Ông Trump trút nỗi tức giận dồn nén lên Trung Quốc

Việc Tổng thống Trump liên tục tấn công Trung Quốc thông qua lệnh cấm WeChat, TikTok hay trừng phạt quan chức vì vấn đề Hong Kong cho thấy ông đã gạt đi sự kiềm chế trước đây và coi đối đầu với Bắc Kinh là vấn đề ưu tiên trước cuộc bầu cử tháng 11.

Ông Trump trút nỗi tức giận dồn nén lên Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh minh họa: Politico.

Những động thái ngày càng mạnh bạo của ông Trump đã mở ra cánh cửa cho những người theo chủ trương cứng rắn trong chính phủ Mỹ thúc đẩy biện pháp chống lại sự vươn lên Trung Quốc. Giờ đây ông Trump và các cố vấn cho rằng các đời Tổng thống cũ đã đánh giá quá thấp mối đe dọa từ Trung Quốc.

Bloomberg dẫn lời ông Graham Webster, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu New America nhận định: "Một con đập trong chính quyền ông Trump đã vỡ tung, giải phóng những tư tưởng dồn nén bấy lâu nay về chiến lược nên làm thế nào để leo thang căng thẳng với Trung Quốc. 

"Đây vừa là cuộc đua để thay đổi tình hình thực tế và tạo ra một sự đối đầu lâu dài, vừa là công cụ để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề đang ảnh hưởng xấu tới triển vọng tái đắc cử của ông Trump".

Tổng thống Trump liên tiếp ra đòn

Hồi tháng 7, Mỹ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Houston, bang Texas, cáo buộc cơ sở ngoại giao này là trung tâm của hoạt động gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ.

Thứ Tư tuần trước (5/8), Ngoại trưởng Mike Pompeo – một trong những người chống Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong chính quyền Mỹ - lên tiếng thúc đẩy một sáng kiến có tên gọi "Mạng lưới Sạch". 

Cụ thể, ông Pompeo kêu gọi các cửa hàng ứng dụng như của Apple, Google, … loại bỏ các phần mềm "không đáng tin cậy" của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng dữ liệu của người dùng Mỹ không nên được lưu trữ ở các công ty điện toán đám mây Trung Quốc.

Đến ngày thứ Năm tuần trước, ông Trump kí lệnh hành pháp cấm các ứng dụng Trung Quốc gồm TikTok và WeChat hoạt động tại Mỹ.

Sang ngày thứ Sáu, Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt lên 11 quan chức Trung Quốc với cáo buộc gây tổn hại tới quyền tự trị của Hong Kong. Trong số này có bà Carrie Lam – Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, ông Lạc Huệ Ninh – Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Trung Quốc tại Hong Kong.

Một đòn tấn công khác mà Mỹ đang xem xét là các sàn chứng khoán tại đất nước cờ hoa có thể đặt ra qui định mới với kế toán – kiểm toán để buộc doanh nghiệp Trung Quốc minh bạch hơn về thông tin, nếu không sẽ bị hủy niêm yết ở Mỹ. Biện pháp trừng phạt về tài chính này đã được Thượng viện thông qua và tuần trước được một nhóm thượng nghị sĩ có ảnh hưởng lớn khuyến nghị.

Và Trung Quốc chắc chắn sẽ không vui vẻ gì về chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar tới đảo Đài Loan. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Mỹ kể từ khi Washington cắt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc năm 1979.

Trung Quốc đại lục từ lâu đã coi đảo Đài Loan là một địa phương dưới sự quản lí của chính quyền Bắc Kinh. Vì vậy việc quan chức cấp cao các nước tới thăm Đài Loan, bán vũ khí cho Đài Loan hay công nhận chủ quyền của Đài Loan luôn khiến cho Bắc Kinh hết sức tức giận.

Những cú đánh liên tiếp này cho thấy chính sách ngoại giao của Mỹ hiện nay khác xa so với khi ông Trump mới nhậm chức Tổng thống đầu năm 2017. Lúc đó, Tổng thống Trump mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc vì lợi dụng Mỹ thông qua chính sách thương mại, đồng thời ông lại khen ngợi tài lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình với hi vọng đạt được phần thưởng cuối cùng là thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Giờ đây, khi phải đối mặt với sự thiếu tin tưởng của dư luận và cử tri vì thất bại trong kiểm soát dịch COVID-19, nền kinh tế lao dốc không phanh và bị ứng viên Joe Biden dẫn trước, ông Trump quyết định tất tay với chiến lược công kích tổng lực Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ cho rằng Trung Quốc vừa gây ra COVID-19, vừa cố ý để cho dịch bệnh nguy hiểm này lây lan ra khắp thế giới. Ông Trump gọi virus SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc", còn Ngoại trưởng Mike Pompeo thì gọi nó là "virus Vũ Hán" theo tên của thành phố mà dịch bệnh lần đầu bùng phát.

Ông Trump cũng không gọi ông Tập là bạn nữa mà coi là kẻ thù. Tổng thống Mỹ còn so sánh ông Tập với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell – người thường xuyên bị ông Trump đả kích vì không chịu nới lỏng tiền tệ theo ý ông.

Hố sâu chia rẽ sẽ kéo dài

Ông Trump đang đặt cược hi vọng tái đắc cử của mình vào chiến lược tấn công Trung Quốc. Nhưng giả sử như ông Trump thất cử, những tổn hại trong quan hệ Mỹ - Trung cũng sẽ còn đó chứ không dễ gì mất đi được.

Thứ Sáu tuần trước (7/8), ông Larry Kudlow – cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump trả lời phỏng vấn Bloomberg: "Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái trong đại dịch, hành động vi phạm nhân quyền và các động thái quân sự ở Biển Đông".

Tháng trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo thể hiện rõ thái độ thù địch với Trung Quốc thông qua một bài phát biểu khiến nhiều người liên tưởng tới thời kì Chiến tranh Lạnh khi mà hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa đang đối đầu kịch liệt. Ông Pompeo cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn thống trị toàn cầu và Mỹ đứng trước nguy cơ đánh mất vị thế của mình.

Ông Trump trút nỗi tức giận dồn nén lên Trung Quốc - Ảnh 3.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại thư viện Tổng thống Richard Nixon ngày 23/7/2020. Ảnh: Bloomberg.

"Bảo vệ tự do của chúng ta trước Trung Quốc là nhiệm vụ của nước Mỹ thời đại hiện nay", ông Pompeo phát biểu tại thư viện Tổng thống Richard Nixon, bang California. Tuyên bố của ông Pompeo về bản chất đã đi ngược lại hoàn toàn chiến lược mở cửa với Trung Quốc của Tổng thống Nixon.

Quân bài trong tay Trung Quốc

Ông Daniel Russel, cựu Trợ lí Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, trao đổi với Bloomberg: "Những cơn thịnh nộ liên tiếp của ông Trump chỉ cho thấy rõ một điều là chính phủ Mỹ đã thất bại trong việc thuyết phục hay ép buộc Trung Quốc thay đổi hành vi của mình. Trung Quốc cũng không thấy có lí do gì để kiềm chế".

Cho đến nay, Trung Quốc nói chung chỉ đưa ra những lời đe dọa trả đũa mơ hồ. Trong thực tế, quốc gia tỉ dân này có nhiều quân bài trong tay. Chẳng hạn, đại gia công nghệ Mỹ là Apple bán lượng lớn sản phẩm ở Trung Quốc và đa phần chuỗi cung ứng cũng ăn sâu bén rễ ở đây. Trung Quốc còn nắm giữ hơn 1.000 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ có thể đem ra bán tháo.

Tổng thống Trump vẫn chưa tung ra những đòn đánh có khả năng dội ngược lại nhất và gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ hay phá hủy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc.

Ông Michael Hirson, nhà phân tích tại Eurasia Group và cựu đại diện Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh nhận xét: "Đây là một tình huống đòi hỏi tính toán phức tạp từ phía Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ muốn đợi đến sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 để xác định lại mối quan hệ với Mỹ, trường hợp lí tưởng nhất là với chính quyền Joe Biden hoặc có thể là với nhiệm kì thứ 2 của Donald Trump".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-trump-trut-noi-tuc-gian-don-nen-len-trung-quoc-20200810001338067.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/