Vị thế số 1 hạt tiêu Việt Nam tại Hàn Quốc còn giữ được bao lâu?

Trung Quốc hiện là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của hạt tiêu Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc. Giá tiêu nhập khẩu bình quân ba tháng đầu năm nay của Hàn Quốc giảm ở hầu hết thị trường, nhưng tăng duy nhất từ Trung Quốc.

Hạt tiêu Việt Nam chiếm lĩnh hơn một nửa thị phần tại Hàn Quốc

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong quí I đạt 3.429 tấn, trị giá 10,91 triệu USD, tăng 57,5% về lượng và tăng 29,4% về trị giá so với cùng kì năm ngoái.

Vị thế số 1 hạt tiêu Việt Nam tại Hàn Quốc còn giữ được bao lâu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Hàn Quốc với tốc độ nhập khẩu tăng tới 74,9% về lượng và tăng 28% về trị giá.

Thị phần tiêu Việt Nam tại Hàn Quốc đạt 53,3%, tăng 5,3% so với 3 tháng đầu năm 2018. Trung Quốc là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ hai cho Hàn Quốc trong quí I năm nay với lượng nhập khẩu đạt 1.201 tấn, trị giá 3,35 triệu USD, tăng 28,5% về lượng và tăng 34,7% về trị giá so với 3 tháng đầu năm 2018. 

Hiện thị phần hạt tiêu của Trung Quốc tại Hàn Quốc đạt 35% giảm 7,9% so với ba tháng đầu năm 2018. Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ các thị trường khác; trong đó đáng chú ý nhất là hai thị trường IndonesiaBrazil, tốc độ nhập khẩu tăng trưởng lần lượt đến 6.300% và hơn 27.000% về lượng. 

Mặc dù vậy, thị phần hạt tiêu của IndonesiaBrazil trong tổng lượng nhập khẩu Hàn Quốc chiếm tỷ trọng khá thấp 4,3% và 0,7%.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định: "Qua số liệu phân tích trên có thể thấy Trung Quốc hiện là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ngành hạt tiêu Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt, giá tiêu nhập khẩu bình quân ba tháng đầu năm nay của Hàn Quốc giảm ở hầu hết thị trường, nhưng tăng duy nhất từ thị trường Trung Quốc". 

Do đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo ngành hạt tiêu Việt Nam cần khuyến khích nông dân tham gia sâu vào các tổ hợp tác, hợp tác xã cũng như quá trình chế biến sản phẩm tiêu thành phẩm bán ra thị trường. Có như vậy, ngành hạt tiêu mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm.

Đà giảm giá tiêu xuất khẩu vẫn chưa dứt

Theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu tháng 4 của Việt Nam đạt 32.000 tấn, trị giá 80 triệu USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với tháng 3. 

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt tiêu đạt 103.000 tấn, trị giá 270 triệu USD, tăng 18,6% về lượng, nhưng giảm 12,2% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2018. 

Tháng 4 giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt mức 2.500 USD/tấn, giảm 1,4% so với tháng 3. Lũy kế 4 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 2.619 USD/tấn, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-the-so-1-hat-tieu-viet-nam-tai-han-quoc-con-giu-duoc-bao-lau-20190506112707768.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/