Bloomberg: Nga đang cố tạo bất ổn xã hội tại châu Âu

Việc châu Âu áp các lệnh trừng phạt trừng phạt lên Nga và Moscow đáp trả bằng cách cắt giảm cung khí đốt đang đẩy người dân châu Âu vào tình cảnh khó khăn, có nguy cơ làm bùng lên bất ổn xã hội.

Theo Bloomberg, những cảnh báo về suy thoái tại châu Âu trong mùa đông năm nay ngày càng nhiều, đồng EUR đang trượt giá và thị trường năng lượng đã rơi vào khủng hoảng. Thế nhưng, các chính phủ châu Âu vẫn đang phản ứng rất chậm chạp.

Tác giả Maria Tadeo cho rằng Brussels nên chú ý vào mục tiêu của Moscow: tạo ra bất ổn xã hội.

Biểu ngữ yêu cầu hạ hóa đơn năng lượng trong cuộc biểu tình hồi đầu tháng 8 tại Anh. (Ảnh: Vuk Valcic/ZUMA Press Wire).

Tuần trước, trong một bài viết trên Telegram, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã hối thúc người dân châu Âu biểu tình phản đối những hành động “ngu ngốc” của chính phủ (ví dụ như các lệnh cấm vận) và trừng trị các chính trị gia bằng lá phiếu của mình.

Ông cho rằng người dân châu Âu muốn quan hệ thân thiết với Nga, nhưng bị đánh lạc hướng bằng những quan điểm chính trị ngớ ngẩn. Trong khi đó, Nga muốn hợp tác với người dân châu Âu. “Đừng im lặng”, ông viết. 

Ông Medvedev cho biết Nga vẫn đang cảm thấy ấm áp, ám chỉ rằng châu Âu sẽ bước vào mùa đông thiếu năng lượng bởi không có nguồn cung từ Moscow.

Đảo chiều quan điểm chính trị

Bài viết của Cựu Tổng thống Nga có sức lan tỏa lớn tại Italy, thậm chí còn lên trang nhất của hai tờ báo lớn là La RepubblicaCorriere della Sera. Cả hai tờ báo đều cáo buộc ông Medvedev can thiệp vào chiến dịch vận động tranh cử trước thềm cuộc bầu cử vào tháng sau.

Phe cánh tả của Italy cho rằng Nga đã muốn tạo ra căng thẳng xã hội. Trong khi phe cánh hữu, hiện đang dẫn trước và thường bị cáo buộc là mềm mỏng với Điện Kremlin cho rằng cuộc bầu cử sẽ được quyết định bởi người Italy chứ không phải Nga.

Tuy nhiên, ông Matteo Salvini, người đứng đầu của Đảng cực hữu Liên đoàn, cho rằng các biện pháp trừng phạt có liên hệ với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Ông gợi ý rằng các giải pháp ngoại giao và việc từ bỏ quan điểm thù địch đối với Nga của cựu Thủ tướng Mario Draghi là cách để bảo vệ các hộ gia đình Italy.

Biểu tình tại Ireland hôm 18/6 yêu cầu chính phủ kìm hãm lạm phát. Tấm biểu ngữ có nội dung: Đóng băng lạm phát chứ đừng đóng băng cả quốc gia. (Ảnh: Reuters).

Bloomberg nhận định rằng Nga đang muốn đảo ngược quan điểm chính trị về các lệnh trừng phạt bằng cách vũ khí hóa năng lượng. Điện Kremlin tin rằng châu Âu cuối cùng sẽ chịu khuất phục và đang xây dựng một chiến dịch với hai mũi tấn công.

Một mặt, Điện Kremlin đang tạo ra sự không chắc chắn về nguồn cung khí đốt. Moscow không cần phải ngừng hoàn toàn dòng chảy khí đốt để gây ra thiệt hại cho châu Âu.

Điện Kremlin chỉ cần gieo suy nghĩ về một mùa đông không có khí đốt Nga cũng đã đủ gây ra sự tàn phá. Nhiều chỉ báo cho thấy Moscow đang chiến thắng trên thị trường năng lượng.

Trong khi đó, mũi tiến công thứ hai là sự bất ổn xã hội. Bài đăng của ông Medvedev nằm trong chiến dịch này. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã từng nói về cuộc “tự sát kinh tế” của châu Âu và Moscow đang đẩy mạnh chiến dịch truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội.

Châu Âu đã không dành đủ sự chú ý đến những thông điệp thời chiến của Nga. Trên các trang mạng tràn ngập những thông điệp của Điện Kremlin từ việc mở lại đường ống Nord Stream 2 cho đến các biện pháp trừng phạt.

Theo nghiên cứu của Liên minh Bảo vệ Dân chủ, kể từ đầu cuộc xung đột, các nhà ngoại giao Nga và kênh truyền thông nhà nước đã sử dụng Twitter để nói về sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga nhiều hơn cả về chủ nghĩa Tân Phát xít tại Ukraine (một trong những lý do để Nga bắt đầu chiến dịch quân sự).

Theo ông Joseph Bodnar, người tiến hành nghiên cứu trên, mục đích của Moscow là nhằm làm suy yếu các lệnh trừng phạt và giảm sự ủng hộ của công chúng châu Âu với Ukraine. Ông cho rằng sự lặp lại của phong trào “Áo Vàng” của Pháp trên toàn châu Âu sẽ là “viễn cảnh đáng mơ ước với Điện Kremlin”.

Vào tháng 2, Liên minh châu ÂU (EU) đã chống lại chiến dịch truyền thông của Nga bằng cách đóng cửa những trang như RT hay Sputnik. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu chấp nhận sự thật rằng khó có thể chống lại mọi nỗ lực tuyên truyền trên mạng.

Bất ổn xã hội toàn châu Âu

Bất ổn xã hội là một khả năng có thật vào mùa đông này và các chính phủ châu Âu cần phải chuẩn bị sẵn sàng thay vì cố gắng né tránh. Các con số cũng chỉ ra nguy cơ tương tự. Đức ước tính rằng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình sẽ tăng ít nhất từ 500 đến 1.000 EUR vào mùa đông này.

Cơ quan Quản lý Lưới điện Quốc gia của Đức đã khuyên khách hàng nên tiết kiệm tiền để sẵn sàng trả cho những khoản phí bổ sung. Những gia đình thu nhập thấp có thể sẽ buộc phải lựa chọn giữa nhiên liệu hay thực phẩm.

Thủ tướng Olaf Scholz đã đánh giá thấp những rủi ro trên, cho rằng Đức có đủ tiền để chống lại bất cứ đòn năng lượng nào. Tuy nhiên, tình hình tài chính của mỗi quốc gia châu Âu lại một khác.

Lạm phát tháng 7 trên toàn châu Âu tiếp tục tăng so với tháng 6.

Pháp đã quyết định sẽ đặt giá trần đối với điện và chuyển lỗ sang công ty điện lực sắp được quốc hữu hóa hoàn toàn là Électricité de France (EDF).

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phản đối những giải pháp trên diện rộng như của Pháp, thay vào đó kêu gọi những chính sách hỗ trợ nhắm tới những hộ gia đình có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron dường như muốn tránh sự hỗn loạn vào năm 2018 do thuế diesel và hạn chế sức ảnh hưởng của bà Marine Le Pen tới tầng lớp lao động. Có thể nói, Tổng thống Pháp đang dùng tiền để mua sự ổn định xã hội.

IMF dự báo Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary sẽ đối mặt với suy thoái nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt. Bulgaria, một trong những quốc gia đầu tiên bị Gazprom ngừng cung cấp khí đốt vào tháng 4 sau khi từ chối chi trả bằng ruble nay lại tuyên bố sẽ phải tiến hành thương lượng với Nga.

Khí đốt của Nga có thể mang đến sức ảnh hưởng chính trị và xóa bỏ những nỗ lực của EU kể từ đầu cuộc xung đột.

Châu Âu phải đoàn kết

Bloomberg cho rằng như những cuộc khủng hoảng khác đã chứng minh, Liên minh châu Âu vận hành tốt nhất khi các nước cùng nhau phối hợp hành động. Trong khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tập trung chiến đấu với lạm phát, các nhà lãnh đạo châu Âu phải nghĩ tới các giải pháp ổn định chính trị.

EU phải thảo luận về các giải pháp chia sẻ gánh nặng trong ngắn hạn để hạn chế chi phí cho hộ gia đình và kinh phí trong dài hạn nhằm có được sự độc lập về năng lượng.

Cộng hòa Séc, quốc gia đang nắm ghế chủ tịch luân phiên của EU, cho biết sẽ đưa vấn đề này lên bàn đàm phán. 

Nếu châu Âu thất bại trong việc tìm ra giải pháp toàn diện cho những người dân đang đối mặt với gánh nặng về tài chính, thì ảnh hưởng lên cấu trúc xã hội của lục địa già sẽ là khổng lồ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bloomberg-nga-dang-co-tao-bat-on-xa-hoi-tai-chau-au-202282911201712.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/