|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Dưới đây là những dòng chia sẻ của một nữ Kiểm soát viên giao dịch ngân hàng về công việc và cách chị đã vượt qua những khó khăn để sống và đam mê với nghề.

Có rất nhiều khách hàng khi nói chuyện với tôi đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ xen lẫn tò mò về công việc của một kiểm soát viên, họ nghĩ rằng ngồi ở cái vị trí riêng biệt kia chắc hẳn là sẽ lương cao lắm, sẽ thét ra lửa và chắc chắn rất giỏi giang.

Nhưng không phải ai cũng biết rằng, đằng sau vẻ hào nhoáng đó là cả một "trời" áp lực dành cho kiểm soát viên, không chỉ áp lực từ việc xử lí công việc mà còn là áp lực về chỉ tiêu kinh doanh, áp lực từ phía lãnh đạo đơn vị, từ phía khách hàng và thậm chí là áp lực về pháp lí, về qui trình nghiệp vụ.

[Banker Insider] Làm Kiểm soát viên giao dịch cần nhất là bản lĩnh nghề nghiệp - Ảnh 1.

Để trở thành một kiểm soát viên bạn phải có kinh nghiệm tối thiếu làm giao dịch viên từ 2 đến 3 năm và trải qua một vài vòng phỏng vấn nội bộ khá khắt khe.

Ngoài ra muốn làm tốt công việc, ngoài việc có chuyên môn về chuyên ngành ngân hàng, kế toán và khối ngành kinh tế ban còn phải thành thục các kĩ năng giao tiếp, xử lí nhanh các tình huống phát sinh, quản lí rủi ro, có kĩ năng tốt trong việc chăm sóc khách hàng, có khả năng kiểm soát số liệu, cẩn thận và thực hiện công việc với mức độ chính xác cao.

Kiểm soát viên giao dịch tại ngân hàng lúc nào phong thái cũng thật chỉnh chu, nghiêm túc và gương mẫu. Bất kể lúc nào đầu óc cũng phải tỉnh táo kể cả lúc đang chịu rất nhiều áp lực dù là áp lực từ công việc hay gia đình bởi công việc giao dịch với khách hàng vốn chứa rất nhiều rủi ro tiềm ẩn, rủi ro từ chính bản thân mình, từ phía khách hàng, từ phía giao dịch viên không làm đúng qui trình nghiệp vụ hay thậm chí là rủi ro đến từ sức ép của cấp trên. 

Tất cả mọi rủi ro đều có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng còn nhớ năm 2018 bà Chu Thị Bình đã kiện Ngân hàng TMCP Eximbank ra tòa vì 246 tỉ đồng bà Bình gửi tại ngân hàng đã biến mất, hậu quả là Kiểm soát viên và Giao dịch viên tại đơn vị đó đều lĩnh án tù (cả tù giam và tù treo - PV), đồng thời Eximbank phải trả lại toàn bộ tiền gốc và lãi cho bà Chu Thị Bình.

[Banker Insider] Làm Kiểm soát viên giao dịch cần nhất là bản lĩnh nghề nghiệp - Ảnh 2.

Nguyên nhân là Kiểm soát viên và Giao dịch viên đã quá tin tưởng vào Phó Giám đốc Chi nhánh nên đã không làm đúng qui trình nghiệp vụ của ngân hàng, tạo điều kiện cho PGĐ Chi nhánh thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thật không ngoa khi nói rằng Kiểm soát viên là người "đứng mũi chịu sào" ở tất các khâu, các bộ phận tại quầy giao dịch. Khi khách hàng không hiểu chuyện, kiểm soát viên là người giải thích đàm phán với khách hàng.

[Banker Insider] Làm Kiểm soát viên giao dịch cần nhất là bản lĩnh nghề nghiệp - Ảnh 3.

Còn đối với nội bộ, Kiểm soát viên lại là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng dịch vụ, rủi ro tác nghiệp và chỉ tiêu kinh doanh tại phòng giao dịch, luôn là người phải nắm rõ nhất về qui trình nghiệp vụ, luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của khách hàng cũng như của đồng nghiệp. 

Chưa hết, Kiểm soát viên còn là người kiêm luôn vị trí giao dịch viên khi quầy khách hàng đột ngột thiếu người. Có thời điểm cuối năm, cận Tết hoặc ngày đầu tiên đi làm sau khi nghỉ Tết, Kiểm soát viên cùng toàn bộ quầy giao dịch làm việc không nghỉ từ sang đến tối, thậm chí giờ nghỉ trưa chỉ ăn vội thứ gì đó rồi lại tiếp tục phục vụ khách hàng.

Và rồi sau tất cả những áp lực, những vất vả thì niềm vui của Kiểm soát viên là sự hài lòng của khách hàng, sự tiến bộ của các em giao dịch viên và vui nhất là các chỉ tiêu kinh doanh được giao đều hoàn thành.

Kiểm soát viên – một công việc biết bao người mới bước chân vào ngành ngân hàng mơ ước nhưng để đạt được và trụ được với vị trí này, bạn cần phải có rất nhiều tố chất, mà theo tôi quan trọng nhất là bản lĩnh nghề nghiệp, bởi chỉ có bản lĩnh nghề nghiệp mới có thế giúp bạn vượt qua mọi cạm bẫy, mọi rủi ro, mọi thách thức và đi đến những thành công của công việc này.

[Banker Insider] là chuỗi bài nói lên những trải nghiệm của những banker hoặc từng làm banker tại những vị trí công việc khác nhau trong ngân hàng. Chia sẻ về công việc, nói lên "tiếng lòng" của mình, đưa ra lời khuyên cho thế hệ kế cận,… là những điều mà các các bài viết muốn truyền tải.

[Banker Insider] mong muốn nhận được càng nhiều những chia sẻ, truyền tải kinh nghiệm hay những lời tâm sự của các banker tại các tổ chức tín dụng để làm cho chuỗi bài càng đa dạng, phong phú và có ích. Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn.

Phúc Phong (thực hiện)
Duc bui
Chị B.H - Kiểm soát viên giao dịch một ngân hàng cổ phần
Kinh tế & Tiêu dùng