Khi dịch Covid-19 xảy ra trên diện rộng, mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, ngành lương thực thực phẩm ảnh hưởng ít hơn vì ai cũng phải ăn, nhất là sử dụng những sản phẩm sạch.
Đối với Vinamit, thị trường xuất khẩu có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch lại giảm mạnh. Đặc biệt, vùng du lịch Nha Trang, Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề về doanh số, mỗi tháng tại 2 địa phương này chúng tôi mất khoảng 30 tỉ đồng.
Tuy nhiên, một số hệ thống tiện ích khác như siêu thị tăng lên, có chỗ tăng đột biến đến 100%.
Riêng mặt hàng rau của chúng tôi trong suốt thời gian dịch bệnh tăng 30-50% tùy sản phẩm.
Đối với thị trường xuất khẩu sang châu Âu xem như chúng tôi đã dừng hoàn toàn (đóng băng) bởi các chính sách nghiêm ngặt của các quốc gia này trong phòng dịch.
Riêng 2 thị trường chính của Vinamit là Trung Quốc và Mỹ lại có chiều hướng tốt vì chúng tôi xuất chính ngạch. Đặc biệt, các sản phẩm của Vinamit là đồ khô nên không chịu ảnh hưởng về thời gian.
Hơn hết, do lo ngại về dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nên các đối tác tại 2 quốc gia này đang có xu hướng nhập mạnh để trữ hàng.
Thực chất hiện nay các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đều có một chủ trương gần giống nhau là làm sao để giữ khách và có doanh số, đồng thời không đặt quá nặng về lợi nhuận.
Để đảm bảo doanh số và giữ khách, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chính sách giảm giá.
Nhưng chỉ những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu như Vinamit vẫn giữ được giá bởi vì giá của xuất khẩu đã là giá tốt. Tuy nhiên cái khó của xuất khẩu hiện nay là khâu vận chuyển đang gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi có những chuyến hàng 60 ngày vẫn lênh đênh trên biển chưa thể cập cảng do chính sách đóng cảng của một số quốc gia khi dịch bệnh bùng phát.
Qua thống kê, hàng hóa của Vinamit tại các siêu thị lớn giảm mạnh trong khi các siêu thị mini lại tăng đột biến.
Đặc biệt trong đợt dịch vừa rồi hành vi mua sắm của người dân đã có sự thay đổi lớn. Họ hạn chế đi đến những nơi đông người để mua hàng mà tìm đến các kênh bán hàng khác để đảm bảo sự giãn cách cũng như tiện lợi. Đặc biệt người dân dần có thói quen đến các cửa hàng tiện ích gần nhà.
Đúng là ngay từ khi dịch bùng phát ban lãnh đạo công ty đã tính đến nhiều phương án như giảm việc, giảm lương… nhưng tôi cảm thấy chưa đến mức phải như vậy nên tính toán lại cũng như đưa ra các tình huống giả định.
Không biết trong những ngày sắp tới sẽ như thế nào nhưng hiện nay chúng tôi đã chuẩn bị phương án đủ để đảm bảo công ty hoạt động ổn định đến cuối năm và không một nhân viên nào bị bỏ lại.
Bởi tôi nghĩ, điều quan trọng của một công ty là giữ người, trong đó yếu tố tiên quyết là giữ lương nên chúng tôi đã tính toán dòng tiền đủ và ổn định để hoạt động đến cuối năm. Một số ít bộ phận của Vinamit có giảm việc nhưng không đáng kể.
Ngay từ đầu dịch, Vinamit đã xây dựng hệ thống tiểu thương online. Theo tôi đây là một kênh bán hàng tiềm năng. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh số bán hàng của Vinamit tại các kênh này chưa lớn nhưng đang có sự tăng trưởng theo từng tháng (hệ số tăng tính theo tháng).
Nghĩa là chúng tôi đang "biến" những người yêu mến sản phẩn Vinamit thành những người giới thiệu sản phẩm và bán hàng cho chúng tôi trên các kênh online, mạng xã hội.
Để đạt hiệu quả và chia sẻ lợi nhuận với tất cả các đối tác, giá bán tại các kênh này bằng với giá các siêu thị nhưng chúng tôi hỗ trợ giao hàng. Điều mà các kênh bán hàng online thường gặp vấn đề là chất lượng sản phẩm khác với quảng cáo thì Vinamit lại xem đây là một ưu thế vì hơn 30 năm qua chúng tôi luôn theo đuổi sản phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe và đến nay chúng tôi đã đạt được rất nhiều các chứng chỉ của quốc tế trong ngành chế biển thực phẩm.
Đặt biệt, chúng tôi mời gọi nhân viên của mình trở thành các "sale" nhưng sale này chỉ đi tìm cộng tác viên. Cộng tác viên có thể là người thân, bạn bè… của họ. Chính những nhân viên của tôi sẽ chăm sóc các cộng tác viên của mình từ cùng cấp nguồn hàng tươi mới, đổi trả hàng khi có vấn đề… và tất nhiên họ cũng nhận được một phần chiết khấu trên các đơn hàng của các cộng tác viên được bán ra.
Tôi nghĩ đây là một kênh bán hàng hiệu quả và vô cùng thú vị thay vì doanh nghiệp phải chi một khoảng lớn đề chạy truyền thông làm sự kiện, quảng cáo… thì chính những người bán hàng này đang giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm theo cách họ cảm nhận, chân thật và lan truyền nhất.
Và, hơn hết, người mua hàng được đối thoại với người bán hàng, mua được hàng đúng giá thị trường nhưng được giao hàng tận nhà và đổi trả nếu không vừa ý.
Với chúng tôi đây là cơ hội và khi thấy có chuyển biến là chúng tôi triển khai ngay.
Tôi nghĩ đây là giai đoạn các doanh nghiệp cần liên kết với nhau. Vấn đề quan trọng là có cùng quan điểm để hợp tác với nhau hay không? Muốn bền vững hay ổn định thì các doanh nghiệp phải đi cùng nhau.
Hiện nay thị trường rất đa dạng. Ngày trước chỉ cần đem hàng ra chợ bán nhưng ngày này phải đưa hàng cùng lên các siêu thị, chợ và cửa hàng tiện lợi thậm chí là đến tận tay người tiêu dùng thì lúc đó người tiêu dùng mới biết đến mình.
Tôi cho rằng sự đồng cảm trong liên kết ngành rất quan trọng. Một ví dụ đơn giản, anh nông dân sẽ rất khó đồng cảm với một anh ở siêu thị bán hàng của họ. Vì anh nông dân cho rằng siêu thị lợi nhuận quá cao trên sản phẩm của họ trong khi công sức họ bỏ ra rất lớn nhưng lợi nhuận lại thấp.
Riêng Vinamit rất "chiều" đơn vị phân phối, bán hàng… Bởi họ là những người buộc phải đem hết sự tích cực của cá nhân, đơn vị để bán được gói hàng đến người tiêu dùng.
Do đó, Vinamit luôn quan tâm và cho họ phần hơn. Đôi khi người bán hàng được 30%, còn chúng tôi chỉ được 10% thậm chí là ít hơn nhưng chúng tôi vẫn thành công.
Tuy nhiên, việc này ít được sự đồng cảm bởi đây là vấn đề lợi nhuận nhưng nếu nghĩ rộng hơn, việc sản xuất chắc chắn là khó nhưng không đến được với người tiêu dùng thì tất cả trở nên vô nghĩa.
Và, nếu nhìn lại xa hơn một chút, các đây vài năm các doanh nghiệp than phiền hệ thống siêu thị "ăn" hết tiền lời của họ. Nhưng đến nay, tất cả các mặc hàng sản xuất đều muốn xuất hiện trên siêu thị, đặc biệt là các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Nên sự đồng cảm – chia sẻ lợi nhuận trong liên kết ngành rất quan trọng.
Hiện hàng tươi của chúng tôi tăng cao giao động từ 30-50%, có thời điểm tăng 100% nhưng chúng tôi không dám mở rộng chỉ cố gắng duy trì mức tăng trưởng khoảng 30%.
Riêng hàng khô giảm khoảng 20% do mất đi nguồn xuất khẩu tại chỗ.
Nếu đúng kế hoạch, trong năm nay chúng tôi sẽ tăng qui mô, tăng sản xuất nhưng do ảnh hưởng dịch Covid chúng tôi tạm dừng các kế hoạch mở rộng để giữ nguồn vốn và quan sát các chuyển biến của xã hội và thị trường.
Như tôi đã nói, dịch Covid sẽ mang lại nhiều cơ hội mới, do đó chúng tôi dự trữ nguồn tiền mặt để khi nhìn thấy cơ hội sẽ đầu tư ngay.
Ngoài ra, chúng tôi cũng không thể lạc quan. Hiệu ứng domino có thể chưa xuất hiện do các doanh nghiệp vẫn còn trụ được nhưng nó có thể bùng phát vào bất cứ lúc nào, có thể là năm tới khi dịch bệnh kéo dài.
Hiện chúng tôi đang cố gắng duy trì dòng tiền dương, cố gắng không để âm.
Theo tôi domino có thể xảy ra do mọi người đang có xu hướng giảm cầu. Thay vì người dân có thể tiêu 10 triệu đồng/tháng nhưng họ sẽ cố gắng chi tiêu khoảng 5 triệu để tích lũy tìm kiếm cơ hội cũng như chuẩn bị cho mình khi dịch bệnh có thể kéo dài.
Hành vi tiêu dùng của người dân ngày nay là tiêu dùng thiết yếu. Giảm cầu là cực kì nguy hiểm vì dẫn đến giảm phát. Lạm phát có thể tính được những giảm phát thì không tính toán được.
Giảm tiêu dùng dẫn đến giảm giá trị tài sản, việc này có thể dẫn đến hiệu ứng domino. Đơn cử, một căn nhà trị giá 3 tỉ nhưng kẹt tiền người ta bán thấp hơn 20-50% giá trị, việc này có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho kinh tế và xã hội.
Do đó những ngành xa xỉ sẽ ảnh hướng lớn khi người dân giảm cầu.
Tôi cho rằng việc giảm lãi ngân hàng mang tính tích cực và hiệu quả đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có mối quan hệ tốt với ngân hàng.
Các doanh nghiệp có thể thanh toán nợ cũ để vay ngay gói mới với giá ưu đãi. Tôi cho rằng đây là một sự hi sinh để kích cầu thị trường của Chính phủ và Ngân hàng.
Vinamit vẫn đánh giá thị trường Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường lớn. Tại hai thị trường này hiện đang có rất nhiều kênh bán hành mới, do đó chúng tôi phải liên tục cập nhật để xuất hiện tại các kênh bán hàng này.
Thực ra, chuyển động của 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc nói riêng hay thế giới nói chung, việc bán hàng trên hạ tầng online rất đa dạng. Do đó các doanh nghiệp sản xuất cần tiếp cận sớm để chuẩn bị cho tương lai.
Tôi còn nhớ 20 năm trước, hệ thống siêu thị không được ưa chuộng nhưng ngày hôm nay giá trị siêu thị là một giá trị khủng khiếp. Ngày xưa, ai cũng nói siêu thị bán mắc quá mua ở chợ vừa rẻ vừa ngon. Nhưng ngày nay, để cạnh trạng các tiểu thương ở chợ đang giảm giá nhưng càng giảm giá thì chợ càng chết. Siêu thị có bán mắc vẫn cứ đi lên vì đó là xu hướng.
Nên bán hàng online hiện đã là xu hướng và sẽ tiếp tục phát triển nhất là sau dịch khi người ta hạn chế đến các đám đông và đã có một khoảng thời gian để quen dần với các mua sắm online sau một thời gian cách ly.
Tôi không biết khi nào nó sẽ thực sự phổ biến nhưng hiện nay nó đang hình thành và doanh nghiệp phải nhanh chống tiếp cận.
Nếu facebook cho mở một cửa hàng thì nó đang được quảng cáo toàn cầu, không phải một địa phương nào đó. Và một lúc nào đó, facebook phát triển hệ thống giao hàng toàn cầu thì đó là một kênh phân phối toàn cầu.
Và với cách này, doanh nghiệp không phải tốn quá nhiều công sức, tiền bạc, con người để giới thiệu sản phẩm mà chỉ cần tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm chất lượng.
Vấn đề là doanh nghiệp sản xuất đã chuẩn bị gì. Theo tôi, việc hiểu và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế là vô cùng cần thiết. Ví dụ IFS, BIC (tiêu chuẩn truy suất nguồn gốc)… để khi họ quét QR Code họ có thể thấy nguồn nguyên liệu của mình được trồng ở đâu và phát triển như thế nào. Thì đó là xu hướng thị trường trong tương lai.
Do đó, tôi nghĩ doanh nghiệp cần làm thật, đã qua rồi thời ăn sổi ở thì, làm cò và ngay cả nông dân cũng vậy cũng cần tiếp thu công nghệ mới và thay đổi theo các tiêu chuẩn của thế giới. Và tôi nghĩ người nông dân đang có rất nhiều cơ hội khi đang sở hữu đất đai.