Doanh nghiệp dầu khí nửa đầu năm: BSR, PLX, OIL lãi đậm nhưng nhóm thuợng nguồn vẫn bấp bênh

Giá dầu tăng đã tạo ra hai thái cực rõ nét trong kết quả kinh doanh ngành dầu khí nửa đầu năm do không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi. Nhóm hạ nguồn được hưởng lợi nhất thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong 6 tháng trong khi nhóm thượng nguồn tiếp tục bấp bênh.

Kể từ đầu tháng 11 năm ngoái tới nay, giá dầu thô đã tăng gấp đôi lên trên 71 USD/thùng tính tới hiện tại. Nếu so với mức thấp kỷ lục gần hai chục năm cuối tháng 4 năm ngoái thì giá dầu thô đã tăng gần 4,6 lần.

Doanh nghiệp dầu khí: Hạ nguồn lãi đậm nhờ giá dầu, thượng nguồn vẫn bấp bênh - Ảnh 1.

Diễn biến giá dầu thô một năm qua. (Nguồn: nasdaq).

Dù giá dầu tăng mạnh thời gian qua nhưng không phải doanh nghiệp dầu khí nào cũng được hưởng lợi. 

Hạ nguồn lãi đậm thậm chí vượt kế hoạch năm chỉ trong 6 tháng

Nhóm hưởng lợi nhất và cũng là nhóm nhạy cảm nhất với giá dầu là doanh nghiệp hạ nguồn (sản xuất và kinh doanh sản phẩm dầu khí) gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Mã: PLX), CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL - Mã: OIL).

FiinGroup đánh giá nhóm hạ nguồn được hưởng lợi nhờ sản lượng tiêu thụ hồi phục, không phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và biên dầu (crack spread) tăng mạnh so với cùng kỳ.

Cả Petrolimex, PV OIL và BSR đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu hai chữ số trong quý II.

Quý II, BSR ghi nhận doanh thu gấp đôi cùng kỳ năm trước và đạt 1.696 tỷ đồng lãi sau thuế trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1.910 tỷ đồng.

Petrolimex và PV OIL ghi nhận lãi sau thuế tăng lần lượt 35% và 45% so với quý II/2020. 

Năm 2021, các doanh nghiệp dầu khí trong nước đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh dựa trên giả định giá dầu ở mức 45 USD/thùng trong khi giá dầu hiện đã vượt trên 70 USD/thùng. Do đó, chỉ sau nửa năm, BSR đã vượt 305% mục tiêu lợi nhuận năm còn PV OIL vượt 44%. Với Petrolimex, tập đoàn đã thực hiện được 82% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau 6 tháng.

Doanh nghiệp dầu khí nửa đầu năm: BSR, PLX, OIL lãi đậm nhưng nhóm thuợng nguồn vẫn bấp bênh - Ảnh 2.

Đvt: tỷ đồng. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021)

Nhóm thượng nguồn vẫn bấp bênh

Nhóm doanh nghiệp thượng nguồn (chuyên cung cấp thiết bị và dịch vụ dầu khí) với hai đại diện lớn nhất là Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (Mã: PVD) và Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận tiếp tục suy giảm do hoạt động khai thác chưa kích hoạt trở lại dù giá dầu tăng cao.

Đây cũng được đánh giá là nhóm phản ứng chậm hơn với sự thay đổi của giá dầu.

Sau quý I lỗ trên trăm tỷ thì quý II PVD đã có lãi trở lại nhưng vẫn giảm 19% so với quý II/2020 còn 43 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, PVD vẫn lỗ sau thuế 67 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận PVD giảm quý II là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 97% vì trích lập chi phí dự phòng.

Trong đó, việc đối tác Kris Energy đã đệ đơn lên xin phá sản do không có khả năng thanh toán các khoản nợ vào đầu tháng 6 khiến PVD phải trích lập hơn 28 tỷ dự phòng trong kì trong tổng khoản phải thu gần 95 tỷ với Kris Energy.

Chứng khoán VNDirect nhận định thị trường khoan khu vực đang dần sôi động trở lại và đại dịch dần được kiểm soát nhờ vắc xin sẽ giúp hiệu suất sử dụng giàn tự nâng của PVD phục hồi từ nửa cuối 2021 trở đi, đặc biệt là từ năm 2022 khi đội khoan của PVD có thể quay trở lại hoạt động ở nước ngoài (Malaysia) như năm 2019.

Nếu giá dầu tăng bền vững có thể giúp triển vọng của công ty tươi sáng hơn và cải thiện tỷ suất lợi nhuận mảng khoan.

Doanh nghiệp dầu khí nửa đầu năm: BSR, PLX, OIL lãi đậm nhưng nhóm thuợng nguồn vẫn bấp bênh - Ảnh 3.

Đvt: tỷ đồng. (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021).

Với PVS, VNDirect đánh giá đây là đơn vị xây lắp và các dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ, ảnh hưởng của đà tăng giá dầu có thể bị hạn chế với độ trễ do các hợp đồng của PVS trong các mảng cốt lõi (M&C, FSO/FPSO ..) thường kéo dài trong nhiều năm.

Các mảng khác như tàu dịch vụ và căn cứ cảng, PVS có thể hưởng lợi trực tiếp từ khả năng phục hồi của phí dịch vụ. 

Tương tự PVD, VNDirect cũng đánh giá giá dầu cao hơn một cách bền vững có thể thúc đẩy tiến độ của các dự án thăm dò khí lớn (Cá Voi Xanh, Lô B - Ô Môn…) tại Việt Nam, tiềm ẩn giá trị backlog rất lớn đối với PVS.

PV GAS hưởng lợi lớn nhờ giá dầu, PVTrans nằm ngoài sóng

Ông lớn đứng đầu ngành khí là Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) cho biết dù giá dầu bình quân quý II tăng 133% so với cùng kỳ năm trước nhưng sản lượng khí khô tiêu thụ chỉ bằng 85%. Đồng thời khoản chênh lệch giá khí trong bao tiêu phải nộp cho ngân sách nhà nước là 646 tỷ khiến lợi nhuận của PV GAS chỉ tăng 34% lên 1.713 tỷ.

PV GAS được hưởng lợi từ giá dầu do giá bán sản phẩm của công ty được tính theo giá dầu thế giới.

VNDirect đánh giá mô hình kinh doanh của PV GAS tương đối ổn định nhờ chính sách giá mua và bán khí đã được xác định (giá sàn bán khí ở mức cao hơn giữa 46% giá dầu FO và giá khí đầu giếng). 

Khi giá dầu tăng, PV GAS sẽ trực tiếp hưởng lợi từ giá bán khí bình quân (ASP) cao hơn (ngoại trừ đối với phần sản lượng bao tiêu, lợi nhuận sẽ được chuyển giao về cho ngân sách nhà nước) và giá bán LPG cao hơn.

Doanh nghiệp dầu khí: Hạ nguồn lãi đậm nhờ giá dầu, thượng nguồn vẫn bấp bênh - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ: PVTrans.

Với Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT), Tổng Giám đốc từng chia sẻ giá dầu tăng thì lĩnh vực FTSO của PVT sẽ được hưởng lợi. Nhưng nhìn chung giá dầu tăng không ảnh hưởng quá trực tiếp đến PVTrans, giá dầu tăng chưa chắc khiến giá cước tăng. Yếu tố tác động đến từ nguồn hàng, kho chứa hay tình hình đầu cơ,... sẽ tác động đến thị trường vận tải.

Do đó, quý II, doanh thu và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng lần lượt 2% và 8% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho hay hiện tỷ trọng kinh doanh các mảng đã thay đổi nhiều, mảng dầu thô đang giảm dần trong khi tỷ trọng vận chuyển gas và hóa chất đang tăng lên và sắp tới chiếm tỷ trọng lớn.

PV GAS và PVTrans được VNDirect nhận định sẽ là những đơn vị có thể được hưởng lợi nhất khi các dự án LNG Thị Vải và nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 đi vào hoạt động cuối năm 2022 và năm 2023.

PV GAS có thể gia tăng sản lượng bán khí thông qua việc phân phối LNG cho các nhà máy điện còn PVTrans có thể tham gia vào việc vận chuyển LNG nhập khẩu trong thời gian tới.

Doanh nghiệp dầu khí: Hạ nguồn lãi đậm nhờ giá dầu, thượng nguồn vẫn bấp bênh - Ảnh 5.

Diễn biến giá một số cổ phiếu dầu khí ghi nhận tăng trưởng nửa năm qua. (Nguồn: TradingView)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-dau-khi-nua-dau-nam-bsr-plx-oil-lai-dam-nhung-nhom-thuong-nguon-van-bap-benh-20210804175008368.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/