Ông Tập đi trước Mỹ một bước để bảo vệ doanh nghiệp Trung Quốc

Kế hoạch mà Chủ tịch Tập Cận Bình ấp ủ từ cuối năm 2018 nhằm tự do hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc và ngăn chặn các doanh nghiệp công nghệ trong nước đổ xô đến Mỹ đang phát huy tác dụng lớn trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng leo thang.

Cuộc cải tổ thị trường chứng khoán của ông Tập che chở doanh nghiệp Trung Quốc trước Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Getty Images

Cuộc cải cách thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu dưới hình thức một sàn giao dịch mới ở Thượng Hải có tên là Star Market, ra mắt cách đây một năm trước.

Mục tiêu của Star Market khá khiêm tốn nếu so với các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, nhưng lại tạo ra sự thay đổi căn bản khi xét theo tiêu chuẩn của Trung Quốc: tối thiểu hóa thủ tục, nới lỏng sự kiểm soát đối với các doanh nghiệp được phép niêm yết và nới rộng biên độ biến động của giá cổ phiếu.

Không giống như các sàn giao dịch chứng khoán khác của Trung Quốc, cổ phiếu trên Star Market không bị áp giá trần và giá sàn trong 5 phiên giao dịch đầu tiên. Từ phiên thứ 6 trở đi giới hạn biến động là +/-20%.

Theo Bloomberg, trong vòng 12 tháng qua, hơn 130 doanh nghiệp đã huy động được tổng cộng 30 tỉ USD thông qua Star Market.

Mặc dù Star Market trở nên yên ắng sau vài tuần đầu bùng nổ, một số công ty nổi tiếng như Ant Group của Jack Ma và công ty sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc đang đưa Star Market trở lại tâm điểm của giới đầu tư.

Giới quan chức Trung Quốc cũng cho biết việc một sàn giao dịch ChiNext cũng sẽ sớm được nới lỏng các qui định kiểm soát, tạo tiền đề cho một chấn động lớn đối với thị trường chứng khoán 9.300 tỉ USD nước này.

Cuộc cải tổ thị trường chứng khoán của ông Tập che chở doanh nghiệp Trung Quốc trước Mỹ - Ảnh 2.

Dịp kỉ niệm một năm của Star Market được đánh dấu bằng sự kiện 25 cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên Star Market được gia nhập chỉ số Shanghai Composite. Chỉ số SSE STAR Market 50 sẽ được khai trương vào ngày 23/7 nhằm theo dõi giá các cổ phiếu này.

Quay đầu là bờ

Lần đầu tiên trong lịch sử, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc lựa chọn bán cổ phiếu trong nước thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nước ngoài. 

Tuần trước, Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC) đã huy động được 53,2 tỉ nhân dân tệ (7,6 tỉ USD) trong thương vụ IPO lớn nhất của Trung Quốc trong một thập kỉ trở lại đây. Giá cổ phiếu SMIC trên Star Market tăng gấp hơn ba lần trong ngày đầu giao dịch, cao hơn nhiều so với định giá tại Hong Kong.

Hãng thanh toán di dộng Ant Group kì vọng sẽ đạt được vốn hóa 200 tỉ USD khi tiến hành IPO trên Star Market và thị trường chứng khoán Hong Kong, bỏ qua sàn Nasdaq của Mỹ. 

Khó có thể nghi ngờ rằng nếu không nhờ những cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ khó có thể thuyết phục doanh nghiệp niêm yết trên thị trường nội địa.

Các thương vụ IPO tại các sàn giao dịch lớn tại Trung Quốc vẫn phải tuân thủ mức trần - cổ phiếu chỉ được giao dịch với mức giá thấp hơn hoặc bằng 23 lần thu nhập.

Dù qui định trên được thiết kế để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân và ngăn cản đầu cơ, đối với doanh nghiệp thì chúng là trở ngại đối với khả năng huy động tiền. Do vậy, trước đây những ông lớn trong lĩnh vực công nghệ như Alibaba, Weibo và Baidu đều lựa chọn niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.

Nhưng hiện giờ doanh nghiệp Trung Quốc đang cần được bảo vệ trước căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có thể hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc tại Mỹ, trong khi đó luật an ninh Hong Kong khiến cho quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi.

Ông Wang Jiyue, Tổng Giám đốc hãng tư vấn Shanghai Pegasus Consulting nhận định Trung Quốc cần thị trường vốn "hỗ trợ nhiều hơn cho sự phát triển của các công ty công nghệ và sáng tạo nhằm tránh bị Mỹ thâu tóm. Tự do hóa thị trường chứng khoán sẽ là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc".

Đối với một quốc gia chứng kiến tới hai bong bóng cổ phiếu khổng lồ chỉ trong hơn 10 năm, việc gỡ bỏ một số kiểm soát chắc chắn sẽ đi kèm với rủi ro. Thị trường Trung Quốc nhan nhản các hành vi đầu cơ, một phần là do nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chiếm phần lớn khối lượng giao dịch.

Việc cho phép cổ phiếu trên sàn ChiNext tăng hoặc giảm 20% mỗi ngày thay vì giới hạn 10% như hiện nay có thể khiến thị trường biến động dữ dội hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện những bước đi táo bạo để đưa thị trường chứng khoán tới thời kì hiện đại và giúp tài trợ doanh nghiệp tăng trưởng nhanh.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây tổn hại tới nền kinh tế và giới doanh nghiệp đối mặt với gánh nặng nợ ngày càng lớn, giới chức trách Trung Quốc rất sẵn lòng giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn nội địa hơn.

Có thể thấy sàn Star Market là khởi đầu cho những cải cách tiếp theo của Trung Quốc.

"Nỗ lực của Trung Quốc nhằm cung cấp tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong các ngành chiến lược hiện có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết khi xét đến đại dịch COVID-19 và cuộc đối đầu thương mại với Mỹ. Sau một năm, sàn Star Market đang hoạt động tốt", ông Yu Yingdong, Phó Tổng Giám đốc tại Shenzhen Yunneng Fund Management nhận xét.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-tap-di-truoc-my-mot-buoc-de-bao-ve-doanh-nghiep-trung-quoc-20200722114022002.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/