Những biến cố như trong phim của triệu phú tự thân mở trường đào tạo thương mại điện tử

Bỏ công ty bán thực phẩm chức năng để thành lập trường đào tạo thương mại điện tử, một triệu phú tự thân "đốt" tới nửa triệu USD mỗi tháng và phải sa thải một nửa số nhân viên vì hết tiền.

Khi đối mặt với sức ép tài chính do thua lỗ, một số doanh nhân sẽ thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Song Matt Clark thực hiện một quyết định táo bạo: Vét gần hết toàn bộ tiền để chi 10.000 USD cho một tấm vé dự sự kiện "Làm chủ kinh doanh" do nhà đào tạo nổi tiếng Tony Robbins tổ chức. 

"Hồi đó tôi thực sự tuyệt vọng, nên tôi cần gặp ai đó có thể truyền động lực cho tôi. Khi tôi dám chi 10.000 USD, hẳn người đó sẽ hiểu tôi rất quyết tâm", Matt kể.

Ở sự kiện, anh gặp một doanh nhân và người đó giới thiệu anh với Jason Katzenback, một doanh nhân đã khởi nghiệp nhiều lần và đang ấp ủ một dự án thương mại điện tử. Hai doanh nhân quyết định giúp những người khác gây dựng doanh nghiệp thương mại điện tử và không phạm phải những sai lầm của Matt. 

"Khi còn là sinh viên, tôi từng tham dự mọi khóa học kinh doanh và sự kiện ở trường, nhưng tôi thấy rất nhiều thách thức. Trải qua thất bại trong kinh doanh, tôi đã tìm ra cách tốt hơn để dạy người khác gây dựng doanh nghiệp", Matt nói.

Self-Made Millionaire Matt Clark Shares How to Build Your Own Ecommerce Company - Ảnh 1.

Matt Clark, người đồng sáng lập công ty đào tạo thương mại điện tử Amazing.com. Ảnh: LinkedIn

Thành lập trường đào tạo thương mại điện tử

Quyết định bỏ công ty riêng, Matt thành lập một doanh nghiệp thương mại điện tử mới với Jason Katzenback. Họ đặt tên công ty là Amazing.com. Một trong những chương trình của họ, Amazon Selling Machine (Cỗ máy bán hàng Amazon), giúp mọi người bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Họ dạy học viên từng bước - từ chọn tới bán sản phẩm và tìm nhà cung cấp, tiếp thị. Bài học dưới dạng video, sự hỗ trợ của cộng đồng và việc tiếp cận các công cụ kinh doanh giúp những người mới bước vào thương trường hiểu rõ những thách thức và giải pháp trong giai đoạn ban đầu. 

Học viên cũng có thể tận dụng mạng lưới cố vấn để kết nối với những người có thể giúp họ vượt qua những thách thức trong quá trình kinh doanh.

Amazing.com khuyên doanh nhân tương lai chọn những sản phẩm có chất lượng cao và coi trọng khâu đóng gói.

"Nghe có vẻ điên rồ, nhưng quả thực tôi không hề áp dụng chiến thuật đó với công ty thực phẩm chức năng của tôi. Khi bắt đầu kinh doanh, tôi bán những thứ mà tôi có thể lấy. Một số sản phẩm ban đầu của tôi có bao, gói rất tệ, trong khi nguyên liệu giống phần lớn những sản phẩm khác", anh kể.

Matt tư vấn người bán vẽ chân dung khách hàng mục tiêu một cách cụ thể - như mẹ, em trai hay con gái của ai đó - để có thể thiết kế trải nghiệm của người dùng. 

"Trải nghiệm người dùng càng tốt, khả năng công ty thành công trong dài hạn càng cao", anh khẳng định.

Sự cố bất ngờ

Đến năm 2015, Amazing.com đã mời thành công tỉ phú Richard Branson tới sự kiện trực tiếp hàng năm của công ty và có đội ngũ khoảng 50 người ở trụ sở tại thành phố Austin, bang Texas, song công ty lại đối mặt nguy cơ sụp đổ. Trong năm đó, bác sĩ chẩn đoán con gái của Jason Katzenback mắc ung thư, nên anh phải tạm ngừng điều hành để tập trung vào nỗ lực trị bệnh cho con gái, khiến Matt phải chèo lái một mình.

Khi Jason không điều hành, Matt chuyển từ mô hình khóa học toàn diện và phí cao sang mô hình đăng kí thành viên trả tiền theo tháng với mức phí thấp, với hi vọng tăng số học viên.

"Tôi cô mở rộng đối tượng học viên để giúp mọi người thay vì chỉ hướng tới một nhóm đối tượng", anh giải thích.

Sự chuyển hướng của Matt không mang lại hiệu quả.

"Sự lạc quan và tham vọng mù quáng đã thôi thúc tôi ra nhiều quyết định sai lầm. Tôi nghĩ chiến lược mà chúng tôi đang áp dụng sẽ không giúp công ty vươn tới mục tiêu. Vì thế tôi bỏ hoàn toàn dịch vụ chính", anh thừa nhận.

Amazing.com mắc kẹt với chi phí vận hành quá lớn - bao gồm khoản tiền thuê nhà hàng tháng 40.000 USD, và chi khoảng nửa triệu USD mỗi tháng. 

"Tôi buộc phải sa thải một nửa đội ngũ nhân sự vì cạn tiền mặt", Matt kể. Sau đó, anh buồn đến nỗi anh không thể ngủ, ăn, mà chỉ nghĩ đến những người mà anh phải sa thải.

Tỉ phú Richard Branson nói chuyện về khởi nghiệp trong sự kiện truyền hình trực tiếp của công ty Amazing.com trong năm 2015. Video: Amazing.com

Trong cơn bĩ cực, Matt vẫn kịp nhận ra rằng những sự kiện trực tuyến của Amazing.com là điểm sáng. Công ty vẫn tiếp tục tổ chức những sự kiện như vậy, và niềm vui trên khuôn mặt của khán giả là niềm an ủi với anh..

"Khán giả liên tục tâm sự với tôi rằng chương trình của Amazing.com đã thay đổi cuộc đời họ. Vì thế, tôi nhận ra rằng công ty chỉ cần thực hiện những giải pháp hiệu quả", anh nói.

Khiêm tốn, kỉ luật và chấp nhận rủi ro hợp lí

Với định hướng mới, Matt tái tập trung mọi nguồn lực vào chương trình thương mại điện tử cao cấp. Bằng cách mở rộng chậm rãi từ chương trình ấy, anh đã thấy sự phát triển bền vững.

Hàng loạt thăng trầm trong sự nghiệp đã khiến Matt trở nên khiêm tốn hơn rất nhiều, và anh cũng biết cách phát hiện những học viên sắp mắc những sai lầm giống anh trong kinh doanh. Điều quan trọng hơn là thất bại đã dạy anh phải cẩn thận khi tuyển dụng, vì quyết định của anh sẽ tác động đến cuộc sống của người khác.

Matt cũng khuyên học viên và khách hàng không nên tránh rủi ro. Anh tư vấn họ quản lí rủi ro cẩn thận để có thể theo đuổi mục tiêu một cách quyết liệt.

"Họ có thể phát hiện rằng sản phẩm mới không hiệu quả bằng cách đơn giản là thử nghiệm nó trước khi nhập hàng", anh nhấn mạnh.

Quan điểm của Matt là gây dựng một doanh nghiệp giống như tập võ thuật hoặc lái xe đua. 

"Điều quan trọng nhất là bạn phải duy trì kỉ luật, đồng thời chấp nhận rủi ro ở mức hợp lí và tìm cách vượt trở ngại", anh kết luận.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-bien-co-nhu-trong-phim-cua-trieu-phu-tu-than-mo-truong-dao-tao-thuong-mai-dien-tu-2020051116333493.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/