Vừa siết quyền kiểm soát, Bắc Kinh vừa ra sức kéo dòng vốn vào Hong Kong

Sau khi siết quyền kiểm soát với Hong Kong thông qua luật an ninh quốc gia mới, chính phủ Trung Quốc đang ra sức thu hút dòng vốn chảy vào đây và củng cố vị thế trung tâm tài chính của đặc khu hành chính này.

Vừa siết quyền kiểm soát, Bắc Kinh vừa ra sức kéo dòng vốn vào Hong Kong - Ảnh 1.

Người đi bộ bước qua bảng thông tin về Luật An ninh Quốc gia mới tại quận Wan Chai, Hong Kong. (Ảnh: Bloomberg)

Nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài từng lo sợ rằng lợi thế của trung tâm tài chính Hong Kong có thể bị suy yếu sau khi chính phủ Trung Quốc chính thức thực thi luật an ninh quốc gia mới vào tuần trước, bất chấp chỉ trích từ người dân đặc khu và cộng đồng quốc tế.

Luật an ninh quốc gia Hong Kong khiến Washington tức giận, Tổng thống Trump hồi tháng 6 còn tuyên bố đã chỉ đạo cấp dưới thu hồi đặc quyền thương mại của đặc khu hành chính này với Mỹ.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuần trước đã đưa ra một sáng kiến mới mang tên Kết nối Quản trị Tài sản (Wealth Management Connect).

Các nhà phân tích nhận định sáng kiến trên sẽ thu hút thêm dòng vốn vào Hong Kong cũng như khuyến khích các tổ chức tài chính nước ngoài mở rộng hoạt động ở thành phố đặc khu này.

Tháng trước, dòng vốn vào Hong Kong tăng mạnh khi hai gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Mỹ là NetEase và JD.com thực hiện niêm yết chéo ở đặc khu hành chính này.

Giới chức địa phương cũng ra sức trấn an nhà đầu tư rằng vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong vẫn nguyên vẹn dù Bắc Kinh đã chính thức áp dụng luật an ninh mới.

Bà Carrie Lam - Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, tháng trước cho biết Hong Kong sẽ được chuyển đổi thành một trung tâm quản lí tài sản tư nhân. Ngoài ra, gần đây Trung Quốc cũng khẳng định sẽ hỗ trợ để Hong Kong phát triển như một trung tâm tài chính toàn cầu.

Sáng kiến mới tạo ra "sóng thủy triều mang theo tiền ào ạt đổ vào Hong Kong"

Sáng kiến Kết nối Quản trị Tài sản của PBoC sẽ cho phép các nhà đầu tư đại lục từ khu vực Vịnh Lớn (gồm tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau) mua các sản phẩm tài chính tại Hong Kong và Macau, và ngược lại. Theo CNBC, khu vực Vịnh Lớn hiện chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.

Reuters dẫn lời trưởng đặc khu Carrie Lam cho biết sáng kiến mới phản ánh "sự ủng hộ vững chắc" của chính quyền Bắc Kinh và chứng tỏ "Hong Kong sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển và mở cửa thị trường tài chính của Trung Quốc".

Giới phân tích nhận định động thái trên nhiều khả năng sẽ thúc đẩy nhiều dòng vốn đổ bộ vào trung tâm tài chính châu Á này.

"Nếu bạn nghĩ vị thế của Hong Kong sẽ biến mất, hãy cân nhắc lại. Liệu có doanh nghiệp nước ngoài nào muốn rời đi trước khi sóng thủy triều mang tiền ào ạt đổ vào Hong Kong hay không? Tôi không nghĩ vậy đâu", ông Brendan Ahern - giám đốc đầu tư của công ty đầu tư KraneShares, cho hay.

Ông Ahern nói rằng sáng kiến mới tái khẳng định vị thế trung tâm tài chính của Hong Kong "không gặp rủi ro nào", thậm chí còn "tạo ra lí do đủ mạnh để các công ty tài chính ở lại".

Ông Tommy Wu - chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics, cho hay: "Sáng kiến của PBoC sẽ thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài mở rộng hoạt động quản lí tài sản ở Hong Kong, đặc biệt là khi Vịnh Lớn là một trong các khu vực giàu có nhất tại Trung Quốc".

Sáng kiến Kết nối Quản trị Tài sản không chỉ phục vụ cho các cư dân đại lục "thực sự có nhu cầu" mở rộng danh mục đầu tư mà còn nhắm đến các nhà đầu tư nước ngoài - những người có thể mua các sản phẩm tài chính ở Vịnh Lớn, ông Wu lí giải.

Trong bài phát biểu hồi đầu tháng trước, bà Carrie Lam nói: "Những đề xuất tôi đưa ra với chính phủ Trung Quốc sẽ được xây dựng xoay quanh mục tiêu biến Hong Kong thành một trung tâm tài chính quốc tế sử dụng đồng nhân dân tệ, đưa Hong Kong thành một trung tâm quản lí tài sản tư nhân".

"Thông qua đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường liên kết thị trường tài chính Hong Kong và thị trường tài chính đại lục", bà Carrie Lam nói tiếp.

Sau khi chính phủ Trung Quốc phê chuẩn áp dụng luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong, chính quyền Tổng thống Trump đã bắt đầu thực hiện một số biện pháp đáp trả như tạm dừng xuất khẩu thiết bị quốc phòng sang Hong Hong và hạn chế đặc khu này tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ.

Ông Wu của Oxford Economics nhận định: "Dù Mỹ lớn tiếng chỉ trích luật an ninh quốc gia Hong Kong, các biện pháp trả đũa của họ cho đến nay khá khiêm tốn".

CNBC dẫn lời vị chuyên gia của Oxford Economics nói: "Trong ngắn hạn, ảnh hưởng tiêu cực của luật an ninh quốc gia mới sẽ khó mà nhìn thấy được. Trong vài tháng gần đây, dòng tiền vào Hong Kong vẫn rất mạnh và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nhiều công ty Trung Quốc đã và đang IPO tại Hong Kong".

Trong nửa đầu năm 2020, số lượng niêm yết tại Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau đã tăng vọt dù có chiều hướng đi xuống trên phạm vi toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Theo dữ liệu từ công ty kiểm toán EY, thị trường Hong Kong và Thượng Hải đều ghi nhận số thương vụ niêm yết và tổng số tiền huy động thông qua niêm yết tăng mạnh.

Trong trung hạn, Hong Kong sẽ có thể phát huy vai trò là cửa ngõ chính cho dòng vốn vào và ra từ Trung Quốc đại lục, ông Tommy Wu cho hay. Đồng thời, ông Wu cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục tung ra nhiều chương trình mới mà trong đó Hong Kong vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Dù vậy, ông Wu cảnh báo căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục là rủi ro lớn với Hong Kong, dòng vốn nước ngoài rót vào thành phố đặc khu này có thể "bị ảnh hưởng bởi những bất ổn hiện tại ở một mức độ nhất định".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vua-siet-quyen-kiem-soat-bac-kinh-vua-ra-suc-keo-dong-von-vao-hong-kong-20200707163257549.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/