Ngổn ngang những thách thức ngoại giao chờ ông Biden

Mối bận tâm lớn nhất của Tổng thống Biden bây giờ là xử lý cuộc khủng hoảng y tế - kinh tế tại quê nhà. Tuy nhiên, sớm muộn gì thì ông Biden cũng phải đối diện với 5 thách thức ngoại giao lớn đang chờ mình.

Trong gần ba tháng đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden đã dành phần lớn thời gian, sức lực và kinh nghiệm chính trị để thông qua đạo luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD và gần đây vừa bắt đầu thảo luận về gói đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 2.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, thế giới bên ngoài đang gõ cửa Nhà Trắng và ông Biden vẫn còn ít nhất 5 thách thức ngoại giao lớn cần phải dẹp yên như The Hill đề cập bên dưới.

Ghìm cương Trung Quốc

Trung Quốc là mối đe dọa duy nhất đối với vị thế thống trị toàn cầu của Mỹ và ông Biden coi cuộc chiến tranh giành quyền lực tối thượng với Trung Quốc là một trong những mục tiêu then chốt.

Đất nước tỷ dân có thể thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng đối với hoạt động thương mại và đầu tư ở các nước khác, song song với tăng cường sức mạnh quân sự của chính mình.

Cuộc đàm thoại ban đầu giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 2 năm nay chỉ kéo dài hai giờ. Căng thẳng giữa hai bên rõ như ban ngày khi Tổng thống Mỹ thúc ép ông Tập chấn chỉnh hành vi vi phạm nhân quyền, còn nhà lãnh đạo Trung Quốc lại yêu cầu Washington không can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.

Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng của Rand Corporation, đã chỉ ra một số điểm căng thẳng như tương lai của đảo Đài Loan, tranh chấp trên Biển Đông và các cuộc xung đột lâu năm về sở hữu trí tuệ cũng như gián điệp mạng để kết luận rằng quan hệ Mỹ - Trung có lẽ đang ở mức đáy kể từ khi hai nước thiết lập liên hệ ngoại giao năm 1979.

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không đột ngột suy thoái. Tuy nhiên, ông Grossman là một trong những chuyên gia chỉ ra các điểm yếu của Bắc Kinh, chẳng hạn như họ không có nhiều đồng minh trên toàn cầu và hao tổn quá nhiều nguồn lực để giám sát và kiểm soát người dân trong nước.

Ông Biden được dự đoán là sẽ tham gia một cuộc chiến dài hơi và củng cố các liên minh của Mỹ với hy vọng kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh. Chính quyền cựu Tổng thống Trump cũng từng đi theo con đường tương tự, nhưng lại đơn thương độc mã hành động mà bỏ quên các đồng minh.

Ngổn ngang những thách thức ngoại giao chờ ông Biden - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Tạp chí Time.

Đưa Iran quay lại thỏa thuận hạt nhân

Tháng 7/2015, Iran cùng Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) với mục đích buộc Tehran minh bạch về kế hoạch làm giàu uranium, đổi lại Iran có thể thoát các lệnh cấm vận kinh tế.

Đến năm 2018, ông Trump bất ngờ đưa Mỹ rời khỏi thỏa thuận trên tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran. Một năm sau, Tehran cũng quyết định dứt áo ra đi. Ở thời điểm hiện tại, giữa chính phủ hai nước vẫn còn tâm lý ngờ vực lẫn nhau.

Dù vậy, chính quyền ông Biden hy vọng mọi thứ có thể trở lại đúng hướng thông qua đàm phán. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang "chuẩn bị các bước cần thiết" để khôi phục JCPOA, bao gồm dự định "dỡ bỏ các lệnh trừng phạt không phù hợp" với thỏa thuận.

Bà Trita Parsi, một chuyên gia về vấn đề Iran kiêm Phó Chủ tịch điều hành của Trung tâm Quincy Institute for Responsible Statecraft, lưu ý rằng chính quyền ông Biden nên hành động cẩn trọng vì lòng tin mà chính quyền hai nước dành cho nhau đều đã sứt mẻ ít nhiều.

Chặng đường nối lại thỏa thuận JCPOA còn gian nan hơn khi mà vào cuối tháng 2, ông Biden đã ra lệnh không kích các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Syria.

Thúc đẩy quan hệ Israel và Palestine

Tuần trước, chính quyền ông Biden thông báo sẽ khôi phục viện trợ cho người dân Palestine. Nếu cam kết của ông Biden thành sự thật, Palestine sẽ nhận được khoảng 235 triệu USD.

Quyết định của vị tổng thống Đảng Dân chủ bị Israel và một số nhà lập pháp tại Washington chỉ trích.

Phần lớn viện trợ sẽ được quản lý thông qua Cơ quan Cứu trợ của Liên Hợp Quốc dành cho người dân Palestine (UNRWA). Israel cho rằng UNRWA chủ trương chống lại họ, chẳng hạn như thông qua nội dung sách giáo khoa mà tổ chức này cấp cho trường học tại Palestine.

Trong khi đó, một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nói ông Biden sẽ sử dụng lời hứa khôi phục viện trợ như một con bài thương lượng với chính quyền Palestine.

Chính quyền ông Trump lại rất ủng hộ Israel, thậm chí còn xây dựng một kế hoạch hòa bình Trung Đông với con rể kiêm cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner là cầu nối, nhưng nỗ lực này cuối cùng vẫn thất bại.

Washington dưới thời ông Biden có thể đi ngược lại lập trường của cựu Tổng thống Trump nhưng đến nay chưa có thay đổi nào trong tầm tay. Đáng chú ý, chính quyền mới cho biết họ sẽ không đảo ngược quyết định của ông Trump về việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem.

Hơn nữa, rất khó để chính quyền ông Biden tìm ra một giải pháp cho xung đột giữa Israel và Palestine. Vấn đề càng phức tạp hơn khi chính phủ Israel liên tục biến động, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang cố gắng củng cố liên minh để tiếp tục cầm quyền.

Câu hỏi về nước Nga

Các chuyên gia chính sách đối ngoại đang chia rẽ sâu sắc về mức độ nguy hiểm của Nga với Mỹ.

Sau khi ông Trump giành chiến thắng năm 2016, công chúng xôn xao Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. Moscow còn được cho là đứng sau vụ tấn công mạng nhắm vào một chương trình của công ty an ninh mạng SolarWinds, khiến hàng nghìn hệ thống tại Mỹ (bao gồm các cơ quan lớn trong chính phủ) bị rò rỉ thông tin.

Song, những người khác e rằng Nga chỉ là một quốc gia đang "ảo tưởng sức mạnh". GDP của cựu siêu cường này thậm chí không nằm trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, xếp dưới Italy và Canada.

Tổng thống Biden hứa hẹn sẽ cứng rắn hơn với Nga so với ông Trump. Tháng trước, ông Biden đồng ý với việc miêu tả Tổng thống Nga Vladimir Putin là "kẻ sát nhân". Ông Biden không chỉ rõ nguyên nhân nhưng nhiều người tin rằng Tổng thống Mỹ đang nhắc đến ông Alexei Navalny, đối thủ chính trị được cho là bị ông Putin đầu độc.

Thái độ rõ ràng với Cuba

Các "diều hâu" trong chính phủ Mỹ muốn ông Biden tiếp tục chính sách nghiêm khắc của cựu Tổng thống Trump với Cuba. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz, Marco Rubio và Rick Scott cùng Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Bob Menendez là 4 trong số những nhà lập pháp có quan điểm cứng rắn như vậy.

Tuy nhiên, 80 đảng viên Dân chủ tại Hạ viện kêu gọi ông Biden có quan điểm cởi mở hơn đối với Cuba như cựu Tổng thống Barack Obama. Dưới thời ông Obama, các hạn chế về đi lại và kiều hối đã được dở bỏ, và Đại sứ quán Mỹ ở Havana cũng được mở lại sau 54 năm đóng cửa.

Trên thực tế, định hướng chính sách của Mỹ với đất nước có dân số 11 triệu người này không quá quan trọng nếu ông Biden được lòng các cử tri người Mỹ gốc Cuba ở bang dao động Florida.

Gần đây, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền ông Biden hiện không ưu tiên thay đổi chính sách đối với Cuba.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ngon-ngang-nhung-thach-thuc-ngoai-giao-cho-ong-biden-20210415120726637.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/