Khách hàng Cocobay Đà Nẵng: Thành Đô muốn thâu tóm lại dự án để bán cho NĐT lớn khác?

Trong bản tập hợp ý kiến, nhiều khách hàng Cocobay Đà Nẵng đặt nghi vấn có thể Thành Đô đang gặp khó khăn về dòng tiền tạm thời, họ muốn thâu tóm lại dự án, đẩy mọi thiệt hại về cho NĐT rồi cuối cùng sẽ bán cho NĐT lớn khác muốn mua lại toàn dự án.

Các chủ sở hữu Cocobay Đà Nẵng vừa có văn bản tập hợp ý kiến gửi CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng Thành Đô (Empire Group) khi doanh nghiệp này vừa phát đi thông báo hủy trả thu nhập cam kết từ ngày 1/1/2020.

Cocobay

Tập đoàn Empire thất hứa cam kết lợi nhuận với khách hàng tại Cocobay Đà Nẵng. (Ảnh: Cocobay Đà Nẵng)

Chủ đầu tư biết sẽ vỡ trận sao vẫn bán cho khách hàng?

Trong bản tập hợp ý kiến, các nhà đầu tư (NĐT) đã đưa ra rất nhiều lập luận cho rằng Thành Đô có hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn của khách hàng để xây dựng khu tổ hợp Cocobay.

Cụ thể, nhóm các NĐT (được cho rằng có khoảng 600 người) cho rằng Thành Đô vô lí khi phát thông báo sẽ không chi trả thu nhập cam kết từ ngày 1/1/2020, trong khi các hợp đồng đã kí với bên mua (NĐT) luôn còn giá trị pháp lí và được pháp luật bảo hộ. Do đó, các thông báo này chỉ là đề xuất, không có giá trị về mặt pháp luật.

"Thành Đô muốn độc chiếm dự án để tự kinh doanh chứ không muốn chia sẻ lợi nhuận với nhà đầu tư thứ cấp. Cũng có khả năng Thành Đô đang gặp khó khăn về dòng tiền tạm thời, chủ yếu là họ muốn thâu tóm lại dự án, đẩy mọi thiệt hại về cho NĐT rồi cuối cùng sẽ bán lại cho NĐT lớn khác muốn mua lại toàn dự án Cocobay", trích văn bản tập hợp ý kiến khách hàng.

Một số ý kiến khác thì cho rằng giá trị mua bán các căn hộ khách sạn (condotel) và khu nhà khách sạn liền kề (boutique hotel) cách đây vài năm thấp, nay đất khu này lên cao thì chủ đầu tư muốn "bẻ kèo" để bán người khác giá cao hơn.

"Có một tòa căn hộ mở bán trước đây tên là Wonderland Cocobay đã bán hết cho khách hàng, nhưng nay (cuối tháng 11/2019) Thành Đô lại công bố bán lại lần thứ 2 và giao cho đại lí bán hàng khác mở bán (đặt tên là tòa Golf View, thay tên trước đây là Wonderland Cocobay)", trích văn bản tập hợp ý kiến.

Bên cạnh đó, một số NĐT khác cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình trước phát biểu của người đứng đầu Tập đoàn Empire.

"Ông chủ tịch của Thành Đô phát biểu rằng từ đầu ông biết vỡ trận là đương nhiên. Vậy tại sao ông vẫn lừa bán cho khách hàng với cam kết lợi nhuận hấp dẫn? Ông lại nói luật qui định về Condotel là chưa có hoặc chưa rõ ràng. Vậy tại sao ông vẫn mở bán đến mấy nghìn căn hộ khách sạn Condotel cho gần 1700 nhà đầu tư? Đây là tội lừa đảo", trích văn bản tập hợp của khách hàng.

Nhà đầu tư nói không hám lợi nhuận

Trong văn bản tập hợp ý kiến, một số khách hàng là NĐT cho rằng trong các phương án Thành Đô đưa ra thì có phương án nhượng lại cho Thành Đô nhưng NĐT phải chịu mọi chi phí như môi giới bán hàng (vài %), thuế, phí trả nợ ngân hàng trước hạn, phí bảo lãnh (ngân hàng SHB),... như vậy nhà đầu tư phải mất rất nhiều.

Theo một số khách hàng, họ biết rõ tiền mua căn hộ gấp nhiều lần chi phí thực của giá trị đất và chi phí xây dựng nhưng vẫn đầu tư kinh doanh bởi muốn đầu tư vào một dự án có giá trị dài lâu chứ không phải vì hám lợi nhuận cao.

"Sự thất bại này là do cách quản lí và kinh doanh yếu kém của Tập đoàn Thành Đô và trong kinh doanh thì thắng/thua là chuyện bình thường. Thành Đô nên bán bớt tài sản để chi trả thu nhập cam kết hoặc chịu phạt 20% hủy hợp đồng với nhà đầu tư, chứ không nên dùng thủ đoạn bắt ép nhà đầu tư chịu lỗ thay", trích văn bản tập hợp của khách hàng.

"Thành Đô nên công khai kêu gọi các đối tác BĐS lớn trong và ngoài nước cùng tham gia tái cấu trúc Cocobay để dự án này trường tồn như một thương hiệu không phải của Đà Nẵng mà là của quốc gia. Thành Đô không nên ôm một mình", trích văn bản tập hợp ý kiến.

Một số chủ sở hữu khác thì có ý kiến đề nghị cho kiểm toán độc lập (tầm Big4) để làm rõ lãi/lỗ và dòng tiền của Thành Đô. Những năm trước giá đất chỉ tầm 3 triệu đồng/m2, giá thành căn hộ khoảng 20 triệu đồng/m2 nhưng giá bán của Thành Đô khoảng từ 40 triệu đồng/m2, do đó không thể lỗ…

"Thành Đô kêu khó tại Cocobay Đà Nẵng nhưng có tin đồn Thành Đô sắp mở bán dự án mới là Cocobay Phú Quốc và cũng cam kết lợi nhuận như Cocobay Đà Nẵng hiện tại mà Thành Đô vừa gửi thông báo muốn dừng trả thu nhập cam kết", trích văn bản tập hợp ý kiến khách hàng.

6 nguyện vọng của khách hàng 

Trên cơ sở tập hợp từ nhiều ý kiến, các nhóm khách hàng đề xuất 6 giải pháp, phương án cũng là nguyện vọng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng.

Thứ nhất, nhóm nhà đầu tư mất lòng tin vào chủ đầu tư của Cocobay muốn thanh lí căn hộ như phương án mà Thành Đô đề xuất nhưng Thành Đô phải chịu mọi loại phí và đóng phạt thêm 20%/giá trị hợp đồng. (Nhà đầu tư cho rằng bên vi phạm hợp đồng là Thành Đô nên doanh nghiệp này phải chịu phạt 20% giá trị hợp đồng mua bán).

Thứ hai, nhóm khách hàng muốn giữ mọi điều khoản hợp đồng và cam kết thu nhập như cũ, yêu cầu Thành Đô tôn trọng hợp đồng, tôn trọng pháp luật.

Thứ ba, có một nhóm nhỏ khách hàng muốn giảm thu nhập cam kết xuống mức 9-10%/năm để cùng hợp tác đi tiếp với Thành Đô.

Thứ tư, hầu hết NĐT mong muốn Thành Đô bán bớt tài sản hiện có của dự án để giải quyết vấn đề khó khăn tài chính và tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng.

Thứ năm, NĐT kì vọng có chính quyền can thiệp vào vụ việc ngay lập tức để bảo vệ quyền lợi của NĐT.

Thứ sáu, một số NĐT mong muốn có tập đoàn lớn đạt thỏa thuận mua lại toàn dự án này, sử dụng tiếp thương hiệu Cocobay hoặc đổi tên thành một thương hiệu khai thác lưu trú quốc tế.

Mới đây, liên quan đến vụ việc ở Cocobay Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thế Kỷ (CEN Group) đã bất ngờ chia sẻ dòng trạng thái trên trang cá nhân với nội dung: "Bây giờ CEN đứng ra giải quyết vấn đề của Cocobay thì sao nhỉ?" Sau khi dòng trạng thái này được đăng tải, nhiều người đã đặt nghi vấn về một thương vụ hợp tác "giải cứu" dự án Cocobay.

Trong văn bản mới nhất gửi nhà đầu tư hôm 1/12, Thành Đô thông báo chi tiết về kế hoạch triển khai các giải pháp đề xuất. Theo đó, doanh nghiệp này sẽ chốt các phương án chi tiết ngưng chi trả lợi nhuận cam kết từ ngày 13/12 đến 20/12.

Với phương án chuyển condote thành căn hộ để ở, chỉ 50% condotel được chuyển đổi, khách hàng phải đóng thêm 15% giá trị bất động sản và phải đăng ký trước ngày 20/12. Nếu chọn phương án thanh lý hợp đồng, khách hàng phải chấp nhận các chi phí hỗ trợ lãi suất vay, trả nợ trước hạn tại ngân hàng SHB (nếu có), chi phí hỗ trợ bán hàng.

Nếu khách hàng chấp nhận tiếp tục hợp tác sẽ được chọn 1 trong 2 hình thức nhận thu nhập: cố định khoảng 5% hay theo tỉ lệ tối thiểu 80% từ lợi nhuận kinh doanh được kiểm toán.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khach-hang-cocobay-da-nang-thanh-do-muon-thau-tom-lai-du-an-de-ban-cho-ndt-lon-khac-20191204173252005.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/