Mỹ cần hợp tác với các nước như Việt Nam để lôi kéo doanh nghiệp rời Trung Quốc

Nỗ lực buộc doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc bằng cách đe dọa của ông Trump không đạt được mấy thành công trong thời gian qua. Thay vì dọa nạt các nhà sản xuất, chính quyền Biden cần cung cấp cho doanh nghiệp điểm đến tốt hơn Trung Quốc.

Cách thức hữu hiệu để Mỹ lôi kéo doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Colourbox).

Đe dọa cũng vô ích

Một bài học quan trọng được rút ra trong 4 năm tranh chấp liên miên giữa Tổng thống Trump và Trung Quốc: Dù có khó chịu với chính sách của Bắc Kinh đến đâu , doanh nghiệp Mỹ vẫn không sẵn sàng rời bỏ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo Bloomberg, ông Biden cần nhận ra điều này và tránh rơi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm. Doanh nghiệp Mỹ không thể bị đe dọa để rời khỏi Trung Quốc, họ cần được lôi kéo bằng lợi ích.

Đối với nhiều công ty quan trọng nhất của Mỹ, thị trường khổng lồ và chuỗi cung ứng hiệu quả của Trung Quốc quá hấp dẫn để có thể từ bỏ, mặc dù Nhà Trắng nhiều lần nói về việc "tách rời" giữa hai nền kinh tế.

Theo dữ liệu từ Rhodium Group, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc nhìn chung vẫn ổn định bất chấp căng thẳng gia tăng. Việc Mỹ chưa khắc phục được thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc nhấn mạnh sự phụ thuộc liên tục của nền kinh tế số một thế giới vào nguồn cung của Trung Quốc.

Trên thực tế, việc "tách rời" kinh tế hoàn toàn khỏi Trung Quốc không phải là một kết quả khả dĩ hay đáng mong muốn với Mỹ. Nhưng giảm bớt sự phụ thuộc của vào Trung Quốc, đặc biệt là đối với nguồn cung công nghệ quan trọng là điều cần làm cả vì lý do kinh doanh lẫn an ninh quốc gia.

Không chính quyền Mỹ nào có thể nhắm mắt làm ngơ trước nguy cơ Trung Quốc vũ khí hóa các chuỗi cung ứng trên đại lục. Thậm chí theo Bloomberg, Chủ tịch Tập Cận Bình còn công khai gợi ý rằng Trung Quốc nên giữ cho các quốc gia khác phụ thuộc vào nguồn cung của nước này. Mục tiêu là đạt được lợi thế trong các thỏa thuận và loại trừ khả năng Trung Quốc bị tước mất khả năng tiếp cận các mặt hàng quan trọng.

Doanh nghiệp cần được khuyến khích

Nỗ lực bắt ép các công ty rời khỏi Trung Quốc bằng thuế quan và bão tweet làm tổn thương doanh nghiệp Mỹ không kém gì Trung Quốc. Phần lớn các loại thuế quan Nhà Trắng áp lên Trung Quốc trong 4 năm qua nên bị loại bỏ vì chúng chỉ phản tác dụng. Thay vào đó, chính quyền Biden cần tạo ra động lực tích cực để điều hướng đầu tư và thương mại của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Để làm vậy, điều đầu tiên và quan trọng nhất Mỹ cần thực hiện là ký kết các hiệp định mới với đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc để khuyến khích doanh nghiệp chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia thân thiện.

Một số quốc gia châu Á như Việt Nam đang nỗ lực để thu hút doanh nghiệp muốn rời khỏi Trung Quốc và đã đạt được một số thành công. Các thỏa thuận nhằm giảm chi phí kinh doanh với những quốc gia này có thể tăng tốc xu hướng hiện tại.

Chính quyền Biden cũng nên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Mỹ cũng có thể tận dụng liên minh Bộ tứ kim cương cùng Australia, Ấn Độ và Nhật Bản để tập trung củng cố các mối quan hệ kinh tế.

Ba quốc gia này rất quen thuộc với áp lực kinh tế mà Trung Quốc có thể gây ra và đang nỗ lực bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi sự thống trị của Trung Quốc. Hợp tác có thể giúp thúc đẩy sáng kiến Mạng lưới sạch của Washington bằng cách đảm bảo địa điểm an toàn để sản xuất thiết bị công nghệ cao.

Tiếp theo, ông Biden nên xem xét các chính sách tích cực hơn như giảm thuế để doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc trở lại Mỹ hoặc sang các quốc gia thân thiện. 

Chính phủ Nhật Bản đang thử nghiệm sáng kiến tương tự với việc bỏ ra hơn 2 tỷ USD để khuyến khích doanh nghiệp đi khỏi Trung Quốc. Đài Loan cũng cung cấp quy trình xét duyệt nhanh chóng và nhiều ưu đãi khác để doanh nghiệp về nhà.

Theo cơ quan kinh tế Đài Bắc, hơn 200 doanh nghiệp đã đủ điều kiện tham gia chương trình này, giúp mang về 28 tỷ USD đầu tư.

Cuối cùng, ông Biden cần hạn chế thiệt hại ngoài dự kiến. Chính quyền Trump đã tự vướng vào những cuộc tranh cãi thương mại với một loạt đồng minh - từ Mexico đến Hàn Quốc – và phí phạm công sức để cố chỉnh đốn những gì ông Trump coi là sai lầm.

Cạnh tranh với Trung Quốc đòi hỏi tăng cường quan hệ thương mại của Mỹ với các nước khác, đặc biệt là quốc gia mới nổi. Điều đó có nghĩa là Mỹ có thể phải chấp nhận gia tăng thâm hụt với một số quốc gia nhất định để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các tranh chấp thương mại nhỏ sẽ phải được đặt sang một bên. Ví dụ, việc Bộ Tài chính Mỹ gắn mác Việt Nam là nước thao túng tiền tệ gần đây là hành động sai lầm, làm tổn hại quan hệ với một quốc gia lẽ ra là đối tác chính trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Bloomberg nhận xét.

Sau cùng, chiến lược đối phó Trung Quốc thành công đòi hỏi hành động ngược lại với tâm lý "Nước Mỹ trên hết". Thay vì giảm bớt vai trò của Mỹ trong nền kinh tế thế giới, chính quyền Biden nên thúc đẩy làn sóng toàn cầu hóa mới, to lớn hơn trước để phân tán chuỗi cung ứng và thương mại.

Biện pháp này sẽ củng cố mối quan hệ của Mỹ với các nước mới nổi và tập hợp thêm nhiều quốc gia vì mục tiêu duy trì thương mại tự do và công bằng. Qua đó, ông Biden cũng sẽ đem lại thứ mà doanh nghiệp Mỹ còn thiếu: bến đỗ tốt hơn Trung Quốc để rời đi.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-can-hop-tac-voi-cac-nuoc-nhu-viet-nam-de-loi-keo-doanh-nghiep-roi-trung-quoc-20201229155536432.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/