Chuyên gia Harvard cảnh báo có thể cần giãn cách xã hội đến năm 2022, Tổng thống Trump muốn bắt đầu mở cửa ngay trong tháng 4 này

Một nghiên cứu do các chuyên gia Đại học Harvard thực hiện mới đây kết luận rằng các biện pháp giãn cách xã hội như đóng cửa trường học và ở yên trong nhà có thể phải được áp dụng cho tới năm 2022 nếu vắc xin chống dịch COVID-19 không được tạo ra kịp thời.

Chuyên gia Harvard cảnh báo có thể cần giãn cách xã hội đến năm 2022, Tổng thống Trump muốn bắt đầu mở cửa ngay trong tháng 4 này - Ảnh 1.

Các biện pháp giãn cách xã hội giúp làm giảm tốc độ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh minh họa: Getty Images.

Hãng tin CNN trích dẫn một nghiên cứu do các giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Chan của Đại học Harvard cho biết Mỹ có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội tới năm 2022, trái ngược hoàn toàn với nhận định của Nhà Trắng cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt vào mùa hè năm nay.

"Các biện pháp giãn cách gián đoạn có thể phải được áp dụng cho tới năm 2022, trừ khi năng lực chăm sóc y tế được cải thiện đáng kể hoặc một loại thuốc điều trị hay vắc xin hiệu quả được sản xuất rộng rãi", các nhà nghiên cứu Harvard viết.

"Ngay cả khi dịch bệnh có vẻ đã bị xóa xổ, việc giám sát virus SARS-CoV-2 cần được duy trì vì khả năng dịch tái bùng phát có thể vẫn xảy ra cho tới năm 2024".

Cũng theo nghiên cứu này, đại dịch COVID-19 có thể sẽ nhanh chóng bùng phát mạnh một khi các biện pháp hạn chế được gỡ bỏ.

"Nếu đi theo phương pháp giãn cách gián đoạn, đây có thể là chiến lược cần được áp dụng trong vài năm - một khoảng thời gian tương đối dài", theo nhận định của Tiến sĩ Marc Lipsitch – Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Harvard và một trong các tác giả của nghiên cứu.

Một nhân tố quan trọng hiện vẫn là ẩn số là những người đã nhiễm COVID-19 có phát triển được hệ miễn dịch chống lại virus hay không.

Các khó khăn hiện nay bao gồm việc tìm ra một loại xét nghiệm đáng tin cậy để xác định xem ai có các kháng thể chống lại virus corona chủng mới, kháng thể có tác dụng trong bao lâu và liệu hệ thống y tế đang quá tải có thể thực hiện các xét nghiệm kháng thể đáng tin cậy trên diện rộng hay không.

Ngoài ra còn có nhiều câu hỏi mang tính xã hội liên quan đến chứng nhận miễn dịch như xuất hiện tại Anh thời gian gần đây. Phải chăng xã hội sẽ bị chia thành hai nhóm, những người được xác định là miễn dịch có thể quay lại cuộc sống bình thường còn những người khác sẽ tiếp tục phải đóng cửa ở trong nhà?

Các nhà nghiên cứu tại Harvard khẳng định họ hiểu rằng việc giãn cách xã hội kéo dài tới năm 2022, dù là mang tính gián đoạn vẫn sẽ có "những hệ lụy hết sức tiêu cực về kinh tế, xã hội và giáo dục".

Các chuyên gia này hi vọng rằng nghiên cứu của mình sẽ giúp xác định các kịch bản ứng phó tiềm năng, tìm ra những phương án bổ sung để chống lại đại dịch và khuyến khích các nghiên cứu sâu hơn.

Mỹ hiện nay là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với gần 610.000 xác nhận ca dương tính và hơn 26.000 trường hợp tử vong. Tuy nhiên các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng hai tuần gần đây có vẻ đang mang lại hiệu quả.

Ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định giãn cách xã hội "là một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất" để chống lại COVID-19.

"Nếu có thể áp dụng tối đa các biện pháp giãn cách xã hội, chúng ta có thể hạn chế được virus này", CNN dẫn lời ông Redfield hồi đầu tháng này. 

Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams cũng từng khẩn thiết kêu gọi chính quyền các bang hãy ra lệnh cách li trong một tháng, hoặc bất kì khoảng thời gian nào có thể, dù chỉ là một tuần "để hệ thống y tế của Mỹ không bị quá tải".

Trong khi đó Tổng thống Trump lại tỏ ra rất nóng lòng mở cửa trở lại nền kinh tế. Ông từng đặt ra mục tiêu chấm dứt giãn cách xã hội vào ngày Lễ Phục sinh 12/4 nhưng rồi phải chấp nhận từ bỏ mục tiêu này.

Ngày 14/4 mới đây, ông lại muốn bắt đầu chấm dứt phong tỏa tại một số bang trước ngày 1/5. 

"Tôi sẽ nói chuyện với tất cả 50 thống đốc rất sớm thôi. Và sau đó tôi sẽ ủy quyền cho thống đốc của từng tiểu bang tiến hành kế hoạch mở cửa trở lại", ông Trump nói. "Ngày mở cửa trở lại đang đến rất gần. Thậm chí một số bang có thể mở cửa trước cả ngày 1/5".

Các chuyên gia về luật pháp và thống đốc các bang cho rằng Tổng thống không có quyền ra quyết định mở cửa nền kinh tế vì đây là thẩm quyền của thống đốc.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-gia-harvard-canh-bao-co-the-can-gian-cach-xa-hoi-den-nam-2022-tong-thong-trump-muon-bat-dau-mo-cua-ngay-trong-thang-4-nay-20200415183801672.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/