Thị trường hàng hóa 13/6: Bộ Công Thương lên tiếng việc nguồn cung heo hơi bị thiếu hụt
1. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung heo hơi: Đã bị thổi phồng?
Bộ Công Thương cho biết, giá heo hơi thời gian qua tăng mạnh chủ yếu do nguồn cung chưa phục hồi sau khi các hộ chăn nuôi giảm đàn và tạm dừng nuôi heo trong đợt khủng hoảng giá năm 2017. Hiện tại ước tính số lượng lợn cả nước giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng tình hình thiếu hụt nguồn cung như hiện nay cũng không quá lo ngại, bởi ngoài nguồn cung từ các hộ chăn nuôi còn có nguồn cung từ các công ty chăn nuôi lớn có khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường.
2. Người chăn nuôi heo Australia kêu gọi 'giải cứu' vì nguồn cung dư thừa
Các hộ chăn nuôi heo trên khắp Australia cho biết họ đang ở điểm khủng hoảng vì giá thịt heo giảm mạnh xuống mức "tồi tệ nhất trong lịch sử" khi nguồn cung vượt quá nhu cầu và sức tiêu thụ ở mức thấp.
Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi hầu hết người chăn nuôi cho biết họ đang mất lỗ 50 đô la Australia cho mỗi con heo (tương đương 32,43 euro/con heo), và đối với một số hộ việc tiếp tục nuôi heo đã không còn bền vững. Cuộc khủng hoảng đặc biệt tồi tệ tại niềm Nam Australia, nơi việc mở rộng đàn heo thời gian gần đây cũng quá nhanh so với nhu cầu, khiến giá heo giảm.
Người nông dân đã phải duy trì hoạt động dù chịu lỗ trong một năm rưỡi qua và một số hộ thậm chí còn đối mặt với việc tiêu hủy đàn heo không thể bán được.
3. Thị trường dầu thô năm 2018 vẫn còn nhiều bất ổn dù thời kỳ dư cung đã kết thúc
OPEC cho biết triển vọng thị trường dầu thô từ nay đến hết năm 2018 sẽ có nhiều bất ổn ngay cả khi thời kỳ thừa dầu đã kết thúc. Đồng thời, OPEC ngụ ý rằng buổi thảo luận về việc nới rộng thỏa thuận giảm sản lượng sẽ có nhiều khó khăn.
OPEC, Nga và một số nước ngoài OPEC đã thực hiện thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu thô kể từ tháng 1/2017 nhằm rút lượng dầu thừa trên thị trường và thúc đẩy giá dầu.
Trong bản báo công bố hôm thứ Ba (12/6), OPEC cho biết tồn kho dầu trong tháng 4 giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm 26 triệu thùng. Tháng 1/2017, lượng dầu thừa vượt ngưỡng trung bình 5 năm 340 triệu thùng.
Với việc giá dầu chạm 80 USD/thùng trong năm nay, ngưỡng cao nhất kể từ năm 2014, Nga và Arab Saudi đang bàn luận khả năng tăng sản lượng. Tuy nhiên, Iran và Iraq không đồng ý với đề xuất này.
Trong báo cáo của mình OPEC bày tỏ thái độ thận trọng trước triển vọng giá dầu năm nay. Theo đó, tổ chức này cho rằng sản lượng dầu thô từ các nước ngoài OPEC tăng sẽ là yếu tố tạo áp lực lên giá dầu.
4. EIA hạ dự báo sản lượng dầu Mỹ trong năm 2019
Trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn được công bố hàng tháng, EIA dự báo sản lượng dầu thô Mỹ sẽ tăng 970 nghìn thùng/ngày trong năm 2019. Tháng trước, EIA dự báo sản lượng dầu Mỹ trong năm tới sẽ tăng 1,14 triệu triệu thùng/ngày so với năm nay lên 11,86 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu Mỹ được dự báo sẽ chạm kỷ lục 12 triệu thùng/ngày trong quý IV/2019 nhưng EIA vừa hạ dự báo xuống còn 11,97 triệu thùng/ngày.
Đối với năm 2018, EIA nâng sản lượng ước tính lên 10,79 triệu thùng/ngày, tăng 1,44 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan này trước đó dự báo sản lượng dầu Mỹ trong năm nay tăng 1,37 triệu thùng/ngày lên 10,72 triệu thùng/ngày.
5. Philippines tạm ngừng buổi đấu giá nhập khẩu hơn 800.000 tấn gạo vào cuối tháng 6
Cụ thể, Phó Giám đốc NFA, bà Judy Carol Dansal cho biết Hội đồng NFA (NFAC) đã quyết định hủy bỏ phiên đấu giá dự kiến vào ngày 14/6 và chuyển nó sang ngày 25/6.
Hội đồng cũng quyết định giảm yêu cầu phí dịch vụ tối thiểu cho phiên đấu giá xuống 100 peso với mức tăng giá thầu 10 peso tấn, từ số tiền tối thiểu 250 peso đã được phê duyệt trước đó với mức tăng 250 peso/tấn.
Ngoài ra, NFAC đã đề nghị kéo dài việc nộp đơn cho các bên liên quan đến ngày 18/6.
6. Doanh nghiệp Việt tồn kho hơn 1 triệu tấn gạo
Tính đến hết tháng 5/2018, lượng gạo tồn trong kho vào khoảng 1,08 triệu tấn, trong khi các doanh nghiệp đã xuất khẩu tính đến thời điểm này là hơn 2,52 triệu tấn.
Trong số hơn 1 triệu tấn gạo còn tồn thì Tổng công ty Lương thực Miền Nam đang chiếm số lượng lớn với 325.812 tấn; tiếp đến là Tổng công ty Lương thực miền Bắc với 165.000 tấn, còn lại hơn 598.000 tấn thuộc của chục doanh nghiệp khác.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2018, cả nước đã xuất khẩu được hơn 2,52 triệu tấn gạo, đạt trị giá FOB gần 1,24 tỷ USD, với giá bình quân FOB hơn 490 USD/tấn, trị giá CFI gần 1,27 tỷ USD.
So với cùng thời điểm năm 2017, số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 19,5%; trị giá FOB tăng 32,7%, trị giá CIF tăng 34,7% và giá trị bình quân tăng 48,77 triệu USD/tấn.
7. Mỹ hối Trung Quốc mở cửa thị trường gia cầm và thực phẩm biến đổi gen
Hôm thứ Ba (12/6), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết các quan chức chính phủ nước này đang hối thúc Trung Quốc về vấn đề gia cầm, thịt bò và công nghệ sinh học trong các cuộc đàm phán gần đây, nhấn mạnh một số ưu tiên của chính quyền Washington trong những buổi đối thoại.
Mỹ và Trung Quốc đe dọa lẫn nhau về việc áp thuế quan lên hàng hóa trị giá tới 150 tỷ USD của mỗi quốc gia, một phần trong cuộc tranh chấp thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách để thu hẹp thâm hụt thương mại 335 tỷ USD mỗi năm của Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo ông Ted McKinney, quan chức cấp cao của USDA, đối với sản phẩm nông nghiệp, Mỹ tập trung vào những vấn đề chính sách và pháp lý trong các cuộc đàm phán, gồm tiếp cận thị trường cho sản phẩm gia cầm, thông qua những mặt hàng công nghệ sinh học và những chủ đề khác.
Ông Mckinney là thành viên trong phái đoàn thương lượng của Mỹ tại Bắc Kinh, kết thúc hôm 3/6. Phái đoàn cũng gồm ông Gregg Doud, trưởng nhóm đàm phán nông nghiệp của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, và các quan chức khác.
8. Siết chặt nhập khẩu sắt thép phế liệu vào Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất. Đến nay, cả nước có 928 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Báo cáo mới đây của Tổng cục Hải quan cho biết, tính hết tháng 5/2018, cả nước nhập khẩu hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu. Ngoài ra, một số phế liệu khác cũng được nhập khẩu về Việt Nam như: tàu thuyền cũ, lốp xe ô tô, giấy...
Bên cạnh những danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu, thì không ít doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa không đạt chất lượng theo quy định, thậm chí làm giả hồ sơ để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đề xuất của cơ quan chức năng, Chính phủ vừa đưa ra thông báo yêu cầu 4 bộ ngành là Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Giao thông - Vận tải khẩn trương rà soát, siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam khiến nguy cơ phế liệu sẽ nhập ồ ạt vào nước ta, qua đó giảm nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
Xem thêm |