FLC kịch trần trước ngày đình chỉ giao dịch, HVN giảm sàn giữa nguy cơ hủy niêm yết

Cổ phiếu FLC sẽ ngừng giao dịch từ ngày mai 9/9 do Tập đoàn FLC không thể hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin đúng hạn. Trong khi đó, cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết nếu lợi nhuận của Vietnam Airlines không hồi sinh mạnh mẽ trong nửa cuối năm.

(Ảnh: FLC, HVN; Đồ họa: Song Ngọc).

Phiên 8/9, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch lình xình quanh tham chiếu rồi đóng cửa trong sắc đỏ. VN-Index và VN30-Index mất lần lượt 0,69% và 0,27%; HNX-Index và UPCoM-Index giảm tương ứng 0,67% và 0,08%.

Trên sàn HOSE có 5 cổ phiếu tăng kịch trần, trong đó có ba cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp “họ FLC” là Tập đoàn FLC, Nông dược HAI (Mã: HAI) và Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD).

Hai cổ phiếu khác trong họ FLC là KLF của Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu CFS và ART của Chứng khoán BOS trên sàn HNX cũng đóng cửa trong sắc tím, trắng bên bán.

Cổ phiếu trong họ FLC diễn biến khởi sắc khi chỉ còn một ngày nữa là FLC không còn được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Hôm 31/8, HOSE đã ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 với lý do: Tập đoàn FLC tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Hiện nay FLC chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 dù đã quá hạn chót lần lượt vào ngày 31/3 và 29/8.

Cổ phiếu FLC tăng kịch trần trong phiên 8/9/2022 nhưng vẫn kém 80% so với mức cuối năm 2021.

Chiều tối 5/9, Tập đoàn FLC đã có công văn giải trình nguyên nhân và nêu biện pháp khắc phục tình trạng cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch. Theo giải trình, FLC đang cố gắng hoàn thành việc kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021.

Sau khi có báo cáo kiểm toán 2021, FLC sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 để đại hội thông qua nội dung lựa chọn đơn vị kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính năm 2022. FLC dự kiến đại hội thường niên sẽ diễn ra vào tháng 11.

Trên cơ sở quyết định của đại hội thường niên 2022, FLC sẽ phối hợp với đơn vị kiểm toán được lựa chọn và dự kiến công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 vào tháng 12/2022.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cổ phiếu FLC chỉ được giao dịch trở lại sau khi doanh nghiệp đã khắc phục hết sai phạm.

Khoản 4 Điều 45 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết do Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam ban hành ngày 31/3/2022 quy định:

Sở Giao dịch chứng khoán sẽ xem xét đưa chứng khoán ra khỏi diện đình chỉ giao dịch hoặc đưa vào diện cảnh báo hoặc kiểm soát hoặc hạn chế giao dịch sau khi xem xét giải trình, kết quả khắc phục của tổ chức niêm yết.

Nếu cổ phiếu bị đình chỉ do doanh nghiệp niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch như trường hợp Tập đoàn FLC, doanh nghiệp được xác định là đã khắc phục khi thực hiện công bố thông tin và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tối thiểu trong 6 tháng liên tục kể từ ngày ra quyết định bị đình chỉ giao dịch hoặc từ ngày Sở Giao dịch chứng khoán xác định tổ chức niêm yết có vi phạm công bố thông tin gần nhất.

Nói cách khác, cổ phiếu FLC sẽ ở trong diện đình chỉ giao dịch ít nhất là đến đầu năm 2023.

Một cổ phiếu trong họ FLC là ROS của Xây dựng FLC Faros từng bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch và sau đó là hủy niêm yết khỏi sàn HOSE kể từ ngày 5/9.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã chuyển dữ liệu 567,7 triệu cổ phiếu ROS từ sàn HOSE sang thị trường UPCoM.

Tuy nhiên, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) – đơn vị quản lý thị trường UPCoM – cho biết sẽ chỉ tiếp nhận giao dịch cổ phiếu ROS sau khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về vụ án nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng xảy ra tại FLC Faros.

Tập đoàn FLC hiện nay không bị cơ quan công an điều tra về quá trình tăng vốn nên thủ tục chuyển sang thị trường UPCoM có thể sẽ đơn giản hơn so với FLC Faros.

Hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN có nguy cơ hủy niêm yết

Từ cuối năm 2021, nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã được nhà đầu tư và truyền thông nhắc đến nhiều. Nguyên nhân là khi đó vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines rất mỏng, thêm một quý thua lỗ nữa là vốn chủ sẽ âm và HVN sẽ thuộc diện bị hủy niêm yết.

Giữa tháng 12/2021, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa và Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền đã lên tiếng khẳng định vốn chủ của Vietnam Airlines tại ngày cuối năm chắc chắn sẽ dương và cổ phiếu HVN sẽ đủ điều kiện ở lại HOSE. Thực tế đã diễn ra đúng như các lãnh đạo của Vietnam Airlines dự tính.

Ngày 7/9/2022 vừa qua, HOSE đã gửi công văn lưu ý Vietnam Airlines về khả năng hủy niêm yết hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN. Ngoài việc vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 năm nay trên báo cáo tài chính soát xét đang là số âm, Vietnam Airlines còn hai vấn đề khác. Thứ nhất là liên tiếp thua lỗ trong năm 2020, 2021 và nửa đầu 2022. Thứ hai là lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp.

Theo Điểm e Khoản 1 Điều 120 của Nghị định 155/2020: Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. 

Như vậy, nếu kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm nay không tích cực đột biến, Vietnam Airlines sẽ rơi vào cả ba trường hợp hủy niêm yết kể trên: lỗ ba năm liên tục, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu âm. Chỉ cần thuộc một trong ba trường hợp này là cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết.

Phiên 8/9, HVN giảm kịch sàn còn 15.150 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 33.548 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu HVN hiện nay kém đầu năm 2022 khoảng 35%.

Một doanh nghiệp hàng không khác của nước ta là Vietjet (Mã: VJC) chưa có năm nào thua lỗ, một phần quan trọng là nhờ các khoản “thu nhập khác” và “doanh thu tài chính”.

Vietnam Airlines cũng có thể sẽ ghi nhận các khoản thu lớn bên ngoài hoạt động kinh doanh vận tải hàng không cốt lõi.

Trong năm 2021, Vietnam Airlines đã giảm lỗ nhờ thoái vốn khỏi hãng hàng không quốc gia Campuchia là Cambodia Angkor Air, thu về 34 triệu USD.

Vietnam Airlines đã chuẩn bị phương án tái cơ cấu danh mục đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhằm đảm bảo tổng công ty có cơ cấu hợp lý, tập trung đầu tư vào lĩnh vực chính là vận tải hàng không, thu hồi vốn đầu tư, gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, từng bước xóa lỗ lũy kế.

Theo đề án đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Vietnam Airlines sẽ tập trung đầu tư và nắm quyền chi phối đối với các doanh nghiệp có liên quan chặt chẽ, quan trọng trong dây chuyền vận tải hàng không; kiên quyết chuyển nhượng vốn đối với các khoản đầu tư hiệu quả thấp, ít liên quan đến hoạt động vận tải hàng không để thu hồi nguồn tiền phục vụ đầu tư các danh mục mới phù hợp chiến lược phát triển dài hạn.

Trong trường hợp bị hủy niêm yết khỏi HOSE, cổ phiếu HVN có thể sẽ quay lại giao dịch ở thị trường UPCoM. Vietnam Airlines từng giao dịch tại UPCoM trong giai đoạn từ tháng 1/2017 đến tháng 4/2019 trước khi niêm yết tại HOSE từ tháng 5/2019.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/flc-kich-tran-truoc-ngay-dinh-chi-giao-dich-hvn-giam-san-giua-nguy-co-huy-niem-yet-2022981871376.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/