Định giá (Valuation) là gì? Vì sao phải định giá?

Định giá (tiếng Anh: Valuation) là quá trình phân tích xác định giá trị hiện tại (hoặc dự kiến) của một tài sản hoặc một công ty.

Định giá (Valuation) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: ONEtoONE Corporate Finance.

Định giá

Khái niệm

Định giá tiếng Anh là Valuation.

Định giá là quá trình phân tích xác định giá trị hiện tại (hoặc dự kiến) của một tài sản hoặc một công ty. Có nhiều kĩ thuật được sử dụng để thực hiện định giá. Một nhà phân tích gán một giá trị cho một công ty nhằm xem xét sự quản lí của doanh nghiệp, thành phần cấu trúc vốn của công ty, triển vọng thu nhập trong tương lai và giá trị thị trường của tài sản của công ty, cùng nhiều số liệu khác.

Phân tích cơ bản thường được sử dụng trong định giá, mặc dù một số phương pháp khác cũng có thể được sử dụng như mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) hoặc mô hình chiết khấu cổ tức (DDM).

Vì sao phải định giá?

Việc định giá có thể hữu ích khi một nhà đầu tư cố gắng xác định giá trị hợp lí của chứng khoán, được xác định bởi những gì người mua sẵn sàng trả cho người bán (giả sử cả hai bên tham gia giao dịch một cách tự nguyện). Khi một giao dịch chứng khoán được thực hiện trên một sàn giao dịch, người mua và người bán có thể xác định giá trị thị trường của một cổ phiếu hoặc trái phiếu cụ thể.

Tuy nhiên, khác với giá trị thị trường, khái niệm giá trị nội tại đề cập đến giá trị của chứng khoán dựa trên thu nhập trong tương lai hoặc một số đặc điểm khác của công ty, không liên quan đến giá thị trường của chứng khoán. Đây chính là lí do vì sao nhà đầu tư cần phải định giá chứng khoán. Các nhà phân tích thực hiện định giá để xác định xem một công ty hoặc tài sản được định giá quá cao hay quá thấp bởi thị trường.

Phân loại phương pháp định giá

Các mô hình định giá tuyệt đối cố gắng tìm giá trị nội tại hoặc "thực" của khoản đầu tư dựa trên các nguyên tắc cơ bản. Nhìn vào các nguyên tắc cơ bản đơn giản có nghĩa là bạn sẽ chỉ tập trung vào những yếu tố như cổ tức, dòng tiền và tốc độ tăng trưởng cho một công ty, và không quan tâm đến bất kì công ty nào khác. Các mô hình định giá thuộc danh mục này bao gồm mô hình chiết khấu cổ tức, mô hình chiết khấu dòng tiền, mô hình thu nhập còn lại và mô hình dựa trên tài sản.

Ngược lại, các mô hình định giá tương đối hoạt động bằng cách so sánh công ty đang được đề cập với các công ty tương tự khác. Các phương pháp này bao gồm các phép nhân và tỉ lệ, ví dụ như phép nhân giá với thu nhập và so sánh nó với phép nhân của các công ty tương tự.

Ví dụ: nếu P/E của một công ty thấp hơn P/E của một công ty tương đương, thì công ty đầu tiên có thể được coi là bị định giá thấp. Thông thường, mô hình định giá tương đối dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều so với mô hình định giá tuyệt đối, đó là lí do tại sao nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích bắt đầu phân tích với mô hình này.

Hạn chế của việc định giá

Khi quyết định sử dụng phương pháp định giá nào để định giá cổ phiếu lần đầu tiên, nhiều nhà đầu tư sẽ dễ bị choáng ngợp bởi số lượng các kĩ thuật định giá có sẵn. Có những phương pháp định giá khá đơn giản, trong khi lại có những phương pháp khác phức tạp hơn.

Tuy nhiên, không có một phương pháp nào phù hợp nhất cho mọi tình huống. Mỗi cổ phiếu đều khác nhau, và mỗi ngành hoặc lĩnh vực có những đặc điểm riêng có thể yêu cầu những phương pháp định giá khác nhau. Đồng thời, các phương pháp định giá khác nhau sẽ tạo ra các giá trị khác nhau cho cùng một tài sản hoặc công ty, có thể khiến các nhà phân tích quyết định sử dụng phương pháp cho ra kết quả hợp lí nhất.

(Theo Investopedia)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dinh-gia-valuation-la-gi-vi-sao-phai-dinh-gia-2020043022471632.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/