Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 đã lên một tầm cao mới. Mốc 1.200 điểm kháng cự trong hàng chục năm hoạt động đang bị băng qua một cách dễ dàng. VN-Index thiết lập kỷ lục mới tại 1.500 điểm, đánh dấu mức đỉnh lịch sử trong 21 năm hoạt động của sàn chứng khoán Việt Nam.
Bất chấp những thông tin tiêu cực về diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, trong đó có biến chủng mới Omicron đang lây lan tại nhiều quốc gia, chỉ số chính sàn HOSE đã vững vàng vượt sóng để chinh phục ngưỡng cản tâm lý tại vùng 1.500 điểm vào tuần cuối cùng của tháng 11.
Lịch sử sẽ chỉ vinh danh một thời khắc, nhưng nhìn lại tiến trình VN-Index chinh phục ngưỡng 1.500 điểm là không dễ dàng. Thị trường đã nhiều lần chứng kiến những cú sụt mạnh và thổi bay hàng chục tỷ USD vốn hóa.
Lần gần nhất trong phiên 3/12, VN-Index đã bốc hơi gần 39 điểm trước áp lực bán diện rộng với thanh khoản lên tới 1,7 tỷ USD. Hay như giai đoạn đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 khi dịch COVID-19 bùng nổ lần thứ 4 tại Việt Nam, VN-Index đã vài lần chao đảo trước ngưỡng cản 1.300 điểm với mức giảm sâu từ 45 đến 56 điểm.
Tuy vậy, việc VN-Index thiết lập đỉnh cao hơn mỗi khi xuất hiện biến chủng COVID-19 mới khiến những nhà đầu tư chứng khoán vẫn giữ tinh thần lạc quan.
Với sự thăng hoa của kênh đầu tư chứng khoán, lượng tiền khổng lồ đổ vào thị trường. Hệ quả là, sàn HOSE rơi vào tình trạng quá tải, đơ, nghẽn lệnh từ cuối năm 2020. Đỉnh điểm, NĐT chỉ còn giao dịch trong 1 giờ đầu của buổi sáng khi hệ thống quá tải. Những phiên đồng loạt tăng trần giảm sàn xuất hiện nhiều. Nguồn cơn của điều này xuất phát từ tình trạng đơ nghẽn lệnh kéo dài, khiến NĐT phải "bịt mắt" khi giao dịch.
Giải pháp tạm thời để "giải cứu" sàn HOSE, các công ty chứng khoán thậm chí còn tắt tính năng sửa/hủy lệnh giao dịch, từ đó gia tăng rủi ro đầu tư và khiến nhà đầu tư càng thêm bức xúc.
Câu chuyện tắc nghẽn của HOSE trở nên nóng tại một sự kiện có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 3. Ngay lập tức, một cuộc "giải cứu" sàn HOSE đã đến, mang đậm dấu ấn của các doanh nhân Việt. Tập đoàn FPT và Tập đoàn Sovico là hai doanh nghiệp cùng hợp tác tham gia xử lý vấn đề nghẽn lệnh tại HOSE.
Khi hệ thống giao dịch mới của HOSE chính thức được đưa vào vận hành kể từ đầu tháng 7/2021 đã giúp giải tỏa nút thắt về thanh khoản trong giai đoạn trước đó.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau 3 tháng đưa vào vận hành, hệ thống mới đã hoạt động thông suốt, an toàn và có thể xử lý từ 3 - 5 triệu lệnh/ngày, gấp 3 - 5 lần hệ thống cũ, có khả năng đáp ứng nhu cầu của HOSE và thị trường ít nhất từ 3 - 5 năm tới.
Khi câu chuyện của sàn HOSE được giải quyết, nhà đầu tư đổ tiền ngày một nhiều hơn vào kênh chứng khoán. Lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới liên tục tăng theo kiểu tháng sau xô đổ kỷ lục vừa thiết lập tháng trước.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư mở mới 221.314 tài khoản giao dịch chứng khoán trong tháng 11. Đây là kỷ lục mới trong lịch sử 21 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tổng số tài khoản chứng khoán mở mới tháng 11 gần bằng tổng tài khoản của hai tháng trước đó. Đáng chú ý, con số trên nhiều hơn những gì đạt được trong cả năm 2019 (192.567 tài khoản).
Lũy kế đến ngày 30/11, Việt Nam có 4.083.325 tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng hơn 1,3 triệu tài khoản so với cuối năm 2020 và bằng tổng số 5 năm trước đó cộng lại. Ước mơ 10% dân số đầu tư chứng khoán không còn xa vời. Mục tiêu 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 của chính phủ có thể sớm đạt được với tốc độ gia nhập thị trường như hiện nay.
Dấu ấn chứng khoán Việt 2021 không thể không nhắc đến dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Tiếp đà 2020, nhóm này tiếp tục khẳng định vai trò không thể thay thế trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 khi đóng góp tỷ trọng gần 90% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Trong năm 2021, các cá nhân trong nước đã mua ròng bền bỉ trong 12 tháng liên tiếp, giúp cả điểm số lẫn thanh khoản trên thị trường đều bùng nổ. Tính riêng giá trị mua ròng qua kênh khớp lệnh của nhóm này tại HOSE đã lên đến con số gần 93.650 tỷ đồng (tương ứng 4,1 tỷ USD).
Trái ngược với dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường của các cá nhân nội, nhà đầu tư nước ngoài có một năm giao dịch theo chiều hướng tiêu cực khi liên tục bán ròng trong 11/12 tháng. Tổng giá trị bán ròng khớp lệnh của khối ngoại tính đến hết phiên 27/12 đạt kỷ lục hơn 72.102 tỷ đồng, tăng gần 88% so với quy mô bán ròng 38.244 tỷ đồng của năm 2020.
Sự thu hẹp của dòng vốn ngoại khiến nhóm này chỉ đóng góp khoảng 7% thanh khoản toàn thị trường, giảm mạnh so với khoảng 17% giá trị giao dịch mỗi phiên trong giai đoạn trước đó.
Theo nhiều chuyên gia, đây là hiện tượng tái phân bổ vốn các thị trường cận biên và mới nổi sang thị trường phát triển. Dù vậy, khối ngoại được cho là vẫn chưa rút tiền ra khỏi thị trường Việt Nam mà sẽ trở lại từ nửa cuối năm 2022 sau khi nước ta tái mở cửa kinh tế và kịch bản nâng hạng thị trường khả quan có thể diễn ra trong giai đoạn 2023 - 2025.
Theo dõi trong một năm bùng nổ, thị trường chứng khoán có thêm "gia vị" với sóng cổ phiếu penny, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu "họ Louis". Từ mức thị giá chỉ ngang cốc trà đá, các cổ phiếu liên quan đến Louis Holdings đều bỗng chốc tăng phi mã.
Cơn sốt "cổ phiếu họ Louis" náo động 3 sàn trong hơn 2 tháng khi các cổ phiếu có liên quan đến CTCP Louis Holding như BII, TGG, AGM , SMT, APG, VKC tăng hàng chục lần, qua đó leo lên đỉnh cao nhất kể từ khi lên sàn.
Đặc biệt, hạt nhân trong hệ sinh thái là TGG thậm chí còn tăng đến hơn 65 lần trong khi BII cũng tăng gần 22 lần chỉ sau một năm. Đây là những con số có thể nói là không tưởng đối với các cổ phiếu chưa có nhiều chuyển biến khả quan trong tình hình kinh doanh, thậm chí còn nhiều vấn đề tồn đọng khó giải quyết.
Công thức cổ phiếu tăng nóng là các doanh nghiệp nhà Louis thực hiện M&A, mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn. Điều này dễ nhận thấy khi mỗi khi thị trường đón nhận thông tin Louis Capital hay Louis Land ngỏ ý mua cổ phần, ngay lập tức cổ phiếu của doanh nghiệp mục tiêu đó bất ngờ tăng nóng.
Cộng với đó là sự xuất hiện mô hình đầu tư mới tạo ra các hội nhóm và có những "thủ lĩnh" đứng ra nói về giá mục tiêu của các cổ phiếu, phím hàng. Phương thức này được nhân rộng ra sao đó.
Song, cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, qua giai đoạn tăng sốc, cổ phiếu "họ Louis" đã đồng loạt quay đầu giảm sâu ngay vùng đỉnh. Đến thời điểm 27/12, phần lớn thành quả tăng giá trong nhịp trước của nhóm cổ phiếu này đều đã bị thổi bay trong đó cổ phiếu TGG bốc hơi gần 80% từ đỉnh, BII giảm 5-% và nhiều mã mất quá nửa thị giá như SMT, VKC, APG...
Đứng trước nghi vấn thao túng và làm giá, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã vào cuộc điều tra và giám sát không chỉ riêng nhóm cổ phiếu nhà Louis mà tất cả các cổ phiếu có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, trước khi có kết luận chính thức từ cơ quan nhà nước, nhà đầu tư lỡ theo con sóng FOMO lãnh đủ hậu quả và gặm nhấm khoản lỗ khó "về bờ".
Trở lại câu chuyện của chứng khoán Việt 2021, như đã nói số lượng tài khoản chứng khoán mở mới không ngừng tăng bổ sung một lượng lớn tiền mới vào thị trường, kích thích thị trường bùng nổ cả về điểm số và thanh khoản. Nhà đầu tư chứng khoán Việt giờ đây đã không còn xa lạ với những phiên giao dịch tỷ USD. Chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường có thanh khoản hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, thị trường liên tục chứng kiến những phiên giao dịch 1 - 2 tỷ USD. Tính bình quân đến ngày 27/12, thanh khoản thị trường đạt 26.211 tỷ đồng/phiên, đây là mức cao nhất trong suốt 21 năm vận hành thị trường.
Đặc biệt, thanh khoản sàn HOSE đã tiến sát ngưỡng 45.560 tỷ đồng/phiên xác lập ngày 23/12/2021. Không chỉ trên HOSE, thanh khoản trên HNX và UPCoM cũng tăng bứt phá, lần lượt đạt 3.126 tỷ đồng/phiên và 1.592 tỷ đồng/phiên.
VN-Index đạt đỉnh lịch sử tại mốc 1.500,8 điểm trong phiên giao dịch ngày 25/11, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Nhìn chung xu hướng tăng vẫn được duy trì tính đến hiện tại, kết phiên 28/12, chỉ số sàn HOSE dừng ở mốc 1.494,39 điểm.
Theo thống kê của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), tính đến cuối tháng 11/2021, VN-Index tăng gần 34% so với năm 2020, nằm trong top thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới, theo sau đó là thị trường tầm cỡ như các nước Mỹ với chỉ số S&P 500 tăng 24%, Ấn Độ với chỉ số Sensex tăng 19,5%, chỉ số TWSE của Đài Loan (Trung Quốc) tăng 18,3%.
Sức nóng của thị trường chứng khoán Việt năm nay còn lớn hơn trên "mặt trận" margin của các công ty. Nhu cầu vay của nhà đầu tư lớn hơn bao giờ hết khiến các công ty phải chạy đua tăng vốn.
Tính đến cuối quý III/2021, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ tại 60 công ty chứng khoán hàng đầu đã đạt gần 154.000 tỷ đồng, đánh dấu mức cao kỷ lục trong suốt 21 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với việc giao dịch trên thị trường ngày càng bùng nổ trong khi dư nợ cho vay margin đã đạt trạng thái "căng cứng", nhiều công ty chứng khoán đã đồng loạt thực hiện kế hoạch tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vốn đang ngày càng dồi dào cho khách hàng mở tài khoản giao dịch. Một số công ty chứng khoán thậm chí có mức tăng vốn tính bằng lần so với cuối năm 2020 như Chứng khoán VNDirect (5,5 lần), Chứng khoán VIX (4,3 lần), Chứng khoán SSI (2,5 lần)…
Đáng chú ý, cuộc đua tăng vốn trong năm tới đã được các công ty chứng khoán chuẩn bị trước 2 tháng kết thúc năm tài chính. Những thương vụ tăng vốn sẽ được SSI, VNDirect, VIX, SHS thực hiện ngay trong đầu năm 2022.
Việc kênh đầu tư chứng khoán bùng nổ đã thu hút không chỉ công chúng mà ngay cả những người nhà, các công ty liên quan của các ông chủ doanh nghiệp tham gia vào thị trường.
Quan sát trong một năm qua, số cá nhân bị xử phạt liên quan đến hoạt động giao dịch cổ phiếu nhiều hơn với các sai phạm phổ biến như chậm công bố thông tin, giao dịch chui cổ phiếu. Không chỉ người nhà, ngay cả những chủ tịch, tổng giám đốc của các công cũng bị xử phạt nhiều hơn.
Song song với đó, quy định mới được áp dụng bổ sung đối tượng phải công bố thông tin cũng khiến hàng loạt người nhà lãnh đạo bị xử phạt, trong đó có những ngân hàng, tập đoàn lớn.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng vụ xử phạt hành vi thao giá cổ phiếu trong năm nay cũng thấp hơn đáng kể các năm trước đó. Trong năm nay ghi nhận 3 vụ xử phạt thao túng giá liên quan đến các cổ phiếu FTM, TAR, TGG. Số lượng xử phạt thao túng giá các năm 2020 (6 vụ), năm 2019 có vụ xử lý hình sự hay năm 2018 có 9 vụ.
Đối nghịch với sự sôi động của thị trường, hoạt động thoái vốn cổ phần hóa trong năm nay tiếp tục ảm đạm. Đầu năm, giới đầu tư kỳ vọng một số thương vụ thoái vốn có thể được tiến hành như tại Sabeco (mã: SAB), Tập đoàn Bảo Việt (mã: BVH).
Trong quý II, SCIC công bố danh sách 88 DN dự kiến bán vốn năm 2021, với tỷ lệ thoái dự kiến 36% vốn tại Sabeco, 50,7% vốn tại TCT CP Bảo Minh (mã: BMI), 40,7% vốn Licogi (mã: LIC), 63,38% vốn Seaprodex (mã: SEA), 36,3% vốn Vocarimex (mã: VOC), 37% vốn Nhựa Tiền Phong (mã: NTP), gần 6% vốn FPT (mã: FPT) hay 53,5% vốn Vinatex (mã: VGT).
Tuy nhiên, kết quả không được như kỳ vọng của giới đầu tư, chỉ có thương vụ thoái vốn tại Vocarimex thành công hay việc bán một phần vốn tại một số đơn vị riêng lẻ như Vinachem tại Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Về tổng quan, hoạt động thoái vốn trong năm nay tương tự như 2020 và không có gì nổi bật.
Cùng với sự bùng nổ huy động vốn qua kênh cổ phiếu, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng trở nên sôi động. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 495.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm, trong đó khối lượng phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%.
Trước tình trạng "nhà nhà người người" phát hành trái phiếu, các cơ quan nhà nước đã có động thái kiểm tra và kiểm soát. Cuối năm nay, hành loạt tổ chức bị UBCKNN xử phạt liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu như Tập đoàn VsetGroup, Tập đoàn Apec Group, Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VIS). Các tổ chức buộc phải trả lại số tiền hàng trăm tỷ đồng cho nhà đầu tư.
Chưa dừng lại ở đó, Thông tư 16 mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành là một trong những động thái nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các tổ chức tín dụng.