Thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm (Empirical Duration) là gì? Đặc điểm

Thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm (tiếng Anh: Empirical Duration) là khái niệm đo lường thời gian đáo hạn bình quân của trái phiếu dựa trên các dữ liệu lịch sử thay vì sử dụng một công thức nào đó.

Thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm (Empirical Duration) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Investopedia

Thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm

Khái niệm

Thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm trong tiếng Anh là Empirical Duration.

Thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm là khái niệm đo lường thời gian đáo hạn bình quân của trái phiếu dựa trên các dữ liệu lịch sử thay vì sử dụng một công thức nào đó.     

Đặc điểm Thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm 

Nhà đầu tư có thể ước tính thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm thông qua thống kê, bằng cách sử dụng giá trái phiếu ghi nhận được trên thị trường và lợi suất trái phiếu Kho bạc trong quá khứ. 

Khi lợi suất trong quá khứ tăng hoặc giảm, giá trái phiếu trong quá khứ sẽ tăng hoặc giảm tương ứng, tạo cơ sở để tính thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm. 

Phân tích hồi qui là phương pháp thống kê mà nhà đầu tư có thể sử dụng ước tính thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm.   

Thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm thể hiện mối quan hệ nghịch đảo của lãi suất và giá trái phiếu. 

Giả sử khi lãi suất trong các đợt phát hành trái phiếu mới tăng, giá của trái phiếu hiện tại sẽ giảm khi chúng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Với thời gian đáo hạn bình quân, các nhà đầu tư có thể ước tính tương đối giá trái phiếu của họ sẽ giảm bao nhiêu trong trường hợp lãi suất tăng. 

Nói chung, bất cứ khi nào tỉ lệ trái phiếu mới tăng thêm một điểm phần trăm, giá của trái phiếu hiện tại sẽ giảm theo giá trị thời gian đáo hạn bình quân, được biểu thị bằng %. 

Ví dụ về Thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm

Giả sử nhà đầu tư A so sánh hai trái phiếu có cùng lãi suất coupon là 5%. Khi xem xét kĩ hơn từng loại, nhà đầu tư A nhận thấy trái phiếu đầu tiên có thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm 4,8 năm. 

Trong khi trái phiếu thứ hai có thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm 9,2 năm. Điều này có nghĩa là nếu lãi suất tăng lên 6%, giá trái phiếu đầu tiên sẽ giảm chỉ khoảng 4,8%, trong khi giá trái phiếu thứ hai sẽ giảm gần gấp đôi, tương đương khoảng 9,2%. 

Có thể thấy, thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm cung cấp cho các nhà đầu tư một thước đo về sự biến động khi so sánh nhiều khoản đầu tư trái phiếu với nhau. 

Nếu kiểm soát được các yếu tố khác, các trái phiếu có thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm ngắn hơn sẽ chịu ít biến động hơn so với trái phiếu có thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm dài hơn.    

Ưu và nhược của Thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm 

Thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm có một số ưu điểm và nhược điểm khi so với thời gian đáo hạn bình quân điều chỉnh.   

- Lợi thế của thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm là nó có thể được ước tính mà không dựa trên các công thức, lí thuyết và các giả định phân tích. 

Nhà đầu tư chỉ cần một loạt giá trái phiếu đáng tin cậy và một loạt lợi suất trái phiếu Kho bạc đáng tin cậy là có thể xác định thời gian đáo hạn bình quân thực nghiệm. 

- Nhược điểm của nó là tập hợp dữ liệu giá trái phiếu đáng tin cậy có thể sẽ không có sẵn, và nếu có sẵn có thể giá sẽ không dựa trên các hành động giá trên thị trường, mà từ các mô hình hoặc ma trận giá (dựa trên các chứng khoán tương tự).   

(Theo Investopedia)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thoi-gian-dao-han-binh-quan-thuc-nghiem-empirical-duration-la-gi-dac-diem-20200521161102203.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/