Khoảng trống lãi suất (Interest Rate Gap) là gì? Hạn chế của Khoảng trống lãi suất

Khoảng trống lãi suất (tiếng Anh: Interest Rate Gap) đo lường mức độ tiếp nhận rủi ro lãi suất của một công ty. Khoảng trống lãi suất chính là mức chênh lệch giữa tài sản và nợ phải trả của công ty đó.

Khoảng trống lãi suất (Interest Rate Gap) là gì? Hạn chế của Khoảng trống lãi suất - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Investopedia

Khoảng trống lãi suất

Khái niệm

Khoảng trống lãi suất trong tiếng Anh là Interest Rate Gap.

Khoảng trống lãi suất (IRG) đo lường mức độ tiếp nhận rủi ro lãi suất của một công ty. Khoảng trống lãi suất chính là mức chênh lệch giữa tài sản và nợ phải trả của công ty đó. Khoảng trống lãi suất thường được sử dụng nhiều nhất trong ngành ngân hàng. 

Công thức tính Khoảng trống lãi suất   

Công thức tính khoảng trống lãi suất như sau:

Khoảng trống lãi suất (IRG) = IRA – IBL 

Trong đó:

 - IRG là khoảng trống lãi suất.

 - IBL là nợ phải trả chịu lãi. 

 - IRA là tài sản chịu lãi.     

Khoảng trống lãi suất được tính bằng cách lấy giá trị các tài sản nhạy cảm với lãi suất trừ đi giá trị các khoản nợ nhạy cảm với lãi suất. Thông thường, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư sử dụng loại khoảng trống này để phát triển các vị thế phòng ngừa rủi ro, thường thông qua việc sử dụng các hợp đồng tương lai lãi suất.     

Tính toán khoảng trống lãi suất phụ thuộc vào ngày đáo hạn của chứng khoán được sử dụng và khoảng thời gian còn lại trước khi chứng khoán cơ sở đáo hạn.     

Chức năng của Khoảng trống lãi suất 

Khoảng trống lãi suất cho thấy mức độ rủi ro lãi suất của một tổ chức.   

- Khoảng trống lãi suất âm hay <1, xảy ra khi các khoản nợ nhạy cảm với lãi suất vượt quá các tài sản nhạy cảm với lãi suất của ngân hàng. 

- Khoảng trống lãi suất dương, hay >1 thì ngược lại, ở đó một tài sản nhạy cảm với lãi suất của ngân hàng vượt quá các khoản nợ nhạy cảm với lãi suất. Khoảng trống lãi suất dương có nghĩa là khi lãi suất tăng, lợi nhuận hoặc doanh thu của ngân hàng có thể sẽ tăng.  

Có hai loại khoảng trống lãi suất là cố định và khả biến. Mỗi thước đo đều xác định sự khác biệt giữa lãi suất trên tài sản và nợ phải trả của một tổ chức tài chính, và là một chỉ số đo lường rủi ro lãi suất. 

Khoảng trống lãi suất cũng có thể áp dụng cho chênh lệch lãi suất của các chứng khoán chính phủ giữa hai quốc gia khác nhau.   

Sử dụng Khoảng trống lãi suất

Các tổ chức thu lợi từ chênh lệch lãi suất hoặc tài trợ cho các hoạt động của họ bằng các khoản vay phải luôn phải theo dõi khoảng trống lãi suất. Các ngân hàng muốn đi vay với lãi suất thấp và cho vay với lãi suất cao, phải có nhận thức sâu sắc về các loại đường cong lợi suất.   

Đường cong lợi suất phẳng cho thấy có sự chênh lệch không nhiều giữa nợ phải trả và tài sản của ngân hàng, và có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận. Trong trường hợp đường cong lợi suất đảo ngược, lãi suất trong ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn, vì vậy việc cho vay là hoàn toàn không có lợi.   

Đối với các công ty tài trợ cho các dự án lớn, như xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới, khoảng trống lãi suất cho phép họ biết cách đảm bảo nguồn vốn. 

Nếu họ vay trong kì hạn ngắn hạn cho một dự án có tính chất dài hạn, họ sẽ có nguy cơ tiếp tục có những nhu cầu tài trợ tăng lên trong tương lai, do đó làm tăng chi phí. Chiến lược phòng ngừa rủi ro có thể hữu ích để giảm rủi ro chênh lệch lãi suất tương đối lớn. 

Ví dụ về Khoảng trống lãi suất 

Ngân hàng ABC có 150 triệu USD tài sản nhạy cảm với lãi suất (như các khoản vay) và 100 triệu USD khoản nợ nhạy cảm với lãi suất (như tài khoản tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi). Tỉ lệ chênh lệch là 1,5 = 150 triệu USD / 100 triệu USD.   

Ví dụ khác, xem xét Bank of America và bảng cân đối kế toán quí III/2018 của ngân hàng này. Bank of America có 1,52 tỉ USD tài sản sinh lãi, bao gồm tiền gửi, cho vay, cho thuê và chứng khoán nợ. Ngân hàng có khoản nợ 2,99 tỉ USD liên quan đến lãi suất, chẳng hạn như tiền gửi, vay ngắn hạn và nợ khác. 

Trong trường hợp này, khoảng trống lãi suất của Bank of America là Irgbank of America = 1,52 tỉ USD - 2,99 tỉ USD = - 1,47 tỉ USD.  

Hạn chế của Khoảng trống lãi suất

Một khoảng trống lãi suất âm có thể không phải luôn luôn tiêu cực cho một tổ chức tài chính.  Khi lãi suất giảm, các ngân hàng dù kiếm được ít hơn từ các tài sản nhạy cảm với lãi suất; họ cũng trả ít lãi hơn cho các khoản nợ liên quan đến lãi suất của họ. 

Các ngân hàng có mức nợ phải trả cao hơn tài sản là những ngân hàng có tình hình tài chính căng thẳng hơn nếu có khoảng trống lãi suất âm. 

Phân tích khoảng trống lãi suất xác định rủi ro lãi suất bằng cách xem xét tài sản so với nợ phải trả.

Trong khi phân tích độ nhạy thu nhập đánh giá sâu hơn, không chỉ ở các mục trên bảng cân đối kế toán, mà chi tiết hơn về các mức lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của ngân hàng như thế nào.   

(Theo Investopedia)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khoang-trong-lai-suat-interest-rate-gap-la-gi-han-che-cua-khoang-trong-lai-suat-20200518150932118.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/