Vì sao chứng khoán Mỹ đi lên cùng với số ca nhiễm COVID-19?

Thế giới ngày càng tiến gần hơn đến ngày phát triển thành công vắc xin ngừa COVID-19. Tin tức tích cực về vắc xin là động lực lớn cho giá chứng khoán trong tuần vừa qua.

Vì sao chứng khoán Mỹ đi lên cùng với số ca nhiễm COVID-19? - Ảnh 1.

Chữ trên biển: "Xin hãy tin những ngày này rồi cũng sẽ qua". Có vẻ nhà đầu tư cũng có niềm tin này. Ảnh: Getty Images

Chỉ số Nasdaq Composite lập đỉnh lịch sử vào ngày 2/7, còn chỉ số S&P 500 đi lên suốt 4 phiên liên tiếp. Hai chỉ số chính này trong cả tuần đều đóng cửa trong sắc xanh, bất chấp COVID-19 lan rộng buộc nhiều bang của Mỹ phải ngừng kế hoạch mở cửa nền kinh tế.

Bất cứ ai muốn tìm kiếm mối liên hệ giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế có thể chỉ ra rằng cổ phiếu du lịch và các ngành liên quan đã đi xuống kể từ khi số ca nhiễm COVID-19 tại Arizona, Florida và Texas tăng trở lại từ đầu tháng 6.

Nhưng trên thực tế, thị trường chứng khoán ngày 1/7 đi lên đáng kể sau khi có thông tin tích cực về vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer và BioNTech. Bên cạnh đó, cuộc thử nghiệm giai đoạn ba cho các vắc xin khác bắt đầu trong tháng 7 cho thấy mối liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa dữ liệu kinh tế thời gian thực và viễn cảnh màu hồng mà thị trường chứng khoán phản ánh vào giá.

Đến hiện tại, nhiều người cho rằng diễn biến thị trường chứng khoán chủ yếu theo sau tình hình của đại dịch và động lực của nền kinh tế, bất chấp thị trường đang được định giá theo môi trường kinh tế mạnh mẽ hơn nhiều thực trạng nước Mỹ hiện nay.

Chứng khoán Mỹ sụp đổ trong giai đoạn từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3 trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng nhận thức rõ về sự lan truyền của virus SARS-CoV-2 và các bang lần lượt ban hành lệnh phong tỏa. Chứng khoán chạm đáy vào ngày 23/3 trong một tuần mà số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng kỉ lục.

Theo Bloomberg, khoảng thời gian từ tháng 4 đến đầu tháng 6 là giai đoạn tốt đẹp của sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường chứng khoán và tình hình dịch bệnh. Đường trung bình trượt 7 ngày của số ca nhiễm mới lên đến đỉnh vào ngày 10/4, trùng với lúc lưu lượng hành khách hàng không và khách sạn rơi xuống đáy.

Thị trường chứng khoán đi lên mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm, số ca nhiễm mới đi xuống dù năng lực xét nghiệm đi lên.

Nhưng kể từ đầu tháng 6 tình hình lại thụt lùi. 

Vì sao chứng khoán Mỹ đi lên cùng với số ca nhiễm COVID-19? - Ảnh 2.

Số ca nhiễm COVID-19 mới tại một số bang miền Nam tăng kỉ lục sau khi bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Vài thống đốc phải ra lệnh quán bar và nhà hàng đóng cửa trở lại, một số bang bắt buộc du khách đến từ các điểm nóng phải cách li. Chỉ số Hàng không (Airline Index) lao dốc 25% kể từ đỉnh vào ngày 8/6 và có những dấu hiệu cho thấy chi tiêu thẻ tín dụng đang chậm lại.

Kể từ lần đầu tiên sau tháng 3, Mỹ có thể phải chứng kiến diễn biến cuộc khủng hoảng y tế ngày càng nghiêm trọng và dữ liệu kinh tế xấu đi trong tháng 7. Đồng thời, mốc thời gian cho vắc xin và phương pháp điều trị COVID-19 đang đến gần. Hãng dược Moderna dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba cho vắc xin COVID-19 vào tháng 7.

Các vắc xin tiềm năng khác cũng sắp bắt kịp tiến độ này. Nghiên cứu cho thấy vắc xin do hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech phát triển tạo ra kháng thể COVID-19 rất khả quan.

Hôm 1/7, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci lặp lại trước Quốc hội rằng vắc xin ngừa COVID-19 có thể được phổ biến rộng rãi vào đầu năm 2021. Cũng trong ngày này, Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) công bố hướng dẫn phê chuẩn vắc xin.

Dù không có gì đảm bảo chắc chắn, nhưng có khả năng các chuyên gia y tế sẽ sớm rút ngắn dự đoán về thời gian cần thiết để phát triển và phân phối vắc xin từ 12-18 tháng xuống còn 6 tháng.

Trong một hoặc hai tháng tới, nước Mỹ có thể sẽ phải vật lộn trong những thông tin tích cực và tiêu cực lẫn lộn. Diễn biến đại dịch COVID-19 có thể xấu đi, nhưng đồng thời mốc thời gian và mức độ công hiệu của vắc xin sẽ sáng tỏ hơn trước.

Có khả năng thị trường sẽ lặp lại kịch bản vào tháng 3, bị trói chặt trong nỗi sợ hãi và sự bất ổn về tổn thất đại dịch gây ra tới hoạt động kinh tế, việc làm và lợi nhuận doanh nghiệp.

Ngược lại, nhà đầu tư có thể sẽ tự tin hơn về ánh sáng cuối đường hầm, bỏ qua những số liệu tiêu cực trong ngắn hạn, tập trung vào thời điểm khi đại dịch đã kết thúc và sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm 2021.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-chung-khoan-my-di-len-cung-voi-so-ca-nhiem-covid-19-2020070411535358.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/