Nhiều doanh nghiệp logistics, cảng biển bội thu quý III bất chấp làn sóng dịch lần thứ 4

Trong quý III, các cảng biển khu vực hai đầu Nam - Bắc ít nhiều bị suy yếu do tác động của giãn cách xã hội, trong khi doanh nghiệp cảng tại miền Trung dường như tận dụng được lợi thế khai thác hàng siêu trường siêu trọng và báo lãi tăng ba chữ số.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh phía Nam trong quý III, doanh nghiệp ngành vận tải, cảng biển vẫn đạt được kết quả kinh doanh tích cực. 

Giới phân tích cho rằng, các chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 đã giúp các đối tác thương mại chính của Việt Nam mở cửa trở lại nền kinh tế. Song song là cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, hỗ trợ cho các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam, dẫn dắt tăng trưởng lưu lượng hàng hóa thông qua cảng biển. 

Trong khi đó tại thị trường trong nước, số container thiếu hụt đẩy giá cước vận tải leo thang, giúp các doanh nghiệp ngành logistics, trong đó có cảng biển hưởng lợi lớn.

Doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất trong quý III là CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) - đơn vị dẫn đầu thị trường vận tải container với tổng công suất đội tàu gần 11.000 Teus.

Quý vừa rồi, doanh thu và lợi nhuận của HAH tăng trưởng lần lượt 65% và 370% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý lãi kỷ lục trên trăm tỷ kể từ khi HAH niêm yết. Biên lãi gộp cải thiện từ 15,6% cùng kỳ lên 29,4% quý này, tuy nhiên vẫn giảm nhẹ so với con số 31% quý II.

cảng biển - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý của HAH.

Cũng thời gian này, cổ phiếu HAH thu hút được dòng tiền từ thị trường, giá cổ phiếu tăng dựng đứng từ vùng 26.000 đồng/cp đầu tháng 6 và có lúc vượt lên vùng giá 70.000 đồng/cp.

Khu vực cảng hai đầu Nam - Bắc bị suy yếu vì COVID-19, cảng miền Trung giữ đà tăng trưởng

Doanh nghiệp đầu ngành cảng biển là CTCP Gemadept (mã: GMD) quý vừa qua cũng báo lợi nhuận đi lên dù hoạt động xuất nhập khẩu và sản lượng vận tải có phần suy yếu so với các quý trước.

Khu vực Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn duy trì được tăng trưởng và cảng Gemalink theo khá sát tiến độ. Trong khi đó nhóm cảng Hải Phòng ít chịu ảnh hưởng hơn và tăng trưởng khả quan nhờ các tuyến tàu mới, giúp bù đắp cho khu vực phía Nam, báo cáo của SSI Research nhận định.

Doanh thu trong quý tăng 5% và việc ghi nhận khoản lãi gần 68 tỷ đồng (gấp đôi cùng kỳ) từ các công ty liên doanh liên kết giúp Gemadept báo lãi sau thuế tăng gần 34% lên 162 tỷ đồng.

Dù khu vực phía Nam bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng 81% lên hơn 56 tỷ đồng, Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) - đơn vị phục vụ cho các khu vực TP HCM, vùng lân cận và đồng bằng sông Mê Kông có lãi gần gấp đôi cùng kỳ. Nhờ vậy, công ty đã vượt 10% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Thời điểm cuối tháng 7, Cảng Cát Lái (Mã: CLL) - cảng biển lớn nhất Việt Nam, chiếm gần 50% thị phần xuất nhập khẩu container của cả nước là cảng đầu tiên đối diện với nguy cơ ùn tắc sau ba tuần TP HCM thực hiện giãn cách xã hội. Thời điểm đó dung lượng hàng tồn tại Cảng Cát Lái luôn chạm đỉnh công suất, dung lượng dành cho hàng nhập vượt mức cho phép.

Sau đó, các chính sách đưa ra giải quyết tình trạng ùn ứ, giúp tỷ lệ hàng nhập tồn bãi tại Cảng Cát Lái được đưa về ngưỡng an toàn, hiện giữa tháng 10 chỉ còn khoảng 85%.

Kết quả doanh thu quý III của Cảng Cát Lái giảm 50% về 59 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm và có thêm doanh thu tài chính nên lợi nhuận của Cảng Cát Lái chỉ còn giảm 6% về 24 tỷ.

cảng biển - Ảnh 2.

Container đang đợi cập cảng tại Cảng Cát Lái, TP HCM. (Ảnh: Báo Chính Phủ).

Ngược lại, hai doanh nghiệp đại diện cho khu vực cảng miền Trung là Cảng Quy Nhơn (Mã: QNP)  Cảng Đà Nẵng (Mã: CDN) lại có thành quả lợi nhuận tăng ba chữ số, lần lượt 338% và 169%, một phần do các địa phương này ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Còn Cảng Quy Nhơn lý giải do công ty khai thác hàng siêu trường siêu trọng nên doanh thu được đẩy lên cao.

Là "cái nôi" của vận tải biển phía Bắc, đồng thời là thương cảng lớn nhất khu vực này, kết quả kinh doanh của Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) đi ngang so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tại Cảng Đình Vũ, sản lượng container quý III đạt 150.382 Teus, có giảm nhẹ so với quý II và cùng kỳ năm 2020 khi phải đối mặt với hậu quả của COVID-19 và tình hình thời tiết bất lợi.

Công ty vẫn giữ được mức tăng trưởng hơn 10% về doanh thu, nhờ ban lãnh đạo điều chỉnh chiến lược thu hút khách hàng tăng lượng hàng hạ về bãi, cũng như thu hút thêm khách hàng lẻ thực hiện dịch vụ đóng rút tại bãi, giúp tăng doanh thu đầu trong. 

Ngoài ra, trong tháng 9 còn có thêm nguồn doanh thu tài chính từ cổ tức của Công ty TNHH Tiếp vận SITC-Đình Vũ nên lợi nhuận sau thuế tăng 65% lên 86 tỷ đồng.

cảng biển - Ảnh 3.

Triển vọng ngành cảng biển luôn gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Do đó, Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, các nhóm ngành xuất khẩu sẽ có sự hồi phục tích cực trong giai đoạn tái thiết nền kinh tế hậu đại dịch. Chuyên gia đánh giá xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng hai chữ số trong các tháng cuối năm nay và năm sau.

Còn Chứng khoán SSI Research thông tin, mức tăng giá cước vận tải đã diễn ra trên diện rộng, trong đó, mỗi tuyến Nam - Bắc tăng từ 70 - 160% so với đầu năm 2021. Giá cước cũng tăng ở khâu vận chuyển container rỗng ở nhiều tuyến từ 20% lên 50%, ở tuyến quốc tế Hải Phòng - Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 25%. 

Các nhà phân tích cũng đánh giá nhu cầu vận tải container dự kiến tăng dần trở lại sau các đợt giãn cách xã hội, trong khi đó nguồn cung lại khan hiếm do nhiều tàu container trong nước đã được cho thuê ra thị trường quốc tế.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-doanh-nghiep-logistics-cang-bien-boi-thu-quy-iii-bat-chap-lan-song-dich-lan-thu-4-20211108113721661.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/