BĐS công nghiệp Việt Nam hưởng lợi gì từ ngành công nghiệp ô tô?

Theo CBRE, các nhà phát triển bất động sản (BĐS) công nghiệp có thể nắm bắt cơ hội từ sự tăng trưởng bằng cách cung cấp không chỉ quỹ đất mà còn tích hợp cơ sở hạ tầng công nghiệp và hậu cần để phục vụ cho ngành sản xuất ô tô.

ảnh 3

Buổi họp báo với chủ đề "Bất động sản công nghiệp nắm bắt cơ hội từ ngành công nghiệp ô tô" diễn ra chiều ngày 9/7 do CBRE tổ chức. (Ảnh: Thu Hà)

Ngành công nghiệp ô tô tạo cơ hội cho nhà đầu tư BĐS công nghiệp

CBRE vừa tổ chức buổi họp báo với chủ đề "Bất động sản công nghiệp nắm bắt cơ hội từ ngành công nghiệp ô tô".

Tại buổi họp báo, đơn vị này cho biết, sự kiện nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng ra mắt hồi tháng 7/2019 đã đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Điều này cũng phần nào cho thấy nhu cầu cho BĐS công nghiệp trong ngành công nghiệp xe bốn bánh.

Bên cạnh đó, cùng với sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, những thay đổi nhanh chóng trong các quy định của nhà nước và các hiệp định thương mại quốc tế đã có tác động đáng kể đến thị trường công nghiệp nói chung.

Từ góc độ bất động sản, khía cạnh quan trọng nhất đối với sự thay đổi của thị trường  và kinh tế vĩ mô là nhu cầu đất công nghiệp gia tăng nhằm phục vụ mở rộng sản xuất công nghiệp.

Theo CBRE, mặc dù ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam còn chưa phát triển so với các nước trong khu vực nhưng các công ty lớn trong thị trường đã bước đầu có kế hoạch xây dựng các trung tâm sản xuất ô tô chuyên nghiệp như THACO với Khu liên hợp Chu Lai – Trường Hải (Quảng Nam) và VinFast với tổ hợp sản xuất xe hơi tại thành phố Hải Phòng.

Hơn nữa, các nhà lắp ráp xe hơi nổi tiếng quốc tế như Mercedes – Benz, Toyota,… cũng có các kế hoạch mở rộng của riêng họ. Việc mở rộng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự cải thiện nhanh chóng của mạng lưới đường cao tốc và các cảng nước sâu kết nối các trung tâm công nghiệp và hậu cần.

Không chỉ các nhà lắp ráp mà cả các nhà sản xuất và cung cấp phụ tùng xe hơi cũng tham gia vào cuộc chơi với những yêu cầu về đất công nghiệp ngày càng được ghi nhận trong những năm gần đây. Nhu cầu tạo ra từ các khách hàng khác nhau trong tất cả các bước sản xuất xe hơi, cho thấy sự phát triển của chuỗi cung ứng ô tô.

Công ty nghiên cứu thị trường này phân tích, Thái Lan và Mỹ là hai ông lớn sản xuất và lắp ráp ô tô của mỗi châu lục, có những bài học kinh nghiệm riêng chứng minh sự bùng nổ của thị trường BĐS công nghiệp nhờ sự tập trung của các nhà sản xuất và cung ứng tại mọi khu vực.

Ngoài ra, tỉ lệ lấp đầy cao và giá cho thuê tăng thách thức việc mở rộng sản xuất và tạo ra sự dịch chuyển nhu cầu sang các thị trường mới nổi. Xu hướng tương tự cũng đang xảy ra ở Việt Nam khi thị trường công nghiệp truyền thống ở khu phía Bắc và phía Nam đang phát triển với quỹ đất hạn chế và giá thuê rất cao.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các nhà phát triển BĐS khi nhu cầu mở rộng sản xuất ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn cung hạn chế như hiện tại. Đồng thời, mỗi khu vực tại Việt Nam đều có những lợi thế cạnh tranh khác nhau dựa trên sự khác biệt trong tính chất kinh doanh và sản xuất cũng như quỹ đất trống.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô sẽ cần một diện tích đất rất lớn để xây dựng nhà máy. Khi các nhà sản xuất ô tô đến Việt Nam thì các nhà cung ứng cũng sẽ đến Việt Nam và họ cũng sẽ sử dụng đến BĐS công nghiệp.

Theo CBRE, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn cần phải có quá trình để phát triển và cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Do đó, vai trò của các nhà hoạch định chính sách được coi là quan trọng nhất.

Trong đó, các nhà phát triển BĐS công nghiệp có thể nắm bắt cơ hội từ sự tăng trưởng bằng cách cung cấp không chỉ quỹ đất mà còn tích hợp cơ sở hạ tầng công nghiệp và hậu cần để phục vụ cho ngành sản xuất ô tô.

Nguồn cầu cao thúc đẩy giá thuê đất tăng

Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ Phận Tư Vấn & Giao Dịch - Dịch Vụ Văn Phòng CBRE Việt Nam cho biết, BĐS công nghiệp được chia thành 2 nhóm, đất công nghiệp cho thuê và các nhà xưởng xây sẵn. Hiện nay, giá thuê đất công nghiệp ở cả miền Bắc và miền Nam đều tăng và tỉ lệ lấp đầy cao.

Theo ông Hiếu, ba yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS công nghiệp phải kể đến như hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, các tuyến đường cao tốc kết nối, tạo điều kiện cho dòng chảy hàng hóa đến với các cảng biển.

Khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do, đây cũng là cơ hội để các nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài với thuế quan được cắt giảm.

Đặc biệt là sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung .

Liên quan đến quỹ đất để phát triển thị trường BĐS công nghiệp, Luật sư Đặng Thanh Sơn, Công ty luật Baker & McKenzie cho rằng, khi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thì Chính phủ có thể cân nhắc tăng giá thuê đất. 

Bởi vì khi đó nguồn cầu tăng, các công ty lớn sẵn sàng trả phí thuê đất cao để có được địa điểm phù hợp. Từ đó Chính phủ cũng có thể được hưởng lợi từ thuế, làm tăng nguồn ngân sách.

Ngoài ra, về các thách thức và cơ hội khi dòng vốn FDI vào Việt Nam, Luật sư Đặng Thanh Sơn cho biết, thách thức thì đầu tiên là khung pháp lý của Việt Nam bởi có rất nhiều lỗ hổng giữa Luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp... Tiếp nữa là vấn đề giá thuê đất, lạm phát và nhu cầu về lực lượng lao động có trình độ cao.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có lợi thế như giá đất vẫn thấp so với các quốc gia khác trong khu vực, đường bờ biển dài làm tăng lợi thế về giao thông kết nối, cùng với đó là tính ổn định chính trị.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bds-cong-nghiep-viet-nam-huong-loi-gi-tu-nganh-cong-nghiep-o-to-20190709182032453.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/