|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hai 'tay chơi' mới hâm nóng thị trường giao nhận món ăn thủ đô

20:23 | 03/10/2018
Chia sẻ
Thị trường giao nhận đồ ăn Hà Nội trở nên sôi động hơn sau khi những "tân binh" như GrabFood và Lalamove nhập cuộc.
hai tay choi moi ham nong thi truong giao nhan mon an thu do Khẳng định giao món ăn trong trung bình 25 phút, GrabFood 'phủ sóng' thủ đô Hà Nội

Ngày 2/10, dịch vụ giao món ăn GrabFood chính thức hoạt động ở Hà Nội. Một ngày sau, Lalamove, hãng cung cấp dịch vụ giao vận nhanh, tuyên bố gia nhập thị trường giao món ăn ở thủ đô.

Chỉ trong vòng hai ngày đầu tháng 10, những động thái đổ xô vào thị trường thủ đô của các hãng dịch vụ vận chuyển công nghệ khiến thị trường giao đồ ăn “nhộn nhịp” hơn bao giờ hết.

Cục diện thị trường trước tháng 10

Xuất phát sớm với tốc độ “đáng nể”, Now.vn (trước đây là DeliveryNow) là đối thủ “đáng nể” đối với các hãng dịch vụ vận chuyển công nghệ. Nằm trong hệ sinh thái ẩm thực Foody là lợi thế “không phải ai muốn cũng có” của Now.vn.

Với 6 năm tuổi đời, Foody cung cấp các địa chỉ ẩm thực và “cắm rễ” khá sâu vào thói quen tìm kiếm địa chỉ ẩm thực của người Việt. Do hệ thống giao hàng riêng biệt so với các nhà hàng, khách đặt món trên Now thườngphải trả thêm phụ phí theo địa điểm đặt hàng và vị trí của nhà hàng.

Bên cạnh Now, Vietnammm cũng là một tên tuổi “khá lâu đời” tại Việt Nam khá phổ biến, có mặt tại 5 tỉnh thành Việt Nam. Khác với Now, mô hình Vietnammm.com hợp tác với nhà hàng nên khách hàng không mất thêm phụ phí.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có biết đến một số dịch vụ khác như Chonmon.vn hay Lala (gia nhập thị trường vào cuối năm 2017 và sử dụng tài xế Ahamove).

Vậy những dịch vụ đến sau có gì mới?

GrabFood sẽ thay đổi tư duy người dùng, giống như cách mà Grab đã từng?

Báo cáo của Euromonitor cho thấy thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam có giá trị khoảng 33 triệu USD trong năm nay và có thể đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Do thị trường quá nhỏ, nên một số người nghĩ GrabFood ra đời chỉ để hoàn thành mục tiêu siêu ứng dụng mà Grab hướng đến.

Nhưng ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho rằng giá trị thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam hiện nay lớn hơn nhiều so với con số 38 triệu USD.

Giống như cách mà Grab hay Uber từng xuất hiện và thay đổi tư duy người dùng, khai phá thị trường gọi xe công nghệ, ông tin rằng GrabFood sẽ tạo ra kỳ tích tương tự. Ông nhận định thị trường giao đồ ăn sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

hai tay choi moi ham nong thi truong giao nhan mon an thu do
Sau 4 tháng có mặt tại TP HCM, GrabFood tiến quân ra Hà Nội.

Sau hơn 4 năm “chung sống” cùng người Việt, Grab có lợi thế hết sức lớn khi gia nhập thị trường giao món ăn. Công ty sở hữu đội ngũ đối tác khổng lồ - những tài xế thông thạo địa bàn và hiểu tâm lý khách hàng, hiểu cách thức vận hành của một dịch vụ vận chuyển công nghệ.

Grab cũng “thấu hiểu” văn hóa và thói quen người Việt – yếu tố giúp đội quân áo xanh đánh bại “hiện tượng toàn cầu” Uber trong cuộc chiến giành thị phần tại Đông Nam Á.

Đó là những điểm mạnh của "gã khổng lồ" Grab.

Lalamove kỳ vọng "mưa dầm thấm lâu", chinh phục người dùng bằng chất lượng

Ra đời tại Hong Kong từ năm 2013, Lalamove gia nhập Việt Nam vào năm 2018. Công ty cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh hướng đến khách hàng doanh nghiệp và vừa nhỏ (bao gồm hộ kinh doanh gia đình và chủ shop bán hàng online – bán hàng trực tuyến).

Ở Hà Nội, Lalamove cung cấp cả hai dịch vụ giao nhận hàng hóa và giao món ăn.

Tôn chỉ của Lalamove là không chạy đua khuyến mãi, cạnh tranh giá rẻ để đổi lấy tăng trưởng nóng. Không "đốt tiền" vào công cuộc cạnh tranh, Lalamove kỳ vọng "mưa dầm thấm lâu" để chinh phục người dùng bằng chất lượng

Giám đốc điều hành Lalamove Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lợi, khẳng định dịch vụ vận chuyển công nghệ của Lalamove lấy các đối tác tài xế là giá trị cốt lõi.

Ông Lợi cho rằng shipper (giao hàng) công nghệ đã trở thành một "nghề" mới xuất hiện ở Việt Nam. Không cơ quan chủ quản, không có tên trong hệ thống nghề nghiệp mà nhà nước công nhận, chưa có hành lang pháp lý bảo vệ, ông cho rằng shipper hiện nay khi hành nghề gặp nhiều khó khăn và rủi ro.

Mục tiêu của công ty là tạo ra một môi trường làm việc thân thuộc cho shipper, chứ không đơn thuần là mối quan hệ đối tác ít ràng buộc như những hãng cung cấp dịch vụ vận tải công nghệ khác.

Hiện nay Lalamove đang thu mức chiết khấu 20% đối với đối tác tài xế. Tuy nhiên, nếu so sánh với các hãng xe ôm công nghệ/ giao hàng công nghệ khác, mức chiết khấu này chưa thực sự "hấp dẫn".

Ví dụ như "gã khổng lồ" Grab, mức chiết khấu cho tài xế có sự thay đổi theo từng thời kỳ, nhưng cũng xoay quanh con số 20%. Ứng dụng Fastgo áp dụng cách thu chiết khấu theo ngày khá độc nên mức chiết khấu cao nhất chưa đến 7,5%. Go-Viet cũng miễn phí mức chiết khấu cho tài xế trong những tháng đầu tiên.

hai tay choi moi ham nong thi truong giao nhan mon an thu do
Lalamove đến từ Hồng Kong, gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2018.

Bên cạnh đó, phía Lalamove cũng chưa thực sự đưa ra những chính sách nhất quán và cụ thể dành cho tài xế, để tương xứng với yêu cầu về sự chuyên nghiệp của những người làm nghề giao hàng của Lalamove.

Tài xế Lalamove cung cấp dịch vụ khác biệt và họ nhận lợi ích gì? Đó là điều mà Lalamove cần phải cân nhắc lại khi muốn sở hữu một đội làm "nghề" shipper công nghệ với tôn chỉ lấy chất lượng dịch vụ làm trọng tâm.

Một doanh nhân trong lĩnh vực vận chuyển truyền thống cho rằng từ lâu những người vận chuyển thư tín đã được thừa nhận là một nghề. Doanh nghiệp truyền thống thực thi những chính sách cụ thể như đóng bảo hiểm xã hội, để tài xế có lương hưu. Anh cho rằng bằng cách thức đó, giao hàng mới đúng là một nghề thực sự. Còn đối với những mô hình kinh tế chia sẻ, liệu họ làm được việc đó hay không?

Xem thêm

Tuệ An