Ông Trump muốn hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ, Phố Wall có thể chịu thiệt

Chia sẻ với CNBC, một giáo sư Đại học Harvard cho hay dự luật mới nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ không chỉ có thể gây phản ứng ngược đối với nhà đầu tư Mỹ mà còn có thể khiến Phố Wall bị tổn hại.

Ông Trump muốn hủy niêm yết của DN Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ, Phố Wall có thể chịu thiệt - Ảnh 1.

Tổng thống Trump muốn hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. (Ảnh: AP)

Giữa lúc tâm lí bài xích Trung Quốc dâng cao ở Mỹ, Thượng viện hồi tháng trước đã thông qua một dự luật có thể hạn chế nhiều công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ, hoặc huy động tiền từ nhà đầu tư Mỹ.

Dự luật trên yêu cầu các công ty Trung Quốc phải chứng thực "không thuộc sở hữu hoặc dưới quyền kiểm soát của chính phủ nước ngoài", đồng thời họ phải tuân thủ qui định kiểm toán của các cơ quan quản lí Mỹ. Nếu không chấp hành trong ba năm liên tiếp, các công ty này sẽ bị cấm giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ.

Chia sẻ với CNBC vào ngày 9/6, ông Jesse Fried - giáo sư luật tại Trường Luật Harvard, cho biết mặc dù mục đích của dự luật mới là nhằm bảo vệ các nhà đầu tư tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông "không chắc liệu dự luật có thực sự mang lại lợi ích cho nhà đầu tư hay không".

Ví dụ, giáo sư Fried nói "nhiều khả năng" cổ phiếu của tập đoàn công nghệ Alibaba sẽ ngừng giao dịch sau ba năm tới nếu dự luật trên thành luật.

"Vì theo quan điểm của tôi, khó có khả năng Trung Quốc cho phép các cơ quan kiểm toán Mỹ điều tra tài liệu của những công ty có trụ sở tại đại lục", ông Fried lí giải.

"Dưới ảnh hưởng đó, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ giảm. Những người kiểm soát đứng sau sẽ có thể mua lại cổ phiếu doanh nghiệp với mức giá cực thấp, gây bất lợi cho nhà đầu tư Mỹ. Sau đó, các công ty này sẽ được niêm yết lại trên sàn Hong Kong, đại lục hoặc ở nơi khác", ông Fried nói thêm.

"Vì vậy, ở khía cạnh bảo vệ nhà đầu tư Mỹ, nếu dự luật mới trở thành luật thì tôi nghĩ nó sẽ gây ra phản ứng ngược", vị giáo sư Harvard cảnh báo.

Khi được hỏi liệu có cách nào nhằm bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường Mỹ, ông Fried tỏ ra bi quan: "Thật không may, tôi nghĩ số tiền mà nhà đầu tư Mỹ rót vào cổ phiếu của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là dòng tiền chảy ngược về Trung Quốc đại lục, về cơ bản là một đi không trở lại. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta không có nhiều công cụ để bảo vệ nhà đầu tư".

Liệu dự luật sẽ được thông qua?

Tuy nhiên, ông Fried tin rằng nhiều khả năng dự luật mới sẽ không được thông qua vì Phố Wall sẽ lên tiếng phản đối. Đến nay, Hạ viện Mỹ chưa tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật.

"Phố Wall sẽ vận động hành lang để ngăn chặn dự luật mới thành luật vì Phố Wall kiếm được rất nhiều tiền từ các thương vụ niêm yết cổ phiếu Trung Quốc tại Mỹ. Phố Wall có thể gây áp lực lên quan chức Hạ viện để ngăn chặn việc bỏ phiếu", ông Fried cho hay.

"Dù vậy, tôi nghĩ nếu Hạ viện tiến hành bỏ phiếu thì Phố Wall sẽ khó phản đối vì tâm lí bài xích Trung Quốc trong chính phủ Mỹ đang tăng cao", vị giáo sư Harvard nói thêm.

Tư tưởng bài trừ Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng ở Washington trong vài năm gần đây ở cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ. Trong vài tháng qua, quan hệ giữa hai cường quốc càng căng thẳng thêm khi hai bên đụng độ từ thương chiếnnguồn gốc virus SARS-CoV-2 và gần nhất là dự luật an ninh quốc gia tại Hong Kong.

"Nếu Hạ viện thông qua dự luật, tôi không biết Tổng thống Trump sẽ làm gì", ông Fried nói.

"Một mặt sẽ thật khó để ông Trump phủ quyết bộ luật sau khi ông lớn tiếng chỉ trích Bắc Kinh. Mặt khác, ông Trump cũng rất quan tâm đến việc duy trì lợi ích mà các công ty Trung Quốc mang lại cho chứng khoán Mỹ. Ông Trump hẳn không muốn thấy các công ty này đổ xô sang sàn giao dịch Hong Kong, London hay Trung Quốc đại lục", ông lí giải.

Bắc Kinh không thích doanh nghiệp trong nước giao dịch ở Mỹ

Mặc dù các công ty Trung Quốc thường ưa thích niêm yết ở Mỹ do uy tín của thị trường tài chính này, ông Fried cho hay Bắc Kinh không "thực sự thích thú" với duy trì thực trạng đó.

"Trung Quốc muốn xây dựng các sàn giao dịch riêng và họ sẽ hài lòng nếu Alibaba niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải hoặc một sàn khác ở đại lục. Khả năng này có thể xảy ra nếu doanh nghiệp bị buộc hủy niêm yết tại Mỹ", ông Fried nói tiếp.

Bắc Kinh đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp lớn niêm yết tại thị trường quê nhà. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã triển khai một sàn giao dịch cổ phiếu công nghệ theo kiểu của sàn Nasdaq (Mỹ) với tên gọi Sàn Cải tiến Công nghệ và Khoa học hay "Thị trường STAR".

Trong vài năm qua, thị trường tài chính Hong Kong cũng ra sức tăng sức hấp dẫn bằng cách cho phép các công ty Trung Quốc niêm yết chéo. Ngoài ra, Hong Kong còn tạo điều kiện thông thoáng để các công ty công nghệ sinh học chưa có doanh thu hoặc lợi nhuận trở thành doanh nghiệp đại chúng tại đây.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-trump-muon-huy-niem-yet-co-phieu-trung-quoc-tren-san-chung-khoan-my-pho-wall-co-the-chiu-thiet-20200611155130196.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/