Vì sao người nước ngoài tăng mua nhà ở Việt Nam?

So sánh với giá nhà tại các nước lân cận, đơn cử như Hàn Quốc, giá nhà ở tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang ở mức hấp dẫn.

Luật Nhà ở sửa đổi năm 2015 cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam khiến thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam thu hút được một lượng lớn sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

TT BĐS

Xu hướng người nước ngoài vẫn tiếp tục trong năm 2019 ở cả Hà Nội và TP HCM. (Ảnh: VnExpress)

Tờ The Korea Times dẫn báo cáo Korea Wealth Report 2019 của Viện Nghiên cứu tập đoàn tài chính KB cho thấy Việt Nam dẫn đầu các thị trường nước ngoài tiềm năng trong mắt giới nhà giàu Hàn Quốc. Kết quả dựa trên khảo sát trên 400 người giàu Hàn Quốc có tài sản trên 1 tỉ won, tức khoảng 831.000 USD.

Cụ thể, trong số những người có tài sản dưới 5 tỉ won, chiếm 60% người tham gia khảo sát, có đến 59% hứng thú với việc đầu tư vào đất và các tòa nhà ở nước ngoài. Đối với nhóm có tài sản trên 5 tỉ won, tỉ lệ này là 53,9%.

Thị trường BĐS nước ngoài được quan tâm nhất là Việt Nam khi có đến 57,1% người tham gia cho biết muốn đầu tư vào Việt Nam. Tiếp theo sau là Singapore, Trung Quốc và Malaysia với tỉ lệ quan tâm lần lượt là 32,1%, 30,7% và 26,4%.

BĐS

Việt Nam nhận được quan tâm hàng đầu của giới nhà giàu Hàn Quốc về nhu cầu đầu tư bất động sản ở nước ngoài. (Ảnh: The Korea Times)

Ngoài ra, theo tờ The Chosun Ilbo, cá nhân người Hàn Quốc và doanh nghiệp đã chi tới 56,1 triệu USD để mua BĐS Việt Nam. Việt Nam chỉ đứng thứ hai, sau Mỹ, trong danh sách các quốc gia mà cá nhân người Hàn Quốc và doanh nghiệp mua BĐS vào năm 2018 với con số lên tới 440,1 triệu đô la Mỹ, tăng 47% so với năm trước và gấp 3,8 lần so với 5 năm trước.

Mỹ là điểm đến phổ biến nhất cho đầu tư  BĐS với 255,2 triệu USD, ở vị trí thứ hai là Việt Nam đang bùng nổ.

Cũng theo Savills Việt Nam, thời gian qua, khách hàng Hàn Quốc đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với các căn hộ cao cấp tại TP Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính của Việt Nam. Kết quả của sự kiện của phần nào chứng minh được nhu cầu lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc cho các sản phẩm nhà ở tại thị trường Việt Nam.

Sức hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam được giải thích bởi một số yếu tố như giá bán hấp dẫn, tiềm năng lợi nhuận cao, sản phẩm chất lượng cao do sự tham gia của các nhà phát triển có uy tín và Luật Nhà ở được nới lỏng tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Ngoài ra, giá căn hộ tại TP HCM và Hà Nội nhìn chung vẫn thấp hơn so với các các thành phố trung tâm trong khu vực như Kuala Lumpur và Bangkok, mặc dù tốc độ tăng trưởng mạnh hơn nhiều. Giá nhà mới tại khu trung tâm TP Hồ Chí Minh hiện tại trung bình khoảng từ 5.500 đến 6.500 USD/m2, chỉ bằng một phần của mức giá nhà tại Hong Kong.

Mức thuế BĐS tương đối thấp ở Việt Nam dường như ngày càng hấp dẫn người mua cả trong và ngoài nước. Cộng với sự thiếu hụt rõ rệt về nguồn cung của BĐS có vị trí trung tâm, nhiều người mua có thể thấy tiềm năng tăng vốn đáng kể trong dài hạn.

Trong khi đó, lợi nhuận cho thuê hơn 5% cho thấy đây là một khoản đầu tư hấp dẫn so với những thị trường khác trong khu vực.

Tương tự, báo cáo của CBRE cũng chỉ ra, thời gian vừa qua, nguồn cầu về căn hộ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng tại Việt Nam. Đặc biệt, lượng khách Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan chiếm khoảng 85% lượng khách nước ngoài mua nhà ở Việt Nam

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Hà Nội cho biết, xu hướng người nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc mua nhà tại Việt Nam đã xuất hiện trong khoảng 4 – 5 năm qua và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2019 ở cả Hà Nội và TP HCM.

Với Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2019, một số quốc gia khác cũng tăng sự quan tâm mua nhà tại Hà Nội như Đài Loan, Hong Kong, Singapore.

Bà An lí giải, xu hướng tăng mua nhà của khách nước ngoài tại Việt Nam phản ánh tiềm năng của thị trường BĐS trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, so sánh với giá nhà tại các nước lân cận, đơn cử như Hàn Quốc, giá nhà ở tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang ở mức hấp dẫn.

Ví dụ, đơn giá nhà trung bình (cận cao cấp) ở Việt Nam chỉ khoảng 2.000 - 4.000 USD/m2, trong khi đó, mức giá này tại Hàn Quốc có thể lên đến 15.000 - 20.000 USD/m2. Đây cũng là cơ sở để kì vọng trong những năm tới, giá BĐS của Việt Nam có thể tăng lên.

"Có thể mất khá nhiều thời gian để Việt Nam tiếp cận được mức giá này của các nước phát triển. Và mức giá này sẽ tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế và khả năng tăng thu nhập của người dân Việt Nam", bà An nhận định.

Ở Hà Nội khu vực người nước ngoài quan tâm bao gồm để mua cũng như đầu tư để cho thuê là khu vực phía Tây, đặc biệt là quanh khu vực Mỹ Đình và Hồ Tây. Khoảng 70% dự án cao cấp mở bán trong giai đoạn 2018 - 2019 ở khu vực phía Tây đã hết "room" bán cho người nước ngoài.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc phát triển mảng BĐS cho người nước ngoài cũng bao gồm những yếu tố khó khăn và thuận lợi. Trong đó, một trong những yếu tố thuận lợi là hiện đang có nhiều người nước ngoài thích thị trường BĐS Việt Nam và đánh giá thị trường BĐS Việt Nam có nhiều tiềm năng.

Trong khi đó, để phục vụ và đáp ứng được yêu cầu của người nước ngoài đòi hỏi phải giải quyết nhiều yếu tố như khả năng ngoại ngữ của người bán hàng, sản phẩm nào phù hợp với thị hiếu của người nước ngoài, công tác quản lí nhà cho người nước ngoài khi họ không ở Việt Nam,…

Báo cáo mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng kí cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 26,16 tỉ USD, tăng 3,1% so với cùng kì năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 14,22 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kì năm 2018.

Trong số 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, thì Hàn Quốc đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 4,62 tỉ USD, chiếm hơn 17% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Một báo cáo công bố trước đây của CBRE Việt Nam cho biết trong 9 tháng năm 2018, lượng người Trung Quốc mua căn hộ tại TPHCM thông qua đơn vị này đã vươn lên vị trí số 1, với 31% tổng lượng giao dịch. So với các năm trước, đây là một bước nhảy vọt của nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường căn hộ Việt Nam.

Không chỉ có Trung Quốc, khách mua đến từ Hàn Quốc cũng tăng mạnh (năm 2016 - 2017 chỉ chiếm lần lượt là 6-8% tổng số giao dịch qua CBRE).

Trong số 5 nhóm khách hàng mua căn hộ tại TPHCM qua đơn vị này, CBRE thống kê bên cạnh người Trung Quốc chiếm tỉ lệ lớn nhất với 31% tổng số giao dịch, tiếp đến là người Việt (24%), Hàn Quốc (19%), Hong Kong (10%) và Mỹ (3%).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-nguoi-nuoc-ngoai-tang-mua-nha-o-viet-nam-20191015155527496.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/