Có ông Trump, thị trường chứng khoán càng thêm khó đoán

Hoạt động đầu tư chứng khoán vốn đã rất "khó ăn" khi có quá nhiều biến số cần nhà đầu tư chú ý tới, từ cơ bản đến kĩ thuật, vi mô tới vĩ mô, ... Đã vậy trong khoảng một năm trở lại đây, nhà đầu tư lại phải ngày đêm theo dõi sát sao một biến số nữa: Những dòng tweet của ông Trump.

Những ngày xưa tươi đẹp

Theo Bloomberg, trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, thị trường chứng khoán Mỹbiến động với giả định rằng nhiệm kì Tổng thống Donald Trump sẽ đầy rẫy những tác động tiêu cực tới thị trường. 

Giả định này được đưa ra dựa trên quan điểm cứng rắn của ông Trump về vấn đề nhập cư và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chưa kể tính cách rất "khác người" của ông.

Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Trump không phù hợp để làm Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên giả định "Trump không tốt cho thị trường" chỉ sống sót được vỏn vẹn vài giờ sau khi kết quả cuộc bầu cử ngã ngũ.

Giả định được đưa ra sau đó là "Trump đồng nghĩa với tăng trưởng" một phần dựa trên những người được chọn vào đội ngũ cố vấn của vị Tân Tổng thống, một vài người trong số này từng là lãnh đạo cấp cao của ngân hàng Goldman Sachs.

Năm đầu tiên trong nhiệm kì Tổng thống của ông Trump được dành trọn vẹn để tháo dỡ các qui định quản lí và cắt giảm thuế cho doanh nghiệp – đều là những bước đi mà các thị trường cổ phiếu yêu thích.

Dự đoán chung khi đó là tiếp theo chính quyền sẽ tăng chi tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng. Chủ nghĩa bảo hộ gần như không được nhắc đến. Thực tế năm 2017 trở thành một trong những năm tuyệt vời nhất cho thị trường cổ phiếu toàn cầu từ khi có số liệu so sánh đến nay, chỉ số MSCI All-Country World Index tăng 21,6% trong năm với biến động rất thấp.

Trong thời gian đầu nhiệm kì Tổng thống của ông Trump, các nhà đầu tư có vẻ phớt lờ những dòng tweet mang tính kích động của ông Trump.

Sau một vài sự vụ ban đầu (chẳng hạn như việc ông Trump công kích Boeing vì giá chiếc B747 dùng làm chuyên cơ Air Force One cho Tổng thống có giá quá cao, hơn 4 tỉ USD), một số người nhận thấy qui luật rằng lời chỉ trích của ông Trump có rất ít hoặc không có tác động gì tới giá cổ phiếu, còn những lời khen cũng chỉ có ảnh hưởng trong ngắn hạn.

Trong suốt thời gian này, sự nhiễu loạn và phân cực chính trị ngày càng trở nên nghiêm trọng và thị trường vẫn cứ đi lên mà không gặp trở ngại nào.

Thế lực mới xoay chuyển thị trường

Tuy nhiên những ngày tươi đẹp đó giờ đã xa. Một năm qua ông Trump đưa nước Mỹ vào cuộc chiến thương mại khốc liệt với Trung Quốc. Những chính sách thương mại có khả năng đảo ngược dòng chảy thị trường được ông Trump đưa ra chỉ bằng một dòng tweet ngắn gọn.

Hôm 1/8, ông Trump đăng tweet thông báo kế hoạch áp thuế mới lên 300 tỉ USD hàng Trung Quốc kể từ ngày 1/9 tới. 

Thị trường cổ phiếu Mỹ lập tức cắm đầu giảm sâu trong khi giá trái phiếu tăng mạnh vì các nhà đầu tư bỏ tài sản rủi ro như cổ phiếu để tìm đến trái phiếu trong lúc thương mại bất ổn.

Từ đó đến nay, thị trường cổ phiếu và trái phiếu biến động với tương quan chặt chẽ với nhau, tăng giảm nhịp nhàng mỗi khi xuất hiện một tin tức chính trị mới, đặc biệt là những dòng tweet của ông Trump.

trump tweet

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu, tăng sốc từng giờ từng phút theo mỗi dòng tweet của ông Trump. Nguồn: Bloomberg.

Tình trạng này tạo ra một nhân tố biến động ngẫu nhiên mới có khả năng tác động lên toàn thị trường. 

Các yếu tố cơ bản không còn có ý nghĩa. Để dự đoán tâm lí ưa thích hay lần tránh rủi ro của thị trường, nhà đầu tư cần biết ông Trump sẽ đăng tweet khi nào và về nội dung gì.

Nếu không thể cài camera theo dõi điện thoại ông Trump, chiến lược tốt nhất của nhà đầu tư là đợi dòng tweet xuất hiện rồi phản ứng nhanh nhất có thể.

Nhưng tại sao những dòng tweet từ tài khoản Twitter @realDonaldTrump lại khiến các nhà đầu tư phải lo lắng? Bloomberg liệt kê ra một số lí do:

Ông Trump không phù hợp làm Tổng thống Mỹ?

Ông Trump dường như đang tự tường thuật sự biến chất của bản thân mình. Ban đầu những dòng tweet của ông chỉ thể hiện sự ám ảnh với bản thân và sự huênh hoang rỗng tuếch. 

Nhưng như vậy thì đã sao? Các nhà chính trị khác cũng có những khiếm khuyết tương tự, điểm khác biệt duy nhất là họ cố gắng che giấu những khuyết điểm này.

Tuy nhiên trong những ngày gần đây, dòng tweet của ông Trump không phải chỉ là những lời "chém gió" như trước mà thể hiện những vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều khi ông tự so sánh mình với "Vua của Israel" và sau đó đùa rằng mình là người được định mệnh chọn để đối đầu với Trung Quốc

Đã vậy, ông Trump còn đăng tweet "ra lệnh" cho doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc và gọi Cục dự trữ Liên bang (Fed) là "kẻ thù" của nước Mỹ.

Nhiều người phải giật mình lo lắng khi đọc được những dòng này. Các nhà đầu tư dù là chuyên nghiệp cũng không thể có chuyên môn như một bác sĩ tâm thần học, không thể đoán được ông Trump sẽ nghĩ gì và do vậy nhiệm vụ đầu tư lại càng trở nên khó khăn.

Nếu ông Trump thực sự đang "phát tán" bằng chứng cho thấy ông không phù hợp làm Tổng thống, các nhà đầu tư sẽ có lí do để phải theo dõi các dòng tweet và có hành động tương ứng. 

Bất kể quan điểm chính trị của mỗi người là gì, những bằng chứng về việc Tổng thống không đáp ứng được tiêu chuẩn công việc luôn có hiệu ứng tiêu cực đối với triển vọng nước Mỹ và thế giới.

Dấu hỏi về niềm tin vào hệ thống nhà nước

Hệ thống hiến pháp Mỹ nổi tiếng là được xây dựng dựa trên cơ chế kiểm tra và cân đối (checks and balances). Cơ chế này được cho là có thể kiểm soát sao cho một vị Tổng thống với tính cách thất thường không gây ra thiệt hại gì quá lớn.

Nhưng thuế quan lại là câu chuyện khác, bởi chính sách thuế quan không phải đi qua bộ máy cồng kềnh của Quốc hội và tòa án trước khi có hiệu lực. Những dòng tweet của Tổng thống cũng vậy, không ai kiểm soát. Thực tế này làm nhiều người lo ngại về những lá chắn thể chế nói chung.

Thêm vào đó, Đảng Cộng hòa ở Quốc hội dường như không hề muốn gây ra cản trở nào đối với một Tổng thống thuộc đảng mình như ông Trump. 

Khi Quốc hội không sát sao và gay gắt trong việc kiểm soát hành vi của Tổng thống, nhà đầu tư chứng khoán càng có lí do để lo lắng về những tuyên bố báo giới và các dòng tweet bộc phát của ông.

Tâm điểm Fed

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường. Hai cựu chủ tịch Fed là Paul Volcker và Alan Greenspan được coi là có tác động sâu rộng tới thị trường hơn nhiều so với những vị Tổng thống bổ nhiệm họ.

Trong hai năm đầu tại vị, ông Trump tỏ ra "ngoan ngoãn" đi theo đường lối cũ trong cách hành xử với Fed, thể hiện qua việc bổ nhiệm Jerome Powell – một thành viên ban thống đốc nhiều kinh nghiệm – thay thế chức Chủ tịch của bà Janet Yellen do ông Obama bổ nhiệm trước đây. 

Những lựa chọn khác vào ban thống đốc Fed của ông Trump cũng thể hiện sự ổn định và có tính kế thừa.

Tuy nhiên trong một năm qua tình hình đã thay đổi, ông Trump công kích kịch liệt cả Fed lẫn Chủ tịch Jerome Powell gần như hàng tuần – điều chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ và hoàn toàn đi ngược lại tính độc lập chính trị của ngân hàng trung ương này.

Nhiều nhà đầu tư không khỏi cảm thấy lo lắng và khó hiểu khi ông Trump chỉ trích ông Powell là "không hiểu biết", "bướng bỉnh" hay "kẻ thù của nước Mỹ" bởi chính ông Trump là người bổ nhiệm ông Powell.

Người được ông Trump dự định đề cử vào ban thống đốc Fed mới đây - nhà kinh tế học Judy Shelton - cũng khiến thị trường phải hốt hoảng vì bà có tưởng trái ngược với nhiệm vụ của Fed.

Ông Trump sẵn sàng bỏ rơi thị trường chứng khoán?

Một lá chắn bảo vệ nhà đầu tư khác là việc ông Trump thường tuyên bố mình hành động vì thị trường chứng khoán và không muốn thị trường lao dốc. Nhiều lần ông có vẻ tránh đưa ra những quyết định có thể ảnh hưởng xấu tới thị trường chứng khoán Mỹ.

Tuy vậy trong tháng qua, ông Trump tỏ ra sẵn sàng để cho thị trường chứng khoán suy sụp. Tuần trước ông tuyên bố trên Twitter: "Cuộc sống của tôi sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu tôi không cứng rắn với Trung Quốc. Nhưng tôi vẫn thích đối đầu Trung Quốc vì đó là việc mà tôi cần làm.

Nếu tôi không làm, chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ có thể cao hơn 10.000 điểm so với mức hiện nay, nhưng tôi không muốn thế. Chúng ta không có lựa chọn nào khác trong vấn đề Trung Quốc"

Thái độ này của ông Trump cho thấy ông không ngại chọn con đường khó khăn, trong đó bao gồm việc thị trường chứng khoán sẽ tụt dốc.

Vì vậy các nhà đầu tư muốn sống sót trên thị trường phải theo dõi sát tài khoản Twitter của ông Trump để phản ứng kịp thời. Nếu không, nhà đầu tư chỉ còn cách nhìn về dài hạn và chọn những khoản đầu tư miễn nhiễm với biến động chính trị, nhưng làm vậy cũng chẳng dễ dàng hơn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-ong-trump-thi-truong-chung-khoan-cang-them-kho-doan-20190830175206904.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/