|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Tâm nói: “Dù thành tích học tập của tôi không tệ nhưng tôi chẳng có mong muốn theo đuổi sự nghiệp học thuật, làm giáo sư hay nhà nghiên cứu nọ kia. Tôi chỉ có một khao khát duy nhất là kinh doanh làm giàu”.

Động lực này càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi gia đình anh rơi vào cảnh phá sản. Tâm cho biết dù cha mẹ chỉ là người làm nông nhưng họ cũng kinh doanh buôn bán thêm và đôi khi, họ ra quyết định chưa thực sự chuẩn xác.

Người ta thường nói “thiên thời, địa lợi, nhân hoà". Tuy vậy, con đường làm giàu của Tâm lại không được trải hoa hồng như thế.Tháng 3/2011, cả nước Nhật bị rung chuyển bởi thảm họa kép động đất sóng thần.

Có cường độ 9,0 độ richter, đây là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản và mạnh thứ ba trên thế giới kể từ năm 1900. Động đất đã gây ra sóng thần cao tới 40 m, tàn phá nặng nề khu vực ven biển của ba tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima. 

Đây là một thảm họa kinh hoàng không chỉ với người dân Nhật Bản cùng như toàn cầu. Sự đổ nát, hỗn loạn đã thúc đẩy làn sóng người nước ngoài rời khỏi đất nước mặt trời mọc. 

Thế nhưng, tháng 4/2011, Bùi Thanh Tâm lại ngược dòng, quyết tâm tới Nhật Bản để bắt đầu hành trình mới...

 “Khi đó, tôi muốn tới nước Nhật để quan sát thực tế về đất nước này, xem họ có như lời đồn hay không. Tôi muốn học hỏi những điều hay của họ”, Tâm chia sẻ.

 Nhà đồng sáng lập Bánh mì Xin Chào, Bùi Thanh Tâm. 

Tâm nói rằng việc anh đi Nhật bị mọi người phản đối và ngăn cản rất nhiều, không ai lại muốn lao đầu vào một vùng đất bất ổn vào thời điểm đó. Nhưng với Tâm, không phải lúc này thì là lúc nào. Lối suy nghĩ này giống hệt lúc anh sinh viên trường đại học Yokkaichi (tỉnh Mie, Nhật Bản) nghĩ về khởi sự kinh doanh bánh mì trên đất Nhật Bản.

Ý tưởng làm giàu lóe lên trong lần đi chơi phố 

Trong một lần dạo chơi khu chợ nổi tiếng Ameyoko (Tokyo, Nhật Bản), Bùi Thanh Tâm nhìn thấy hàng dài người xếp hàng mua bánh mì Kebab - một món ăn của Thổ Nhĩ Kỳ và trong đầu anh chợt lóe lên một nghĩ. 

“Bánh mì và phở là hai món ăn Việt Nam đã xuất hiện trong từ điển Oxford bằng định nghĩa riêng, vậy tại sao không thử kinh doanh món ăn này trên đất Nhật Bản?", Tâm đặt câu hỏi. 

Với nền tảng là một sinh viên ngành kinh tế, Tâm hiểu rằng anh phải làm theo mô hình Franchise, xây dựng thương hiệu bài bản và dùng Nhật Bản làm bước đệm để tiến ra quốc tế.

Ý tưởng cho tên thương hiệu khá đơn giản. Tâm chọn từ khoá mà khi nhắc tới người Việt Nam thì người nước ngoài sẽ tới ngay, câu “Xin chào". Ngay sau đó, Tâm nhấc điện thoại gọi cho anh trai đang làm việc tại Osaka, thuyết phục anh đồng ý tham gia dự án này với mình. 

Anh trai Bùi Thanh Duy đã đồng tình với em sau đó, cộng thêm người bạn gái của Tâm, ba người bắt đầu thai nghén dự án “Bánh mì Xin Chào". 

Năm 2015, Bùi Thanh Tâm lên ý tưởng, tiến hành khảo sát thị trường. Đầu tiên, anh nhận ra rằng số lượng cửa hàng kinh doanh của người Việt ở Tokyo không nhiều vào thời điểm đó, dù cộng đồng khá lớn. Ngoài ra, lối kinh doanh “mang cả Việt Nam sang" là một điều ngăn cản người Việt làm lớn trong một môi trường kinh doanh đề cao sự chuyên nghiệp, tỉ mỉ và uy tín như Nhật Bản.

“Người Việt mình luôn cố làm cho mọi thứ giống hồn sắc văn hoá Việt nhất. Như bao người con xa xứ khác, ai cũng muốn đưa nét màu sắc thân thuộc trong các quán ăn Việt sang Nhật. Ngoài ra, hiếm có ai biết cách làm thương hiệu bài bản vào lúc đó, mọi thứ đều làm thủ công và không có sự chuyên nghiệp”, Bùi Thanh Tâm nhận xét về yếu điểm này và anh muốn làm khác đi, chú tâm xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp chứ không phải một cửa hàng đơn thuần.

 

Sau một năm lên kế hoạch, hai anh em Bùi Thanh Tâm mở cửa hàng đầu tiên ở Tokyo từ nguồn khoản tiền chuẩn bị cưới vợ của anh trai cùng một chút tích cóp, vay mượn từ người thân, bạn bè ở Việt Nam. 

Huy động vốn kinh doanh là một quá trình không hề đơn giản với bất cứ ai muốn khởi nghiệp. Tâm cũng vậy, đây chính là giai đoạn mà anh cảm thấy muốn bỏ cuộc nhiều nhất. Với khoảng 2 tỷ đồng ban đầu để mở cửa hàng, hai anh em đã phải tận dụng mọi mối quan hệ để vay tiền từ người nhà, nhờ gia đình đứng tên vay ngân hàng… Giai đoạn này không dễ và đã có lúc Bùi Thanh Tâm muốn dừng lại. 

Chỉ có điều là Tâm không bỏ cuộc. “Thời cơ đã chín muồi. Không làm lúc này thì sẽ không bao giờ làm được nữa. Đây không phải là mô hình mới, sẽ có người khác làm và mình phải là người đi đầu", Bùi Thanh Tâm nói.

Bánh mì Việt Nam bán ở Nhật

Tương tự  cầu thủ Kaoru Mitoma mang bộ môn rê bóng vào làm đề tài luận văn thì Bùi Thanh Tâm cũng chọn kể lại câu chuyện khởi sự kinh doanh bánh mì Việt Nam vào luận văn tốt nghiệp.

“Thời điểm làm luận văn tốt nghiệp cũng là lúc tôi bận rộn nhất với cửa hàng bánh mì đầu tiên. Tôi không thể làm hai việc cùng một lúc được vậy tại sao không gom nó lại thành một", Tâm nói về quyết định giúp thương hiệu của anh được biết tới rộng rãi hơn.

Năm đó, luận án tốt nghiệp của Bùi Thanh Tâm được chấm hạng xuất sắc và chàng sinh viên xứ Quảng được một tờ nhật báo lớn của Nhật Bản phỏng vấn. 

Nhờ tiếng tăm ban đầu đó, món bánh mì của Bùi Thanh Tâm được đón nhận nhiều hơn, thay vì chỉ phục vụ cho nhóm cộng đồng người Việt như trước. Bánh mì Xin Chào được đài truyền hình quốc gia Việt Nam ghi hình làm phóng sự phát trong chương trình thời sự tối.

 

Nhà sáng lập Bánh mì Xin Chào chia sẻ có hàng chục cửa hàng bánh mì khác cũng ra đời sau khi thương hiệu xuất hiện trên truyền thông, tính cạnh tranh ngày càng cao nhưng anh vẫn tự tin với sự bài bản mà mình thiết lập ngay từ đầu cho thương hiệu.

Năm 2017, Tâm mang mô hình kinh doanh này về Việt Nam, tạo dựng một cửa hàng ở quận 10, TP HCM. Với công thức thành công ở Nhật Bản, Tâm chọn hướng đi khác biệt hoàn toàn so với xu hướng kinh doanh bánh mì ở thời điểm đó: Mở nhà hàng bán bánh mì. 

Bùi Thanh Tâm chia sẻ ít có đơn vị nào mang bánh mì bán trong nhà hàng sang trọng, có máy lạnh, được phục vụ… Do đó, anh nghĩ tiếng tăm của Bánh mì Xin Chào đã đủ lớn để làm điều đó. Tuy nhiên, đây lại là một bài học dành cho Tâm. 

Để nhận ra nước đi này là sai lầm, Tâm mất khoảng một năm ở Việt Nam. “Hồi đó tôi cứ nghĩ thương hiệu quá nổi tiếng, muốn làm gì cũng được nhưng chính thất bại này đã kéo lại sự khiêm tốn cho mình”, cựu du học sinh Nhật Bản nói.

Bùi Thanh Tâm rút ra cho mình những sai lầm như: Bán hàng phân khúc cao nhưng đặt cửa hàng ở khu vực bình dân, danh tiếng ở Việt Nam nhỏ như hạt cát,.... Chưa kể vấn đề thực phẩm ở Việt Nam cũng là điều khiến Bùi Thanh Tâm giật mình vì sự non nớt của bản thân lúc đó.

Anh kể rằng ở Nhật Bản, muốn kiếm một nguyên liệu không có nguồn gốc là cực kỳ khó, nếu không nói là bất khả thi. Mọi thứ đều đóng gói công nghiệp, kiểm định kỹ càng trước khi mang ra thị trường. Do đó, kể từ khi chập chững kinh doanh ngành F&B, Bùi Thanh Tâm chưa phải lo lắng quá nhiều về vấn đề này. 

Hầu hết, anh chỉ tập trung vào chiến lược phát triển thương hiệu, làm sao thuyết phục được những khách hàng Nhật Bản sử dụng sản phẩm của mình, bởi người Nhật có tính trung thành cao, tương đối bảo thủ, nếu họ thích dùng một sản phẩm nào đó thì họ sẽ chỉ mua nó đến hết đời.

Quay trở về Nhật Bản sau một năm thất bại ở đất mẹ, Bùi Thanh Tâm đã thực sự có những bài học cho riêng mình, anh chỉ tập trung vào phát triển nhượng quyền thương hiệu, thu hút khách hàng ngoại quốc thưởng thức bánh mì. 

Anh hiểu rằng khi có được sự trung thành của khách hàng Nhật Bản, mô hình kinh doanh của mình sẽ trở nên vô cùng bền vững và khó có thể sụp đổ, trừ khi gặp một biến cố quá kinh khủng khiến khách hàng quay lưng với sản phẩm.

Nhắc tới điểm khó khăn nhất khi kinh doanh ở Nhật đối với người Việt, Bùi Thanh Tâm kể rằng khi mở cửa hàng đầu tiên ở Nhật Bản, anh rất khó để làm việc với chủ nhà. Họ chỉ cho người Nhật thuê nhà, do đó Tâm phải tìm một người Nhật đứng ra bảo lãnh để anh có thể thuê mặt bằng kinh doanh chỉ khoảng 20 m vuông.

Ngoài ra, việc thay đổi quan điểm của đất nước tương đối bảo thủ cũng là chuyện không dễ. “Dĩ nhiên, với món ăn Việt Nam, tôi sẽ bắt đầu từ cộng đồng người Việt, thông qua sự giới thiệu của họ để kéo người Nhật đến cửa hàng. 

Trên hành trình 7 năm kinh doanh, tôi cũng nhận được sự chú ý của truyền thông Nhật Bản, câu chuyện của bánh mì Xin Chào được lên báo đài nhiều hơn, tiếp cận được nhiều người Nhật Bản hơn và đưa bánh mì được biết tới rộng rãi”, Bùi Thanh Tâm chia sẻ. 

Với tinh thần Kaizen (cải tiến liên tục), sau 7 năm, Bánh mì Xin Chào đã có tổng cộng 15 cửa hàng và chi nhánh tại Nhật Bản theo hình thức nhượng quyền.

 

Câu chuyện lên sóng Shark Tank cũng là một điểm nhấn thú vị trên hành trình khởi nghiệp của Bùi Thanh Tâm. Theo chia sẻ, trước khi tham dự chương trình, anh đã thử đi gọi vốn và hiểu được đôi chút về cách thức làm việc với quỹ đầu tư, hiểu được họ cần những thông tin gì về doanh nghiệp. 

Tâm nhận ra đã đến lúc doanh nghiệp của mình cần nguồn lực mới để phát triển doanh nghiệp. Việc lên sóng chương trình cũng là cầu nối giúp doanh nghiệp thu hút tiềm lực đầu tư mới. Kết quả là sau chương trình, có nhiều người tìm đến Thanh Tâm để ngỏ ý đầu tư, hợp tác kinh doanh nhượng quyền. 

“Dù có nhiều lời đề nghị mới song chúng tôi vẫn chọn làm đúng thỏa thuận cùng Shark Bình. Bởi nhiều năm kinh doanh trên đất Nhật Bản, chúng tôi đã đã học được đức tính quan trọng nhất trong kinh doanh của người Nhật là chữ tín. Với người Nhật thì một lần bất tín, vạn lần bất tin", Bùi Thanh Tâm nói.

Bánh mì Xin Chào kết thúc năm với nhiều cột mốc đáng chú ý như: Được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân tới thăm, bắt tay với Shark Bình để mở rộng mô hình nhượng quyền… 

Trong năm mới, Bùi Thanh Tâm dự định mở thêm 5 cửa hàng, làm việc để đưa sản phẩm vào các cửa hàng tiện lợi như chuỗi Ito-Yokaido (cùng chủ sở hữu với 7-Eleven), chuỗi cửa hàng giảm giá Don Quijote và siêu thị AEON Mall,...

“Người Nhật rất trọng uy tín, nếu đã kinh doanh với nhau là họ sẽ làm ăn lâu dài. Người Nhật dạy tôi cách làm thương hiệu theo cách từ từ,chậm rãi, không cần phải bùng nổ, chỉ cần truyền một thông điệp vào trong tư duy của một khách hàng rằng đó là một sản phẩm tốt, doanh nghiệp tốt để cho họ sử dụng tới hết đời, truyền sang đời con cháu…”, Bùi Thanh Tâm nói.