Áp lực xuất xứ từ CPTPP và EVFTA, dệt may Việt Nam tăng nhu cầu với bông Mỹ chất lượng

Trước áp lực từ các qui định xuất xứ của các Hiệp định thương mại, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chủ động hơn trong khâu đáp ứng nguồn nguyên phụ liệu. Trong đó, bông Mỹ là lựa chọn số 1.

Xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm vượt khó

Đây là nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) khi trao đổi với người viết tại Ngày hội Cotton Day 2019 do Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức ngày 12/7 tại TP HCM.

Cụ thể, theo ông Giang, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt khoảng 19 tỉ USD, tăng 8,5% so với cùng kì năm ngoái.

d57509050cc9e897b1d8

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: Như Huỳnh.

"Trong bối cảnh sức mua toàn cầu giảm, Trung Quốc đã giảm rất sâu vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhưng Việt Nam vẫn tăng thì tôi cho rằng đây là một sự vượt khó của ngành dệt may Việt Nam", Chủ tịch VITAS nhấn mạnh.

Do đó, với mục tiêu toàn ngành năm nay là 40 tỉ USD, ông Vũ Đức Giang cho rằng con số này có thể đạt được và thậm chí là vượt.

"Bởi hầu hết các Hiệp định thương mại đã tạo ra lực hút cho các nhà đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt của ngành. Điều kiện cần và đủ đó là tầm nhìn của chúng ta".

Nhu cầu lớn về nguyên liệu có xuất xứ và chất lượng tăng cao

Cũng theo ông Giang, do thương mại Mỹ - Trung căng thẳng đang gây nhiều khó khăn cho thị trường nguyên - phụ liệu thế giới. Ngành sợi của Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất khi có tới hơn 70%, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu bông từ nước ngoài. Trong đó, thị phần bông Mỹ luôn chiếm trên 50% với giá trị nhập khẩu đạt trên 1 tỉ USD tại Việt Nam.

"Chúng ta có nhiều sự lựa chọn bông như bông Tây Phi, Ấn Độ... nhưng bông Mỹ vẫn là lựa chọn số 1 hiện nay.

Bởi Mỹ là nhà sản xuất bông lớn trên toàn cầu với những cam kết thương mại cao, đặc biệt sản phẩm bông Mỹ sẽ tác động tích cực lại sản phẩm dệt may xuất khẩu của chúng ta vì người Mỹ thích mang hàm lượng cotton cao từ chính nguyên liệu bông của quốc gia này", ông Giang chia sẻ.

Theo đó, nhận định Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất của bông Mỹ, Chủ tịch VITAS cho rằng: "Bộ Nông nghiệp Mỹ nên xem xét và xúc tiến xây dựng tổng kho ngoại quan tại Việt Nam đưa bông Mỹ vào Việt Nam nhiều hơn nữa.

Doanh nghiệp Mỹ sẽ bán nhiều hơn gấp 2-3 lần hiện nay và phía Việt Nam sẽ chủ động được thị trường bông".

aa35fb44fe881ad64399

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại Ngày hội Cotton Day 2019. Ảnh: Như Huỳnh.

Bên cạnh đó, hai nước cần có chiến lược chính sách, phát triển hạ tầng, mô hình quản trị, công nghệ tự động hóa... nhằm tăng cơ hội kết nối chuỗi cung ứng – sản xuất giữa Mỹ và Việt Nam nói riêng, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung".

Đáng chú ý, theo ông Vũ Đức Giang, thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), những nước trước đây chưa nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam như Úc, Canada... đã bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên.

Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang tác động đến tầm nhìn dài hạn của nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam với định hướng phát triển bền vững ngành dệt may.

Tuy nhiên, đây cũng là áp lực không thể giải quyết trong ngắn hạn. Do đó, để giải quyết căn cơ những yêu cầu khắt khe của các hiệp định, doanh nghiệp dệt may Việt Nam buộc phải tìm đến những nguồn nguyên vật liệu chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, Chủ tịch VITAS chia sẻ.

Đổi mới sáng tạo trong chuỗi cung ứng dệt may

Tại Ngày hội Cotton Day 2019, ông Jason Condrey, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất bông Mỹ (ACP) cho hay, ngành sản xuất bông Mỹ hướng đến mục tiêu bông không lẫn tạp chất và tăng cường giải pháp thu hoạch bằng máy 100%.

Do đó, ngành sản xuất bông Mỹ cam kết cao về chất lượng bằng những ý tưởng mới như chương trình đào tạo tích cực sẽ giúp giảm đáng kể các vấn đề về nhựa, hệ thống kiểm soát tại nhà mát cán bông...

Đặc biệt, Mỹ là quốc gia dẫn đầu về trồng bông bền vững, nên không ngừng hỗ trợ nhãn hàng và nhà bán lẻ muốn truy xuất nguồn gốc nguyên liệu trong chuỗi cung ứng để đạt yêu cầu về môi trường, xã hội theo các tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc.

Song song đó, những khuyến khích với khách hàng đạt những mục tiêu về phát triển xã hội, môi trường sinh thái và kinh tế trên toàn chuỗi cung ứng.

Mặt khác, ngành sản xuất bông Mỹ còn chủ động thực hiện những cải tiến quan trọng để nâng cao hiệu quả "giao hàng", gồm kê khai giấy tờ điện tử, nhật ký vận tải điện tử, hình thành những trung tâm rơ moóc...

Cụ thể, mỗi kiện bông COTTON USA có một nhãn cố định giúp truy xuất nguồn gốc của bông cùng với những đặc tính như độ dài xơ, cường lực, màu sắc...

Ông Hank Reichle, Chủ tịch Hiệp hội Bông Mỹ cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, CCI giới thiệu những công nghệ mới nhất về bông và sản phẩm làm từ bông, nhằm tạo cảm hứng đổi mới sáng tạo trong chuỗi cung ứng dệt may, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu dệt may - thời trang Việt Nam phát triển bền vững.

Cũng theo ACP, sau hơn 10 năm hoạt động trong mảng thương mại ở Việt Nam, đã có 28 nhà máy đối tác tin tưởng thương hiệu COTTON USA, với tổng lượng bông Mỹ đăng ký đạt hơn 400.000 tấn/năm.

Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: "Thông qua sự kiện này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cập nhật được những thông tin thương mại toàn cầu, nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với những sản phẩm chưa hàm lượng cotton cao mà giá cạnh tranh.

Đặc biệt, đó là những thông tin về mô hình kinh doanh 4.0, tự động hóa trong ngành sợi là những thông tin rất quan trọng và chiến lược".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ap-luc-xuat-xu-tu-cptpp-va-evfta-det-may-viet-nam-tang-nhu-cau-voi-bong-my-chat-luong-20190713002519905.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/