|
 Thuật ngữ VietnamBiz

“Xanh hóa" ngành dệt may đang là xu thế toàn cầu và dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của dệt may Việt Nam. Đẩy nhanh tốc độ "xanh hóa" đang trở thành mục tiêu của doanh nghiệp ngành để tìm kiếm đơn hàng.

Các nhãn hàng quốc tế như Nike, Adidas, Puma, Inditex, H&M… đã cam kết tham gia lộ trình nâng cao tỷ trọng sử dụng sợi tái chế, giảm 50% khí nhà kính vào năm 2030 và hướng tới net-zero tới năm 2050. Trong đó, sợi tái chế được các nhãn hàng chú trọng và dự báo nhu cầu ở mức cao.

 

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Chiến lược Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) bà Nguyễn Phương Chi cho biết đang đặt trọng tâm vào sợi tái chế nhằm đáp các tiêu chuẩn môi trường ngày càng cao và mở rộng thêm tập khách hàng.

Công ty bắt đầu dự án sợi tái chế từ năm 2016, tỷ trọng doanh thu tái chế đã tăng nhanh từ mức 16% doanh thu năm 2018 lên mức gần phân nửa nguồn thu của doanh nghiệp như hiện nay.

“Sợi tái chế làm từ hạt nhựa tái chế có mức phát thải thấp hơn sợi sử dụng hạt nhựa nguyên sinh khoảng 79%”, bà Chi nói đồng thời tiết lộ mục tiêu đưa tăng tỷ trọng sợi thân thiện môi trường này lên 60%-70% tổng doanh thu giai đoạn 2026-2027.

Ngày càng nhiều nhãn hàng thương hiệu hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu khí thải nhà kính bằng cách sử dụng nguyên liệu tái chế trong quá trình sản xuất, sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo lãnh đạo Sợi Thế Kỷ, những mục tiêu này không những chỉ áp dụng cho doanh nghiệp của họ mà còn yêu cầu cho các đối tác và nhà cung ứng. Càng đáp ứng các cam kết thì xu hướng mua hàng của họ nhiều hơn.

Thực tế, vấn đề sản xuất xanh có tính dây chuyền khi người tiêu dùng ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường mạnh mẽ, các thương hiệu theo đó phải đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững và sau đó đặt yêu cầu cho đối tác.

 

Nhà đầu tư cũng có xu hướng quan tâm đến kinh tế xanh. Trước đây, giới đầu tư chỉ quan tâm đến bottom line (doanh thu, lợi nhuận) thì bây giờ quan tâm nhiều hơn đến triple line (Enviromental - Social - Governance).

“Nếu chúng tôi đạt được các mục tiêu ESG hướng tới nền kinh tế xanh thì bên cạnh thu hút khách hàng mới còn thu hút được nhiều nhà đầu tư mới, từ đó có nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất”, bà Chi nói về xu hướng đầu tư mới.

 

Theo tính toán của Sợi Thế Kỷ, việc sử dụng hạt nhựa tái chế trong sản xuất năm 2023 tương đương với việc gián tiếp tái chế 0,51 tỷ chai nhựa một năm.

“Lũy kế từ năm 2016 đến 2023, công ty đã gián tiếp tái chế 4,6 tỷ chai nhựa rác thải thành sợi recycle, góp phần giảm rác thải chai nhựa và cắt giảm khoảng 147.000 tấn phát thải khí CO2”, theo bà Chi.

Thêm nữa, việc sử dụng năng lượng mặt trời giúp cắt giảm hơn 13.600 tấn CO2 trong giai đoạn 2021-2023. Các sáng kiến tiết kiệm điện từ năm 2018 như lắp inventor cho dầu thải máy, bơm phun sương, cho bơm máy lạnh… tiết kiệm được hơn 2,6 triệu Kwh, tương đương lượng cắt giảm 1.910 tấn CO2.

Hay chuyển sang sử dụng xe nâng điện để thay thế xe nâng vận hành bằng dầu DO, nước cấp sẽ được hồi về hồ chứa nước lạnh để tái sử dụng.

Để vận hành đồng bộ hệ thống sản xuất xanh như trên cần một khoản đầu tư không nhỏ và sự kiên định trong dài hạn. “Không vì kinh tế khó khăn mà gián đoạn đầu tư ESG, công ty có những kế hoạch phân bổ nguồn vốn thích hợp xuyên suốt qua các năm”, bà Chi nhấn mạnh.

 

Trong năm 2023, dù sức cầu giảm, Sợi Thế Kỷ vẫn ghi nhận các điểm sáng đến từ thu hút các đơn hàng sợi tái chế có giá trị gia tăng cao từ khách hàng Nhật Bản, mở rộng thêm được tệp đối tác khi có thêm 50 khách hàng mới.

 

Ngoài sợi tái chế, công ty còn phát triển thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường như sợi dope dye với màu xám, đen và blue navy, phát triển mẫu chào cho khách hàng thị trường nội địa và xuất khẩu.

Sản phẩm sợi màu (dope dyed) sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường của thị trường. Đây cũng là một xu hướng mà ngành thời trang trên thế giới, đặc biệt là các thương hiệu hàng đầu như Nike, Adidas, Puma, H&M, Inditex… đang hướng tới nhằm hạn chế phát thải chất độc hại.

Công ty duy trì dây chuyền sản xuất 1.500 tấn hạt nhựa tái sinh/năm, góp phần gia tăng lợi nhuận và cải thiện đáng kể hiệu quả tiết kiệm trong sản xuất; thông qua việc tái sinh sợi phế trong sản xuất thành nguyên vật liệu đầu vào, từ đó nâng cao lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất của công ty và giảm phát thải ra môi trường.

Công ty đầu tư một dây chuyền tái chế sợi phế thành hạt nhựa tái chế (Recycled Chip) với công suất 1.500 tấn/năm. Trong năm 2023, tỷ lệ tái chế sợi phế là hơn 82% trên tổng lượng sợi phế trong quá trình sản xuất.

“Dây chuyền này góp phần gia tăng lợi nhuận và cải thiện đáng kể hiệu quả tiết kiệm trong sản xuất thông qua việc tái sinh sợi phế trong sản xuất thành nguyên vật liệu đầu vào”, bà Chi nói về việc nâng cao lợi nhuận từ các sáng kiến sản xuất xanh.

 

Việc đầu tư vào sản xuất xanh theo Giám đốc chiến lược Nguyễn Phương Chi không chỉ là xu thế. Bởi nếu chỉ chạy theo xu thế mà không có lợi ích thì việc đầu tư không có ý nghĩa, thậm chí còn gây thất thoát và lãng phí.

“Việc đầu tư vào kinh tế xanh của Sợi Thế Kỷ đang là nghiêm túc và thực chất. Không doanh nghiệp nào chạy theo trend tốn kém này mà không mang lại bất kì lợi ích nào”, bà Chi khẳng định.

 

Đây cũng không phải là cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp dệt may với nhau. Doanh nghiệp nào đáp ứng được những tiêu chí ESG hướng tới kinh tế xanh thì có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng và các nhãn hàng.

Trong khi những doanh nghiệp nào chậm thích ứng với các yêu cầu ngày càng khó của khách hàng thì sẽ bị đào thải.

“Thay vì nghĩ nó là cuộc đua và các doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau thì các doanh nghiệp nên có chiến lược và hành động cụ thể để thay đổi chính mình” bà Chi nhấn mạnh về sự cần thiết của sản xuất xanh.

Thực tế đầu tư cho sản xuất xanh không chỉ là lời nói suông mà đang tạo ra kết quả tích cực. Với các hoạt động rõ ràng, Sợi Thế Kỷ cho biết có thể dễ dàng huy động vốn để tài trợ cho dự án mở rộng công suất Unitex.

Chẳng hạn trong năm 2023, công ty ký hợp đồng vay hợp vốn với nhóm ngân hàng nước ngoài để tài trợ cho dự án sản xuất thân thiện với môi trường là nhà máy Unitex. Số tiền vay 52,5 triệu USD (hơn 1.200 tỷ đồng) và khoản vay lớn nhất của doanh nghiệp.

Dòng tiền này được dùng để tài trợ một phần cho dự án Unitex giai đoạn 1 có quy mô 75 triệu USD. Dự án dự kiến tăng thêm 60% công suất hiện hữu với các sản phẩm chính là sợi tái chế, sợi đặc biệt và sợi nguyên sinh.

Sợi Thế Kỷ có khoảng 80% doanh thu là cung cấp các mặt hàng cao cấp cho các nhãn hàng thời trang lớn trên thế giới như Nike, Adidas, Fast Retailing (Uniqlo), Lululemon… hiện có hơn 1.100 khách hàng trên toàn cầu. 

Công ty sớm tham gia vào sản xuất xanh nên có nhiều lợi thế để thúc đẩy hoạt động bán hàng và tăng biên lợi nhuận so với các đối thủ cùng ngành khác. Sợi tái chế vẫn là sản phẩm chiến lược với biên lợi nhuận cao và xu hướng giá cả ổn định. 

Sợi Thế Kỷ chính đã tham gia vào dự án công bố phát thải carbon trong khuôn khổ dự án CDP (Carbon Disclosure Project), là một trong số rất ít doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin theo khung CDP. 

 

(Trích từ Đặc san Doanh nhân số tháng 6/2024)