Cơ hội gia tăng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Algeria

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria chỉ đạt 10,4 triệu USD trong tháng 1, giảm 29,3% do tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng như ảnh hưởng của thời gian nghỉ Tết âm lịch của Việt Nam.

Cơ hội gia tăng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Algeria - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.(Nguồn: World Atlas)

Cơ hội gia tăng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Algeria

Theo số liệu của Hải quan Algeria, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 35,82 tỉ USD, giảm 14,29% và kim ngạch nhập khẩu đạt 41,93 tỉ USD, giảm 9,49%. 

Dầu khí vẫn chiếm tỉ trọng chủ yếu kim ngạch xuất khẩu của Algeria với tổng giá trị 33,24 tỉ USD. 

Các nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Algeria gồm Trung Quốc (kim ngạch 7,65 tỉ USD, chiếm 18,25 % tổng kim ngạch nhập khẩu của Algeria), Pháp (4,27 tỉ USD, chiếm 10,20%), Italy (3,41 tỉ USD, chiếm 8,13%), Tây Ban Nha (2,93 tỉ USD, chiếm 6,99%) và Đức (2,83 tỉ USD, chiếm 6,76%). 

Những nước là khách hàng lớn nhất của Algeria năm 2019 gồm Pháp (5,05 tỉ USD, chiếm 14,11% tổng kim ngạch xuất khẩu của Algeria), Italy (4,62 tỉ USD, 12,90%), Tây Ban Nha (3,99 tỉ USD, 11,15%), Anh (2,29 tỉ USD, 6,42%) và Thổ Nhĩ Kỳ (2,24 tỉ USD, 6,27%).

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria năm 2019 đạt 187 triệu USD, giảm 2,6% so với năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn là cà phê, kim loại thường, thủy sản, điện thoại, gạo, hóa chất, hạt tiêu…trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu cà phê lên đến 110,65 triệu USD.

Trong tháng 1/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria chỉ đạt 10,4 triệu USD, giảm 29,3% do tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng như ảnh hưởng của thời gian nghỉ Tết âm lịch của Việt Nam.

Về tình hình dịch bệnh COVID-19, tính đến ngày 9/3, Algeria đã ghi nhận 20 ca bị nhiễm bệnh. Bên cạnh các biện pháp thông thường áp dụng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Chính phủ Algeria đã ra lệnh cấm các tổ chức, cá nhân Algeria xuất khẩu khẩu trang đồng thời tăng cường sản xuất các thiết bị phòng hộ và nhập khẩu thêm từ nước khác. 

Tiếp tục ngừng các chuyến bay của Air Algeria sang Trung Quốc (kể từ ngày 3/2). Kiểm soát chặt về y tế những hành khách đến từ các nước có dịch COVID-19 đang hoành hành.

Liên quan đến trao đổi thương mại với thế giới, nhất là các đối tác lớn, ngành ngoại thương Algeria sẽ chịu những tác động tiêu cực. Trung Quốc là nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Algeria năm 2019 với kim ngạch 7,65 tỉ USD. 

Theo Hiệp hội các Thương nhân và Thợ thủ công Algeria, trong 2 tháng đầu năm 2020, nhiều hoạt động nhập khẩu hàng thành phẩm từ Trung Quốc (như đồ dùng học sinh, đồ điện gia dụng, quần áo, linh kiện, đồ đạc trong nhà, túi xách) đã phải hủy bỏ hoặc hoãn giao dịch trực tiếp do ngừng các chuyến bay của Air Algeria sang nước này.

Đối với các nhà sản xuất công nghiệp Algeria, một số cũng đã hoãn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc (như chất dẻo) để chờ diễn biến tình hình trước khi quyết định thay đổi nhà cung cấp. 

Các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm nguyên liệu đầu vào vì đã tạo hình máy móc sản xuất, chưa kể đến các yếu tố như tiêu chuẩn kĩ thuật, kích cỡ, thành phần hóa chất và vấn đề giá cả do hàng Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. 

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài và hạn chế về vận tải hàng không thì các doanh nghiệp Algeria phải đa dạng hóa đối tác.

Dự báo, thời gian tới, nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Algeria sẽ trở nên khan hiếm. Các sản phẩm có nhu cầu cao sẽ là đồ dùng học sinh, điện gia dụng, quần áo, linh kiện và đồ đạc trong nhà, túi xách, nguyên liệu chất dẻo, điện thoại và linh kiện… 

Bên cạnh đó, người dân có tâm lí tích trữ hàng lương thực, thực phẩm như: gạo, bánh kẹo, hạt tiêu, hạt điềuhải sản… nhất là cho tháng Ramadan bắt đầu vào cuối tháng 4 hàng năm. 

Đây là cơ hội cho hàng hóa các nước khác thâm nhập vào thị trường 42 triệu dân này. Điều quan trọng là hàng hóa phải đáp ứng được các điều kiện cạnh tranh về giá cả và bảo đảm về mặt chất lượng.

Một số chính sách thương mại của Algeria 

Báo Công thương cho biết vào tháng 10, Algeria đưa ra một số chính sách thương mại mới. 

Cụ thể, giấy phép lưu hành trong phạm vi lãnh thổ hải quan của Algeria: Trong tháng 8/2019, Bộ Tài chính Algeria đã ban hành danh mục các mặt hàng chỉ được lưu hành trong lãnh thổ hải quan nước này khi có giấy phép lưu thông trên cơ sở Bộ luật hải quan Algeria. 

Theo đó, những mặt hàng phải có giấy phép mới được lưu hành gồm động vật sống như ngựa, lừa, bò, cừu, dê, lạc đà. 

Danh sách còn bao gồm sữa bột, sữa cho trẻ em, cây và quả chà là, đậu các loại, ngũ cốc, bột lúa mì, dầu ăn từ đậu nành và hướng dương, đường trắng, bột thực phẩm và món cút cút (trừ đã chế biến hoặc làm chín), thuốc lá và xi măng (portland xám). 

Thuốc đông y cho người, thuốc thú y (trừ số lượng đã được chứng minh để sử dụng cá nhân), lốp cao su mới, da thô, sợi sắt thép, thanh sắt thép không phải hợp kim được rèn, cán hay kéo sợi bằng nhiệt độ cao, thép khoanh cũng nằm trong danh mục này. Ngoài ra còn có các mặt hàng như điều hòa, tủ lạnh, tủ đông, bếp điện, tivi và đầu đọc kỹ thuật số.

Những vùng có liên quan đến giấy phép lưu thông tại khu vực lãnh thổ hải quan Algeria bao gồm các tỉnh ở phía Tây (Tlemcen và Naâma), phía Đông (El Tarf, Tébessa, Souk Ahras và El Oued) và phía Nam (Béchar, Tindouf, Adrar, Tamenghasset, Ouargla và Illizi). 

Theo Bộ Tài chính Algeria, đây là một trong những biện pháp phòng chống gian lận thương mại và giả xuất xứ của nước này, nhất là tại các tỉnh giáp biên.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-hoi-gia-tang-xuat-nhap-khau-giua-viet-nam-va-algeria-20200310154652556.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/