Doanh nghiệp khó khăn, lãnh đạo rút hầu bao hỗ trợ

Theo báo cáo tài chính quý II vừa qua, nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn FLC, Quốc Cường Gia Lai, Địa ốc Hoàng Quân đang được lãnh đạo của mình hỗ trợ số tiền từ vài chục tới hàng trăm tỷ đồng.

doanh nghiep kho khan lanh dao rut hau bao ho tro 3 năm sau khi Chủ tịch bị bắt, đến lượt 12 lãnh đạo, cựu lãnh đạo Thiết bị Y tế Việt Nhật được công an triệu tập
doanh nghiep kho khan lanh dao rut hau bao ho tro Lộ diện 3 ‘sếp’ của Thaco được đề cử vào ban lãnh đạo HAGL Agrico

Hoàng Quân: Bao giờ mới thôi vay tiền của HĐQT?

Thời điểm 30/6/2018, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch CTCP Tư vân – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đang cho công ty này vay hơn 220 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Diệu Phương – Phó Chủ tịch HĐQT cũng đang cho công ty vay hơn 14 tỷ đồng.

Con số này đã giảm đáng kể so với thời điểm 31/12/2017. Khi đó, số tiền mà Hoàng Quân đang nợ các thành viên HĐQT công ty lên tới gần 484 tỷ đồng; ngoài ra Hoàng Quân còn vay Ban điều hành 55 tỷ đồng, lãi vay chưa trả 5,85 tỷ đồng.

Nhiều năm kinh doanh khó khăn, Hoàng Quân thường xuyên vay Hội đồng quản trị và Ban điều hành số tiền lớn. Chẳng hạn cuối năm 2014 vay 313 tỷ đồng, năm 2015 và 2016 lần lượt là 304 tỷ đồng và 545 tỷ đồng.

Vài năm trở lại đây, Hoàng Quân theo đuổi chiến lược đầu tư vào khúc nhà ở xã hội. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2014, chiến lược này từng được Chủ tịch Trương Anh Tuấn coi là chìa khóa vàng giúp Hoàng Quân vượt qua khó khăn. Ông mạnh dạn tuyên bố: "Kinh doanh nhà ở xã hội không rủi ro như mọi người nghĩ, thậm chí tuyệt đối an toàn".

Thế rồi gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng bị dừng, công ty phải bù lãi suất cho khách hàng vay vốn thương mại để mua nhà ở xã hội, chiết khấu cao cho khách hàng trả tiền sớm hơn so với kế hoạch thanh toán.

Tại Đại hội cổ đông năm 2018 vừa qua, ông Tuấn phải thừa nhận chiến lược này là sai lầm. Ban lãnh đạo đề xuất phương án sửa sai bằng cách giảm tỷ trọng mảng nhà ở xã hội, tăng đầu tư BĐS nghỉ dưỡng, BĐS công - nông nghiệp đồng thời thoái vốn khỏi các lĩnh vực không trọng tâm như giáo dục, tài chính…

Tháng 7 vừa qua, Hoàng Quân được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại Dragon Peace với diện tích sử đụng đất 49.000 m2, quy mô khoảng 713 căn hộ, tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng, dự kiến đáp ứng nhu cầu nhà ở cho trên 1.500 người dân tại Long An và các tỉnh.

Quốc Cường Gia Lai: Lãnh đạo và người liên quan cho vay cả ngàn tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2018 của CTCP Quốc Cường Gia Lai, thời điểm 30/6 công ty ghi nhận hơn 1.200 tỷ đồng vay không lãi suất nhận được từ các bên có liên quan. Trong đó bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT) cho vay gần 38 tỷ đồng, ông Lại Thế Hà (Ủy viên HĐQT) cho vay gần 21 tỷ đồng.

Còn tại thời điểm cuối 2017, các bên liên quan cho Quốc Cường Gia Lai vay gần 4.000 tỷ đồng không lãi suất. Trong đó bà Loan cho vay gần 264 tỷ đồng, ông Hà cho vay 66 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại cả thời điểm cuối 2017 lẫn cuối quý II/2018, bà Lại Thị Hoàng Yến đều là người đứng đầu danh sách những cá nhân liên quan cho Quốc Cường Gia Lai vay nhiều nhất với số tiền lần lượt là 1.128 tỷ đồng và 537 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Lại Thị Hoàng Yến là con gái của ông Lại Thế Hà - Ủy viên HĐQT công ty. Ngoài ra, bà Yến còn là người đứng tên của nhiều doanh nghiệp bao gồm Công ty TNHH Bắc Phước Kiển – công ty nhận chuyển nhượng dự án Sparke Values của QCGL năm 2017, CTCP Giai Việt (công ty con QCGL nắm 98,9% vốn tính đến hết năm 2017); Công ty TNHH Quốc Cường Phước Kiển (công ty con QCGL nắm 80% vốn) và Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Phạm Gia (công ty liên kết QCGL nắm 43,81% vốn cổ phần).

Những năm gần đây, Quốc Cường Gia Lai vướng vào vòng xoáy nợ nần, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản tăng từ 43% cuối năm 2014 lên hơn 66% cuối quý II/2018. Chi phí lãi vay cũng theo đó mà tăng lên.

Quý II vừa qua, Quốc Cường Gia Lai vướng vào vụ lùm xùm xung quanh việc mua hơn 30 ha đất công tại Phước Kiển của Công ty Tân Thuận và bị yêu cầu thu hồi. Ddoanh thu thuần quý II của công ty chỉ đạt 86,5 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 90%. Lợi nhuận sau thuế quý II chỉ 4,53 tỷ đồng, giảm gần 98%.

doanh nghiep kho khan lanh dao rut hau bao ho tro
Từ trái qua phải: Ông Đoàn Nguyên Đức, ông Trịnh Văn Quyết, ông Trương Anh Tuấn, bà Nguyễn Thị Như Loan.

Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức đã tìm được cứu tinh?

Một công ty khác cũng nhiều năm trong cảnh khó khăn và phải vay hàng trăm tỷ đồng từ ban lãnh đạo là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG).

Thời điểm cuối 2015, ông Đoàn Nguyên Đức đang cho HAGL vay 697 tỷ đồng. Trước đó vào năm 2013, ông Đức cũng dùng tài sản cá nhân để bảo lãnh cho Công ty An Phú (công ty xử lý nợ của Tập đoàn) vay hơn 3.000 tỷ đồng từ công ty mẹ để thanh toán các khoản mua công ty con và xử lý các dự án bất động sản kém hiệu quả.

Còn theo báo cáo tài chính bán niên 2018, ông Đức đang cho HAGL vay số tiền lên tới 1.557,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo giải thích của công ty, số tiền này thực chất được Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho mượn tạm thông qua "bầu Đức". Khoản tiền này đã được hoàn trả trong tháng 8 từ nguồn trái phiếu chuyển đổi. Trái chủ là Thaco sẽ chuyển đổi gói trái phiếu này thành vốn cổ phần khi trái phiếu đáo hạn tháng 8/2019.

Ngày 8/8 vừa qua, Thaco đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL. Theo đó, Thaco cam kết sẽ thu xếp cơ cấu lại các khoản nợ vay (khoảng 14.000 tỷ đồng); huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có; phát triển và mở rộng diện tích trồng cây ăn trái (dự kiến trong hai năm 2019 và 2020 sẽ tăng diện tích trồng cây ăn trái lên 30.000 ha với các loại cây như chuối, thanh long, bưởi da xanh…); đầu tư trồng 5.000 ha cây dược liệu phục vụ chiết xuất và chế biến nguyên liệu cung ứng cho các công ty dược liệu, sản xuất các loại thực phẩm chức năng và thức uống; và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của dự án Myanmar.

Với cam kết hỗ trợ cũng như tiềm lực tài chính của Thaco, hy vọng bầu Đức sẽ không còn phải dùng hàng trăm tỷ đồng tài sản của cá nhân mình để hỗ trợ HAGL nữa.

Ông Trịnh Văn Quyết cầm cố bất động sản cá nhân cho FLC vay tiền

Năm 2015 tại buổi Gặp gỡ nhà đầu tư do Tập đoàn FLC tổ chức tại Quần thể FLC Sầm Sơn, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn từng nói "Nếu 2016, cổ phiếu vẫn dưới mệnh giá, tôi sẽ huy động mọi nguồn lực của anh em bạn bè, thậm chí cầm cố tài sản cá nhân để mua cổ phiếu FLC”.

Không rõ sau đó ông Quyết có cầm cố tài sản cá nhân để mua cổ phiếu FLC hay không nhưng theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2018, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết đã cầm cố bất động sản cá nhân để đảm bảo cho một khoản vay của Tập đoàn FLC.

Cụ thể, khoản vay do Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Hà Nội cấp có hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng và các khế ước nhận nợ từng lần. Mục đích vay là để bổ sung vốn lưu động kinh doanh vật liệu xây dựng và máy móc thiết bị văn phòng, máy xây dựng, thời hạn vay không quá 6 tháng.

Khoản vay được đảm bảo bằng bất động sản tại B12-BT6, tại B28-BT1A, tại B30-BT6, B3-BT6, B32-BT6 khu đô thị mới Mỹ Đình II, Từ Liêm, Hà Nội thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết và bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết). Tổng giá trị định giá cho khoản đảm bảo này là hơn 95 tỷ đồng.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-kho-khan-lanh-dao-rut-hau-bao-ho-tro-82440.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/