV: Liên quan đến hành trình mà ông đang theo đuổi, vậy tính cho đến thời điểm hiện tại, ông đã giảng dạy kiến thức vĩ mô cho bao nhiêu người ở Việt Nam? 

Ông Trần Ngọc Báu: Tôi bắt đầu đứng lớp đào tạo kiến thức kinh tế vĩ mô và tài chính doanh nghiệp từ năm 2014, đến nay cũng khoảng 10 năm. Tính đến nay, may mắn là tôi cũng đã có cơ hội được chia sẻ kiến thức của mình đến vài nghìn người và khoảng hơn chục tổ chức ở Việt Nam.

PV: Sau gần một thập kỷ, thương hiệu Trần Ngọc Báu đã được nhiều người biết đến nhưng để có được thành quả như ngày hôm nay, ắt hẳn thời gian đầu ông đã gặp nhiều gian nan. Vậy ông có thể chia sẻ thêm về hành trình khởi nghiệp của mình?

Ông Trần Ngọc Báu: Tôi đã có khoảng 14 năm va chạm với nghề tài chính. Trong đó khoảng 2 năm đầu đời làm môi giới, còn hoạt động chủ yếu ở mảng phân tích, đào tạo và quản lý quỹ. Khó khăn chung của chúng tôi hồi đó là không có dữ liệu và công cụ hỗ trợ rất hạn chế. Nếu nói đến dữ liệu trong nước chỉ có StoxPlus là cung cấp. Chúng tôi phải làm thủ công khá nhiều, việc này tốn thời gian, chi phí và dễ sai sót.

Sau này tôi quyết định xây một trung tâm dữ liệu lớn, áp dụng công nghệ để làm quá trình sử dụng tiện lợi hơn cho nội bộ dùng. Sau 5 năm thì hiệu quả chúng tôi nhận được thực sự khác biệt so với phần còn lại nên tôi quyết định coi dữ liệu là một hành trình của mình.

Tôi tin là dữ liệu lớn đã giúp một người rất bình thường như tôi đầu tư và kinh doanh tốt hơn thì nó cũng sẽ giúp được số đông người Việt ra quyết định chính xác hơn và dần dần mọi thứ minh bạch, chúng ta sẽ không còn là "cái rốn" của vấn nạn lừa đảo tài chính.

Nói về khó khăn, điểm lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là thị trường tài chính Việt Nam còn mới, kiến thức còn sơ khai nên không nhiều nhà đầu tư, nhà kinh doanh thực sự hiểu và khai thác được dữ liệu trong việc ra quyết định của mình. Lúc này chúng tôi cần làm song song ba việc, một là đào tạo kiến thức tài chính bài bản, hai là hình thành thói quen ra quyết định dựa vào dữ liệu, và cuối cùng là tìm cách rẻ hoá dữ liệu để mọi nhà đầu tư đều có thể tiếp cận được.

Thực ra, khi nhìn lại những bước đầu tiên của hành trình, so với nhiều chuyên gia trong ngành, tôi không có nhiều lợi thế. Khi dấn thân vào hành trình này, tôi không có profile (tiểu sử) là giáo sư hay tiến sĩ mà chỉ có một hoài bão to lớn là minh chứng cho mọi người thấy “muốn phân tích hay chứng minh một vấn đề gì đó thì việc có dữ liệu là vô cùng quan trọng”. Tuy nhiên, khi trình bày ở các hội thảo chuyên ngành tôi thấy thường xuất hiện 2 lối tư duy: Lối tư duy phân tích theo kiểu kinh nghiệm truyền thống; Lối tư duy phân tích theo data (dữ liệu).

Thành ra, tôi phải mất tới 3 năm mới thay đổi được một phần nhỏ đó tư duy của một bộ phận chuyên gia trong ngành là “kinh nghiệm rất đáng quý nhưng có dữ liệu đi kèm thì dữ liệu sẽ bổ trợ cho mình những góc nhìn chính xác, khách quan hơn”. Bây giờ kinh tế vĩ mô, tiền tệ biến động liên tục, điển hình như việc một quyển sách được viết vào năm ngoái nhưng đến năm nay thì đã lỗi thời nên chỉ có dữ liệu và cập nhật kiến thức liên tục mới là quyển sách đáng quý nhất.

PV: Trên thị trường hiện nay, không chỉ có WiGroup mà có nhiều đơn vị khác cung cấp dữ liệu, nghĩa là “miếng bánh” trên thị trường đang bị cạnh tranh khốc liệt. Vậy ông làm thế nào để tạo ra sự khác biệt và khẳng định được vị thế?

 

Ông Trần Ngọc Báu: Tôi không coi mọi người là đối thủ cạnh tranh mà coi mọi người là những người thầy để học hỏi điểm gì đó, còn đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình là chính mình, người sếp lớn nhất của mình là khách hàng. Dù hiện nay, trên thị trường Việt Nam chỉ có 2 đơn vị đủ năng lực để cung cấp dữ liệu cho các tổ chức, trong đó có WiGroup.

Còn làm sao để khác biệt, theo tôi, khác biệt phải đến từ cảm nhận của khách hàng. Hành trình tạo khác biệt là phải đáp ứng một nhu cầu cần thiết mà hiện tại thị trường chưa có hoặc chưa làm tốt, hai là làm sao để hình trình tiếp cận của khách hàng có chi phí tốt nhất và thứ ba là cảm xúc của khách hàng trong lúc dùng sản phẩm.

Có thể nói, chúng tôi không hẳn là người đang bán dữ liệu. Công việc chính của chúng tôi là truyền niềm cảm hứng khi khách hàng sử dụng dữ liệu.

PV: Những năm gần đây, mọi người bàn nhiều về câu chuyện dữ liệu, thậm chí nhiều đơn vị coi dữ liệu là “vàng” nhưng thực chất đây mới chỉ là “vàng thô”. Vậy muốn thành “vàng ròng”, theo ông cần chú trọng điều gì?

 

Ông Trần Ngọc Báu: Theo quan điểm của tôi, dữ liệu mà không hiểu và dùng đúng cách thì cũng là rác, còn muốn trở thành vàng thì phải trải qua 2 bước. Thứ nhất là dữ liệu phải được “gán nhãn”, nghĩa là bạn phải tổng hợp tất cả dữ liệu, làm sạch, quy chuẩn rồi sau đó gán nhãn và phân loại theo từng ý nghĩa và mục đích sử dụng.

Thứ hai, muốn dữ liệu có giá trị thì người sở hữu dữ liệu phải biết “mình thực sự muốn gì”. Nghĩa là bạn phải thực sự tập trung tìm ra “bài toán mình cần giải" trước rồi sau đó mới khai thác dữ liệu để giải bài toán của mình.

Nếu thiếu một trong hai bước trên thì tôi tin dù một doanh nghiệp có sở hữu hàng triệu dải dữ liệu, trị giá hàng triệu đô thì giá trị mang lại cũng bằng không.

PV: Vậy từ kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân, theo ông, mức độ sử dụng dữ liệu của người Việt đang ở đâu? 

Ông Trần Ngọc Báu: Muốn khai thác được dữ liệu, đầu tiên, chúng ta cần có kiến thức để hiểu dữ liệu đó là gì, từ kiến thức đó cộng thêm kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn thì mới biến dữ liệu thành “vàng" được. Như vậy không khó để thấy, số đông người Việt chưa thể sử dụng hiệu quả dữ liệu để phục vụ cho hoạt động kinh doanh và đầu tư của mình. 

Cái này không tránh khỏi, vì thị trường tài chính và nền kinh tế của chúng ta còn khá non trẻ. Ngay ở nhiều công ty lớn, cũng không có đội ngũ chuyên biệt để giải quyết bài toán “ra quyết định bằng dữ liệu thay bằng suy nghĩ của ông chủ”.

Hành trình phía trước còn rất dài và rồi một ngày nào đó không xa, họ sẽ biết đôi khi họ có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền của và thời gian chỉ bằng việc nghiên cứu dữ liệu thị trường, nghiên cứu dữ liệu công ty,.... trước khi đi tiền. Có những thứ chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay nhưng người có trong tay dữ liệu đã nhìn thấy trước đó từ rất lâu.

PV: Hiện nay, các bên có thể tận dụng và khai thác dữ liệu hiệu quả là doanh nghiệp lớn, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vẫn khá mù mờ. Vậy, nếu chậm chân trong cuộc đua này, họ sẽ bỏ lỡ những gì, thưa ông? 

Ông Trần Ngọc Báu: Câu hỏi này tôi sẽ trả lời dựa trên kinh nghiệm của tôi tại WiGroup vì chúng tôi đang trên quá trình chuyển đổi số và cũng là một công ty dữ liệu. Theo tôi, có ba khó khăn cơ bản mà các doanh nghiệp SMEs sẽ gặp phải khi họ không biết tận dụng cơ sở dữ liệu và chuyển đổi số. 

Thứ nhất là họ sẽ phải trả chi phí cơ hội cho việc làm sai rất nhiều. Nếu ở công ty lớn khi họ làm một cái gì đó thì phải rất bài bản và hạn chế việc mắc sai lầm. Còn các công ty nhỏ có đặc quyền mà công ty lớn không có, là được phép làm sai và sửa sai nhanh chóng. Song, nếu cứ làm sai và sửa sai hoài thì họ sẽ mất chi phí cơ hội về thời gian, nguồn lực hay tinh thần của cả đội ngũ. Làm doanh nghiệp nhỏ, chúng ta phải nắm bắt và tiết kiệm cả chi phí hữu hình và vô hình.

Yếu tố thứ hai mà tôi nhìn thấy là họ sẽ dễ dàng bỏ lỡ những cơ hội. Dù doanh nghiệp nhỏ có lợi thế về sự linh động, tấn công nhanh chóng vào thị trường ngách - thị trường có tiềm năng nhưng không đủ hấp dẫn doanh nghiệp lớn. Tôi tin rằng, nếu một doanh nghiệp SMEs có dữ liệu trong tay, họ sẽ không khó để quét toàn bộ thị trường, các phân khúc thị trường, tìm hiểu áp lực và đưa ra được mảng ngách phù hợp nhất với thế mạnh của mình. Xác định đúng sân chơi là chìa khoá vô cùng quan trọng khi bạn tham gia cuộc chơi.

Yếu tố thứ ba là lợi ích của việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), điều này sẽ giúp doanh nghiệp tinh gọn bộ máy hơn, tiết kiệm chi phí nhân sự hơn và tối ưu thời gian đưa ra quyết định.

Tổng kết lại, tôi cho rằng, khối doanh nghiệp SMEs cần phải hình thành thói quen khai thác dữ liệu và tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số hơn doanh nghiệp lớn. Tôi nghĩ có dữ liệu và khai thác nó hiệu quả là một lợi thế cạnh tranh lớn trong thời đại mới.

 

PV: Dữ liệu là đầu vào quan trọng trong các quyết định đầu tư và kinh doanh nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận do chi phí đắt đỏ hay nền tảng quá khó dùng, ông nghĩ sao về nhận định này, nhất là khi ông đang là CEO của một công ty dữ liệu?

Ông Trần Ngọc Báu: Dữ liệu là một loại tài sản, mà tài sản thì đắt hay rẻ phụ thuộc vào lợi ích mang lại cho người sở hữu chúng, cùng một dữ liệu thì đối với người này có thể là  “vàng" nhưng đối với người khác lại là “rác". Vậy cho nên khi phần đông chúng ta chưa khai thác hết được giá trị của dữ liệu mang lại thì quan điểm cho rằng dữ liệu đắt đỏ là điều dễ hiểu. Tôi tin rằng trong tương lai bản thân người dùng cũng sẽ có nền tảng kiến thức tốt hơn để khai thác hiệu quả hơn và chính các đơn vị cung cấp dữ liệu cũng sẽ tiếp cận với nhiều cơ sở để tiết giảm chi phí giá thành. 

 

Tương tự như vậy với việc một nền tảng dữ liệu là dễ dùng hay khó dùng nó cũng phụ thuộc phần lớn vào khách hàng mục tiêu của nền tảng đó. Hiện nay phần nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ rất khó để sử dụng hết công năng của các nền tảng vì sở dĩ các nền tảng này chủ yếu được thiết kế dành cho tổ chức hoặc đội ngũ chuyên nghiệp, nhóm khách hàng chủ lực của các công ty dữ liệu.

PV: Vậy kế hoạch “sắp xếp toàn bộ dữ liệu tài chính Việt Nam và làm chúng hữu ích, thông minh và dễ tiếp cận với mọi người” của ông đang thực hiện đến giai đoạn nào?

Ông Trần Ngọc Báu: Hiện tại, chúng tôi đang làm tốt ở một khâu là tổng hợp dữ liệu, trải qua 5 năm hình thành và phát triển, WiGroup đã trở thành đơn vị top đầu Việt Nam về quy mô dữ liệu. Nhiều đơn vị dữ liệu nước ngoài khi đến Việt Nam cũng đã liên hệ với chúng tôi để sử dụng dịch vụ bởi tính am hiểu địa phương của chúng tôi tốt hơn họ rất nhiều. Còn để tự đánh giá, tôi cho rằng WiGroup mới tổng hợp 50% dữ liệu mong muốn.

 

Câu chuyện thứ hai liên quan đến việc giúp người dùng dễ dàng tiếp cận, đây sẽ là một thử thách rất lớn với cả tôi và đội ngũ, bởi “dễ” phải nằm ở hai phạm trù. Phạm trù thứ nhất là giá phải mềm, thứ hai là nền tảng phải thân thiện và thông minh, thực sự làm một sản phẩm để đáp ứng số đông luôn là một bài toán vô cùng khó. Nếu phải đưa ra con số chắc chúng tôi cũng mới chỉ làm được 40% mục tiêu này.

Trong 5 năm vừa qua, sự xuất hiện của WiGroup đã làm giá dữ liệu giảm đi rất nhiều, quy mô dữ liệu tăng lên đáng kể. Ví dụ như trước kia, để tiếp cận chọn bộ dữ liệu Kinh tế - Doanh nghiệp, bạn phải bỏ ra mỗi năm 120 triệu đồng là tối thiểu nhưng giờ bạn chỉ cần giờ bỏ ra 20 triệu đồng/năm là đã tiếp cận được đầy đủ tất cả những dữ liệu trên. Thị trường nào cũng thế, cạnh tranh lành mạnh thì người tiêu dùng sẽ là người hưởng lợi nhất. Nhìn lại cả một hành trình, tôi thấy mình và đội ngũ cũng có những đóng góp nhất định đến tài chính nước nhà và chúng tôi vẫn luôn cố gắng mỗi ngày để mang lại nhiều giá trị hơn nữa!

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

Hoàng Dung
Alex Chu
Doanh nghiệp & Kinh doanh