Dịch bệnh vẫn đeo bám ngành hàng không, các hãng xoay xở kiểu gì?

COVID-19 cứ vài tháng lại tái bùng phát một lần dẫn tới các đợt giãn cách xã hội gắt gao, nhu cầu di chuyển bằng hàng không của hành khách cũng cắm đầu lao dốc theo. Các hãng hàng không đang phải có những kế hoạch của riêng mình để khắc phục các thách thức hiện nay.

Dịch bệnh vẫn đeo bám ngành hàng không - Ảnh 1.

Tàu bay nằm đất tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, tháng 4/2021. (Ảnh: Song Ngọc).

Đầu năm 2021, bóng đen dịch bệnh vẫn treo lơ lửng trên đầu các hãng hàng không Việt Nam. COVID-19 hoành hành trên thế giới khiến các đường bay thường lệ quốc tế chưa thể được nối lại. 

Ở trong nước, các biện pháp phòng dịch được áp dụng tương đối chặt chẽ nhưng COVID-19 vẫn tái bùng phát lần 3 ngay trước đợt nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Nhu cầu đi lại trong nước giảm mạnh, lượng khách bỏ chỗ rất nhiều. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) cho biết 2021 là năm đầu tiên mà các hãng hàng không nước ta thua lỗ trong tháng Tết.

Báo cáo tài chính quý I đã vẽ nên một bức tranh u ám về kết quả kinh doanh của ngành hàng không.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Mã: HVN) gồm ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco báo lỗ sau thuế hợp nhất 4.975 tỷ đồng.

CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 123 tỷ. Tuy nhiên kết quả này đạt được là nhờ một phần lớn vào khoản thu nhập tài chính bất thường gần 1.400 tỷ. Trong báo cáo giải trình, Phó Tổng Giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương nói: "Số lợi nhuận [123 tỷ] này đến từ việc Vietjet đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không, bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không".

Quả thực, khi chưa có khoản lợi nhuận tài chính bất thường, Vietjet lỗ gộp hơn 1.000 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh hàng không cốt lõi.

Bamboo Airways không công bố báo cáo tài chính nên không biết cụ thể kết quả kinh doanh lãi lỗ ra sao. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đầy thách thức hiện nay, hãng hàng không rất khó để có lãi chỉ bằng việc vận chuyển hành khách.

Tổng số chuyến bay của các hãng hàng không Việt trong ba tháng đầu năm nay giảm 25% so với quý đầu năm ngoái dù có thêm sự tham gia của tân binh Vietravel Airlines. Bamboo Airways là hãng duy nhất có số chuyến bay nhích nhẹ 2,6%, các hãng còn lại đều giảm khoảng 25-40%.

Sang đầu tháng 4, nhu cầu đi du lịch hè lên cao, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát nên đất nước không phải giãn cách xã hội như tháng 4/2020, tổng số chuyến bay trong tháng nhờ vậy mà cao gấp 12 lần cùng kỳ.

Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, 6 hãng hàng không của nước ta đã khai thác tổng cộng 84.431 chuyến bay, tăng 7,5% so với 4 tháng đầu 2020. Vietnam Airlines và Bamboo Airways có số chuyến tăng lần lượt 5,9% và 58,7%. Các hãng Pacific Airlines, Vietjet Air, Vasco đều đi xuống; Vietravel Airlines không có số cùng kỳ để so sánh.

Dịch bệnh vẫn đeo bám ngành hàng không - Ảnh 2.

Từ tháng 5, tình hình của các hãng hàng không sẽ thêm phần đen tối do sự tái bùng phát của dịch COVID-19. Các ca bệnh mới đã được phát hiện từ ngày 27/4 song đến đầu tháng 5 khi dịch lan rộng tại nhiều địa phương, tác động tới ngành hàng không mới thực sự rõ rệt. Khung cảnh vắng vẻ bao trùm tại nhiều sân bay, trái ngược với những hàng dài chờ làm thủ tục những ngày trước đó.

Nhiều tháng qua, khi không thể bay quốc tế, các hãng đã tích cực mở mới đường bay nội địa, thậm chí tăng quy mô đội tàu bay. Hàng loạt chương trình khuyến mãi được tung ra làm giá vé xuống thấp, không đủ bù đắp chi phí.

Dịch bệnh tái xuất hiện làm cho doanh thu sụt giảm trong khi nhiều loại chi phí vẫn tiếp tục phát sinh. Kết quả kinh doanh do vậy nhiều khả năng vẫn kém sắc trong quý II.

Dịch bệnh vẫn đeo bám ngành hàng không - Ảnh 3.

Cảnh vắng vẻ tại sân bay Tân Sơn Nhất đầu tháng 5/2021. (Ảnh: Lợi Hoàng).

Dịch bệnh vẫn đeo bám ngành hàng không, các hãng xoay xở kiểu gì? - Ảnh 4.

Thua lỗ là chuyện không vui vẻ gì nhưng cạn tiền mới là mối nguy thực sự lớn trong ngắn hạn. Chừng nào trong két còn tiền, các hãng sẽ còn có thể cầm cự qua ngày, đợi đến khi vắc xin được triển khai trên diện rộng, đại dịch được đẩy lùi và hàng không "bung lụa" trở lại.

Vietnam Airlines (bao gồm cả hai hãng thành viên là Pacific Airlines và Vasco) đã được chính phủ đồng ý hỗ trợ khoản vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Theo Chứng khoán HSC, trong quý II Vietnam Airlines mới được nhận số tiền cứu cánh thanh khoản này.

Tại ngày 31/3/2021, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam có khoảng 2.100 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chỉ bằng 36% so với cùng kỳ năm ngoái và 21% so với cuối quý I/2019 khi chưa có dịch.

Hai hãng bay tư nhân là Vietjet Air và Bamboo Airways đều mong muốn được Nhà nước cho vay hỗ trợ thanh khoản tổng cộng 10.000 tỷ đồng với các điều khoản tương tự như đã dành cho Vietnam Airlines nhưng cho đến nay chưa được chấp thuận.

Tháng 4 vừa qua, Vietjet đã bán gần 18 triệu cổ phiếu quỹ và thu về khoảng 2.350 tỷ đồng để "tăng cường nguồn lực và tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không", Phó Tổng Giám đốc Hồ Ngọc Yến Phương cho hay.

Với Bamboo Airways, từ đầu năm đến nay, hãng hàng không mang thương hiệu cây tre này đã ba lần tăng vốn điều lệ. Lần đầu là vào tháng 2, nâng vốn từ 7.000 tỷ lên 10.500 tỷ; hai lần sau đều diễn ra vào tháng 4, nâng vốn lên 12.500 và 16.000 tỷ. Hoạt động của hãng rất cần đến sự hỗ trợ của các cổ đông lớn gồm Tập đoàn FLC và Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.

Năm 2019, khi Bamboo Airways mới tăng vốn từ 1.300 tỷ lên 2.200 tỷ, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đã nói: "Số tiền 1.300 tỷ đồng chỉ tiêu vài tháng là hết thôi. Vốn điều lệ cần lớn gấp nhiều lần vốn pháp định thì Bamboo Airways mới hoạt động được. Bamboo Airways cần nhiều trăm triệu đô, tức là nhiều nghìn tỷ đồng mới hoạt động được như hiện nay".

Dịch bệnh vẫn đeo bám ngành hàng không - Ảnh 5.

Dịch bệnh vẫn đeo bám ngành hàng không, các hãng xoay xở kiểu gì? - Ảnh 7.

Trong bối cảnh các quy định phòng dịch được thắt chặt, hành khách xa lánh hàng không và du lịch, một lối thoát cho các hãng bay là tăng cường chở hàng.

Các kiện hàng có thể được dễ dàng khử trùng diệt khuẩn, không cần phải cách ly y tế và nhu cầu với nhiều mặt hàng lại tăng cao trong đại dịch khi nhiều người phải ở trong nhà.

Vietjet Air cho biết hãng đã vận chuyển 18.000 tấn hàng hóa trong quý I và phấn đấu tiếp tục gia tăng nguồn thu từ chuyên chở hàng hóa. Trong quý vừa qua, doanh thu phụ trợ của Vietjet (bao gồm vận chuyển hàng hóa) đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Vietnam Airlines cũng ghi nhận doanh thu phụ trợ hợp nhất đạt trên 1.000 tỷ.

Đáng chú ý, công ty con của Vietnam Airlines hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa là CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Mã: NCT) đã báo lãi sau thuế hơn 51 tỷ đồng trong quý I dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. 

Một doanh nghiệp cùng lĩnh vực hàng hóa (không phải công ty con của Vietnam Airlines) là CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) cũng ghi nhận lãi ròng 137 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng 13% so với cùng kỳ.

Dịch bệnh vẫn đeo bám ngành hàng không, các hãng xoay xở kiểu gì? - Ảnh 8.

Vietjet Air hy vọng thị trường hàng không quốc tế sẽ khởi sắc trở lại từ quý IV năm nay, mang đến nguồn doanh thu lớn cho hãng. 

Bamboo Airways cũng có kế hoạch mở đường bay thẳng đến châu Âu và Mỹ. Hãng đã được cấp slot khai thác tại sân bay San Francisco, Los Angeles (Mỹ) và London Heathrow (Anh).

Tuy vậy, việc bay quốc tế còn phụ thuộc nhiều vào tình hình tiêm chủng và kiểm soát dịch bệnh ở trong nước cũng như trên thế giới.

Dịch bệnh vẫn đeo bám ngành hàng không - Ảnh 6.

Một quầy làm thủ tục của Vietjet đang đóng cửa. (Ảnh: Song Ngọc).

Chứng khoán HSC nhận định đợt bùng dịch thứ 4 này sẽ khiến cho lượng hành khách đi máy bay ở Việt Nam sụt giảm đáng kể, ít nhất là trong vài tuần tới. 

Với Vietnam Airlines, HSC dự báo Tổng công ty này sẽ tiếp tục thua lỗ lớn trong quý II. Hiện nay vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines chỉ còn khoảng 1.000 tỷ đồng nên nếu lỗ thêm một quý nữa, nhiều khả năng vốn chủ sẽ âm.

Vietnam Airlines có kế hoạch phát hành thêm cổ phần để tăng vốn thêm 8.000 tỷ, Quốc hội cũng đã đồng ý cho Tổng công ty này chào bán cổ phiếu dù kết quả kinh doanh năm liền trước thua lỗ. Tuy nhiên hiện đã là giữa tháng 5 mà Vietnam Airlines vẫn chưa công bố thông tin cụ thể về phương án phát hành (số cổ phiếu, giá bán, …).

Nếu không tăng vốn được trong quý II, có khả năng cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ bị hủy niêm yết trên HOSE và phải chuyển sang thị trường UPCoM, Chứng khoán HSC nhận định.

Tất nhiên, Nhà nước cũng có thể cho phép các trường hợp ngoại lệ, tương tự như khi đồng ý để Vietnam Airlines chào bán cổ phần dù làm ăn thua lỗ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dich-benh-van-deo-bam-nganh-hang-khong-2021051307520718.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/