Bloomberg: Washington cân nhắc đưa hiệp ước tiền tệ vào thỏa thuận thương mại một phần với Bắc Kinh

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho hay Nhà Trắng đang xem xét triển khai một hiệp ước tiền tệ đã thông qua trước đó với Trung Quốc như một phần của thỏa thuận "giai đoạn đầu" giữa hai nền kinh tế.

1

Ảnh minh họa: Bloomberg

Hiệp ước tiền tệ là một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu

Theo phía Mỹ, hiệp ước tiền tệ mà hai bên đã nhất trí vào đầu năm nay, trước khi đàm phán thương mại đổ vỡ, sẽ là một phần trong thỏa thuận giai đoạn đầu của Washington với Bắc Kinh.

Sau thỏa thuận này, Mỹ - Trung sẽ tiếp tục đàm phán về các vấn đề cốt lõi như sở hữu trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ, Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết.

Đoàn đàm phán Trung Quốc dẫn đầu bởi Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã tới Washington để bắt đầu các cuộc thảo luận với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin từ hôm nay 10/10. Đây là vòng đàm phán trực tiếp cấp cao đầu tiên kể từ tháng 7.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wibur Ross, người chỉ đóng vai trò bên lề trong quá trình đàm phán, hôm nay đã chỉ trích Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn tại Sydney, ông Ross nhận định hành vi thương mại của Bắc Kinh đã "trở nên tồi tệ hơn" và chính sách thuế quan của Mỹ "đang buộc Trung Quốc phải lưu tâm".

Các cuộc thảo luận xoay quanh một thỏa thuận tạm thời xuất hiện sau khi chính quyền Tổng thống Trump trong tuần này đã gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh thông qua việc đưa các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen cũng như cấm cấp thị thực đối với các quan chức có liên quan đến vấn đề bất ổn tại khu tự trị Tân Cương.

Đồng thời, cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận giữa Trung Quốc và giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA), bắt nguồn từ dòng tweet ủng hộ người biểu tình Hong Kong của một quản lí trong liên đoàn, cũng khiến bầu không khí thêm căng thẳng.

Cánh cửa cho một thỏa thuận thương mại đang dần khép lại trước khi Mỹ dự định tăng thuế đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% vào ngày 15/10 tới. Các đợt thuế quan bổ sung sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12.

Hôm 9/10, một quan chức Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng kí thỏa thuận thương mại một phần với Mỹ, trong đó có thể bao gồm các giao dịch mua hàng hóa Mỹ với khối lượng lớn.

Tuy nhiên, người này cũng nói thêm thỏa thuận này thành hay bại là phụ thuộc vào việc Tổng thống Donald Trump có tạm dừng áp thuế quan hay không.

Thể hiện tiến bộ trong đàm phán với một hiệp ước tiền tệ và các vấn đề khác trong tuần này có thể là lí do để trì hoãn kế hoạch tăng thuế vào tuần tới. Bloomberg News tháng trước từng đưa tin Nhà Trắng đang thảo luận về một thỏa thuận tạm thời.

Tuy nhiên, cũng trong tuần này, ông Trump cho biết ông ưu tiên một thỏa thuận thương mại hoàn thiện với Trung Quốc hơn.

"Tôi muốn kí một thỏa thuận lớn. Chúng ta đã đi xa đến nhường này rồi. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải xem xét chuyện gì sắp xảy ra. Tôi ưu tiên một thỏa thuận lớn. Và tôi cho rằng đó là mục đích của nước Mỹ", ông Trump tuyên bố.

Phát ngôn viên Nhà Trắng, phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ và Bộ Thương mại Trung Quốc đều chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Đây là hiệp ước "mạnh nhất từ trước đến nay"

Theo Bloomberg, không có thông tin chi tiết nào được công khai về hiệp ước tiền tệ Mỹ - Trung kí kết hồi tháng 2. Chỉ biết rằng vào thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin gọi đây là hiệp ước "mạnh nhất từ trước đến nay".

Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước đổ vỡ hồi tháng 5 sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc hủy bỏ cam kết của mình. Đến tháng 8, chính phủ Mỹ chính thức tuyên bố Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ.

Theo những nguồn tin thân cận, thỏa thuận tiền tệ Mỹ - Trung có nhiều điểm tương đồng với thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Mexico, Canada, đồng thời cũng bao gồm những cam kết về tính minh bạch giống như trong đồng thuận của nhóm G20.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bloomberg-washington-can-nhac-dua-hiep-uoc-tien-te-vao-thoa-thuan-thuong-mai-mot-phan-voi-bac-kinh-20191010113135353.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/