EVFTA sẽ thay đổi bức tranh đầu tư từ EU vào Việt Nam: Cơ hội lớn có dễ tận dụng?

Dự kiến, Hiệp định EVFTA sẽ sớm được phê chuẩn để chính thức đi vào thực thi trong năm 2020. Và ngay khi EVFTA có hiệu lực khả năng hàng hóa và vốn đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU) đổ bộ vào Việt Nam là rất cao.

EVFTA thu hút vốn đầu tư cho Việt Nam 

Ngày 14/8 tại TP HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức hội thảo nhận diện cơ hội kinh doanh, đầu tư trong bối cảnh EVFTA sớm được thông qua. 

Tại hội thảo, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết với qui mô thị trường hơn 500 triệu dân, mức thu nhập bình quân đạt hơn 34.000 USD/người/năm, EU chính là thị trường tiêu thụ hàng hóa khổng lồ mà rất nhiều quốc gia xuất khẩu hướng tới.

Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương kí kết hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) với mức cam kết cao nhất từ trước đến nay mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA song phương và đa phương.

"Trong bối cảnh quan hệ thương mại thế giới biến động ngày càng phức tạp, EVFTA đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. 

Quan trọng hơn EVFTA với nội dung cam kết toàn diện chính là động lực để Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, đó chính là lợi ích lâu dài và giá trị nhất", ông Võ Tân Thành nhận định.

65f365aba6ce419018df

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo nhận diện cơ hội kinh doanh, đầu tư trong bối cảnh EVFTA sớm được thông qua ngày 14/8 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng quan điểm, ông Jean Jacques Bouflet, Phó chủ tịch EuroCham, cho rằng EVFTA cùng với EVIPA sẽ làm thay đổi bức tranh đầu tư từ EU vào Việt Nam trong những năm tới.

Với thế mạnh sẵn có về chế tạo máy móc, ô tô, công nghệ cao, dược phẩm và cơ chế bảo hộ đầu tư từ EVIPA, các doanh nghiệp và nhà đầu tư EU sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo, công nghiệp chế biến và dược phẩm của Việt Nam.

Ngoài việc thu hút thêm nguồn vốn thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được cải thiện, nâng cao về mặt công nghệ và khả năng quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất hiệu quả, từ đó củng cố năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, đại diện EuroCham cũng cho rằng việc mở cửa thị trường mua sắm công và dịch vụ sẽ giúp khối cơ quan nhà nước Việt Nam tiếp cận được nhiều sản phẩm chất lượng từ EU, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng được cung cấp những dịch vụ tài chính, thương mại, logistics, quản trị, vận hành sản xuất chuyên nghiệp, từ đó tạo nên giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm và thương hiệu.

Doanh nghiệp Việt vẫn khó hưởng lợi

Theo các chuyên gia, những cơ hội trên chỉ thành hiện thực khi doanh nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh về chất lượng, giá trị và đáp ứng được những tiêu chuẩn mà thị trường EU qui định.

Ông Võ Tân Thành cho biết hiện nay chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam chỉ xếp thứ 77/140 quốc gia, nhưng lại đang là một trong những quốc gia tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nhất thế giới. 

Mức độ mở của nền kinh tế lên tới 200% giá trị GDP khiến nền kinh tế Việt Nam đối mặt với không ít thách thức.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết đa phần doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang đón nhận những lợi thế mang tính hiển nhiên, sẵn có mà chưa tính đến kế hoạch lâu dài và chiến lược khai thác sao cho hiệu quả nhất.

Cách tư duy bị động này giải thích vì sao tỉ trọng xuất khẩu hàng hóa và tỉ lệ tận dụng ưu đãi các FTA của doanh nghiệp Việt luôn thấp hơn doanh nghiệp FDI, ông Huỳnh cho biết.

dfd6cb8a08efefb1b6fe

Các diễn giả chia sẻ quan điểm về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh EVFTA vừa được kí kết. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông Jonnathan Ooi, Phó Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng một trong những nhóm hàng có lợi thế của Việt Nam ở EU là nông sản, gồm cả gạocà phê, rau củ, trái cây…

Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển trao đổi thương mại điện tử các mặt hàng nông sản với EU nhưng điểm yếu của nông sản Việt Nam chính là sự ổn định về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Thị trường EU dù lớn và sức mua cao nhưng yêu cầu về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ cũng rất khắt khe. 

Với những thị trường đề cao sự an toàn của sức khỏe như EU, chỉ một lô hàng bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn thì toàn bộ ngành hàng đó sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, thậm chí bị cấm nhập khẩu vĩnh viễn.

Vì vậy, muốn khai thác tốt lợi thế này, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động xây dựng qui trình sản xuất sạch, an toàn và duy trì thường xuyên.

Không chỉ nằm ở năng lực canh tranh với các đối thủ mà ngay cả mức độ chủ động tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp Việt cũng là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn.

"Doanh nghiệp phải chủ động nắm vững nội dung mà Việt Nam và EU đã cam kết, bao gồm cả những cam kết truyền thống như thương mại hàng hóa và cam kết mới về môi trường, lao dộng, trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững", ông Jonnathan Ooi chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/evfta-se-thay-doi-buc-tranh-dau-tu-tu-eu-vao-viet-nam-co-hoi-lon-co-de-tan-dung-20190814225705646.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/