|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa (14/6) giá cà phê chạm đáy hơn 2 năm, nông dân trồng mía thua lỗ

19:46 | 14/06/2018
Chia sẻ
Thị trường hàng hóa ngày 14/6 nổi bật với thông tin giá cà phê chạm đáy hơn 2 năm. Đối với thị trường heo, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam lên tiếng xác nhận không có chuyên doang nghiệp FDI thao túng giá heo. Vụ mía kết thúc, hầu hết nông dân đều lỗ do giá đường giảm mạnh.

1. Có bàn tay thao túng giá heo hơi của doanh nghiệp FDI?

Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam đã phủ định tin đồn này. Ông Vang giải thích, tổng số heo của Việt Nam trung bình một năm là 27 triệu con. Trong đó, số heo của công ty CP là 2,8 triệu con, các doanh nghiệp FDI khác là 4 triệu con. Lượng heo của người dân và các doanh nghiệp chăn nuôi nội địa đạt trên 20 triệu con.

“Với tỷ lệ như vậy, không có chuyện doanh nghiệp FDI thao túng thị trường heo trong nước”, ông Vang khẳng định.

Ông Vang cũng nói thêm theo xu thế hiện nay các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ khó lòng phát triển mà thay vào đó sẽ chuyển dần hướng tập trung sang các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

2. Sản lượng thép Trung Quốc cao kỷ lục bất chấp nỗ lực 'siết' công suất của chính phủ

Sản lượng thép của Trung Quốc tăng cao kỷ lục trong tháng 5 khi các nhà máy đẩy mạnh sản xuất để tận dụng biên lợi nhuận cao. Trong khi đó, triển vọng nhu cầu khả quan có thể sẽ khiến các nhà máy chạy gần hết công suất trong thời gian tới.

Tình trạng này cũng cho thấy Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong xử lý việc dư thừa công suất tại quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nước này sản xuất 81,13 triệu tấn thép thô trong tháng 5, tăng 5,8% so với tháng trước đó và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thép từ đầu năm đến nay tăng 5,4% lên 369,86 triệu tấn.

Sản lượng trung bình hàng ngày trong tháng 5 tăng 2,4% so với tháng trước lên 2,62 triệu tấn, theo tính toán của Reuters trên số liệu chính thức.

3. Vụ mía đắng ngắt, hầu hết nông dân đều thua lỗ!

Tính đến thời điểm này, nông dân ở Khánh Hòa cơ bản đã thu hoạch xong niên vụ mía 2017-2018. Theo nông dân, đây là vụ mía chồng chất khó khăn, hầu hết nông dân đều thua lỗ. Vì vậy, lẽ ra cây mía ngọt, giờ đọng lại chỉ là dư âm đắng ngắt!

Nông dân cho biết, phải đỏ mắt tìm nhân công thu hoạch mía Ông Nguyễn Thanh Thụy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Đồng cho biết, toàn xã trồng khoảng 700 ha mía, thu hoạch dứt điểm thường vào cuối tháng 4, còn vụ mía năm nay kéo dài đến tháng 6. Niên vụ này, với chi phí tăng cao từ chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, trong khi sản lượng mía thấp do bão, chỉ đạt 30-35 tấn/ha, cộng với giá mía thấp, nông dân thua lỗ là cầm chắc.

4. Giá cá giống giảm mạnh, cá tra nguyên liệu 'bớt nóng'

Trong một tháng qua, người sản xuất cá tra giống ở ĐBSCL cho biết, giá rớt như rơi tự do từ mức 31.000 đồng/kg (cỡ 30 con/kg) giảm dần và đang nằm mức sát đáy 20.000 đồng/kg.

Nguyên do các cơ sở sản xuất đang vào đợt tới cỡ xuất bán, nguồn cung tăng trong khi một số vùng nuôi đã qua đợt cao điểm thả nuôi. So với lúc cao trào đợt tái thả cá nuôi hồi đầu năm, từ tháng 10/2017 cá tra giống bắt đầu tăng lên 48.000 đ/kg (cỡ 30 con/kg). Qua 3 tháng đầu năm cá tra giống tăng mạnh, mức 64.000-75.000 đ/kg; có lúc 70.000-81.000 đ/kg (cỡ 50 con/kg). Các cơ sở SX giống tin rằng cá tra giống sẽ hồi phục giá bán tăng lên trong tháng sắp tới, nhất là sau khi nhiều vùng ao nuôi thu hoạch xong vào mùa thả cá trở lại.

5. Fed tăng lãi suất - Chỉ là 'cái tát' nhẹ đối với thị trường hàng hóa

Vào lúc 9h50 (giờ Việt Nam), chỉ số Bloomberg Commodity giảm 0,21% xuống 184,68 điểm. Chỉ số Hàng hóa Reuters/Jefferies cũng giảm nhẹ 0,02% về 204,86 điểm.

Đối với ngànhnăng lượng, giá dầu thô Brent giao tháng 8 trên sàn ICE giảm 0,21% xuống 76,58 USD/thùng. Giá khí ga tự nhiên giao tháng 7 trên sàn Nymex cũng giảm 0,27% về 2,96 USD/Btu.

Đối với kim loại quý, giá vàng giao ngay trên sàn COMEX giảm 0,08% xuống 1,298,21 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 cũng giảm khoảng 0,18% so với đầu phiên xuống 1.301,5 USD/ounce.

Đối với nông sản, giá cà phê arabica giao tháng 9 trên sàn ICE giảm 0,75% về 1,186 USD/pound. Giá ca cao giao trong cùng kỳ lao dốc 2,17% xuống 2.391 USD/tấn. Ngoài ra, giá cao su giao tháng 11 trên sàn TOCOM cũng giảm 0,7% về 180,60 yen/kg.

6. Mỹ, Iran tranh cãi ‘nảy lửa’ về giá dầu trước thềm hội nghị OPEC

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Iran ngày 13/6 đã tranh cãi quyết liệt về giá dầu. Ông Trump chỉ trích OPEC khiến giá dầu tăng cao, trong khi Iran cáo buộc ông làm thị trường biến động sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với nước này.

Tổng thống Trump làm bùng nổ cuộc khẩu chiến khi một lần nữa lên Twitter cáo buộc Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) khiến giá dầu tăng cao quá mức.

Giá dầu đã tăng khoảng 60% trong năm ngoái sau khi OPEC và các quốc gia đối tác, trong đó có Nga, bắt đầu cắt giảm sản lượng từ đầu năm 2017. OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) trong hai ngày 22 và 23/6 và được cho là sẽ tăng sản lượng trở lại.

Ông Hossein Kazempour Ardebili – người đại diện của Iran tại OPEC, “phản pháo” ông Trump trong một tuyên bố với Reuters, “Ngài không thể áp đòn trừng phạt lên hai thành viên sáng lập của OPEC và rồi cáo buộc OPEC làm biến động giá. Đây là kinh doanh, thưa Tổng thống, chúng tôi tưởng ngài đã biết điều đó”. Hai thành viên sáng lập OPEC mà ông Ardebili đề cập là Iran và Venezuela.

7. Giá cà phê chạm đáy ít nhất 2 năm tại thị trường thế giới

Giá cà phê hôm nay (14/6) dao động trong khoảng 34.700 - 37.000 đồng/kg tiếp tục giảm khoảng 300 đồng so với hôm 13/6.

Theo đó, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 34.800 - 35.600 đồng/kg, giảm 200 - 300 đồng so với mức 35.000 – 35.900 đồng/kg hôm 13/6.

Giá cà phê giao tại cảng Sài Gòn cũng giảm 300 đồng xuống còn 37.300 đồng/kg.

Trong khi đó, theo dữ liệu sàn ICE New York, giá cà phê robusta tháng 7 cuối phiên ngày 13/6 chạm đáy ít nhất hai năm ở mức 1.706 USD/tấn, giảm 1,3% so với phiên trước đó. Giá cà phê arabica giảm gần 1% xuống 116,2 UScent/pound. Đây cũng là ngưỡng thấp nhất trong vòng ít nhất hai năm.

8. Khủng hoảng ngành đường thế giới: Giá đường giảm mạnh, cung vượt cầu 10,5 triệu tấn

Sản lượng đường toàn cầu niên vụ 2017/18 dự báo đạt 185,2 triệu tấn. Trong khi đó, lượng đường tiêu thụ chỉ đạt 174,6 triệu tấn. Điều này đồng nghĩa cung vượt cầu 10,5 triệu tấn đường mặc dù tiêu thụ tăng 1,85% so với vụ trước. Trong khi đó, giá đường liên tục giảm khiến nhiều nhà máy loay hoay trong việc trả tiền mía cho nông dân.

Động lực tiêu thụ đường được kỳ vọng vào tăng trưởng dân số và thu nhập. Theo Liên hợp quốc (UN) trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2020 dân số toàn cầu tăng trưởng đạt 1,09%. Đồng thời hoạt động kinh tế toàn cầu tiếp tục được cải thiện trong năm 2018 và 2019. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,8% năm 2017. Dự kiến năm 2018 và 2019, mức tăng trưởng sẽ được nâng lên 3,9% cho cả hai năm.

9. Làn sóng xuất khẩu rác thải nhựa đang đánh sang Đông Nam Á sau lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc

Xuất khẩu rác thải nhựa của Anh sang Đông Nam Á đã tăng trong năm nay sau khi chính quyền Bắc Kinh cấm nhập khẩu rác thải. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp cho biết xu hướng này có thể không bên vững.

Dữ liệu mới nhất từ HM Revenue & Customs cho thấy, xuất khẩu rác thải nhựa sang Malaysia tăng gấp ba lần trong 4 tháng đầu năm nay so với năm ngoái, đưa quốc gia này trở thành điểm đến lớn nhất của nhựa Anh. Xuất khẩu sang Thái Lan tăng gấp 50 lần trong cùng giai đoạn, trong khi xuất khẩu sang Đài Loan tăng hơn 10 lần.

Báo cáo cũng cho biết, nhập khẩu rác thải nhựa Anh của Trung Quốc giảm 97%, trong khi của Hồng Kông giảm 71% trong 4 tháng đầu năm.

Sự chuyển đổi nhấn mạnh sự thay đổi của thị trường toàn cầu sau khi Trung quốc, trước đó là nhà nhập khẩu rác thải nhựa lớn nhất thế giới, quyết định đóng cửa biên giới vào năm ngoái.

Đức Quỳnh