Hơn một nửa nguyên phụ liệu nhập khẩu đến từ Trung Quốc, ngành dệt đang yếu ở đâu?

Đại diện Hiệp hội Dệt may cho biết hiện nay việc sản xuất vải Việt Nam còn nhiều điểm yếu kém do chất lượng chưa được đúng yêu cầu khách hàng do đây là một khâu rất khó trong ngành dệt may.

Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc chiếm hơn một nửa

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam chi 9,5 tỉ USD nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (gồm bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày).

Tổng Cục Hải Quan cho biết nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày các loại nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với trị giá 5,64 tỉ USD, tăng 10,6% so với cùng kì năm trước. 

Trung Quốc chiếm khoảng 59% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm.

Trong khi đó, lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày từ Hàn Quốc giảm gần 4% xuống 1,5 tỉ USD. Hiện Hàn Quốc đứng thứ hai trong cơ cấu nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam với tỉ trọng 15%.

Picture1

Tỉ trọng nhập khẩu nguyên phụ, liệu dệt may, da giày của Việt Nam từ các nước (Số liệu: Tổng Cục Hải quan. Đức Quỳnh tổng hợp)

Trao đổi với người viết bên lề sự kiện sơ kết ngành dệt may 6 tháng năm 2019, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư kí Hiệp hội Dệt, may cho biết việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên, phụ liệu, vải từ nước ngoài tiềm ẩn rủi ro không đáp ứng được qui tắc xuất xứ, từ đó khó hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA, CPTPP...

ảnh_Viber_2019-07-22_16-34-41

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư kí Hiệp hội Dệt may. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Tuy nhiên, đối với EVFTA, ông Cẩm cho biết nếu các doanh nghiệp nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc để sản xuất thì vẫn có thể đảm bảo yêu cầu qui tắc xuất xứ do nước này đã kí hiệp định thương mại tự do với EU. 

Hoặc doanh nghiệp cũng có thể nhập khẩu từ các nước thuộc nhóm EU cũng có thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ.

Thế nhưng, bài toán kinh tế vẫn là một vấn đề lớn khiến doanh nghiệp vẫn còn "lăn tăn" khi lựa chọn chuyển từ hướng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc hoặc các nước thuộc khu vực EU vì chi phí sản xuất tăng cao. 

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm, cho biết hiện nay nguồn nguyên, phụ liệu, vải phục vụ cho sản xuất của công ty đến từ Trung Quốc và Đài Loan. 

"Chi phí nhập khẩu nguyên, phụ liệu, vải từ Hàn Quốc quá lớn nên chúng tôi lựa chọn nhập từ Trung Quốc và Đài Loan. Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu qui tắc xuất xứ của EU, chúng tôi chỉ còn cách tăng nguồn nguyên liệu trong nước", ông Trịnh nói.

Ông Cẩm cho hay trên thực tế sau khi tính toán chi phí, nhiều doanh nghiệp chấp nhận việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác và không được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang EU. 

"Khi doanh nghiệp tính toán việc nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc, EU có chi phí cao hơn, lợi nhuận không có, họ đương nhiên tiếp tục nhập khẩu từ các nước khác với chi phí thấp hơn và chấp nhận không được hưởng ưu đãi thuế quan", ông Cẩm nói.

Ngoài ra, việc chi phí nguyên phụ liệu tăng cũng là nỗi lo của doanh nghiệp dệt may. 

Trong báo cáo thường niên 2018, Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương xác định các khoản chi phí như nguyên phụ liệu dệt may dự đoán năm 2019 sẽ tăng nên gánh nặng tăng giá thành là điều khó tránh khỏi.

Tổng Công ty May 10 cũng cho biết 50% nguồn nguyên phụ liệu của công ty phải nhập khẩu. Do đó, rủi ro biến động giá nguyên phụ liệu trên thế giới sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của Tổng Công ty.

Ngành dệt yếu ở đâu?

Theo ông Trịnh để được hưởng các ưu đãi về thuế không còn cách nào khác Việt Nam phải phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Thế nhưng trên thực tế, ông Cẩm cho biết hiện nay việc sản xuất vải Việt Nam còn nhiều điểm yếu kém do chất lượng chưa đúng yêu cầu khách hàng do đây là một khâu rất khó trong ngành dệt may.

"Chẳng hạn như trong khâu nhuộm, nếu trong một lô vải mà màu nhuộm không đồng đều, coi như lô đó không thể dùng trong may hàng loạt. Chỉ cần một sấp vải có màu đậm hơn hoặc nhạt hơn coi như không đạt yêu cầu", ông Cẩm cho biết.

Ngoài ra, đại diện Hiệp hội dệt may cho hay một lí do khác là khách hàng thường chỉ định sử dụng vải từ Trung Quốc, Đài Loan, do đó, các doanh nghiệp buộc phải theo yêu cầu của họ.

Bên cạnh đó, cơ chế của các địa phương vẫn chưa thực sự mặn mà với ngành may và nhộm vì coi đây là ngành gây ô nhiễm môi trường.

"Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ hiện đại để xử lí nước thải đạt chuẩn loại A mà không cần dùng tới hóa chất. Thậm chí nước thải sau khi được xử lí có thể nuôi cá được", ông Cẩm cho biết.

Trao đổi tại buổi sơ kết 6 tháng ngành dệt may, bà Hoàng Ngọc Ánh, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Dệt may cho biết trong 10 năm qua hiệp hội đã đưa ra nhiều đề nghị để phát triển thượng nguồn nhưng gần như không được đáp ứng.

"Gần như 100% các địa phương gạt đi các dự án dệt nhuộm. Thời gian gần đây, khoa học phát triển, cần thu hút dự án có hàm lượng công nghệ cao thay vì ngăn cản", bà Ánh nói.

Cần ưu tiên sản xuất vải

Theo ông Trịnh, ngành sản xuất vải sẽ là ngành cần được ưu tiên và được các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng và cân nhắc khi đầu tư để các sản phẩm may mặc của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế.

Các doanh nghiệp không đi chuyên sâu và sản xuất vải hoặc phụ liệu khác sẽ phải tìm cách tạo ra liên doanh liên kết , tạo ra chuỗi giá trị để đảm bảo đủ yếu tố cần thiết như hiệp định yêu cầu.

Theo ông Cẩm, trường hợp nếu khách hàng chỉ định nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Đài Loan, doanh nghiệp nên phối hợp với khách hàng để xem yêu cầu của họ về sản phẩm vải là gì. 

Từ đó, doanh nghiệp nâng cao công nghệ tiên tiến khi dệt, nhuộm để tạo ra vải đồng màu hơn, chất lượng tốt hơn.

Bên cạnh đó, ông Cẩm cũng cho biết Hiệp hội Dệt may cũng đã kiến nghị với Bộ Công Thương xây dựng 4 khu công nghiệp tập trung cho ngành dệt may với diện tích 400 - 500ha/khu để thu hút đầu tư vào mảng nguyên liệu còn thiếu hụt.

"Nếu làm được như vậy, chúng tôi kì vọng mỗi khu công nghiệp này sẽ sản xuất được 1 tỉ mét vải/năm", ông Cẩm nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hon-mot-nua-nguyen-phu-lieu-nhap-khau-den-tu-trung-quoc-nganh-det-dang-yeu-o-dau-20190722163800079.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/