Trừng phạt Trung Quốc nhẹ tay, ông Trump đang tự chừa đường lui?

Tổng thống Trump liên tục chỉ trích chính sách của Trung Quốc đối với đặc khu hành chính Hong Kong nhưng lại có những động thái thể hiện không muốn làm tăng căng thẳng giữa hai siêu cường tại cuộc họp báo ngày 29/5.

Trừng phạt Trung Quốc nhẹ tay, ông Trump đang tự chừa đường lui? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg)

Bloomberg nhận định, mặc dù lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc nhưng bài phát biểu ngày 29/5 của Tổng thống Trump lại thiếu những chi tiết cụ thể xoay quanh các biện pháp trừng phạt dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Kinh.

Tại cuộc họp báo ở Vườn Hồng (Nhà Trắng), ông Trump tuyên bố sẽ bắt đầu quá trình thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong, tuy nhiên ông không nêu chi tiết phải mất bao lâu các thay đổi mới có hiệu lực và bao nhiêu miễn trừ sẽ được áp dụng.

Tổng thống Trump cũng hứa sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong có "liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp" đến hành vi phá hoại quyền tự trị của đặc khu này. Dù vậy, ông chủ Nhà Trắng cũng không nêu đích danh bất kì cá nhân nào.

Chính quyền ông Trump vẫn chưa quyết định sẽ trả đũa quan chức Trung Quốc và Hong Kong theo bộ luật nào, Bloomberg dẫn lời nguồn tin thân cận cho hay.

"Các bước đi của chính phủ Mỹ sẽ rất mạnh mẽ và ý nghĩa", ông Trump phát biểu tại cuộc họp báo ngày 29/5.

Ngoài ra, ông Trump còn cho biết Mỹ sẽ chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cáo buộc cơ quan này bị Bắc Kinh thao túng trong đại dịch và "hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc".

Cả hai tuyên bố mới nêu trên đều có liên quan đến các chính sách mới của Trung Quốc tại Hong Kong, tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng tới mối quan hệ với Bắc Kinh ở mức độ mà thị trường tài chính đã lo sợ vào đầu tuần.

Chẳng hạn, ông Trump không hề tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn một kí vào giữa tháng 1 năm nay.

Ông Trump từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc và cam kết đưa ra các biện pháp chính sách cứng rắn mà Washington đã thảo luận, bao gồm một số biện pháp trừng phạt tài chính và chính trị. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 29/5, ông Trump không hề đả động đến dự luật mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi giữa tuần.

Ngày 27/5, dự luật kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương đã được Hạ viện phê chuẩn với 413 phiếu thuận - 1 phiếu chống. 

Trước đó, Thượng viện cũng phê duyệt dự luật trên với tỉ lệ áp đảo.

Nhà phân tích Derek Scissiors của Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định: "Cuộc họp báo không kéo ông Trump lún sâu vào mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc. Thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong không có nhiều nghĩa lí trong cuộc đối chọi của Washington với Bắc Kinh".

Những "diều hâu" phía sau Tổng thống Trump

Trong nhiều tuần qua, chính quyền ông Trump và Trung Quốc đã liên tục tranh cãi và đổ lỗi cho nhau về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa thúc giục ông Trump phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm.

Ngày càng nhiều cố vấn "diều hâu" có quan điểm nghiêm khắc với Trung Quốc muốn ông Trump hành động quyết đoán với quan chức Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Hong Kong.

Cuộc họp báo ngày 29/5 của ông Trump diễn ra sau khi Quốc hội Trung Quốc phê duyệt nghị quyết cho phép soạn thảo luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong hôm 28/5. Giới phê bình cho rằng bộ luật mới sẽ hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân đặc khu.

Trước đó một ngày (tức 27/5), Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ không còn xem Hong Kong là đặc khu tự trị và không còn có thể hưởng các ưu đãi thương mại đặc biệt theo luật pháp Mỹ.

Quyết định thu hồi đặc quyền thương mại của Hong Kong không đồng nghĩa rằng Mỹ phải đối xử với đặc khu hành chính này tương tự như Trung Quốc trên nhiều phương diện như thuế quan, cung ứng công nghệ nhạy cảm và thị thực (visa).

Thay vào đó, Washington còn có một loạt lựa chọn khác như hủy niêm yết công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ, tuy nhiên hầu hết phương án trên đều ít gây tổn hại đến Bắc Kinh nhưng lại ảnh hưởng đến cả Mỹ lẫn Hong Kong.

Ông Jude Blanchette, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho hay: Tuy bình luận của ông Trump thiếu chi tiết hành động nhưng giọng điệu lại đánh dấu sự leo thang trong mối quan hệ thù địch với Trung Quốc.

"Điều đó sẽ phần nào củng cố quan điểm của Bắc Kinh rằng mối quan hệ song phương Mỹ - Trung chưa rơi xuống đáy vực sâu", ông Blanchette nói.

Ông Trump từng có nhiều phàn nàn về những hành động của Trung Quốc như việc Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Thái Bình Dương, đồng thời phá vỡ lời hứa về việc đảm bảo quyền tự trị của Hong Kong.

"Chính phủ Trung Quốc liên tục vi phạm lời hứa với nước Mỹ. Chúng tôi không thể bỏ qua hay gạt sang một bên những sự thật hiển nhiên này. Thế giới hiện đang trải qua nhiều mất mát do hành động của Bắc Kinh trong đại dịch", ông Trump nhấn mạnh.

Đầu ngày 29/5, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã gọi các biện pháp trả đũa tiềm tàng xoay quanh vấn đề Hong Kong của Washington là "hoàn toàn vô nghĩa". Giới chức Trung Quốc khẳng định Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Theo nhà nghiên cứu Blanchette, ông Trump đã sử dụng bài phát biểu hôm 29/5 để ngầm báo lập trường cứng rắn của chính quyền mình đối với Bắc Kinh khi mà còn chưa đầy 6 tháng nữa là đến cuộc bỏ phiếu tổng thống Mỹ.

Ông Blanchette nói: "Sự kiện ngày 29/5 là một bài phát biểu tranh cử. Đây sẽ là giai điệu và nhịp độ của chiến dịch tranh cử của ông Trump cho đến tháng 11 tới".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-phat-trung-quoc-nhe-tay-ong-trump-dang-tu-chua-duong-lui-20200530090657337.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/