Xuất khẩu thủy sản, chăn nuôi, lâm sản là điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2019

Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 8,63 tỉ USD, tăng 2,7%, xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,71 tỉ USD, tăng 10,6% và xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 11,2 tỉ USD, tăng 19,2%.

Số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 12/2019 ước đạt gần 4 tỉ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu năm 2019 ước đạt 41,3 tỉ USD, tăng 3,2% so với năm 2018. 

Mặc dù giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,5 tỉ USD, giảm 5,3% nhưng giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 8,63 tỉ USD, tăng 2,7%, xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,71 tỉ USD, tăng 10,6% và xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 11,2 tỉ USD, tăng 19,2%.

Về diễn biến giá, tính riêng tháng 12/2019, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến tăng, giảm trái chiều. 

Giá cà phê tăng do khả năng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sớm có kết quả bước đầu đã làm đồng USD giảm trở lại, thúc đẩy các quĩ và nhà đầu cơ tăng mua hàng hóa nói chung, góp phần hỗ trợ giá cà phê cả hai sàn kì hạn nối tiếp đà hồi phục sau dự báo sản lượng toàn cầu bị thiếu hụt. 

Đối với ngành hàng chăn nuôi, giá heo hơi trong nước biến động tăng mạnh do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng cao về thời điểm cuối năm. Trước đó, vào tháng 9/2019, giá gà giảm mạnh khiến nhiều cơ sở chăn nuôi đua nhau bán để cắt lỗ nên nguồn cung giảm mạnh tới 30 - 40% đã đẩy giá gà tăng trở lại. 

Trong khi đó, trong tháng 12/2019, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL có xu hướng giảm do thị trường giao dịch chậm, các công ty chủ yếu thu hoạch cá trong vùng nuôi của doanh nghiệp và thu mua theo hợp đồng liên kết với các hộ nuôi cá. 

Giá tôm thẻ chân trắng tăng do cầu vượt cung đối với tôm thẻ do người dân chuyển qua nuôi tôm sú nhiều hơn khiến lượng tôm thẻ ít hơn so với nhu cầu, hơn nữa, các doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch nên dẫn đến cầu vượt cung. 

Tính cả năm 2019, giá lúa tại ĐBSCL diễn biến theo chiều hướng tăng nhẹ. Giá cà phê giảm do thị trường chịu áp lực từ dư thừa nguồn cung toàn cầu và người trồng cà phê Brazil tăng cường bán ra. Giá tiêu giảm do áp lực dư cung trên thị trường thế giới tiếp tục tăng trong khi tồn kho của các nước sản xuất lớn vẫn còn nhiều.

Cũng theo Chế biến và Phát triển thị trường nông sản trong năm 2019, năm thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc và Hong Kong, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN và Nhật Bản.

Xuất khẩu thủy sản, chăn nuôi, lâm sản là điểm sáng của ngành nông nghiệp năm 2019 - Ảnh 1.

Tỉ trong 5 thị trường xuất khẩu chính của ngành nông lâm thủy sanrm trong năm 2019. ĐVT: %. Biểu đồ: NH.

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản tháng 12/2019 đạt 2,4 tỉ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu năm 2019 đạt 30,9 tỉ USD, giảm 1,6% so với năm 2018. 

Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 25,62 tỉ USD, giảm 2,3%, nhập khẩu chăn nuôi ước đạt gần 3,73 tỉ USD, tăng 20,4%.

Mười một tháng đầu năm 2019, ba thị trường nhập khẩu chính gồm Trung Quốc - Hong Kong chiếm thị phần là 15,5% giá trị tăng 10,8% so với cùng kì năm 2018, Mỹ chiếm 10,7% thị phần, giá trị tăng gần 7% và Argentina chiếm 9,6%, giá trị tăng 29,5%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/xuat-khau-thuy-san-chan-nuoi-lam-san-la-diem-sang-cua-nganh-nong-nghiep-nam-2019-2020010614422017.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/